Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (20:19-23)

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Trong bài đọc phụng vụ hôm nay, biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần được so sánh với “một trận cuồng phong” (Cv 2, 2). Hình ảnh này nói gì với chúng ta đây? Trận gió dữ dội làm cho chúng ta liên tưởng tới một sức mạnh lớn, nhưng tự mình, đây không phải là một mục tiêu: đây là một sức mạnh biến đổi thực tại. Vì chưng, gió mang lại sự biến đổi: những luồng gió ấm khi trời trở lạnh, những luồng gió mát khi trời chuyển nóng, mưa rơi khi trời khô hạn... Và trời đất đã thay đổi như thế. Chúa Thánh Thần cũng thế, ở một bình diện khác nhau, Người cũng làm như thế: Người là sức mạnh thần linh làm thay đổi, làm thay đổi thế giới.

Ca tiếp liên đã nhắc cho chúng ta nhớ lại điều này: Thần Khí là “sự nghỉ ngơi trong cảnh lao nhọc, là niềm an ủi trong cảnh lệ rơi”; và chúng ta nài van Người như sau: “Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành nơi thương tích”. Người thâm nhập vào trong mọi tình huống và biến đổi chúng; Người biến đổi các tâm hồn, và Người thay đổi các biến cố.

Người biến đổi các tâm hồn. Đức Giêsu đã nói với các tông đồ của Người rằng: “Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con, lúc đó, các con sẽ là những chứng nhân của Thầy” (Cv1, 8). Và thực sự là như thế: lúc đầu, các môn đệ này sợ sệt, họ giam chặt mình trong phòng, cửa đóng then cài, thậm chí ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, và nay họ đã được biến đổi nhờ Thần Khí, và như Đức Giêsu đã loan báo trong bài Phúc Âm ngày hôm nay, họ đã làm chứng cho Người (x. Ga 15, 27). Từ những người lảo đảo, nay họ đã trở nên can đảm, và một khi xuất phát từ kinh thành Giêrusalem, họ đã đi đến tận cùng bờ cõi trái đất. Từ những người sợ hãi khi Đức Giêsu còn ở giữa họ nhưng chưa lãnh nhận Thần khí, nay họ đã trở nên táo bạo là vì Thần Khí đã biến đổi tâm hồn họ.

Thần Khí giải phóng các tâm trí bị tê liệt vì sợ hãi. Thần Khí chiến thắng những sức lực đối kháng. Đối với ai bằng lòng với cuộc sống nửa vời, thì Người ban cho người ấy sức hăng say để tận hiến. Người mở rộng những con tim hẹp hòi. Người thúc đẩy người nào đắm mình trong tiện nghi để ra đi phục vụ. Người giúp ai tưởng mình đã đến nơi lại tiếp tục ra đi. Người làm cho ai sống hững hờ biết mơ mộng. Đó là sự thay đổi của con tim.

Nhiều người hứa hẹn những mùa thay đổi, những cuộc khởi hành ra đi mới, những cuộc canh tân kỳ diệu, nhưng kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng, không một toan tính thay đổi mọi sự ở trần gian này có thể hoàn toàn thoả mãn được con tim của con người chúng ta. Sự thay đổi của Thần Khí thì lại khác: Người không cách mạng hoá cuộc sống xung quanh chúng ta, nhưng Người thay đổi con tim chúng ta; Người không giải phóng chúng ta ngay một lần, một lượt khỏi những vấn nạn, nhưng Người giải phóng chúng ta ngay từ bên trong để đương đầu với những vấn nạn đó; Người không ban cho chúng ta tất cả ngay lập tức, nhưng Người giúp chúng ta tin tưởng bước đi mà không bao giờ mỏi mệt về cuộc sống.

Thần Khí giữ cho con tim được tươi trẻ - chính Người canh tân sức tươi trẻ của con tim. Tuổi trẻ, mặc cho mọi nỗ lực của con người chúng ta để kéo dài tuổi trẻ, thì chóng hay chầy, cũng sẽ trôi qua thôi, còn trái lại, Thần Khí giữ cho chúng ta tránh được sự già nua duy nhất mang đặc tính độc hại, đó là sự già nua nội tâm. Phải tiến hành như thế nào đây? Bằng cách canh tân con tim, bằng cách biến đổi con tim của tội nhân thành con tim của người được tha thứ.

Đó là sự thay đổi lớn lao: từ những tội nhân, Người làm cho chúng ta trở nên những người công chính, và như thế, tất cả sẽ thay đổi, là vì, từ nô lệ tội lỗi, chúng ta trở nên những người tự do, từ những tôi tớ, chúng ta trở nên những người con, từ những người sống ngoài lề xã hội, chúng ta trở nên những người quan trọng, từ những người thất vọng, chúng ta trở nên những con người đầy hy vọng. Như thế, Chúa Thánh Thần làm cho niềm vui được tái sinh, và như thế, Người làm nở hoa bình an trong tâm hồn.

Như thế, ngày hôm nay, chúng ta học biết điều chúng ta cần phải làm, khi chúng ta cần có một sự thay đổi thật sự. Ai trong chúng ta lại không cần điều đó? Nhất là khi chúng ta đang sống trên trần gian này, khi chúng ta lao nhọc dưới gánh nặng của cuộc đời, khi những yếu đuối đè bẹp chúng ta, khi tiến bước về phía trước thì thật nhiêu khê, và yêu thương thì dường như vô phương. Lúc đó, chúng ta cần một liều “thuốc tăng lực” hữu hiệu: chính Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh “Credo” [Kinh Tin Kính], “ban sức mạnh”. Thật tốt đẹp biết bao, nếu mỗi ngày chúng ta dùng viên thuốc tăng lực ban sự sống này! Hãy nói khi chúng ta thức dậy: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, xin Ngài hãy đến trong lòng con, xin Ngài hãy đến trong ngày sống của con”.

Thần Khí, sau khi biến đổi các tâm hồn, Người thay đổi các biến cố. Cũng như gió thổi khắp nơi, thì cũng thế, Thần Khí cũng đạt đến những tình huống mà chúng ta không thể nào nghĩ tưởng tới được. Trong sách Công Vụ Tông Đồ - là một quyển sách mà chúng ta cần phải khám phá, và nơi đây, Thần Khí là nhân vật chủ chốt - chúng ta thấy được một năng lực liên tục, đầy những bất ngờ. Khi các môn đệ không hề ngờ, không hề nghĩ đến, thì Thần Khí lại gửi họ đi đến với những người dân ngoại. Thần Khí mở ra những con đường mới, như trong giai thoại về Phó Tế Philipphê.

Thần Khí thúc đẩy vị phó tế này trên một con đường hiu quạnh, vắng vẻ, con đường dẫn từ kinh thành Terusalem đến dải Gaza - ôi danh từ này ngày hôm nay vang lên làm chúng ta đau nhói con tim! Ước gì Thần Khí thay đổi mọi con tim cũng như mọi biến cố, và mang lại hoà bình cho Thánh Địa! - Trên con đường này, Phó Tế Philipphê rao giảng cho viên công chức xứ Ethiopi, và rửa tội cho ông; sau đó, Thần Khí đưa Phó Tế Philipphê đến Ashdod, rồi đến tận Cesarea: vẫn luôn luôn trong những tình huống mới, để vị phó tế này loan truyền nét mới mẻ của Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có Thánh Phaolô, là người “bị Thần Khí bắt buộc” (Cv 20, 22) ra đi đến tận những nơi cùng tận xa xôi, để mang Phúc Âm đến cho những dân tộc mà ngài chưa bao giờ gặp mặt. Khi có Thần Khí, thì vẫn luôn luôn xảy ra một cái gì đó, khi Thần Khí thổi, thì không hề có lúc thảnh thơi ngơi nghỉ, không bao giờ có!

Khi cuộc sống của những cộng đoàn chúng ta trải qua những thời kỳ “thở dốc”, những thời kỳ mà trong đó người ta thích cảnh yên tĩnh ở tại nhà hơn là nét mới mẻ của Thiên Chúa, thì lúc đó là một dấu hiệu xấu. Điều đó muốn nói là người ta đã tìm một chỗ trú ẩn để chống lại ngọn gió của Thần Khí. Khi người ta sống chỉ để duy trì và bảo vệ con người của mình, và khi người ta không đi đến với những ai ở xa, thì đây không phải là một dấu hiệu tốt lành gì. Thần Khí thổi, nhưng chúng ta lại hạ cờ đầu hàng. Thế nhưng, đã có biết bao nhiêu lần chúng ta thấy Người làm những điều kỳ diệu.

Thường thì chính trong những lúc tăm tối nhất, Thần Khí lại gợi lên sự thánh thiện sáng ngời nhất! Bởi vì Người là linh hồn của Giáo Hội, nên Người luôn thức tỉnh Giáo Hội bằng niềm hy vọng, Người làm cho Giáo Hội tràn ngập niềm vui, Người làm cho Giáo Hội luôn có những nét mới mẻ, Người ban cho Giáo Hội những mầm mống sự sống. Giống như khi trong gia đình chúng ta có cảnh một em bé chào đời: Người đảo lộn thời khoá biểu, Người làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ, nhưng Người lại mang đến cho chúng ta một niềm vui canh tân sự sống, bằng cách làm cho cuộc sống phát triển, bằng cách làm cho cuộc sống trường rộng trong tình yêu. Như thế, chúng ta thấy Thần Khí mang lại một hương vị trẻ thơ” trong lòng Giáo Hội!
Người luôn luôn tạo nên những cuộc hồi sinh liên tục. Người khơi lại tình yêu của những thuở ban đầu. Thần Khí nhắc lại cho Giáo Hội nhớ rằng, mặc dù Giáo Hội có hằng thế kỷ lịch sử, nhưng Giáo Hội vẫn luôn là hai mươi tuổi, Giáo Hội vẫn luôn là người vợ trẻ mà Chúa vô cùng yêu mến. Như thế, chúng ta đừng sợ mỏi mệt khi mời Thần Khí đến hiện diện trong những môi trường của chúng ta đang sống, khi kêu cầu Người trước khi chúng ta bắt đầu làm bất cứ một công việc nào đó: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến!”.

Chúa Thánh Thần sẽ mang lại sức mạnh có sức thay đổi của Người, một sức mạnh duy nhất, đồng thời vừa là hướng tâm vừa là ly tâm, nếu chúng ta có thể nói được như thế. Sức mạnh mang đặc tính hướng tâm, nghĩa là sức mạnh thúc đẩy về tâm điểm, là vì sức mạnh này tác động trong chiều sâu của con tim. Sức mạnh này mang lại sự hợp nhất cho những gì chia rời thành từng mảnh, mang lại bình an trong những mối sầu não, mang lại can đảm trong những con cám dỗ. Thánh Phaolô nhắc lại điều này trong bài đọc thứ hai, khi ngài viết rằng, hoa quả của Thần Khí là niềm vui, là bình an, là trung thành, là tự chủ (x. GL 5, 22).

Thần Khí ban cho chúng ta cuộc sống thân tình với Thiên Chúa, ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm để tiến về phía trước. Nhưng đồng thời, Thần Khí cũng là một sức mạnh ly tâm, nghĩa là Thần Khí thúc đẩy ra bên ngoài. Đấng dẫn về tâm điểm cũng là một với Đấng gửi về vùng ngoại biên, về bất cứ vùng ngoại biên nhận văn nào; Đấng mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta đi đến với những người anh chị em của chúng ta. Người sai phái, Người làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân, và để được thế, Thánh Phaolô còn viết, Thần Khí đổ đầy tràn tinh yêu, lòng khoan dung, lòng tốt lành, sự dịu hiền. Chỉ có trong Thần Khí An Ủi, chúng ta mới nói được những lời sự sống, và chúng ta mới thực sự khuyến khích người khác. Ai sống theo Thần Khí thì ở trong lực căng tinh thần này: người ấy vừa căng hướng về Thiên Chúa vừa căng hướng về thế giới.

Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta được như thế. Lạy Chúa Thánh Thần, là ngọn gió mãnh liệt của Thiên Chúa, xin hãy thổi trên chúng con. Xin hãy thổi trong tâm hồn chúng con, và xin hãy làm cho chúng con hít thở tình âu yếm của Cha. Xin hãy thổi trên Giáo Hội, và xin hãy thúc đẩy Giáo Hội đi đến những bờ cõi xa xôi, để được Ngài hướng dẫn, Giáo Hội không mang gì hết ngoài Ngài. Xin hãy thổi hơi ấm nồng nàn của hoà bình và sự tươi mát tái tạo của niềm hy vọng lên trên thế giới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, xin hãy thay đổi chúng con ngay từ bên trong, và xin Ngài hãy canh tân bộ mặt trái đất. Amen. 

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét