Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Cầu nguyện và đức cậy

Cầu nguyện là một hành vi cậy trông: nó có nghĩa là nhận ra rằng, chúng ta cần Thiên Chúa, chúng ta không thể tự xoay xở khi đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống, chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa hơn mọi nguồn lực và tài năng riêng mình, tín thác vào Người, Đấng cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần. Trong cầu nguyện, đức cậy được diễn đạt, và do đó, được đào sâu và củng cố. Một cách thiết thực, dòng suy tư này dẫn chúng ta đến sự khiêm tốn và nghèo khó thiêng liêng vốn không thể tách rời khỏi đức cậy.

Về căn bản, hành vi cậy trông bao gồm thái độ sau đây: “Tôi nhận ra mình nhỏ bé và nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa, nhưng tôi tin tưởng trông đợi mọi sự từ Người. Vì thế, sự nghèo khó của tôi không còn là vấn đề nhưng là một vận may”.

Đời sống cầu nguyện một cách cần thiết dẫn chúng ta đến chỗ trải nghiệm sự nghèo khó của mình. Đôi lúc điều này rất đau đớn, nhưng chúng ta không nên sợ bởi rốt cuộc, trải nghiệm này sinh ích vô cùng.

Hãy bắt đầu từ cuộc sống riêng của mình. Nửa giờ hay một giờ dành cho việc cầu nguyện lặng lẽ riêng tư trong một góc phòng hay trong nhà thờ, đôi lúc là thời gian tuyệt vời và ngọt ngào vô cùng. Chúng ta cảm nếm hạnh phúc, niềm vui và bình an quý giá hơn bất kỳ điều gì mà thế gian có thể ban tặng.

Thế nhưng, mọi sự không luôn luôn như thế. Thời gian cầu nguyện này có thể khó khăn. Đôi khi lủi thủi một mình trong lặng lẽ sau khi bước ra khỏi những bận rộn quen thuộc của mình, chúng ta thấy mình đối diện với mọi thứ trục trặc trong đời sống. Những khiếm khuyết, vấp ngã, sai lầm, khó khăn...chúng ta gặp phải khi hồi tưởng, hối tiếc quá khứ hoặc những lo toan về tương lai .v.v... - danh sách có thể rất dài - tất cả được phơi bày ra đó. Thay vì cảm nhận thời gian cầu nguyện như một điều gì đó tích cực, chúng ta lại coi đó như là thời khắc đau đớn khi phải đối diện với những gì xem ra tiêu cực trong đời mình. Điều đó có thể dẫn đến nản chí, dẫn đến cám dỗ bỏ cầu nguyện và hướng về những bận bịu vui thú hoặc những trò tiêu khiển đáng thưởng thức hơn. Quả vậy, nhiều người bỏ cầu nguyện, lẩn tránh cô tịch và thinh lặng bởi sợ phải đứng trước một cuộc đối diện với chính mình mà cầu nguyện buộc họ phải trải qua.

Đừng hoảng sợ trước trải nghiệm này, một trải nghiệm thông thường và thậm chí tuyệt đối cần thiết cho bạn. Ngày kia, Đức Giêsu bảo Thánh Louis, Vua nước Pháp rằng, “Con muốn cầu nguyện như một vị thánh, nhưng ta lại mời con cầu nguyện như một gã nghèo!”.

Cầu nguyện dẫn chúng ta đến chỗ đối mặt với những gì chúng ta thật sự là. Mỗi một người đều có những khoảng tối riêng, một phần làm nên chính họ vốn đôi lúc nặng nề và là căn nguyên của sự xấu hổ, tội lỗi và đau khổ: đó là những giới hạn của con người, những căn bệnh tâm lý, những vết thương lòng, những lãnh vực đồng loã với sự dữ, sự bất lực, sa ngã đủ loại .v.v...Cầu nguyện dẫn chúng ta ngày càng sâu hơn vào ánh sáng của Thiên Chúa và như tia nắng mặt trời dọi vào một phòng tối và phơi bày những vết bụi nhỏ nhất bay lơ lửng trong không khí, vết bẩn của những bất toàn và tội lỗi của chúng ta.

Dĩ nhiên không chỉ cầu nguyện mới làm cho chúng ta trải nghiệm sự nghèo túng của mình; toàn bộ đời sống và những hoàn cảnh khó khăn của nó cũng kéo theo việc cảm nghiệm những giới hạn, yếu đuối, thương tích và tội lỗi. Thế nhưng, cầu nguyện giúp chúng ta ý thức cao độ hơn về tất cả những điều đó và buộc mỗi người đối mặt với nó mà không có bất cứ một lối thoát khả thể nào.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trên hết, đừng sợ, “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Ơn cứu độ cốt tại ở một thái độ kép: khiêm tốn và cậy trông. Chúng ta hãy bằng lòng hoàn toàn với những gì mình là, chấp nhận sự phơi bày trần trụi những giới hạn và lầm lỗi của mình, đồng thời, tận dụng toàn bộ những điều đó bằng việc học cách không đặt mọi tín thác và hy vọng của chúng ta nơi các phẩm chất và việc làm của mình, ngoại trừ nơi chỉ một mình Thiên Chúa.

“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11). Với những lời này, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận biết và chấp nhận hoàn toàn lỗi lầm của mình, dù nó thâm căn cố đế và phiền toái đến đâu, cùng lúc, lao vào cánh tay của Thiên Chúa với niềm tín thác dẫu cho mù quáng vào lòng xót thương và quyền năng của Người. Chúng ta cần chấp nhận chính mình như kẻ nghèo thâm căn cố đế và biến sự nghèo khó đó thành tiếng van nài mong mỏi với niềm cậy trông bất khuất. Rồi Thiên Chúa sẽ đến giúp chúng ta.

Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn(Tv 34, 6).

“Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 22, 24).

Lời cầu khẩn duy nhất mà Thiên Chúa nghe là lời cầu khẩn của kẻ cùng khốn. Đó không phải là lời cầu của người Pharisiêu vốn bằng lòng với chính mình và những việc lành mình làm khi ông cảm tạ Chúa vì mình tốt hơn người khác, nhưng là lời cầu của người thu thuế đứng xa xa, đấm ngực, thưa rằng, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi!” (Lc 18, 13). Lời cầu xuyên thủng tầng trời, chạm đến cõi lòng Thiên Chúa, lôi xuống ơn Người... là lời cầu vọng lên từ tận thâm sâu của yếu nhược và tội lỗi, “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa! Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con!” (Tv 130, 1-2).

Trích từ Khát Khao Cầu Nguyện của Cha Jacques Philippe

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive