Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ VI Mùa Phục Sinh, Năm B

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 15:9-17)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

--------------------

Anh chị em thân mến, Xin chào buổi sáng!

Trong Mùa Phục Sinh này, Lời Chúa tiếp tục chỉ bảo cho chúng ta những cung cách sống gắn kết chặt chẽ với nhau để làm cộng đoàn của Đấng Phục Sinh. Trong số những cung cách sống đó, bài Phúc Âm ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta những lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9), ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu. Cư ngụ trong dòng sông tình yêu của Thiên Chúa, trung thành ở lại trong tình yêu, đó là điều kiện để chúng ta không đánh mất đi sự hăng say và táo bạo của tình yêu chúng ta trên bước đường hành trình. Chúng ta cũng thế, cũng như Đức Giêsu, và trong Đức Giêsu, với lòng biết ơn, chúng ta phải đón nhận tình yêu đến từ Cha, và ở lại trong tình yêu của Cha, bằng cách không để cho tính ích kỷ và tội lỗi tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Cha. Đây là một chương trình mang tính đòi hỏi, nhưng không phải là không thể thực hiện được.

Trước tiên, điều quan trọng là chúng ta phải ý thức rằng, tình yêu của Đức Kitô không phải là một thứ tình cảm hời hợt, không, không phải thế, đây là một thái độ cơ bản của con tim, được biểu lộ qua sự kiện sống như Đức Kitô muốn. Vì chưng, Đức Giêsu quả quyết: “Nếu các con giữ lệnh truyền của Thầy, thì các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ những lệnh truyền của Cha Thầy, và Thầy ở lại trong tình yêu của Cha” (c. 10). Tình yêu được thể hiện qua cuộc sống mỗi ngày, được thể hiện qua những thái độ sống, qua những hành động, nếu không, thì đó chỉ là một cái gì hão huyền. Đó chỉ là những từ ngữ, những ngôn từ, những từ ngữ: đó không phải là tình yêu. Tình yêu thì cụ thể, tình yêu được thể hiện mỗi ngày. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta tuân giữ các giới răn của Người được tóm tắt lại qua điều sau đây: “Các con hay yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (c. 12).

Làm thế nào để chia sẻ cho những người khác tình yêu mà Chúa Phục Sinh đã ban cho chúng ta? Đã không biết bao nhiêu lần Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy ai là người chúng ta phải yêu, không phải yêu bằng lời nói, nhưng bằng những việc làm. Đó là người mà tôi gặp trên những nẻo đường tôi đi, và đó là người mà qua gương mặt và qua lịch sử của người đó, đã chất vấn tôi; đó là người, mà chỉ cần qua sự hiện diện của người đó, cũng đã đủ để thúc đẩy tôi đi ra khỏi cái tháp báu ngọc ngà là những tư lợi của tôi, cũng như đi ra khỏi những an ninh của tôi, đó là người đang chờ, đang đợi tôi dành chút ít thời gian để sẵn sàng nghe người ấy nói, và sẵn sàng cùng nhau đi một đoạn đường. Sẵn sàng đối với mỗi người anh chị em, dầu họ là ai, và dầu cho tình thế mà họ đang sống trong đó là gì đi chăng nữa, và bắt đầu bằng người ở gần tôi, trong gia đình của tôi, trong cộng đoàn của tôi, nơi công sở tôi làm việc, nơi học đường tôi đèn sách... Bằng cách đó, nếu tôi sống kết hợp với Đức Giêsu, thì tình yêu của Người có thể chạm đến người đó, và lôi kéo người đó đến với Đức Giêsu, đến với tình bạn của Người.

Và tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân không thể chỉ được dành cho những lúc đặc biệt, nhưng tình yêu đó phải trở nên hằng số cho cuộc hiện sinh của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta được mời gọi, chẳng hạn, dùng tình yêu thương để bảo vệ những người da mồi tóc bạc, như thể đó là một kho tàng quý giá, ngay cả khi những con người này tạo nên những vấn nạn về kinh tế, và làm cho chúng ta cảm thấy chẳng thoải mái chút nào, thì chúng ta vẫn phải bảo vệ họ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải sẵn sàng để có thể giúp đỡ những bệnh nhân, ngay cả những bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Đó là lý do tại sao các em được sinh ra phải luôn luôn được đón tiếp, đó là lý do tại sao, rốt cục, sự sống phải luôn luôn được bảo vệ và yêu mến, kể từ lúc thụ thai cho đến ngày kết thúc cách tự nhiên. Đó chính là tình yêu.

Chúng ta được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Giêsu Kitô, Người là Đấng yêu cầu chúng ta yêu mến nhau, như Người yêu mến chúng ta. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này, nếu chúng ta có được Quả Tim của Người trong chúng ta. Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kêu gọi đến tham dự mỗi Chúa Nhật, có mục đích tạo nên trong lòng chúng ta Quả Tim của Đức Kitô, để cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta được hướng dẫn nhờ những thái độ quảng đại của Người. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu, và lớn lên trong tình yêu dành cho tất cả mọi người, đặc biệt dành cho những người yếu đuối nhất, để hoàn toàn đáp trả lại ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive