Để có thể bền bỉ trong đời sống cầu nguyện, cách hiển nhiên là ngay từ đầu, chúng ta cần tránh lao mình vào một con đường sai lạc. Vì thế, cần phải xác định những gì là đặc thù của hành vi cầu nguyện Kitô giáo - những gì làm cho nó khác biệt với những hoạt động tâm linh khác. Điều này hết sức quan trọng vì chúng ta có thể phản ứng chống lại một nền văn hoá duy vật chung quanh bằng cách phát triển một loại hình khát khao cái tuyệt đối, khát khao thần nghiệm và ước ao kết hiệp với một thần minh không trông thấy nào đó. Điều đó tự nó là tốt nhưng lại có thể dễ dàng dẫn người ta đến những trải nghiệm sai lạc và thậm chí, phương hại.
Trước hết, không có nền tảng chân lý, chúng ta không thể tiến xa, đó là cuộc sống kết hiệp với Chúa (hay cuộc sống chiêm niệm, cũng một điều nhưng tên gọi khác nhau) không là kết quả của một kỹ năng, nhưng là một quà tặng được lãnh nhận. Thánh Jane Frances de Chantal từng nói, “Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là không có phương pháp nào cả, bởi cầu nguyện không đạt được bởi sự khéo léo” - bằng kỹ năng, như chúng ta thường nói thời nay - “nhưng bằng ân sủng”. Không có “phương pháp” cầu nguyện nào, theo nghĩa gồm một loạt những chỉ dẫn hay tiến trình để rồi mỗi người chỉ việc áp dụng hầu cầu nguyện cho tốt. Dẫu cuộc sống chiêm niệm là một quà tặng Thiên Chúa ban nhưng không, chúng ta vẫn phải biết phương thức lãnh nhận nó.
Điều này cần được nhấn mạnh vì một số lý do. Trước hết, dĩ nhiên những phương pháp suy niệm Đông Phương như yoga, Thiền… đang được biết đến rộng rãi trong thế giới hôm nay; hơn thế nữa, não trạng hiện đại những muốn giảm thiểu mọi thứ thành kỹ thuật. Lý do thứ ba, đầu óc con người luôn bị cám dỗ tìm cách cải biến cuộc sống, kể cả đời sống thiêng liêng thành một cái gì đó vốn có thể được điều khiển theo ý mình. Vì tất cả những lý do này mà chúng ta, dù ý thức hay không ý thức, đều quan niệm một cách sai lầm rằng, chiêm niệm là một loại hình yoga Kitô giáo. Chúng ta tưởng tượng đến tiến trình tập trung, hồi tưởng… kết hợp với những phương thức hít thở phù hợp, những tư thế được chỉ bày, lặp lại một số công thức nào đó… sẽ giúp chúng ta tiến triển trong việc kết hiệp. Một khi hoàn toàn tự chủ qua việc luyện tập, chúng ta tưởng rằng những điều này sẽ giúp mỗi người đạt tới một trạng thái ý thức cao hơn. Nhưng quan điểm này đã tạo nên một hình ảnh lệch lạc về việc kết hiệp với Chúa và cuộc sống thần nghiệm trong Kitô giáo.
Thật sai lầm vì nó dẫn chúng ta đến chỗ bám víu vào những phương pháp hoàn toàn lệ thuộc vào những nỗ lực nhân loại, đang khi trên thực tế, Kitô giáo cho thấy, mọi sự đều là ân sủng, một quà tặng nhưng không đến từ Thiên Chúa. Đúng là có thể có một sự tương đồng nào đó giữa những tu sĩ khổ hạnh hay “những người thánh” của Đông Phương và các nhà chiêm niệm Kitô giáo, nhưng sự tương đồng chỉ dừng lại ở bề ngoài mà thôi. Ở tận bên trong, họ thuộc về những lãnh địa rất khác nhau, thậm chí không thể so sánh.
Khác biệt căn bản đã được chỉ ra. Một đàng, khác biệt cốt tại kỹ năng, một hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào con người và khả năng của họ. Điều này thật khác biệt cả khi những hệ thống như thế tuyên bố có thể khơi dậy những khả năng đặc biệt mà những người thông thường chưa biết sử dụng, đang khi những cái gọi là “kỹ thuật suy niệm” lại được đề nghị để khai mở và phát triển. Đàng khác, ngược lại, vấn đề nằm ở chỗ chính Thiên Chúa thông ban chính mình cách nhưng không cho một ai đó. Ngay cả, như chúng ta sẽ thấy, nếu có chỗ cho sáng kiến và hoạt động nào đó về phía con người, thì toàn bộ cơ ngơi của đời sống cầu nguyện vẫn được xây dựng trên sáng kiến và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự hiểu biết này, vì một trong những cám dỗ dai dẳng và đôi lúc rất tinh tế của đời sống thiêng liêng là cậy dựa vào những nỗ lực của bản thân chứ không phải vào lòng nhân từ được trao ban cách nhưng không của Thiên Chúa.
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với những gì vừa được nói đến. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số hậu quả đó.
--Trích từ Dành Giờ Cho Chúa của Cha Jacques Philippe
0 nhận xét:
Đăng nhận xét