Trích từ Cha Jérôme – Những khả thể và giai điệu
Một trong các thư trả lời của Cha Jérôme:
Bạn muốn tôi nói về cầu nguyện ! Về vấn đề này, tôi chỉ có vài bài học mà tôi đã chia sẻ với bạn và tôi không ngừng lặp đi lặp lại. Tôi có thể lặp lại với bạn lần nữa (...).
Bạn thân mến, hãy cầu nguyện. Trước Nhà Tạm, đó là điều cốt yếu. Mười phút trước Nhà Tạm luôn luôn và tuyệt đối đáng giá hơn một giờ cầu nguyện trong phòng hay ngoài trời. Nếu quá bận, bạn có thể tới trước Nhà Tạm bảy hoặc mười phút, vào những ngày thường, và bạn nên dành ra mỗi tuần một ngày để thực hiện một giờ cầu nguyện. Thế thì làm như thế nào ?
Hãy luôn bắt đầu, ngay cả khi cầu nguyện ngắn, bằng cách đọc một trong những trích đoạn từ các sách đã ghi lại để có thể dễ dàng hồi tâm và thoát khỏi mọi thứ trần tục. Chắc chắn bạn đã bắt đầu đọc Thánh Kinh và nhiều sách khác, như tôi đã chỉ cho bạn, trong đó bạn đã có thể rút ra cho mình những đoạn trích hầu giúp bạn mỗi ngày lấy lại được sở thích cầu nguyện. Nếu quả thực như vậy thì bạn hãy luôn bắt đầu bằng việc đọc, đọc đi đọc lại để thấm nhuần và để hồi tâm. Với những trang sách ấy trên tay, bạn sẽ được bảo vệ an toàn khỏi những chia trí phàm tục hay những tư tưởng huyên náo lúc nào cũng quấy nhiễu tâm trí bạn.
Một khi bạn đã hồi tâm và trầm lắng, nhờ những bài đọc đó, hãy hướng nhìn về Nhà Tạm, hoặc nếu bạn không ở trong nhà thờ thì hãy nhìn lên Thánh Giá hay một hình ảnh tượng nào về Chúa, và hãy chậm rãi lặp lại một lời nguyện tắt mà bạn đã soạn cho chính mình hầu diễn tả thái độ nền tảng của bạn trước mặt Chúa. Hãy mau có thói quen vận dụng một trong bốn hoặc năm mẫu lời nguyện tắt mà bạn có thể tự do chọn lựa sao cho phù hợp với mình nhất ; bởi chưng, tất cả những lời nguyện tắt ấy thổ lộ với Chúa những gì là căn bản nhất trong bạn, và bởi vì bạn thường xuyên lặp đi lặp lại chúng, nên để mỗi câu đều được ưa thích và dễ dàng diễn tả.
Nếu bạn đã có đủ bình an, một sự bình an không loại trừ những ưu tư hay những lo toan hệ trọng, thì thỉnh thoảng bạn hãy ngừng việc đọc lại, cũng không thầm thì lời nguyện tắt nữa, để dành ra những khoảnh khắc thuần tuý thinh lặng, trong sự hiện diện của Chúa chúng ta đang ngự nơi Nhà Tạm.
Nếu cảm thấy mệt hay chia trí, hãy quay về với việc đọc để tìm lại cho mình sự hồi tâm và có can đảm tiếp tục chuyện vãn với Chúa ngang qua những lời nguyện tắt. Trong vòng mười lăm phút, hay có thể là nửa giờ, chu kỳ của ba giai đoạn này (đọc, lời nguyện tắt và thinh lặng) có thể diễn ra một hoặc nhiều lần. Cần phải linh động đủ để thay đổi hay không, tùy theo nhu cầu mỗi ngày.
Đó là tất cả phương thức cầu nguyện của tôi. Trình bày ra thì nhanh đấy! Tuy nhiên, để đạt tới mức độ đó và để chắc chắn, cả lý thuyết lẫn thực hành, rằng không có một phương pháp đúng đắn nào khác cho một đời sống cầu nguyện và rằng mọi linh hồn thực sự kết hợp với Chúa đều thực hiện như thế, thì tôi đã phải bỏ ra hai mươi năm thực hành cũng như đọc rất nhiều sách vở…
Thư trên là gửi cho một sinh viên. Còn thư sau đây, bổ túc cho nó, gửi cho một nữ đan sĩ đã có tuổi:
Đối với những bài đọc nói về tình yêu của Thiên Chúa, lòng tốt, sự vĩ đại của Người, không gì sánh được với Thánh Kinh. (...) Đây nữa, Sơ hãy chép lại những đoạn có thể đáp lại những gì Sơ cần. Đừng coi thường phương tiện nghèo nàn này, phương tiện của người nghèo. Cũng như việc thực hành lời nguyện tắt hay lời nguyện xạ tiễn, điều đủ cho chúng ta là hãy hướng nó vào con đường chiêm niệm và phát huy nó.
Để tận dụng thời gian cầu nguyện của Sơ ở nhà nguyện, xin Sơ chớ suy niệm! Suy niệm, tức là suy nghĩ về một chân lý, áp dụng nó vào trường hợp cá nhân, khai triển nó, làm những bài luận... Hãy bỏ đi mãi mãi cái nô dịch nặng nhọc đó. Đối với những tâm hồn dâng mình cho Chúa, đây là những bước cần theo : hãy bắt đầu bằng việc đọc chậm rãi nhẹ nhàng một đoạn mà Sơ đã chép, chẳng hạn những điểm mà Sơ đã đánh dấu về những lời nguyện tắt, những câu Thánh Kinh mà Sơ đã chọn và đã xếp nối nhau, v.v... Chọn câu nào Sơ thích và chỉ vì lý do là Sơ thích vì nó giúp Sơ hướng lòng mình tới ước muốn cầu nguyện.
Vì đây là điều cốt yếu : việc đọc này không được đẩy Sơ tới những suy tư, những ý tưởng, mà chỉ nhằm kéo Sơ ra khỏi những lo toan ngoại lai, cùng đem tới cho Sơ một chút sở thích cầu nguyện nào đó.
Sau chừng mười phút, khi cảm thấy tâm mình lắng đọng và hướng về ước muốn cầu nguyện, Sơ hãy ngước nhìn lên Chúa trong Nhà Tạm và cầu khẩn Người với lời nguyện tắt của Sơ được lặp lại nhiều lần, có thể tính bằng chuỗi mai khôi, chầm chậm, và ngắt quãng bằng những khoảnh khắc thinh lặng. Nếu thấy dễ, hãy cứ tiếp tục như thế cho đến hết buổi cầu nguyện.
Nếu chia trí, xao động hay mệt mỏi, hãy quay lại với đọc bản văn đang có hay một đoạn khác, để tìm lại sự lắng đọng và sở thích cầu nguyện ; bấy giờ hãy trở lại với chuỗi lời nguyện tắt, và cứ tiếp tục thế. Tất cả điều này chỉ mới là thời thơ ấu của nghệ thuật cầu nguyện! Và dù sao, tất cả những tiến bộ trong tình thân với Thiên Chúa đều khả thi mà chẳng cần thay đổi cách làm. Hãy nhẫn nại với sự mềm dẻo.
… Đối với những lối cầu nguyện truyền thống khác, Sơ đừng tăng gánh nặng cho mình : lần vài chục tràng hạt; và nếu không kết thúc được thì cũng đừng áy náy. Phải thường xuyên có tràng chuỗi trong tay và sử dụng nó để đọc lời nguyện tắt (với Chúa như thói quen thường ngày hoặc một vài lời nguyện tắt thưa với Đức Mẹ) ; hoặc để đọc kinh « Kính Mừng » nửa này hay nửa kia tùy theo Sơ muốn ca tụng hay cầu xin Mẹ v.v...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét