Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời -- Chúa Nhật thứ XXI Mùa Thường niên, Năm A

Đoạn Kinh Thánh tử Cựu ước trong bài đọc hôm này kể về việc ông En-gia-kim được trao chìa khóa Nhà Đavít. Đoạn này được chọn vì rõ ràng nó báo trước một đoạn nổi tiếng hơn, đó là đoạn trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu gọi Simon là “Phêrô”, nghĩa là “đá, ” và nói rằng Ngài sẽ xây Giáo hội của Ngài trên tảng đá này. Cùng một công thức từ ngữ về trao thẩm quyền mà Thiên Chúa thiết lập được dùng trong cả đoạn văn của Chúa Giêsu nói với Phêrô, cũng như đoạn Cựu Ước, trong đó Chúa ủy quyền cho En-gia-kim thay vì Shebna làm thượng tế. Đó là quyền trói buộc và tháo cởi, để “khi nó mở thì không ai được đóng; khi nó đóng thì không ai mở được.” Trong đoạn sách Isaia, En-gia-kim sẽ được Chúa làm cho “vững chắc như đinh đóng cột”. Còn Chúa Giêsu nói Phêrô là “tảng đá” và cũng có cùng ý nghĩa là chắc chắn và bất di bất dịch. Hình ảnh Chúa Giêsu dùng thậm chí còn mạnh mẽ hơn, và lời hứa của Người cũng mạnh mẽ hơn, vì Người nói thêm rằng “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

… Chúa Giêsu hứa rằng ngay cả hỏa ngục cũng không thắng được Giáo Hội của Người. Và địa ngục đã không ngừng cố gắng trong mọi thế kỷ. Giáo hội Công giáo luôn là kẻ thù công khai số một của mọi tên bạo chúa độc ác, từ Caesar đến Hitler, và tất cả các cuộc cách mạng vô thần, từ Cách mạng Pháp dưới thời Robespierre đến Cách mạng Nga dưới thời Lê-nin đến Cách mạng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Giáo Hội tưởng chừng như đang chết dần nhưng Giáo Hội luôn sống lại lần nữa. Nếu thế giới tồn tại thêm một vạn năm nữa, hay thậm chí một triệu năm nữa, chúng ta chỉ có thể chắc chắn hai điều sẽ tồn tại cùng với nó: dân tộc Israel và Giáo hội Công giáo. Thiên Chúa đã long trọng thiết lập hai giao ước: với dân Israel và với Giáo hội. Và Thiên Chúa không bao giờ bội ước với những lời hứa của Ngài.

… Cũng hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không gọi Phêrô là “ông chủ” hay “người chỉ huy” hay thậm chí là “người cai trị” Giáo hội của Người, mà là “tảng đá”. Một tảng đá ổn định và đáng tin cậy, không độc tài. Nó cần phải là “bảo thủ”. Nó không lay chuyển. Giáo hội luôn “bị mắc kẹt trong vũng bùn” bởi vì vũng bùn mà Giáo hội đã may mắn bị dính chặt vào chính là Chúa Kitô. Nhưng Giáo hội cũng luôn sống động, tăng trưởng và tiến bộ và vì thế, “tiền tiến”. Là một tổ chức nhưng vượt qua hết mọi thể loại chính trị. Chúa Giêsu nói: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt. 13:52). Giáo Hội đang sống động và phát triển dần dần, từ bên trong, giống như một sinh vật, chứ không phải đột ngột và từ bên ngoài, như một tòa nhà hay một cỗ máy.
… Cuối cùng, ở dòng cuối cùng trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng nói cho ai biết Người là Đấng Messia. Tại sao? Thánh Gioan nói với chúng ta trong Tin Mừng của ngài: “nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15). Hầu hết người Do Thái mong đợi Đấng Mêsia tay nắm giữ quyền lực chính trị và cai trị trần thế, với tư cách là Vua Đa-vít mới, và giải phóng Israel khỏi chế độ độc tài, hung hãn của La Mã, một chính quyền cướp đoạt tài sản của dân Do thái và nền độc lập của họ. Nhưng sự giải thoát Chúa Giêsu đem đến là giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược thiêng liêng của kẻ thù thực sự, tội lỗi của chúng ta, đang cướp đi linh hồn và sự cứu rỗi của mình. Chúa Giêsu lánh mặt khỏi những người chạy đến với Ngài vì những lý do sai trái. Ngài không tranh cử; Ngài tránh khỏi những nhiệm sở. Ngài có việc làm cao cả hơn và một vương quốc quý giá hơn để thiết lập. Chúa Giêsu không tranh cử tổng thống /thủ tướng. --Trích từ Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections for Mass Readings - Cycle A

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive