Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời, năm B

Từ bài giảng của ĐTC Phanxicô:

Ngày hôm nay… chúng ta long trọng cử hành Lễ Chúa Lên Trời. Ngày lễ này chứa đựng hai yếu tố. Một mặt, ngày lễ này hướng cái nhìn của chúng ta về trời cao, nơi Đức Giêsu được tôn vinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Mc 16, 19). Mặt khác, ngày lễ này nhắc cho chúng ta nhớ lại khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Tại sao thế? Bởi vì Đức Giêsu phục sinh và lên trời sai các môn đệ của Người ra đi truyền bá Phúc Âm trên toàn thế giới. Do đó, Lễ Chúa Lên Trời khuyến khích chúng ta đưa mắt nhìn lên trời cao, để rồi sau đó, lại đưa mắt nhìn xuống đất thấp, để chu toàn những trách vụ mà Chúa Phục Sinh giao phó cho chúng ta.

Đó là điều mà bài Phúc Âm ngày hôm nay mời gọi chúng ta thi hành: biến cố Thăng Thiên xảy ra ngay sau sứ mệnh mà Đức Giêsu uỷ thác cho các môn đệ. Đây là một sứ mệnh không biên giới - nghĩa là “không có giới hạn”, nếu chúng ta dịch từng chữ - vượt qua những sức mạnh của con người. Vì chưng, Đức Giêsu nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, tuyên bố Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Nhiệm vụ mà Đức Giêsu giao phó cho một nhóm nhỏ gồm những con người đơn sơ, và không có những khả năng lớn lao gì về mặt trí thức, dường như thực sự là quá táo bạo! Thế nhưng, đoàn hội bé nhỏ này, chẳng có tầm quan trọng gì, khi đối diện với những quyền lực lớn lao của trần gian này, lại được sai phái để mang sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Đức Giêsu đến các chân trời góc bể.

Nhưng chương trình của Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện được nhờ sức mạnh mà chính Thiên Chúa đã ban cho các tông đồ. Theo nghĩa này, thì Đức Giêsu trấn an các tông đồ rằng, sứ mệnh của họ được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Và Người nói: “Nhưng các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ ngự xuống trên các con. Lúc đó, các con sẽ là những chứng nhận của Thầy tại kinh thành Jerusalem, trong khắp cả vùng ludea và vùng Samaria, và cho đến tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1, 8). Chính như thế đó mà sứ mệnh này đã có thể thực hiện được, và các tông đồ đã bắt đầu công việc này, và sau đó, được đeo đuổi bởi những người kế vị các ngài. Sứ mệnh mà Đức Giêsu giao phó cho các tông đồ đã được đeo đuổi dọc suốt dòng thời gian, và còn tiếp tục trong ngày hôm nay nữa: sứ mệnh này đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Vì chưng, mỗi người, căn cứ vào Bí Tích Thánh Tẩy mà họ đã lãnh nhận, có đủ tư cách trong những gì liên quan bố Phúc Âm. Đích xác chính Bí Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta có đủ tư cách, và thúc đẩy chúng ta làm những nhà thừa sai, thúc đẩy chúng ta đi loan báo Phúc Âm.

Lễ Chúa Lên Trời, trong khi khai mở một hình thức hiện diện mới của Đức Giêsu ở giữa chúng ta, đã yêu cầu chúng ta phải có một cặp mắt, và một con tim để gặp gỡ Đức Giêsu, để phục vụ Người, và để làm chứng tá cho Người bên cạnh những người khác. Ở đây muốn nói đến những người đàn ông và phụ nữ của biến cố Lên Trời, nghĩa là những con người tìm kiếm Đức Kitô trên những con đường của thời đại chúng ta đang sống, là những con người mang lời cứu độ của Đức Giêsu cho đến tận cùng chân trời góc bể của hành tinh xanh này. Trên lộ trình này, chúng ta gặp được chính Đức Kitô trong những người anh em của chúng ta, đặc biệt trong những người nghèo nhất, trong những ai đang đau khổ trên thân xác của họ, qua cảm nghiệm đau đớn và thê lương của những cảnh nghèo đói của ngày hôm qua và ngày hôm nay. Cũng như vào lúc khởi đầu, Đức Kitô Phục Sinh đã sai các tông đồ của Người, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thì ngày hôm nay cũng thế, Người cũng sai phải tất cả chúng ta, cùng với cùng một sức mạnh, để mang đến những dấu chỉ cụ thể và hữu hình của niềm hy vọng. Bởi vì Đức Giêsu ban cho chúng ta niềm hy vọng, nên Người đã về trời và đã mở ra những cánh cửa của Trời cao, và cho chúng ta hy vọng rằng, chúng ta cũng sẽ đến đó với Người.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, với tư cách là thân mẫu của Chúa đã chết và sống lại, là Đấng đã thúc đẩy niềm tin của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, giúp chúng ta cũng “nâng tâm hồn lên”, như phụng vụ vẫn thường khuyến khích chúng ta làm thế. Và đồng thời, ước gì Mẹ giúp chúng ta “đặt chân trên đất cứng”, và can đảm gieo rắc Phúc Âm, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive