Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Cách để tha thứ người khác

Tiếng Anh có câu ngạn ngữ: “To err is human, to forgive is divine,” tạm dịch “Làm người ai cũng mắc sai lầm, nhưng tha thứ là ân sủng Chúa ban/ là việc của Thiên Chúa.”

Tha thứ là một việc rất khó khăn vì bạn cảm thấy nó đi ngược lại với đức công bằng mà bạn coi trọng. Tha thứ có thể là một quá trình dai dẳng, đầy gian nan. Và không thiếu lúc bạn cảm thấy như Chúa đòi hỏi quá nhiều trong quá trình khó khăn đó. Bạn có thể cảm thấy xa Chúa vì nó.

Video của Cha Gregory Pine có thể giúp bạn đi qua quá trình tha thứ nhân từ với bản thân hơn và nhận ra dù là bạn vấp ngã, gặp nhiều trắc trở trong quá trình đó, bạn đang trên con đường được trở nên giống Chúa chúng ta nhất. Chúa đang làm việc của Ngài nơi bạn, làm bạn trở nên giống Ngài cách sâu đậm nhất.


Lời từ video:

… Chủ đề của hôm nay là tha thứ vì tôi nghĩ đây là một bổn phận rất thiết thực và vì đó là điều mà mọi người chúng ta có lúc sẽ quan tâm. Tại sao tôi đề cập đến tiêu đề này? Tại sao nói về nó? 

14 tháng chạm trán với Covid đầy khó khăn và tôi nghĩ phần lớn những khó khăn đó đã bị làm phức tạp hơn do sự buồn sầu, tức giận về một tình huống mà người ta có rất ít khả năng kiểm soát. 

Nhưng như chúng ta đã học được khi đọc Con Người Đi Tìm Lẽ Sống của Viktor Frankl, trong đó ông nói chúng ta có sự kiểm soát đối với cách chúng ta đón nhận sự việc. Đó là quan điểm của ông Frankl. 

Trong bối cảnh Kitô giáo, quan điểm của chúng ta là chúng ta không bao giờ bị ràng buộc bởi một sự việc trừ khi chúng ta chấp nhận bị ràng buộc. Vì thế, chúng ta luôn là tự do nhờ phó thác vào sự Quan phòng của Chúa, hoặc chấp nhận kế hoạch của Chúa, nhưng cách cụ thể là tha thứ, đặc biệt là tha thứ những người khác. 

Nhưng tha thứ là một trong những điều khó để định nghĩa, rất khó để hiểu nó và vì thế, chúng ta cần có thời gian để mò mẫm về nó. 

Bạn sẽ không tìm thấy câu hỏi nào trong bộ Summa Theologiae (của Thánh Tôma Aquina) dành riêng cho việc tha thứ, nên cách chúng ta tìm hiểu ở đây thì như thể tôi lang thang, mò mẫm, suy luận, bạn muốn dùng từ nào cũng được. 

Vậy tha thứ là gì? Tôi nghĩ nơi tốt nhất để tìm có thể là một vài lời ngắn gọn về bí tích Hòa giải và sau đó chúng ta có thể áp dụng nó cách rộng rãi hơn. Vậy chúng ta tìm kiếm gì trong bí tích Hòa giải? Hiệu quả của bí tích ấy là gì? 

Qua bí tích đó, bạn đem tội và sự thống hối của mình đến tòa giải tội. Việc ăn năn của bạn không cần phải là hoàn hảo; nó thực ra có thể là sự ăn năn bất toàn. Bạn ít nhất cần có sự thống hối dù bất toàn, hoặc nhiều người gọi nó là ăn năn tội cách chẳng trọn khi xưng tội. 

Bí tích Giải tội thực sự làm hoàn hảo sự thống hối của bạn. Bằng cách nào? Nhờ đức bác ái. Tình yêu biểu hiện sự tha thứ thực sự, tình yêu biểu hiện sự được thực sự tha thứ. Vậy chúng ta làm cách nào để áp dụng nó vào cuộc sống của chúng ta? Tôi nghĩ đức bác ái là một thử nghiệm hiệu lực để biết nếu chúng ta đã tha thứ cho ai đó. 

Tất cả chúng ta đã phải chiến đấu với việc tha thứ cho người nào đó vì cảm giác tức giận hoặc phẫn uất không nguôi được. Vậy làm sao chúng ta biết chúng ta đã trên tiến trình tha thứ? 

Chúng ta đã nghe rằng tha thứ không chỉ là một lần quyết định là xong. Ai đó lỗi phạm đến chúng ta và chúng ta nói, tôi tha cho bạn, rồi không bao giờ nghĩ đến nó nữa. Có thể là có những người có khả năng làm điều đó. Nhưng hầu hết chúng ta thì không như vậy. Do đó, chúng ta cần các bước, chúng ta cần làm những bước tương ứng với cuộc sống con người của chúng ta. Và cuộc sống con người cũng là từng bước một. Vậy điều đó có nghĩa là gì? 

Tôi nghĩ tha thứ là một lựa chọn, một quyết định, một việc làm của giống người. Là con người, chúng ta có những khả năng thiêng liêng của trí tuệ và ý chí, những khả năng tách biệt chúng ta khỏi thú vật. Và cách nào đó chúng cũng là điểm nối kết, những điểm nối kết gần gũi nhất của chúng ta với Chúa; đó là điểm mà làm chúng ta giống Chúa nhất, là nơi mà chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Chúa nhất. 

Tha thứ là một điểm đặc biệt của loài người và điểm đặc biệt của loài người được dựng nên theo giống hình ảnh Thiên Chúa. Tha thứ là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, nơi chúng ta được sự tha thứ của Chúa chạm đến và cũng là nơi mà chúng ta có thể mở rộng sự tha thứ đến cho những người đã làm tổn thương đến chúng ta. Vì thế, chọn lựa / quyết định là hoa quả của ý chí. 

Vậy khi chúng ta chọn tha thứ, nó có dáng vẻ nào? Qua việc đó, bạn nói cách rõ ràng lỗi lầm này bạn đã làm đến với tôi, tôi gỡ nó đi, tôi chọn để không thu tích oán hờn đối với bạn. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta phạm tội, chúng ta cần nhìn đến hai khía cạnh. Có phần là lỗi phạm (culpa) và có phần của hình phạt hoặc đau đớn. 

Khi bạn làm điều có hại đến người khác, người ấy có thể tha thứ bạn nhưng còn có hình phạt kèm theo. Chẳng hạn như bạn thích chơi gôn trong sân của bạn và bạn lấy gậy sắt ra để chơi. Sân chơi bạn khá rộng nhưng bạn quen với việc đánh banh xa đến 8, 9 mét. Bạn tính toán góc độ và muốn nó đi xa. Bạn đánh một phát mạnh nhưng bạn đánh trật và nó bay vào sân nhà tôi, đánh vào cửa sổ sau nhà. Bạn qua bên tôi nói bạn xin lỗi, rất tiếc là đã xảy ra và tôi sẽ nói, vâng tôi tha cho anh. Nhưng điều đó thì chưa đủ. Sau đó bạn phải sửa cửa sổ cho tôi. Vì thế có hai khía cạnh: lỗi phạm và hình phạt. 

Qua tha thứ, điều chúng ta làm là chúng ta tha thứ lỗi phạm. Chúng ta nói điều này sẽ không bị dùng để chống lại anh (trước tòa). Và chúng ta làm cách nào để thực hiện điều đó? Bằng việc chọn để tha thứ. Chúng ta nói điều này sẽ không bị dùng để chống lại anh. 

Bạn sẽ nói nhưng Cha Gregory, điều đó không dễ dàng như vậy vì con người là thứ phức tạp. Con người có thân thể, có cảm xúc, ý tưởng và những thứ như vậy. Tất cả những thứ này như thể bị cưỡng bách để đi theo quyết định ban đầu. Vậy làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng sự tha thứ này sẽ vững bền? Hoặc chúng ta có thể làm gì để bảo đảm rằng sự tha thứ này sẽ được thành tựu. Nhờ bạn tiếp tục quyết định để tha thứ, tiếp tục chọn sự tha thứ và tiếp tục khẳng định sự tốt lành của người kia và đó chính là điều mà sự tha thứ biểu hiện: đó là tình yêu. 

Do đó bạn biết là bạn đã tha thứ cho ai đó khi bạn yêu mến họ. Nhưng giả sử có người này đã làm hại bạn cách khá nghiêm trọng, giả sử họ đã làm hại bạn khiến bạn phải chịu đựng tổn thương lớn. Nếu bạn đặt mình trong tình huống đó, hoặc với người có thể gây tổn hại đó lần nữa thì đó là một hành động rất thiếu thận trọng. Vậy làm sao bạn biết bạn yêu thương người ấy? 

Cách cơ bản là bạn cần ước muốn sự tốt lành cho người đó, bạn cần ước muốn rằng người đó biết, yêu mến và phụng thờ Chúa và được vui hưởng nhan thánh Chúa khi lìa cõi trần gian. Việc tha thứ có thể là bạn không cần phải liên lạc gì với họ nữa, nhưng bạn phải yêu thương họ theo cách cơ bản nhất: ước muốn sự tốt lành của người đó. 

Và qua việc luôn chọn sự tốt lành cho người đó, sự tha thứ phát triển, chín muồi, sự tha thứ được kéo dài trong cuộc đời bạn. 

Vậy điều Chúa đòi hỏi nơi bạn là gì? Ngài đòi hỏi rằng bạn tha thứ, có lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót như đã được trình bày trong Phúc âm thánh Luca. Và điều đó thực sự mang ý nghĩa là bạn đang chọn để yêu cách liên tục. Đó thật là một quá trình gian nan. Và không phải lúc nào bạn cũng có cảm giác đã tha thứ. Sự thật là bạn vẫn có thể phải đối mặt với nỗi buồn, với sự tức giận, với nỗi uất hận trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. 

Nhưng với điều kiện là bạn liên tục lựa chọn, với điều kiện là bạn liên tục biết phải ưu tiên sự tha thứ này, sự tha thứ là thứ thể hiện tình yêu cho một người khác. Nếu vậy, thì bạn đã làm những gì thuộc quyền hạn của bạn. Bạn không ngay lập tức có khả năng chỉ huy những cảm giác của mình, nhưng bạn có thể chọn để cảm nhận khác đi, và nếu quyết định đó bạn luôn làm vì Chúa, bạn đã làm những gì bạn có thể, và Chúa sẽ đưa nó đến kết quả tốt đẹp. 

Nhờ sự liên lục lựa chọn đó, bạn sẽ được tự do. Vì bạn không còn bị giam cầm, không còn là tù nhân của sự tức giận và nỗi buồn của bạn, bạn đã bắt đầu quá trình mà bạn có thể lớn lên, vượt qua những nỗi đau. Chúng có thể tiếp tục làm trái tim bạn đau sau nhiều ngày, nhưng nó không cần là lời cuối cùng của tình huống ấy. 

Đó là những suy nghĩ theo ấn tượng hơn là tôi thường đưa ra. Thường thì có lẽ tôi trả lời cách tự động hơn, lặp lại những điều trong Summa Theologiae. Nhưng do tiêu đề này không có trong Summa Theologiae, ít nhất là không có một câu hỏi trả lời rành mạch, tôi phải tập hợp nhiều thứ lại.

Nói tóm lại, chúng ta nói về điều gì khi chúng ta nói về sự tha thứ? Tha thứ bắt đầu với một lỗi phạm, một tội. Qua tội đó, người này gây tổn hại đến cho người khác. Vì vậy, tội là qua hình dạng tư tưởng, lời nói, hoặc hành động trái với luật của Chúa, đã gây tổn thương đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa, với người khác, và với chính bản thân mình.

Trong tội đó có hai khía cạnh: lỗi phạm, hoặc hình phạt / sự đau đớn. Khi chọn để tha thứ cho ai đó, bạn chọn để bỏ qua lỗi phạm họ làm đến với bạn. Khi bạn chọn điều đó, khi bạn ước muốn là lỗi phạm đó được phóng thích, bạn cần phải kiên trì trong sự lựa chọn đó. Nếu không thì chiều kích thể lý, hoặc cảm xúc, hoặc tâm lý của vết thương mà bạn phải gánh chịu, hoặc chấn thương mà bạn đã phải chịu đựng, có thể len lỏi đi vào trở lại và làm xói mòn hoặc hủy hoại quyết định / lựa chọn đó. Vì vậy bạn cần phải có sự lựa chọn đó xuyên suốt toàn bộ cuộc sống con người của bạn: tâm lý, tình cảm và ngay cả thể lý.

Vì thế, bạn cần phải liên tục chấp nhận hoặc tái khẳng định lựa chọn đó bằng cách chọn để yêu cách đúng lẽ: để khẳng định sự tốt lành của người đó, ước muốn điều tốt lành là cho họ biết, yêu mến, phục vụ Chúa; ít nhất là ước họ sẽ được hưởng thiên đàng với Chúa. Vì bạn tiếp tục chọn để tha thứ, sự biến đổi mà chúng ta hy vọng để có, sẽ được dần dần đạt được. Sẽ có những khó khăn trên con đường ấy, những trục trặc nho nhỏ, nhưng Thiên Chúa, Đấng đã khởi sự công việc tốt lành đó nơi bạn, sẽ đưa nó đến điểm hoàn thành. 

Thưa các bạn, đó là một vài lời giới thiệu cơ bản về tha thứ dựa trên những linh hứng của Thánh Tôma.

Share:

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Lương tâm, Nhà Lập pháp nội tâm

Lương tâm là một chính quyền bên trong tâm hồn, thi hành cùng một chức năng như mọi chính quyền dân sự: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nó làm ra luật, nó chứng kiến những hành động của chúng ta trong mối liên hệ với lề luật và cuối cùng nó phán xét chúng ta.

Trước hết, lương tâm lập ra luật. Người ta cần biết rằng có một nhà lập pháp bên trong mỗi người chúng ta, từ đó luật được công bố giữa sấm sét của cuộc sống hàng ngày, một luật dạy cho chúng ta biết làm lành lánh dữ. Tiếng nói nội tâm nói với chúng ta về trách nhiệm, nhắc nhở chúng ta nên làm những điều nào đó. Điều khác biệt giữa một cái máy và một con người đó là sự khác biệt giữa “phải làm” và “nên làm.” Lương tâm tuyên bố điều gì là tốt lành và điều gì là sự dữ.

Kế đến, lương tâm còn thi hành luật pháp nữa, theo nghĩa nó chứng kiến việc áp dụng luật vào trong các hành động. Nó chứng kiến việc chúng ta trung tín với luật pháp trong các hành động của mình. Được sự giúp đỡ của ký ức, nó bảo cho biết giá trị của các hành động của chúng ta, nếu chúng ta hoàn toàn làm chủ chính mình. Nó thấy những đam mê, hoàn cảnh, những ảnh hưởng mạnh mẽ tác động trên chúng ta. Nó như thể nói với chúng ta: “Tôi ở đó, tôi đã thấy bạn làm điều đó. Bạn đã có ý hướng như thế.” Trước tòa án dân sự, người ta chỉ có thể gọi đến những kẻ chứng kiến các hành động bên ngoài của tôi thôi, nhưng lương tâm là chứng nhân không chỉ thấy tôi, mà là tôi biết chính tôi. Dù tôi thích nó hay không, thì tôi không thể nói dối đối với điều mà lương tâm làm chứng chống lại tối.

Cuối cùng, lương tâm không chỉ đưa ra luật lệ, không chỉ làm chứng sự vâng phục hay bất phục của tôi đối với luật, nhưng nó còn phán xét tôi nữa. Trong tâm hồn của mỗi người có một quan tòa thinh lặng. Lương tâm là vị quan tòa xét xử, đưa ra quyết định với thẩm quyền thừa nhận hay chống lại, vì không ai có thể chống lại một phán quyết mà người ta đưa ra để chống lại chính mình. Đó là lý do tại sao nơi lương tâm có cả các cảm xúc cùng với đúng và sai, vui và buồn, bình an và hối hận, chúc tụng và nguyền rủa,....

Nếu tôi làm sai, lương tâm sẽ làm cho tôi có một cảm giác tội lỗi. Ngược lại, nếu lương tâm phê chuẩn hành động của tôi, tôi sẽ cảm nghiệm một niềm vui. Nếu lương tâm tôi phê chuẩn cho tôi thì tôi có một thiên đàng bên trong tâm hồn và tôi luôn sống trong bình an, thứ bình an mà thế gian này không thể cho tôi và mọi sỉ nhục của thế gian cũng không cướp mất được sự bình an đó.

Có nhiều người đi lo công việc bổn phận ban ngày với dáng vẻ bình an, nhưng ban đêm lại cảm thấy lo sợ bóng tối vì có một cảm giác tội lỗi. Một người có đầu óc sáng suốt và năng động nhưng lại có tâm bệnh bên trong. Đó là lý do tại sao vịnh gia kêu lên: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch mọi tội ác.” Làm thế nào chúng ta tránh được những đau khổ này xuất phát do tội lỗi thầm kín? Mọi người cần xét mình bạn tối trước khi ngủ và thống hối các tội lỗi của mình.

Share:

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Qua mười tai họa, Thiên Chúa của Israel xét xử các thần của Ai cập

Dấu hiệu và điều kỳ diệu

Trong Sách Xuất hành 7:8-13, Pha-ra-ô yêu cầu một phép lạ để chứng minh rằng Mô-sê và A-ha-ron là sứ giả của Chúa. A-ha-ron ném cây quyền trượng của mình xuống, và nó trở thành một con cá sấu. Nhiều bản dịch tiếng Anh dịch là “con rắn”, nhưng từ tiếng Do Thái được sử dụng ở đây, tannin, khác với từ được sử dụng để chỉ con rắn trong vườn và con rắn mà cây trượng của Môsê đã được biến đổi thành trước đó. Thần Sobek của Ai Cập đã  thường được ví như một con cá sấu lớn có thể nuốt chửng bất cứ thứ gì. Thần ấy đã tuần tra sông Nile và bảo vệ Pha-ra-ô và Ai Cập. Sau này trong Cựu Ước, ngôn sứ Êdêkien sẽ nói về tannin như một con thú rình mò dọc theo sông Nile (Êdêkien 29: 3, nơi từ thường được dịch là “rồng”). Pha-ra-ô đồng nhất mình với vị thần này vì sức mạnh và quyền năng của nó. Các pháp sư tư tế của Pha-ra-ô cũng sử dụng thuật bí mật của họ để tạo ra tanninim (cá sấu), nhưng chúng bị nuốt chửng bởi quyền trượng của A-ha-ron, khiến các pháp sư không còn quyền trượng và quyền hành mà họ đại diện.

Thiên Chúa của dân Do thái đánh bại thần Sobek, người được Pha-ra-ô tin tưởng để bênh vực và bảo vệ mình cũng như Ai Cập. Đây không chỉ là những hiệu ứng đặc biệt hoặc một màn trình diễn sức mạnh đơn giản; đó là cuộc xét xử các vị thần của Ai Cập. Việc các pháp sư của Pha-ra-ô cũng có thể dụng sức mạnh để làm biến hình cây quyền trượng của chính họ là một lời nhắc nhở về thực tế rằng “chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”(Êphêsô 6,12). Trong khi các thầy tế lễ của Pha-ra-ô ban đầu có thể bắt chước các dấu hiệu quyền năng của Mô-sê và A-ha-ron, nhưng họ sẽ không thể bắt chước Thiên Chúa toàn năng của dân Do thái.

Kết quả của việc Pha-ra-ô kiêu ngạo từ chối cho phép dân Ít-ra-en phục vụ (avad) Gia-vê là Thiên Chúa đã gửi đến mười bệnh dịch. Bệnh dịch đầu tiên biến sông Nile thành máu, một dấu hiệu gợi nhớ lại vụ chết đuối của những đứa trẻ vô tội của Ít-ra-en; công lý đang đến với Ai Cập vì tội ác của nó. Nhưng mục đích cuối cùng của các trận dịch là để dạy một thông điệp mạnh mẽ: Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa dành cho Mô-sê thể hiện rõ điều này: “Cứ dấu này các ngươi sẽ biết Ta là ĐỨC CHÚA” (Xuất hành 7:17; sự nhấn mạnh được thêm vào). Người Ai Cập, dân tộc rất sùng đạo và rất ý thức về các biểu tượng, sẽ coi việc nước sông Nile biến thành máu là một điềm báo đáng ngại. Sông Nile, trụ cột của nền kinh tế và đời sống Ai Cập, được tôn thờ như thần Hapi. Nhìn thấy sông Nile, một nguồn sống, giờ dòng chảy toàn máu có thể báo hiệu cái chết, và kết luận rút ra sẽ là Thần của dân Do thái đã giáng một đòn chí mạng vào vị thần Hapi yêu quý của người Ai Cập.

Thời gian giữa trận dịch hạch trên sông Nile và sự bùng nổ của trận dịch hạch thứ hai là bảy ngày (Xuất hành 7:25). Chi tiết này cực kỳ quan trọng để nắm được một bài học bổ sung về những trận dịch. Mỗi ngày thứ bảy là ngày Sa-bát. Do đó, sự gián đoạn bảy ngày giữa các bệnh dịch cho thấy rằng bệnh dịch trên sông Nile, dịch ếch và tất cả các bệnh dịch, xảy ra mỗi ngày thứ bảy trong ngày Sa-bát, ngày mà dân Ít-ra-en nghỉ ngơi và thờ phượng. Chính xác là sự nghỉ ngơi “để thờ phượng” mà Pha-ra-ô từ chối ban cho dân Ít-ra-en (Xuất hành 5:5). Thiên Chúa làm đảo lộn nền kinh tế của Ai Cập vào ngày Sa-bát để dạy cho cả Ít-ra-en và Ai Cập tầm quan trọng của việc đặt sự thờ phượng (avad) trên công việc (avad).

Bệnh dịch thứ hai, sự sinh sôi của loài ếch nhái, mang đến sự phán xét đối với nữ thần Heqt, nữ thần của sự sống và khả năng sinh sản, vị thần được miêu tả như một người phụ nữ từ eo trở xuống và một con ếch từ eo trở lên. Pha-ra-ô cầu xin Mô-sê trừ đi những con ếch nhái. Mô-sê tuân theo, và ngày hôm sau, Ai Cập tràn ngập mùi hôi thối của thi thể thối rữa của nữ thần sự sống. Sau những trận dịch ruồi, nhặng, dịch bệnh trên gia súc, nhọt độc, mưa đá và cào cào tiếp theo, Chúa bảo Mô-sê hãy đưa tay ra “cho bóng tối bao trùm đất Ai-cập, bóng tối như sờ thấy được.” (Xuất hành 10:21). Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra ánh sáng sẽ trừ nó đi trong ba ngày. Thiên Chúa dân Do thái thổi tắt thần mặt trời Re như một ngọn nến.

Mỗi bệnh dịch đều tuân theo một công thức tương tự: Mô-sê nói với Pha-ra-ô rằng bệnh dịch sẽ xảy ra “để họ có thể biết” rằng Chúa là Thiên Chúa, và sau đó Thiên Chúa gửi một bệnh dịch đặc biệt giáng xuống một vị thần của Ai Cập. Mỗi lần bệnh dịch xuất hiện, Pha-ra-ô cuối cùng sẽ nhượng bộ và để cho Israel ra đi, nhưng khi bệnh dịch qua đi, ông cứng lòng và từ chối. Xuyên suốt, các chủ đề “nhận biết” và “phụng sự” được lặp đi lặp lại. Kinh thánh mô tả bài học lặp đi lặp lại của các bệnh dịch theo cách này:

Chúng đã ra lầm lạc khi nuôi những tâm tưởng bất chính ngu si, mà tôn thờ rắn rết vô tri và sâu bọ hèn kém, nên Ngài đã gửi đến nhiều sinh vật vô tri để trừng phạt bọn chúng. Như thế chúng hiểu rằng phạm tội làm sao thì bị phạt làm vậy. (Khôn ngoan 11: 15-16) ]

Các bệnh dịch chỉ ra sự trống rỗng của toàn bộ hệ thống tín ngưỡng Ai Cập, vì các vị thần của Ai Cập ở dưới lòng thương xót của Thiên Chúa của dân Do thái. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa nói với Mô-sê trong trận dịch cuối cùng rằng các vị thần của Ai Cập hoàn toàn bị đánh bại. “Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập : vì Ta là ĐỨC CHÚA.” (Xuất hành 12:12).

Sau trận dịch thứ tư, Pha-ra-ô bất ngờ nhượng bộ đủ lâu để đưa ra một thỏa hiệp. “Hãy đi dâng tế lễ cho Thiên Chúa các ngươi trong xứ.” (Xuất 8:25). Giờ đây, Pha-ra-ô sẽ cho dân chúng được nghỉ để thờ phượng, nhưng chỉ trong vòng lãnh thổ Ai Cập. Thế nhưng Mô-sê chỉ ra một vấn đề quan trọng:

“Không nên làm như thế: những gì chúng tôi tế dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi, đều ghê tởm đối với người Ai-cập. Vậy nếu chúng tôi tế dâng trước mắt người Ai-cập những gì là ghê tởm trước mắt họ, thì làm sao họ lại không ném đá chúng tôi được? Chúng tôi sẽ đi ba ngày đường để vào sa mạc tế lễ ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi, như Người phán với chúng tôi.” (Xuất hành 8:26-27)

Ít-ra-en phải thờ phượng Chúa bằng cách tế lễ những con vật mà chính người Ai Cập tôn thờ. Những của tế như vậy sẽ được coi là tội sát thần giết thánh và sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Vì lý do này, Mô-sê yêu cầu một cuộc hành trình cách Ai Cập ba ngày. Sự thờ phượng là trung tâm của cuộc xung đột giữa Pha-ra-ô và Mô-sê. Sự thờ phượng của người Ít-ra-en đảo lộn sự thờ hình tượng của người Ai Cập, chứng tỏ rằng những gì người Ai Cập coi là thần thực sự không phải là thần.

Lễ Vượt Qua

Kinh thánh nhận xét:

Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa. (Kn 12: 2)

Với những bệnh dịch, Thiên Chúa trừng phạt Ai Cập từng chút một, để lòng khoan dung của Chúa cho họ thời gian ăn năn. Nhưng thay vì ăn năn, Pha-ra-ô cứng lòng, chọn đề cao mình hơn là hạ mình trước mặt Đức Chúa (Xuất hành 9:17; 10: 3). Với sự lựa chọn này, Pha-ra-ô tự rước lấy cho bản thân và quốc gia của mình sự đau khổ của bệnh dịch cuối cùng. Như Thiên Chúa đã cảnh báo, nếu Pha-ra-ô không để con trưởng nam của Thiên Chúa phụng sự Ngài, thì Pha-ra-ô sẽ phải gánh chịu cái chết của con trưởng nam mình.

Trong khi ba bệnh dịch đầu tiên ảnh hưởng đến “toàn xứ,” cả Ai Cập và Ít-ra-en, Thiên Chúa đã “chia cắt xứ Goshen,” và chỉ có người Ai Cập phải lãnh chịu bệnh dịch thứ tư đến thứ chín. Nhưng với trận dịch thứ mười, dân Ít-ra-en, cũng như người Ai Cập, lại gặp rủi ro. Cách duy nhất để Ít-ra-en thoát khỏi sự phán xét đối với các con trai đầu lòng là tuân theo những quy định của Thiên Chúa trong Sách Xuất hành 12: họ phải cử hành Lễ Vượt Qua.

Vào ngày thứ mười của tháng, dân Ít-ra-en phải bắt một con cừu non một tuổi không tỳ vết. Sau đó, vào ngày thứ mười bốn, họ sẽ giết thịt cừu, nướng nó và ăn nó. Một điều đáng hỏi là, “Tại sao phải đợi bốn ngày để hiến tế những con cừu non?” Một gợi ý có thể được tìm thấy trong một sự kiện kỳ ​​lạ được ghi lại trong Sách Xuất hành chương 4. Thiên Chúa, sau khi vừa sai Mô-sê đến để giải phóng Ít-ra-en, “viếng thăm” Mô-sê và kiếm thế giết ông. Từ được sử dụng để mô tả Thiên Chúa “viếng thăm” Mô-sê cũng là từ được dùng để chỉ việc Thiên Chúa đến thăm Ai Cập với bệnh dịch. Mô-sê chỉ được tha khi vợ ông, Sê-phô-ra, cắt dương bì cho con trai họ là Ghẹt-sôn, và bôi một ít máu lên người Mô-sê. Xét thấy nền văn hóa Ai Cập không cắt dương bì cho nam giới cho đến khi họ được mười ba tuổi, có vẻ như Mô-sê, và nhiều người dân Ít-ra-en của ông, đã không tuân theo phép cắt bì vào ngày thứ tám theo lệnh của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham.

Bây giờ vào đêm trước của cuộc xuất hành, Thiên Chúa ra lệnh cho Mô-sê rằng những người cử hành Lễ Vượt Qua phải được cắt bì (Xuất hành 12:48), một hành động mà một số giáo sĩ Do Thái nói rằng phải mất ba đến bốn ngày để chữa lành – đây, là bốn ngày chờ giữa việc chọn con chiên và cử hành Lễ Vượt Qua. Hai sự tường thuật về phép cắt bì và huyết bao quát câu chuyện về các bệnh dịch; cũng  như phép cắt bì cho con trai của Mô-sê và dấu hiệu bằng huyết cứu Mô-sê khỏi sự viếng thăm của Thiên Chúa, phép cắt bì Lễ Vượt Qua của dân Ít-ra-en và huyết của con chiên Lễ Vượt Qua sẽ là những dấu hiệu dẫn đến việc Thiên Chúa tha con đầu lòng của toàn dân Ít-ra-en. [*Người dịch: phép cắt bì xưa là dấu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do thái. Đó là hình bóng của bí tích Rửa tội trong Giao Ước mới.]

Sau khi hiến tế và nướng thịt cừu, dân Ít-ra-en phải ăn nó vào ban đêm, trong tư thế đứng, với dép đã mang, sẵn sàng đi. Sau đó, họ phải bôi máu của con chiên trên ngưỡng cửa nhà họ. Nếu họ không hoàn thành nghi lễ này – hiến tế, dùng thịt, đánh dấu bằng máu – đúng như Mô-sê chỉ dẫn, thì con trai đầu lòng của họ sẽ chết, giống như những trai con đầu lòng của dân Ai Cập.

Chuyển ngữ từ đoạn Signs and Wonders trong Walking with God: A Journey Through the Bible by Tim Gray and Jeff Calvins

Share:

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Hài Lòng Với Cuộc Sống

Tính hài lòng không phải là một nhân đức được phú bẩm. Người ta có được nó nhờ việc chuyên cần chế ngự những ước muốn hỗn loạn. Vì thế, đây là một nghệ thuật mà ít người chịu học hỏi. Có đến hàng triệu người bất mãn trong thế giới này cho nên việc phân tích nguyên nhân gây ra bất mãn và những phương pháp đem lại sự hài lòng là hữu ích cho họ.

  1. Nguyên nhân căn bản gây ra bất mãn là tính ích kỷ, nghĩa là đặt mình làm trung tâm và bắt kẻ khác quay xung quanh.
  2. Nguyên nhân thứ hai là lòng ghen tị, nhìn của cải và tài năng của người khác như thể họ ăn cắp của mình và biểu lộ qua sự sầu muộn, căm ghét những người có được những thứ chúng ta ao ước cho chính mình.
  3. Nguyên nhân cuối cùng là lòng tham lam của cải, cứ đòi có thêm nữa nhằm bù đắp sự trống rỗng nơi tâm hồn.

Người ta sai lầm khi nghĩ rằng sự hài lòng phát xuất từ sự việc gì đó bên ngoài chứ không do từ tâm hồn. Một em bé muốn có viên bi, khi có viên bị lại muốn có trái banh, khi có trái banh lại muốn có con diều và sau khi đã có con diều nó vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Cố gắng làm cho kẻ luôn bất mãn được hạnh phúc giống như đổ nước vào một cái rây.

Cũng không phải thay đổi nơi ở là có được sự hài lòng. Có người nghĩ rằng nếu họ ở một nơi khác họ sẽ có được sự bình an trong tâm hồn hơn. Vào một ngày nóng nực kia, chú cá vàng trong chậu nước và chim hoàng yến trong lồng nói chuyện với nhau. Con cá nói: “Hoàng yến ơi, ước gì tôi biết bay như chị và được ở trong chiếc lồng đó.” Còn chim hoàng yến nói: “Cá ơi, được dìm minh trong làn nước mát kia như chú thì thú vị biết bao.” Lập tức chúng đổi chỗ cho nhau, nhưng rồi cả hai đều không hạnh phúc, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho mỗi con vật một chỗ tùy theo khả năng của từng con, phù hợp với bản chất của chúng.

Điều kiện để giúp chúng ta có được sự hài lòng là chúng ta biết kiềm chế, nhận thức được các giới hạn của mình. Bất cứ điều gì nằm trong giới hạn thì sẽ được an tĩnh. Một khu vườn có tường rào là một trong những chỗ an tĩnh. Thế giới bên ngoài bị đóng lại và xuyên qua cánh cổng, người ta có thể nhìn ra bên ngoài với lòng trìu mến có khoảng cách, dù vẫn say mê nó. Cũng thế, nếu người ta biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn, nghĩa là không tham lam, không ích kỷ, thì tâm hồn sẽ hài lòng, an tĩnh. Con người biết hài lòng thì dù bị giới hạn trong hoàn cảnh, người ấy cũng làm cho giới hạn này trở thành liều thuốc chữa trị cho sự lo âu của mình. Điều quan trọng không phải là khu vườn rộng một mẫu hay ba mẫu, có tường rào hay không, mà điều quan trọng là chúng ta biết sống bên trong nó, dù nó rộng hay hẹp để chúng ta có được một tinh thần an tĩnh và một tâm hồn hạnh phúc.

Vì thế tính hài lòng đến từ đức tin, nghĩa là do nhận biết được mục đích của cuộc đời và xác tín rằng dù có những thử thách thế nào đi nữa thì chúng đều đến từ bàn tay của Cha Nhân Hậu trên trời. Kế tiếp, để có được sự hài lòng, chúng ta cần có một lượng tâm tốt. Nếu nội tâm không hạnh phúc vì những vấp ngã và tội lỗi chưa được đền bù, thì các sự vật bên ngoài không thể đem lại bình an được. Điều cuối cùng là biết hãm dẹp các ước muốn, biết hạn chế các khoái cảm. Chúng ta say mê điều gì quá thì thường đem lại phiền luỵ. Sự hài lòng làm gia tăng niềm vui và giảm nhẹ nỗi cơ cực của chúng ta. Mọi gian nan sẽ nhẹ bớt nếu chúng ta kiên trì chịu đựng chúng và những ân huệ lớn nhất cũng có thể bị tổn thương do tính bất mãn.

Hài lòng với điều kiện hiện tại của chúng ta không có nghĩa là không muốn cải thiện. Đối với người nghèo, Kitô giáo không chỉ nói họ hãy hài lòng mà còn bảo phải siêng năng làm việc. Tuy nhiên, sự hài lòng liên hệ đến tình trạng hiện tại của chúng ta, nghĩa là ngày hôm nay chúng ta đang nghèo khổ, thì trong thời gian này chúng ta hãy biết hài lòng. Tuy nhiên, điều tốt nhất cho ngày hôm sau là chúng ta phải cố gắng làm việc để thoát cảnh nghèo. Có thể chúng ta sẽ không thành công, thì chúng ta vẫn chấp nhận nó và rồi cố gắng thêm cho đến khi nào bớt nghèo hơn. Như thế, hài lòng với cuộc sống liên quan đến hiện tại chứ không liên quan đến toàn bộ các nhu cầu của chúng ta. Một con người biết hài lòng thì không bao giờ nghèo, dù anh ta có rất ít. Còn người luôn bất mãn không bao giờ giàu dù anh ta có rất nhiều.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Làm sao chúng ta biết một ý nghĩ đến từ Chúa, từ chúng ta, hay là từ ma quỷ?

Lời từ video:

Xin chào. Tôi là Cha Gregory Pine và đây là Pints with Aquinas / Uống beer với Thánh Tôma Aquina. Tôi nghĩ đây là lần thứ tám tôi quay video này. Đây là số lần cao nhất tôi từng bỏ ra cho bất cứ video nào trong đời. Tôi không biết điều đó có nghĩa gì, nhưng chúng ta sẽ làm được điều này.

Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc phân biệt thần khí. Sẵn sàng chưa. Chúng ta hãy bắt đầu. Câu hỏi cho video này đến từ JoJo. Anh ấy hỏi, Làm sao chúng ta biết một ý nghĩ đến từ Chúa, từ chúng ta, hay là từ ma quỷ? Câu hỏi này có liên quan đến tiêu đề tôi đã nói lúc bắt đầu của buổi nói chuyện này.

Tiêu đề này chúng ta thường gọi là phân định thần khí. Phần lớn sự hiểu biết về phân định của thế ký 21 này là nhờ vào Thánh I-nhã ; ngài đã viết về Linh thao và đã trao cho những thế hệ Kitô hữu sau đó những tiêu chuẩn để chúng ta có thể qua những câu hỏi mà tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi loại này.

Trong thế kỷ 21 này, một trong những người trình bày truyền thống của Thánh I-nhã rõ ràng nhất là Cha Timothy Gallagher. Cha đã viết một số sách, có podcast về chủ để này và đây là những tài liệu rất là hữu ích cho bạn. Tôi sẽ nói về tiêu đề này từ một truyền thống khác, nhưng những gì tôi nói không nhất thiết sẽ mâu thuẫn với [Thánh I-nhã]. Thật ra tôi không đặc biệt quen thuộc với những điều của I-nhã, nhưng tôi chỉ muốn đưa ra những điểm bổ sung. Vì thế, tôi sẽ nói về truyền thống của Thánh Tôma Aquina và đề cập đến mội vài điểm từ ngài, không qua tên của nguồn nhưng qua linh hứng.

Khi nói về phân định thần khí, trước hết chúng ta phải thừa nhận những cản trở.

Thật không dễ để chúng ta biết một cảm hứng nào đó từ đâu đến, hoặc là từ Chúa, từ chúng ta, hay từ ma quỷ vì những nguyên nhân đưa đến ý tưởng đó thì phức tạp. Cha Gregory ơi, cái gì làm nó phức tạp? Thưa 1) Chúng ta là loài người và Trước hết, chúng ta là con người.

Chúng ta là con người, đó là bản chất của chúng ta, và bản chất là nguyên tắc cấu tạo, không chỉ là nhân dạng, làm chúng ta trở nên là mình. Nhưng nó cũng là cách chúng ta hoạt động: nó làm chúng ta hành động để đến đích, hoặc được phát triển hoặc là hạnh phúc, tùy cách bạn muốn diễn tả. Vì thế, chúng ta không phải là Chúa, chúng ta không phải là thiên thần, mà cũng không phải là thú vật hay thực vật, hay đá, v.v ... chúng ta là con người.

Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta muốn trở nên hoàn hảo, ước muốn ấy bao gồm việc nhận định thần khí thì chúng ta sẽ làm điều này theo cách của con người. Do đó, chúng ta sẽ phải thực hiện nó từng bước, chúng ta sẽ phải làm việc nhận định này lần lượt, dựa trên suy luận này để đi đến suy luận kia, theo con đường khám phá, và cách mà chúng ta bình thường cảm nghiệm điều đó, là chúng ta có được kiến thức về những sự vô hình, những thứ phi vật chất bằng kiến thức về những thứ hữu hình hoặc những thứ vật chất.

Vì vậy nếu muốn biết bản chất của cây cối, điều đó thường đòi hỏi tôi có nhiều trải nghiệm về các loại cây khác nhau và sau đó tôi phân loại các trải nghiệm đó và rút ra từ những trải nghiệm, các khái niệm về cây và sau đó tôi tập hợp những khái niệm có thể hiểu được về cây cối cây cối là gì ở Mỹ, Thụy Sĩ, hoặc bất cứ nơi nào tôi sẽ đi đến để làm thử nghiệm v.v. Nhưng thông thường chúng ta tiến hành từ những gì chúng ta nhìn thấy để đi đến những gì không nhìn thấy.

Khi chúng ta nói về việc phân biệt các thần khí, bạn có thể thấy đó sẽ là điều phức tạp vì bạn không thể nhìn thấy thần khí, đúng không? Bạn không thể nhìn thấy những cảm hứng. Vậy làm sao chúng ta có thể biết nguồn gốc của nó? Qua những dấu hiệu chúng để lại. Nhưng những dấu hiệu đó có vẻ gián tiếp nên chúng ta cần phải ý thức về điều này, từ lúc ban đầu.

Điểm thứ hai: Tội. Ước gì chúng ta đã không phạm tội nhưng chúng ta đã phạm tội. Thánh Augustinô gọi [tôi nguyên tổ] là tội hồng phúc và tạ ơn Chúa là chúng ta lãnh nhận được ân thưởng như vậy, tôi không biết diễn tả cách nào theo cách ý thức được sự tinh tế của thần học… nhưng tội, đã đem Đấng Cứu độ đển cho chúng ta ; chúng ta nhờ đó được lãnh nhận Chúa Kitô; tạ ơn Chúa.

Nhưng khi chỉ suy xét về tội: Chúng ta được dựng nên trong ân sủng và khi chúng ta qua tội tổ tông, đánh mất ân sủng đó, tội ấy bằng cách nào đó, như thể… nó không làm biến chất bản chất của chúng ta, nhưng chúng ta chỉ có mình để dựa vào.

Vì thế, chúng ta gánh chịu những vết thương như: về trí óc, có vết thương của sự thiếu hiểu biết ; trong ý chí của chúng ta, có vết thương của sự ác ý ; và trong những ham muốn của chúng ta, có vết thương của yếu đuối và của nhục dục. Điều này có nghĩa là khi chúng ta đối mặt với thực tại theo cách không thánh thiện hoặc phản ảnh những thứ đúng theo như thực tế chính là vì chúng ta luôn mang vào thực tại đó bản chất đã bị tổn thương của mình.

Vậy cho nên chúng ta luôn hành động từ sự thiếu hiểu biết, hành động từ ác ý, hoặc hành động từ sự yếu đuối hoặc thiên về những sự xấu. Có phải chúng ta đang nói bản chất con người hoàn toàn sa đọa, không thể làm được sự gì tốt lành? Không, không, không. Nhưng chúng ta nói rằng chúng ta rất bị giới hạn bởi tội lỗi của chúng ta, ngay từ lúc ban đầu. Ít nhất, chúng ta cần biết điều này.

Với những hạn chế này, chúng ta sẽ làm gì, hoặc sẽ làm cách nào để nhận định thần khí? Này, chúng ta sẽ làm nó theo cách của loài người. Điều này thì không thể thoát được. Nhưng chúng ta sẽ tìm để được chữa lành và phát triển vượt khỏi những giới hạn của tội mà chúng ta vừa nêu ra. Do đó cách thông thường, cách tốt nhất là có sự hiểu biết về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn, hoặc điều gì Chúa đang gọi bạn, hoặc những động cơ không trong sạch nào có tiềm năng xen lẫn vào và cần được nhận ra, hoặc cách bạn có thể nhận ra tiếng nói của sự dữ để tránh xa nó và bao phủ bản thân trong sự bảo vệ của Chúa, một phần là phát triển đời sống nhân đức vì nhờ nhân đức bản chất con người chúng ta được chữa lành, và rồi chúng ta có thể tăng trưởng vượt ra khỏi hàng rào của giới hạn con người.

Một trong những nhân đức đặc biệt hỗ trợ sự phân định của chúng ta nhiều nhất trong sự bình thường của cuộc sống là khôn ngoan. Khôn ngoan là lý trí suy luận đúng đắn về những việc phải làm. Và thường là khi chúng ta phải phân biệt giữa những thần khí khác nhau, phân biệt giữa những tiếng mời gọi khác nhau, chúng ta cố gắng phân định điều chúng ta cần phải làm và chúng ta cố gắng xem xét lời khuyên của thần khí nào chúng ta nên nghe theo: Chúa, chúng ta hay ma quỷ. Vì thế chúng ta phải tìm cách để lớn lên trong nhân đức khôn ngoan, thận trọng, nhờ đó chúng ta ngày càng được tinh luyện hơn, ngày càng có khả năng, ngày càng sẵn sàng để hành động một cách tốt lành khi phải phân biệt và chọn giữa những quyết định khác nhau.

Một cách mà Thánh Tôma mô tả nhân đức khôn ngoan thận trọng là bằng cách phân nó ra thành những phần nhỏ. Chẳng hạn thánh nhân sẽ nói người khôn ngoan có một loại ký ức về những trải nghiệm trong quá khứ của họ. Nếu bạn muốn có những quyết định tốt, bạn sẽ phải nhìn lại những quyết định mà bạn đã đưa ra trong quá khứ. Và nghĩ về chúng theo cách phân định thần khí.

Xem nào, lời mời gọi này nghe rất giống sự thúc đẩy mà tôi đã nghe trước đây và khi đi theo thúc đẩy đó, việc gì đã xảy ra? Vì thế, bạn tham khảo trí nhớ của mình. Tiếp đến là nhân đức ngoan ngoãn. Thánh Tôma nói rằng khi chúng ta ngoan ngoãn chúng ta sẽ nghe theo lời khuyên của những người khôn ngoan hơn chúng ta, những người đã có cùng những trải nghiệm ấy và đã đạt được nhiều lợi ích từ chúng. Do đó, vẫn là suy nghĩ về việc phân định thần khí, chúng ta có thể đem những gì mình đang gặp phải đến với một người bạn đáng tin tưởng, đến với cha giải tội, đến với người linh hướng, đến với người bạn nghĩ đã có dày kinh nghiệm, hiểu biết về đời sống thiêng liêng và bạn hỏi ý kiến của họ để có thêm sự rõ ràng, hoặc là bạn không biết sự gì đang xảy ra với bạn và bạn đi tìm sự giúp đỡ. Trí nhớ và sự ngoan ngoãn.
Thánh Tôma sau đó tiếp tục mô tả những thứ khác nhau của điều ngài gọi là những phần không thể thiếu của đức khôn ngoan, gộp lại với nhau làm thành nhân đứckhôn ngoan, nhưng chúng ta có thể đi nhanh qua phần chính giữa. Thánh nhân nói về tính sắc sảo/khôn khéo, sự hiểu biết và suy luận, khả năng nhìn xa rộng. Có lẽ chúng ta sẽ chỉ nói về hai nhân đức còn lại: thận trọng và cảnh tỉnh để không liều lĩnh.

Khi bạn thực hiện một hành động khôn ngoan, bạn cần phải cảnh giác về những tình huống khác nhau có thể phát sinh, làm bạn trật đường. Vì thế bạn phải dự đoán những cách mà một hành động có thể làm biến chất hoặc có khả năng làm suy yếu bạn và tìm cách để vượt qua. Những điều đó chúng ta suy luận về tiêu đề nhận định thần khí. Bạn sẽ điều chỉnh dựa trên cách hành động ấy phát triển, hành động mà bạn cảm nhận là bạn đã được linh hứng.

Dó đó, bạn thực hiện một việc vì bạn cảm thấy điều này là từ Chúa đến. Chẳng hạn như bạn nghĩ Chúa gọi bạn đi tu nhưng khi bạn bắt đầu tìm hiểu, có thể bạn đã tìm hiểu năm tháng và bạn bị bồi hồi lo lắng, tất cả những gì bạn có thể nghĩ đến là bạn sẽ bị sầu não chừng nào Bất cứ niềm vui thiêng liêng nào cũng hoàn toàn biến mất.

Thận trọng, cảnh tỉnh, tình huống mới. Chúng ta cần bao gồm cả những thực tại này: có lẽ hãy cứ kiên trì, hay tôi có thể đang bị trật đường. Nhưng thực tại là bạn không đang được chúc phúc, không ở trong sự chúc lành nên bạn cần nhạy cảm về thực tại đó hoặc ít nhất để nó tác động đến bạn. Và một nguồn nhỏ khác đến từ việc xem xét nhân đức khôn ngoan / thận trọng là sự hỗ trợ của nhân đức đó đến từ ân sủng thích hợp của Chúa Thánh Thần được gọi là ơn biết lo liệu.

Qua ơn này, chúng ta thật sự nhận từ Chúa, hoặc chúng ta như thể lãnh nhận lợi ích từ món quà lý trí Chúa ban. Chúng ta thực sự có thể tham dự vào lý trí của Chúa trong sự việc này. Bạn sẽ thắc mắc, Chờ chút, không phải Cha đang làm ngắn đi quá trình sao. Ơn biết lo liệu là nhân đức mà chúng ta đón nhận làm bản tính của mình nên nó là nhân đức theo nghĩa thói quen (tốt) nhưng nó đặc biệt ở chỗ nó không giống nhân đức vì nhân đức là một nguyên tắc cho hành động của chúng ta. Ân sủng của Chúa Thánh Thần là nguyên tắc Chúa hoạt động. Ơn đó làm chúng ta dễ tiếp thu, làm chúng ta mở lòng, làm chúng ta theo cách nào đó chỉ là người mở tay lãnh nhận món quà linh hứng của Chúa. Nhờ đó chúng ta có thể thực sự trưởng thành trong thói quen, ngày càng sẵn sàng đón nhận linh hứng của Chúa, hơi thở của Chúa trên ta hoặc bản năng của Chúa như Thánh Tôma diễn tả. Qua đó chúng ta ngày càng trở nên "trùng hợp" hoặc ngày càng trở nên nhạy cảm với tiếng của Chúa và vì thế, chúng ta dễ dàng nhận ra tiếng Chúa hơn.

Rồi khi xem xét sự việc trong tình huống hằng ngày như chúng ta đã nói đến ở trên, chúng ta là giống người, chúng ta sẽ trải nghiệm việc này theo cách con người. Chúng ta thường đi đến kiến thức về những gì không nhìn thấy từ những gì được nhìn thấy. Vì vậy bạn sẽ phải chọn từ một vài lựa chọn khác nhau và sau đó ghi lại các dấu hiệu xuất hiện khi bạn "hành động theo linh hứng” đó.

Chúng ta có thể nghĩ về cách Thánh Gioan Tông đồ miêu tả trong thư thứ nhất của ngài. Nếu một người nói, tôi yêu mến Chúa nhưng ghét anh em mình, người ấy không yêu mến Chúa. Nếu tôi yêu mến Chúa, tôi sẽ yêu mến anh em tôi. Ngược lại, nếu tôi không yêu mến anh em mình thì tôi không yêu mến. Chúng ta cũng có thể đi theo lôgic đó. Khi chúng ta thấy một hành động nào đó khô cằn, không sinh hoa trái, làm cho chúng ta trở nên cô đơn, buồn sầu, bồn chồn, nó gây ra mọi thứ buồn sầu tinh thần, điều đó chứng tỏ nó không đến từ Chúa. Dù rằng có những lúc khó khăn mà ngay cả những linh hứng Chúa gởi đến cũng khó khăn, nhưng về lâu dài, chúng ta thấy chúng sinh hoa quả, đặc biệt là hoa quả của Chúa Thánh Thần như được mô tả trong thư Thánh Phaolô gửi cộng đoàn ở Ga-lát.

Vì thế, nơi nào Chúa đang hoạt động, chúng ta có thể quan sát trên đường dài, nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ có được sự bình an, kiên nhẫn, đức ái, sự trung tín, những thứ mà Thánh Phaolô đưa ra trong thư của Ngài. Đây chỉ là những điểm nhỏ mà tôi sẽ thêm vào câu hỏi làm sao biết ý tưởng đó là từ Chúa, đó là chúng ta là con người và vì thế chúng ta cần thực hiện việc tìm hiểu ý Chúa theo cách của con người. Và vì chúng ta là kẻ tội lỗi nên chúng ta cần phải kiên nhẫn với quá trình chữa lành. Sự chữa lành sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời của chúng ta. Với những hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ tìm cách để quyết định, sống với sự khôn ngoan, thận trọng, tìm lợi ích từ những hướng dẫn của Chúa, và ghi nhớ những dấu hiệu đã tác động trên chúng ta để chúng ta điều chỉnh cách sống của mình trong những lần tới của bất kỳ hoạt động nào chúng ta thực hiện.

Tôi hy vọng điều đó hữu ích cho bạn. Xin Chúa chúc lành.

Bạn có thể cũng muốn xem lại video của Cha Mike, Chúa muốn tôi làm gì?

Share: