Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

1. Không có Thầy, các con không thể làm gì được

Để hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển đời sống Kitô hữu, hầu đạt được và giữ lấy bình an trong tâm hồn, tiên vàn phải xác tín rằng, mọi điều thiện hảo chúng ta có thể thực hiện đều phát xuất từ Thiên Chúa và chỉ phát xuất từ một mình Người. Chúa Giêsu đã nói, “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15, 5). Ngài không nói, “Các con không thể làm gì nhiều”, nhưng là “Các con không thể làm gì được”. Chúng ta phải tin vào chân lý này. Chúng ta thường phải trải nghiệm những thất bại, thử thách và sỉ nhục mà Thiên Chúa cho phép xảy ra trước khi chân lý này tự nó tác động trên chúng ta, không chỉ trên bình diện tri thức mà còn là một trải nghiệm của toàn bộ hữu thể của mình. Nếu muốn, Thiên Chúa có thể miễn cho chúng ta khỏi những thử thách đó; thế nhưng, chúng cần thiết để chúng ta tin rằng, chúng ta hoàn toàn không thể tự sức làm điều thiện. Theo chứng từ của tất cả các thánh, chúng ta nhất thiết phải lĩnh hội tri thức này. Thực vậy, đây là khúc dạo đầu cần thiết cho tất cả những việc trọng đại mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi chúng ta bằng quyền năng ân sủng của Người. Đó là lý do tại sao thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bông Hoa Nhỏ, đã thổ lộ rằng, điều kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã có thể thực hiện nơi tâm hồn chị là “cho chị thấy sự nhỏ bé và bất lực của mình”.

Nếu xem xét kỹ lưỡng đoạn Tin Mừng thánh Gioan trên đây, chúng ta sẽ hiểu, vấn đề cốt lõi của đời sống thiêng liêng là: Bằng cách nào, tôi có thể để Chúa Giêsu hành động trong tôi? Bằng cách nào tôi có thể để cho ơn Chúa tự do hoạt động trong đời tôi?

 Đó là đích nhắm của chúng ta, không phải cốt để áp đặt nhiều thứ xem ra tốt lành cho bản thân theo sự khôn ngoan riêng của mình hay theo như kế hoạch đã vạch định… Trái lại, hãy cố gắng khám phá thiên hướng của linh hồn, thái độ nội tâm sâu xa và hiện trạng thiêng liêng vốn cho phép Thiên Chúa hành động nơi chúng ta. Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể sinh hoa kết trái - những “hoa trái tồn tại” (Ga 15, 16).

Không có chìa khoá vạn năng hay câu trả lời xác đáng nào cho câu hỏi “Chúng ta phải làm gì để ân sủng Thiên Chúa có thể tự do hoạt động trong cuộc đời mình?”. Để trả lời trọn vẹn câu hỏi này, cần phải viết một linh đạo hoàn chỉnh về đời sống Kitô hữu, trong đó chúng ta nói đến việc cầu nguyện (chủ yếu là suy niệm, rất căn bản trong lãnh vực này), các bí tích, việc thanh tẩy tâm hồn, sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần… cùng hết thảy những phương cách mà qua đó, ân sủng Thiên Chúa có thể thẩm thấu sâu xa hơn vào đời sống chúng ta.

Trong tác phẩm nhỏ bé này, chúng ta không mong sẽ bàn đến tất cả những chủ đề ấy. Tôi chỉ muốn lưu tâm đến một yếu tố trong câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra trên đây. Tôi chọn nói về chủ đề này vì nó tối cần thiết. Hơn thế nữa, chủ đề này thường ít được các Kitô hữu biết đến cũng như suy xét trong đời sống thường ngày, kể cả những người có đức tin mạnh.

Chân lý căn bản tôi muốn trình bày và triển khai như sau: Để ơn Chúa hoạt động và trổ sinh trong chúng ta - dĩ nhiên với sự cộng tác bởi ý chí, trí năng và khả năng của chúng ta - tất cả những công việc tốt lành màThiên Chúa đã chuẩn bị từ trước cho chúng ta “để sống mà thực hiện những công trình tốt đẹp” đó(Ep 2, 10), thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải ra sức dành cho được cũng như giữ cho được một sự bình an bên trong, bình an tận bên trong tâm hồn.

 Để hiểu được điều này, chúng ta có thể sử dụng một hình ảnh (không phóng đại, như chúng ta thường tránh khi so sánh) để minh hoạ. Hãy quan sát mặt hồ mà ánh mặt trời đang chiếu rọi. Nếu mặt hồ êm ả, tĩnh lặng, mặt trời sẽ được phản chiếu trong đó; mặt hồ càng tĩnh lặng, mặt trời được phản chiếu càng trọn vẹn. Ngược lại, nếu mặt hồ bị khuấy động, dập dờn thì hình ảnh mặt trời không thể được phản chiếu trong đó.

Hình ảnh này cũng tựa hồ tâm hồn chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Tâm hồn càng tĩnh lặng, bình an, hình ảnh của Thiên Chúa càng được phản chiếu rõ nét trong đó và ân sủng Người càng hoạt động ngang qua chúng ta. Ngược lại, nếu tâm hồn chúng ta xao xuyến bất an, ân sủng của Thiên Chúa sẽ hoạt động khó khăn hơn nhiều. Tất cả những gì thiện hảo chúng ta có thể thực hiện là phản ảnh Sự Thiện Thiết Yếu đó, chính là Thiên Chúa. Tâm hồn chúng ta càng lặng lẽ, quân bình và phó thác, Sự Thiện càng tự thông ban cho chúng ta và cho người khác ngang qua chúng ta. Có lời Thánh Kinh dạy rằng, “Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an” (Tv 29, 11).

Chúa là Thiên Chúa của bình an. Người không lên tiếng cũng không hành động trong rối bời và lo lắng, nhưng trong bình an. Hãy nhớ lại trải nghiệm của ngôn sứ Êlia trên núi Hôrép: Thiên Chúa không ở trong cơn lốc, cũng không ở trong cơn động đất hay lửa cháy, nhưng Người ở trong “tiếng gió hiu hiu” (x. 1 V 19).

Thông thường, chúng ta chuốc lấy sự bồn chồn và xáo động khi cố tự sức giải quyết mọi việc mà lẽ ra sẽ hiệu năng hơn khi chúng ta ở lại trong bình an trước cái nhìn của Thiên Chúa, đồng thời để cho Người hành động và thực hiện trong chúng ta với sự khôn ngoan và quyền năng của Người trổi vượt vô vàn sức lực của chúng ta, Vì Chúa Thượng là Đức Chúa, là Đức Thánh của Israel phán thế này: Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát, giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh; thế nhưng, các ngươi đã không muốn!” (Is 30, 15).

Những gì chúng ta đang nói, nếu hiểu cho thật đúng, không là một lời mời gọi biếng nhác hay ù lì, nhưng là một lời cổ võ hành động, thậm chí phải hành động quyết liệt dưới sự thôi thúc của Thánh Thần, một Thần Khí dịu dàng và bình an, chứ không phải một Thần Khí bất an, sợ hãi hay quá vội vã mà chúng ta rất thường mắc phải. Sự nhiệt thành của chúng ta, ngay cả cho Thiên Chúa, thường bị tô vẽ cách lệch lạc. Thánh Vincent Phaolô, người cuối cùng mà bất kỳ ai cũng có thể nghi ngờ là lười biếng, đã từng nói, “Sự thiện Thiên Chúa thực hiện thì được thực hiện bởi chính Người mà chúng ta hầu như không hay biết. Chúng ta cần bị động hơn là chủ động”.
– Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Sự Bình An của Cha Jacques Philippe

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive