Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

CẦU NGUYÊN VÀ SUY NIỆM

Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Yếu tính của cầu nguyện không phải là cố gắng làm cho Thiên Chúa ban cho chúng ta điều gì đó, cũng không dựa trên một điều gì giống như tình bạn của con người, nhưng trong cầu nguyện vẫn có một lời cầu xin hợp pháp. Thiên Chúa ban cho chúng ta hai loại hồng ân: Trước hết, có những ơn Chúa ban cho chúng ta với điều kiện chúng ta cầu xin ơn đó. Ôn này giống như những điều mà một đứa con trong gia đình được nhận như: thức ăn, áo mặc, nơi ở, sự chăm sóc và trông nom. Những ơn này được ban cho mọi đứa con, dù chúng có xin hay không.

Nhưng có những ơn khác được bán với điều kiện đứa con ao ước và nài xin. Một người cha mong mỏi đứa con đi học đại học, nhưng nếu người con từ chối việc học hành hay lơ là chểnh mảng, ơn mà người cha định ban cho con có thể không bao giờ được ban cho nó. Không phải vì người cha rút lại ơn huệ của mình, nhưng đúng hơn là vì người con làm cho ơn huệ không thể bạn được. Chúa Giêsu nói về loại ơn huệ thứ nhất rằng: “Thiên Chúa cho mưa xuống trên cả người công chính lẫn người bất chính” (Mt 5,45). Và Ngài nói về loại ơn huệ thứ hai: “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,8).

Cầu nguyện không chỉ là cho Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta, vì Thiên Chúa đã biết trước khi chúng ta xin. Đúng hơn, mục đích của cầu nguyện là tạo cơ hội để Thiên Chúa ban các ơn huệ của Ngài cho chúng ta khi chúng ta sẵn sàng lãnh nhận chúng. Không phải con mắt làm cho mặt trời chiếu sáng, không phải hai lá phổi làm cho không khí bao phủ chúng ta. Ánh sáng mặt trời có ở đó nếu chúng ta không nhắm mắt lại và bầu không khí có ở đó cho hai lá phổi của chúng ta nếu chúng ta không ngừng thở. Các phúc lành của Thiên Chúa có ở đó, nếu chúng ta không phản loạn chống lại ý muốn ban ơn của Chúa.

Có những người chỉ nghĩ về bản thân, chỉ cầu xin cho bản thân thôi, còn có những kẻ biết nghĩ đến những người lân cận và chuyển cầu cho họ. Ai chỉ nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng yêu thương và phục vụ con người, thì dâng lời phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa và đây là lời cầu nguyện của các thánh. Và cái giá của lời cầu nguyện này thì rất cao đối với đa số chúng ta, vì nó đòi hỏi phải bỏ cái tôi của mình đi. Nhiều tâm hồn muốn Thiên Chúa làm theo ý muốn của họ. Họ đưa ra kế hoạch của họ và xin Chúa chuẩn y mà đừng thay đổi điều gì. Lời cầu nguyện của kinh Lạy Cha bị họ thay đổi như thế này: “Xin cho ý con được thể hiện dưới đất.” Thật khó khăn để Thiên Chúa ban tặng chính Ngài cho những ai chỉ quan tâm đến những điều chóng qua ở đời này. Con người chỉ dựa vào cái tôi của mình, và từ chối mở lòng ra đối với Thiên Chúa thì giống như một quả trứng được đặt trong tủ lạnh, nó không bao giờ nở được, không bao giờ cho sự sống trong nó được phát triển ra bên ngoài. Cái tôi mãi mãi cũng chỉ là một cái phôi nằm trong vỏ trứng.

Ở đâu có tình yêu, thì ở đấy có tư tưởng nghĩ về người mà chúng ta yêu thương. “Của người ở đâu, lòng người ở đó” (Mt 6, 21). Mức độ chúng ta yêu mến phụ thuộc vào giá trị của điều mà chúng ta đặt vào đấy. Thánh Augustinô nói: “Tình yêu là luật của sự hấp dẫn”. Mọi sự có trung tâm của nó. Người học trò thấy môn này khó học bởi vì cậu không thích kiến thức như môn thể thao. Người thương gia thấy khó suy nghĩ về những sự trên trời bởi vì ông chỉ ham thích làm sao cho mình trở nên giàu có thôi. Tâm trí đầy những sự thuộc về xác thịt sẽ thấy rất khó khăn để yêu thích những gì thuộc về tinh thần bởi vì kho tàng của họ nằm nơi xác thịt.

Chúng ta trở nên giống điều chúng ta yêu thích. Nếu người ta yêu thích vật chất, người ta trở nên giống vật chất; nếu người ta yêu thích những điều thuộc về tâm linh, người ta sẽ qui hướng về nó trong lý tưởng, trong khát vọng và cái nhìn của họ. Đưa mối liên hệ này vào lòng yêu mến và việc cầu nguyện, thì dễ hiểu tại sao một số người nói: “Tôi không có thời gian để cầu nguyện.” Họ thực sự không có, bởi vì đối với họ những việc khác cần thiết hơn, quí giá hơn. Họ dành hết thời giờ cho những việc khác nên không còn giờ để cầu nguyện.

Có một hình thức cầu nguyện khác cao hơn việc đọc kinh, đó là việc suy niệm. Suy niệm có vẻ giống như việc mơ mộng giữa ban ngày, nhưng có hai điều khác biệt quan trọng. Trong suy niệm, chúng ta không nghĩ về thế gian hay bản thân, nhưng nghĩ về Thiên Chúa và thay vì dùng trí tưởng tượng để xây lâu đài bên Tây Ban Nha, chúng ta dùng ý chí để làm quyết tâm lôi kéo chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn. Suy niệm là một hành vi tâm linh hơn là đọc kinh. Nó giống như thái độ của một đứa trẻ đến với mẹ nó và nói: “Con không nói gì hết, nếu mẹ để con ở với mẹ nơi đây và nhìn mẹ.”

Suy niệm cho phép người ta dừng nghĩ đến những vật chất bên ngoài để ý thức đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó đóng cánh của thế gian để đi vào thế giới tâm linh. Nó đặt ý chí của chúng ta dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa. Suy niệm đem ánh sáng các chân lý đức tin chiếu soi cách chúng ta suy nghĩ, nói và hành động giúp chúng ta nhận ra sự thật về những gì chúng ta tự lừa dối mình và tính ích kỷ. Nó đặt ta trước sự công chính của Thiên Chúa, để chúng ta thấy mình thực sự là ai và không như chúng ta vẫn nghĩ về bản thân. Nó dẹp những tiếng kêu gào của cái tôi sang một bên để nghe tiếng Chúa nói. Nó dùng các quan năng của chúng ta không phải để xem xét các chuyện làm chúng ta xa Chúa, nhưng khích lệ ý chí của chúng ta vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Nó vun trồng một thái độ hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý, để giải thoát chúng ta khỏi thành kiến và xu hướng của mình, để chúng ta loại bỏ những suy nghĩ sai trái khỏi tâm trí chúng ta.

Suy niệm giúp chúng ta loại bỏ những gì ngăn trở chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa và củng cố những khát vọng làm điều tốt lành để tôn vinh Thiên Chúa. Nó làm chúng ta đừng dán mắt vào những xa hoa của đời này và nhắc chúng ta nhớ đến thân phận mình là thụ tạo, được dựng nên, được cứu độ và hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Suy niệm không phải là cầu xin một điều gì đó, nhưng đúng hơn là qui phục, là xin Chúa sử dụng chúng ta để tôn vinh Ngài.

Vì suy niệm là cái tại của linh hồn, nên nó quan trọng hơn cái lười. Thánh Phaolô nói rằng: đức tin đến từ việc lắng nghe. Phần nhiều người ta mắc phải sai lầm là nói nhiều hơn nghe. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Người ta có thể cư xử bất lịch sự với Chúa trong đối thoại , khi biến đổi câu lời Chúa từ “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” trở thành “Lạy Chúa, xin hãy nghe, vì tôi tớ Chúa đang nói”. Thiên Chúa có nhiều điều muốn nói để soi sáng chúng ta, chúng ta cần chờ đợi Chúa nói. Không ai đến phòng mạch bác sĩ kể hết các triệu chứng bệnh tật rồi bỏ đi ngay, không chờ nghe lời chẩn đoán của bác sĩ. Không ai mở radio lên rồi bỏ đi ngay. Thật vô lễ khi chúng ta nhấn chuông cửa nhà Chúa rồi bỏ đi. Chúa sẵn sàng lắng nghe lời của chúng ta hơn chúng ta nghĩ. Phần chúng ta cần cải thiện thái độ lắng nghe lời Chúa nói với mình. Khi người ta phàn nàn lời cầu nguyện của họ không được nhậm lời, thì điều thường xảy ra là họ đã không đợi nghe câu trả lời của Chúa.

Suy niệm cải thiện lối cư xử của chúng ta. Người ta thường cho rằng hành động là tất cả, chẳng cần lòng tin. Nhưng điều này vô nghĩa vì chúng ta hành động dựa trên niềm tin của mình. Hitler hành động dựa trên chủ thuyết quốc xã của ông và gây ra chiến tranh. Nếu tư tưởng của chúng ta xấu, hành động của chúng ta sẽ xấu. Những hành vi dâm ô phát xuất từ những tư tưởng dâm ô. Để một người không cướp ngân hàng thì phải làm cho người ấy không bao giờ nghĩ đến việc cướp ngân hàng. Những bất công về chính trị, kinh tế, xã hội phát xuất từ tâm trí con người. Chúng trở thành sự dữ trong xã hội vì tính mãnh liệt của những tư tưởng này đã xâm chiếm đầu óc con người.

Không điều gì xảy ra trong thế giới này mà đã không xảy ra trước trong tâm trí con người. Vệ sinh không chữa lành được những việc vô đạo đức, nhưng nếu dòng tư tưởng được giữ trong sạch thì sẽ không cần phải lo về hậu quả của những suy nghĩ xấu xa trên thân xác. Khi người ta suy niệm và giữ trong tâm trí những tư tưởng và quyết tâm sống mến yêu Thiên Chúa và người lân cận, có một sự thẩm thấu dần dần về tình yêu vào trong tiềm thức và sẽ bộc lộ ra bằng những hành động tốt. Mỗi người phải dò xét cuộc sống của mình, nhất là những tư tưởng của mình.

Tư tưởng của chúng ta làm nên những ao ước của chúng ta và những ước muốn này là nhà điêu khắc làm nên những ngày sống của chúng ta. Khao khát chính là khao khát về số phận. Những khao khát được hình thành từ trong tư tưởng và suy niệm. Và vì hành động theo sau các khao khát, nên linh hồn được thúc đẩy bởi Thiên Chúa và ít bị lung lạc bởi các cám dỗ của thế gian.

Nếu một người suy niệm liên lỉ về Thiên Chúa, một thay đổi lớn sẽ xảy ra trong cách cư xử của người ấy. Nếu trong suy niệm ban sáng chúng ta nhớ là Thiên Chúa đã trở nên một người tôi tới phục vụ chúng ta, chúng ta sẽ không dám có thái độ cha chú đối với những người khác trong suốt ngày hôm đó. Nếu chúng ta suy niệm về ơn cứu độ của mọi người, chúng ta sẽ không dám kiêu ngạo và coi thường người khác. Vì Chúa Giêsu đã nhận lấy hết mọi tội lỗi của thế gian vào thân Ngài, nên bất cứ ai hiểu được sự thật này sẽ nhận vác lấy gánh nặng của người lân cận qua việc giúp đỡ họ. Nếu chúng ta suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, để chúng ta cũng được Chúa tha thứ. Những tư tưởng này đã từ Thiên Chúa đến với chúng ta. Khi sự bất lực của chúng ta được phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi và chúng ta trở nên ít phụ thuộc vào tính khí của mình hơn.

Việc suy niệm làm thay đổi cuộc sống chúng ta nhờ việc được hiệp thông với Thiên Chúa. Đừng bao giờ nói rằng tôi không có thời giờ để suy niệm. Vì chúng ta ít nghĩ đến Thiên Chúa, nên không dành thời giờ cho Ngài. Thời gian chúng ta dành cho điều gì đó phụ thuộc vào việc chúng ta đánh giá điều đó như thế nào. Tư tưởng xác định cách sử dụng thời giờ. Thời giờ không làm chủ tư tưởng. Vấn đề tâm linh không nằm ở thời giờ, nhưng là vấn đề của tư tưởng. Để nên thánh thì không đòi hỏi nhiều thời giờ, nhưng chỉ đòi hỏi rất nhiều tình yêu. 

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét