Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Chúa Nhật thứ IV Mùa Thường niên, năm C

Một trong những đóng góp quan trọng của ngôn sứ Giêrêmia đối với lịch sử cứu độ và thần học Kitô giáo chính là bản thân ông, ông là hình bóng của Đức Kitô hơn bất kỳ ngôn sứ nào khác. Tiểu sử cá nhân đóng vai trò rất nhỏ trong sách ngôn sứ Isaia, nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong sách ngôn sứ Giêrêmia. Theo nhiều cách, Giêrêmia hòa nhập vào sứ vụ ngôn sứ của mình, đến mức không chỉ lời nói mà cả những trải nghiệm trong cuộc đời ông đều trở thành “lời tiên tri.”

Quả thật, truyền thống ghi nhớ Giêrêmia như vị ngôn sứ chịu đau khổ tiêu biểu, và không ít học giả cho rằng “Người Tôi Trung Đau Khổ” trong phần thứ hai của sách Isaia được mô phỏng theo Giêrêmia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Giêrêmia là ngôn sứ đầu tiên mà những người đương thời của Đức Giêsu so sánh với Ngài:

“Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ.” (Mt 16,13–14)

Những điểm tương đồng thì rất nhiều:

(1) Được chọn từ trong lòng mẹ (Gr 1,5; Lc 1,31)
(2) Được chọn để bị từ chối và đối đầu với dân mình (Gr 1,18–19; Lc 2,34–35)
(3) Được gọi sống đời độc thân (Gr 16,1–4; Mt 19,10–12)
(4) Được ví như chiên bị đem đi giết (Gr 11,19; Ga 1,29.36)
(5) Bị phản bội bởi những người thân cận (Gr 12,6; Ga 13,18.38, v.v.)
(6) Giảng dạy chống lại Đền Thờ và tiên báo sự hủy diệt của nó (Gr 26,2–6; Mc 11,15–19; 13,1–2)
(7) Bị các thượng tế chống đối và bách hại vì thông điệp của mình (Gr 20,1–3; 26,7–9; Mc 11,18)
(8) Bị kết án tử (Gr 26,8–9; Mc 14,57–58)
(9) Bị xét xử bởi một quan tòa do dự, phần nào cảm thông nhưng nhát đảm (Gr 37,16–38,28; Ga 18,28–19,16)
(10) Bị ném xuống hầm và được kéo lên khỏi đó (Gr 37,16–21; Ga 19,40–20,18).

… Cả Giêrêmia lẫn Đức Giêsu đều phù hợp với hình mẫu “Người Tôi Trung Đau Khổ” của Đức Chúa trong sách Isaia (x. Is 52,13–53,12), dù cuối cùng Giêrêmia không phải là nhân vật vương giả như Người Tôi Trung. Tuy nhiên, ký ức và phụng vụ của Giáo Hội vẫn tôn vinh Giêrêmia như một hình bóng của vị ngôn sứ chịu đau khổ, được hiện thực hóa hoàn toàn nơi Đức Giêsu thành Nadarét.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối liền mạchvới bài đọc tuần trước, khi  Đức Giêsu gặp phải phản ứng chống đối mạnh mẽ từ chính dân làng của Ngài, giống như Giêrêmia đã từng gặp (x. Gr 11,18–23, khi những người cùng làng âm mưu giết ông). Họ đặc biệt phẫn nộ khi Đức Giêsu trích dẫn những ví dụ từ Cựu Ước, trong đó các ngôn sứ vĩ đại của Israel không chữa lành người Israel nhưng lại chữa lành và ban phúc lành cho dân ngoại: người phụ nữ xứ Sidon tại Xarépta, tướng quân Naaman người Syria.

Dân làng Nadarét là những người Israel tốt. Thực tế, nhà Kinh Thánh và khảo cổ học Biển Đức, linh mục Bargil Pixner, cho rằng họ phần lớn là hậu duệ của hoàng tộc Đavít. Dù thế nào đi nữa, họ cảm thấy mình là dân đặc tuyển. Họ có một quyền lợi đặc biệt đối với Thiên Chúa. Phúc lành của Thiên Chúa là dành cho họ, chứ không phải cho dân ngoại tội lỗi!

Họ đã quên rằng lý do Thiên Chúa chọn Abraham, tổ phụ của dân Israel, là để ông và dòng dõi ông mang phúc lành đến cho mọi gia đình trên mặt đất (x. St 12,3). Họ quên rằng các ngôn sứ vĩ đại đã tiên báo ơn cứu độ cho cả dân ngoại, như trong đoạn văn nổi tiếng này của Isaia:

Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”(Is 49,5–6).

Một lần nữa, chúng ta thấy chủ đề về “ngôn sứ được hình thành từ trong lòng mẹ” mang ơn cứu độ đến cho muôn dân… Thiên Chúa biết mỗi chúng ta từ khi còn trong dạ mẹ và đã hoạch định cho mỗi người một sứ mạng và mục đích trong cuộc đời.

Các bài đọc Chúa Nhật này kêu gọi chúng ta đối diện với bách hại bằng lòng can đảm, vì bách hại là dấu chỉ của ngôn sứ đích thực. Những ai chia sẻ vai trò ngôn sứ của Đức Kitô qua Bí tích Thánh Tẩy không thể mong tránh khỏi bách hại trong cuộc đời này.

Đồng thời, chúng ta không được để lòng mình rơi vào hận thù, cay đắng hay tự cho mình là công chính. Không như dân làng Nadarét, chúng ta phải thực hành tình yêu và nhớ rằng Tin Mừng là dành cho tất cả mọi người, chứ không phải tài sản riêng của chúng ta.

Ngôn sứ lên tiếng chống lại bất công, đúng vậy—nhưng với hy vọng rằng mọi người sẽ hoán cải và được cứu độ bằng cách bước vào tình yêu của Thiên Chúa. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

Điều răn thứ IV: Thảo kính cha mẹ

“Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Côlôsê 3:20).

Ba điều răn đầu tiên nói về bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, và sáu điều răn cuối cùng nói về bổn phận của chúng ta đối với tha nhân. Ở giữa là Điều răn thứ tư: "Hãy thảo kính cha mẹ ngươi", vì đó là mối liên kết giữa Thiên Chúa và con người. Sự công bằng mà chúng ta nợ cha mẹ rất gần với sự công bằng mà chúng ta nợ Thiên Chúa và liên quan đến sự công bằng mà chúng ta nợ tha nhân. Sau Thiên Chúa, chính cha mẹ đã ban cho chúng ta sự sống, và Điều răn thứ tư này chính là điều răn bảo đảm tương lai cho nền văn minh của chúng ta.

Napoléon từng được hỏi về thời điểm giáo dục một đứa trẻ bắt đầu. Ông trả lời: “Hai mươi năm trước khi đứa trẻ được sinh ra – trong quá trình người mẹ được giáo dục.” Điều này đúng vì cha mẹ thay mặt Thiên Chúa trong gia đình. Một đứa trẻ giống như một khối đất sét trong tay cha mẹ, những người mà sẽ quyết định tương lai của chúng. Khi một đứa trẻ chào đời, đã có một triều thiên chờ sẵn em trên Thiên Đàng, và khốn thay cho những bậc cha mẹ không hoàn thành mục đích cao thượng ấy và làm hỏng ơn gọi [làm con Chúa] của đứa trẻ. Một trong những nguy hiểm nghiêm trọng nhất đối với trẻ em chính là tấm gương của cha mẹ. Sự suy thoái đạo đức bắt đầu từ trong gia đình. Sự suy thoái của cha mẹ sẽ trở thành sự suy thoái của con cái, và luật thiêng liêng về vấn đề này đã được bày tỏ rõ ràng trong Kinh Thánh. Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê, chúng ta đọc về mối quan hệ mà con cái nên có với cha mẹ, và sau đó là mối quan hệ mà cha mẹ nên có với con cái.

Con cái phải vâng lời cha mẹ trong mọi sự; đó là dấu chỉ xinh đẹp của việc phụng sự Chúa và vâng lời chính Chúa. Cha mẹ không được khiến con cái tức giận hoặc làm tổn thương tinh thần của chúng. Sự dịu dàng của cha mẹ phải phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa đối với hết thảy chúng ta.

Một bài học tuyệt vời về sự vâng phục được thể hiện trong cuộc đời của Hài Nhi Thánh tại Nazareth. Không có bằng chứng nào cho thấy Ngài chỉ trao cho Đức Maria và Thánh Giuse quyền để ra lệnh trên danh nghĩa chứ không thực. Kinh Thánh nói rằng Ngài đã sống dưới sự vâng phục của họ. Hãy tưởng tượng, Thiên Chúa vâng phục con người! Thiên Chúa, Đấng mà trước mặt Ngài các thiên thần, quyền năng và thế lực phải run sợ, lại vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse vì tình yêu dành cho Mẹ Maria. Đây là hai phép lạ vĩ đại về sự khiêm nhường và tôn vinh: Thiên Chúa làm người vâng phục một người phụ nữ, và một người phụ nữ có quyền truyền lệnh cho Thiên Chúa làm người. Chính việc Ngài vâng phục Mẹ Maria đã trao cho Mẹ quyền lực và sự vâng phục kéo dài suốt ba mươi năm. -- ĐTGM Fulton Sheen, Your Life Is Worth Living

Share:

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

Phạm tội nhưng vẫn mong ước khiêm nhường vâng phục: Đừng để tội khiến bạn xa Chúa

Trong Thánh Lễ, chúng ta được mời tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu trên cây thánh giá bằng việc cùng dâng lên Chúa hy tế của đời mình. Dường như không ai trong chúng ta theo lẽ tự nhiên nghĩ rằng tội lỗi và khiếm khuyết của mình cũng có thể được kết hợp với hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ Thánh Lễ.

Nhưng chúng ta quên là trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh ấy, khi Chúa bị treo trên cây thập tự, không ai nhận ra đây là Con Thiên Chúa mà đây là một tội nhân ghê tớm, đáng lãnh nhận hình phạt khủng khiếp của việc bị đóng đanh: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu” (Mt 27:39) và “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Thánh vịnh 22:7-8).

Chúa Giêsu đã gánh lấy trên mình tội lỗi của toàn thể nhân loại, cho mãi đến ngày tận thế. Và Chúa Cha đã đón nhận hy tế của con người nhân loại là Đức Giêsu vì Đức Giêsu tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha và vâng lời Chúa Cha để bị hành hạ bởi sự dữ cho đến chết. Tội lỗi mà Chúa Giêsu gánh lấy trên bản thân mình, cũng chẳng khác gì tội bạn đang phạm. Nhưng nhờ dâng lên nó trong Thánh Lễ, chúng ta học để mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu: Cha của tôi rất yêu thương tôi và nếu tôi cậy nhờ đến Ngài, Ngài sẽ giúp tôi và tôi sẽ không cần phải xấu hổ. Ngay cả khi Đức Giêsu bị chôn vùi trong tội, nhờ sự tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và quyền năng của Chúa Cha, Người đã được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cỗi chết và đem sự sống lại ấy đến cho mọi kẻ luôn cậy trông vào Người.

Ước mong rằng bạn và tôi, sau khi phạm tội sẽ không bao giờ nản lòng nhưng sẽ như người con hoang đàng nhận ra: “người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” và trở về với Cha mình. Vì nếu ngay cả Con Một của Ngài, Ngài còn ban cho chúng ta khi chúng ta còn trong tội lỗi… phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra (x. Rôma 5:8-9)

Share:

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để cùng trị vì với Chúa Kitô -- Chúa Nhật thứ III Mùa Thường niên, năm C

Chúa có quan tâm đến những nhu cầu, ước muốn nhỏ bé của tôi không?

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Chúa Giêsu thực sự đã làm hết thảy những điều này cả về chữa lành bệnh tật thân xác và linh hồn, xua đuổi bóng tối của sự ngu muội về con đường hạnh phúc thật qua việc giảng dạy của Ngài, đem nước Chúa đến trần gian qua việc đánh bại khí cụ của ma quỷ là sự chết (chết không là hết. Sự chết không còn làm chủ con người được nữa).

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Lời này của Chúa có phải là lời Chúa nói cho bạn không? Không ít khi chúng ta cảm thấy như Chúa làm việc vĩ đại của Chúa, còn cuộc sống của bản thân thì ta phải tự lo lấy. Hoặc trên thế giới này có cả tỷ người, làm sao mà Chúa có thể chăm sóc kỹ lưỡng được những nhu cầu xiu xíu của tôi.

Có lẽ những tư tưởng đó cũng có lý. Nó đến từ những thiếu thốn về vật chất, tình yêu, ý nghĩa của cuộc sống. Và chắc chắn ai cũng đã có lần nghĩ như vậy vì chúng ta không có tầm nhìn sâu rộng mà là chỉ khốn khổ lúc này.

Chúng ta không chọn để sinh ra trên trái đất này nhưng Chúa đã đặt chúng ta ở đây với một mục đích: lớn lên, trưởng thành, để có đủ khả năng làm người con xứng đáng được thừa hưởng gia tài của Cha trên trời.

Và Chúa phải tập luyện chúng ta như một huấn luyện viên tài tình để chắc rằng chúng ta sẽ thắng được giải. Bạn thử nghĩ những đau khổ Chúa phải chịu, cắn răng nhìn chúng ta như người cha nhìn con trên bàn mổ. Công việc biến đổi trái tim ích kỷ và nhỏ bé thành trái tim biết yêu thương và quảng đại, người cha mẹ nào cũng biết – sức người không thể làm được. Đứa con cần biết bao nhiêu tình yêu vẫn không biết cha mẹ yêu thương con. Nhưng Thiên Chúa sẽ làm việc ấy cho chúng ta, ngay cả điều đó đòi hỏi Ngài phải chết khổ nhục trên cây thập giá.

Không một nhu cầu, ước mong của chúng ta dù nhỏ chừng nào mà Chúa không biết đến, mà Chúa không quan tâm.

Share:

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Giống chúng ta về mọi mặt ngoại trừ tội lỗi

Chúa của chúng ta đã mang lấy bản tính con người để Ngài có thể cảm thông với những yếu đuối của chúng ta. Thư gửi tín hữu Híp-ri có một đoạn rất rõ ràng về điểm này: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”

Chúa chúng ta trên thiên đàng là vị Thượng tế của chúng ta. Ngài là Đấng trung gian của chúng ta. Ngài là người có thể hiểu chúng ta. Ngài không tách biệt khỏi chúng ta, vì Ngài đã mang lấy bản tính con người của chúng ta. Bản tính con người đó, khi còn trên trái đất này, rất nhạy cảm đến mức bị xúc động bởi vẻ đẹp của một bông hoa huệ. Ngài đã xúc động khi một con chim sẻ bị thương và rơi xuống đất. Ngài đã cảm động cách mạnh mẽ bởi bất cứ điều gì có thể chạm vào trái tim con người, dù cao hay thấp, tốt hay xấu, bạn hay thù.

Không ai có thể nằm ngoài tầm với của sự cảm thông siêu việt đó, vì không ai có thể vượt ra khỏi vòng tay yêu thương đó. Chúa Giêsu có thể cảm thông với người nghèo, vì Ngài đã từng là nghèo; với những người mệt mỏi và nặng nề, vì Ngài đã từng mệt mỏi và kiệt sức; với những người cô đơn, bị hiểu lầm và bị bách hại, đơn giản vì Ngài đã từng ở trong hoàn cảnh đó.

Ngài có thể cảm thông vì Ngài đã bị thử thách, cả về tâm trí lẫn cảm xúc, bị thử thách bởi sợ hãi, bởi sự buồn bã không lường trước, bởi sự bối rối trong tâm trí, và bởi cuộc đấu tranh kịch liệt với sự ác. Ngài có thể cảm nhận đến tận cùng những nỗi đau sâu sắc nhất trong cuộc đời trần thế của chúng ta. Điều tuyệt vời nhất là Người bị thử thách này không vướng mắc tội lỗi. Đó là điều khiến Ngài có thể đón nhận mọi sự với lòng cảm thông, không gì khác ngoài sự cảm thông trong mọi nỗi buồn, đơn giản vì Ngài không phạm tội. – ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Sự quan trọng của việc thờ phượng

Trích thư của thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo, gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Anh em hãy cố gắng hội họp thường xuyên hơn để tạ ơn Thiên Chúa và ngợi khen Người. Vì khi anh em đến gặp gỡ nhau thường xuyên thì sức mạnh của Xa-tan bị tiêu diệt, và sự phá hoại do nó gây nên ắt bị dẹp tan bởi anh em sống hợp nhất trong đức tin. Không gì quý trọng hơn một nền hoà bình loại trừ được mọi cuộc giao tranh với kẻ thù trên trời và dưới đất.

Trong những điều ấy, không có gì là bí ẩn đối với anh em, nếu anh em có lòng tin và lòng mến hoàn hảo đối với Đức Giê-su Ki-tô. Đó là khởi đầu và cùng đích của cuộc sống : lòng tin là khởi đầu, lòng mến là cùng đích. Khởi đầu và cùng đích hợp lại là Thiên Chúa, còn tất cả những điều khác liên quan tới đời sống công chính đều xuất phát từ đó. Không ai tuyên xưng đức tin mà lại phạm tội, không ai có lòng mến mà lại ghét người. Xem quả thì biết cây. Cũng vậy, người ta nhận biết những ai xưng mình là người của Đức Ki-tô qua các việc những người ấy làm. Quả thế, vấn đề không phải là tuyên xưng bây giờ, nhưng là bền đỗ trong đức tin cho đến cùng.

Thà im lặng mà làm còn hơn nói mà không làm. Dạy dỗ là điều tốt, nếu người ta làm điều người ta nói. Chỉ có một thầy dạy là Đấng đã phán, và tất cả được dựng nên. Và cả những gì Người đã làm trong thinh lặng cũng xứng đáng với Chúa Cha. Ai có lời của Đức Giê-su thì có thể thật sự nghe được cả sự thinh lặng của Người để nên hoàn thiện mà hành động bằng lời nói và được người ta nhận biết nhờ sự thinh lặng của mình. Không có gì bí ẩn đối với Chúa, và cả những điều bí mật nhất của chúng ta cũng ở kề bên Người. Vậy chúng ta hãy làm mọi sự với ý thức rằng chính Người đang ở trong chúng ta, để chúng ta nên đền thờ của Người và chính Người ở trong chúng ta, Người là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đang có và sẽ xuất hiện trước mặt chúng ta, nếu chúng ta yêu mến Người cho phải đạo.

Thưa anh em, anh em đừng lầm. Những kẻ phá hoại gia đình người khác sẽ không được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp. Những kẻ phá hoại gia đình phần xác mà còn phải chịu án tử hình, thì kẻ đem giáo thuyết xấu xa mà làm hư hỏng đức tin vào Thiên Chúa, đức tin mà Đức Giê-su Ki-tô đã chịu đóng đinh thập giá để đem lại, thì càng đáng chết hơn biết bao ! Kẻ vướng vào tội như thế sẽ phải vào lửa không hề tắt, cả người nghe theo nó cũng vậy.

Chúa đã chịu xức dầu trên đầu là để đem cho Hội Thánh sự bất hoại. Anh em đừng xức vào mình dầu hôi thối là giáo thuyết của thủ lãnh thế gian này, kẻo nó bắt được anh em mà kéo khỏi sự sống đã được ban tặng cho anh em. Tại sao chúng ta không trở nên khôn ngoan hết thảy nhờ đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô ? Tại sao chúng ta lại chịu hư đi một cách ngu xuẩn bởi không nhận biết ân huệ mà Chúa đã thật sự gửi đến ?

Tâm trí tôi đã gắn chặt vào thập giá, thập giá đó là cớ vấp ngã cho kẻ không tin nhưng lại là ơn cứu độ và sự sống đời đời cho chúng ta. -- Trích từ Kinh Sách

Share:

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Chúa Giêsu biến nước thành rượu -- Chúa Nhật thứ II Mùa Thường niên, năm C

Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2:1-5).

Gioan là người duy nhất trong bốn Thánh sử ghi lại câu chuyện này, có lẽ vì thánh Gioan là người đã đưa Đức Maria về nhà mình sau khi Chúa Giêsu nói với Gioan từ cây thánh giá: “Này là Mẹ của con,” và với Đức Maria, “Này là con Bà.” Đây hẳn là một trong những câu chuyện yêu thích của Đức Maria.

Câu chuyện bắt đầu trong một lễ cưới. Tiệc cưới thường kéo dài bảy ngày trong nền văn hóa đó. Họ coi trọng cả hôn nhân và việc ăn mừng hôn nhân hơn chúng ta rất nhiều. Đức Maria có mặt ở đó nhưng không có thánh Giuse, điều đó có nghĩa là thánh Giuse đã qua đời trong khoảng thời gian mười tám năm giữa đám cưới này, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình, ở tuổi ba mươi, và lần cuối cùng chúng ta nghe về thánh Giuse là khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi và ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem ba ngày.

Việc hết rượu là một sự bẽ mặt khủng khiếp cho chú rể của một buổi lễ cưới. Đức Maria đã đến với Chúa Giêsu bày tỏ cho Ngài vấn đề này – điều đó có nghĩa là Mẹ phải biết khả năng làm phép lạ của Ngài. Nhưng Ngài vẫn chưa làm bất kỳ phép lạ nào trước công chúng, vì Ngài chưa có ý định bắt đầu sứ vụ công khai của mình.

Điều này tự nó là một sự thật đáng chú ý và đầy ý nghĩa: rằng Chúa Giêsu đã trì hoãn ba năm dài sứ vụ công khai của mình cho đến khi Ngài ba mươi tuổi. Ngài đã dành gấp mười lần thời gian để chuẩn bị cho công việc của mình trước khi thực hiện nó. Bất kỳ họa sĩ nào cũng hiểu điều đó… Những năm tháng lặng lẽ trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng quan trọng như những năm tháng thực thi sứ vụ công khai mà chúng ta biết đến.

Lời thỉnh cầu của Đức Maria với Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề gây xấu hổ của việc hết rượu là một ví dụ hoàn hảo về sự khéo léo của phụ nữ. Mẹ không bảo Chúa Giêsu phải làm gì. Mẹ không tranh luận, không cầu xin. Mẹ không quấy rầy hoặc làm phiền Chúa Giêsu, không làm Ngài cảm thấy mắc lỗi. Mẹ chỉ đơn giản nói với Ngài sự thật: “Họ hết rượu rồi.” Lời cầu nguyện ấy biểu lộ đức tin lớn lao. Mẹ không thêm gì vào sự thật mà chỉ đơn giản là họ đã hết rượu vì Mẹ biết rõ Chúa Giêsu. Mẹ biết lòng trắc ẩn của Ngài. Mẹ chắc hẳn đã trao cho Chúa Giêsu ánh mắt thông hiểu Chúa sẽ làm gì, hơn cả triệu lời nói…

Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu thử thách đức tin của Mẹ. Về cơ bản, Ngài nói: Điều đó có thể là vấn đề của Mẹ, nhưng không phải của con. Mẹ không nghĩ đó là câu trả lời cuối cùng của Chúa Giêsu. Mẹ biết Chúa quá rõ để nghĩ như thế. Phản ứng của Mẹ không phải là quay lại tranh luận với Chúa Giêsu mà chỉ đơn giản cho rằng câu trả lời cuối cùng của Ngài sẽ trái ngược với những gì Ngài đã nói với Mẹ; rằng Ngài sẽ thực sự coi đây là vấn đề của Ngài, không chỉ của Mẹ. Ngài sẽ coi đó là vấn đề của Ngài chính xác vì nó là vấn đề của Mẹ. Ngài cũng biết điều đó. Ngài biết Mẹ quá rõ để biết Mẹ mình biết Ngài đến mức nào. Không ai trong toàn vũ trụ biết Chúa Giêsu rõ hơn Mẹ của Ngài.

Thực tế là Chúa Giêsu thay đổi kế hoạch bắt đầu sứ vụ công khai của mình vì sự can thiệp nhẹ nhàng của Mẹ. Sự cầu bầu của Mẹ phải đem lại cho chúng ta lòng tin tưởng lớn lao vào sức mạnh cầu nguyện của Mẹ. Mẹ Maria có thể thay đổi suy nghĩ của Chúa Giêsu! Nếu Chúa Giêsu nói không với lời cầu nguyện của bạn, hãy đến với Mẹ Maria. Ngài không thể nói không với Mẹ! Ngài là Chúa của vũ trụ, nhưng Mẹ là Mẹ của Chúa của vũ trụ. Ngài là Đầu của Giáo Hội, là Thân thể của Ngài, và Mẹ Maria tượng trưng cho Giáo Hội; nhưng Mẹ là cái cổ có thể xoay được Đầu.

Điều tiếp theo Đức Maria nói không phải là với Chúa Giêsu. Mẹ biết rằng Mẹ không cần nói thêm lời nào với Chúa Giêsu. Mẹ biết rằng Mẹ không cần cố gắng thay đổi ý định của Ngài. Mẹ cần thay đổi suy nghĩ của những người phục vụ bữa tiệc. Vì vậy, Mẹ đưa ra cho họ điều răn tốt nhất mà bất cứ ai từng đưa ra cho người khác, lời khuyên rất tốt nhất trên thế giới, lời khuyên tóm tắt và chứa đựng tất cả mọi thứ trong cuộc sống của một người Kitô hữu, trong một câu ngắn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Đó là những lời cuối cùng của Mẹ được ghi lại. Gioan ghi lại chúng vì thánh sử biết rằng chúng không chỉ dành cho những người phục vụ tại bữa tiệc mà còn là cho tất cả Kitô hữu, cho toàn thể Giáo Hội và mọi cá nhân trong đó cho đến ngày tận thế. Đó là lời khuyên duy nhất mà không ai có thể sai lầm khi làm theo. Nó là ý nghĩa toàn bộ của cuộc sống, và đó là bí quyết để trở thành một vị thánh: đơn giản là tuân theo điều răn này, hãy nói với Thiên Chúa làm người, “Xin cho ý Chúa được thực hiện,” với tất cả trái tim, linh hồn, tâm trí và sức mạnh của bạn.

Và kết quả là phép lạ đầu tiên trong nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, biến nước thành rượu… [Phép lạ] mời gọi chúng ta đặt tất cả đức tin vào Chúa Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa, và “với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mat. 19:26).

Qua tất cả các phép lạ, Chúa Giêsu làm điều gì đó dường như bất khả thi, như biến nước thành rượu. Bằng cách nào đó, chúng xoay chuyển tình thế, biến điều tồi tệ thành tốt hơn, biến điều đã là trở thành tương lai, biến trống rỗng thành đầy đủ, biến không đủ thành đủ.

Và không chỉ là đủ: như người quản tiệc ngạc nhiên nói với chàng rể, “Anh đã giữ rượu ngon cho đến bây giờ.” Chúa không chỉ khôi phục lại tình hình đã mất; Ngài làm cho nó tốt hơn bao giờ hết.

Thiên Chúa cũng làm điều đó với chúng ta. Ngài giữ những điều tốt nhất cho đến cuối cùng. Khi bạn ra khỏi đời này, bạn sẽ thấy điều gì đó đẹp đẽ vô hạn hơn bất cứ điều gì bạn từng thấy trước đây, điều mà không ai có thể diễn tả thành lời, điều mà Thánh Phaolô mô tả bằng những lời này: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cor. 2:9–10). -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Ai cũng có thể nên thánh

Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện. (Titô 3:6-7)

Để trở nên thánh là điều rất khó, thực sự là điều sức người không thể làm được. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức loài người để tập tành nhân đức trở nên người thánh thiện, xứng đáng được Chúa thương thì 99.99% loài người không còn hy vọng. Và 0.001% loài người nghĩ họ có thể vào được thiên đàng nhờ đời sống liêm chính của mình, thực sự không biết gì về Thiên Chúa, không biết về chính bản thân.

Nhưng không ai chúng ta vì thế mà nản lòng. Để nên thánh là điều AI AI (không phải artificial intelligence đâu ạ) cũng CÓ THỂ làm được. Làm giàu không phải ai cũng làm được nhưng nên thánh, vào thiên đàng, ai cũng có thể làm được. Vì không ai trong chúng ta có thể tự cứu rỗi mình mà là chính Chúa Cha đã làm mọi sự cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.

Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng (Titô 3:6-7).

Và đời sống đạo đức, công chính là để cộng tác với Chúa và không cho phép sự dữ dẫn đưa chúng ta trật khỏi kế hoạch của Chúa. Đời sống đức tin: tham dự Thánh Lễ, xưng tội, cầu nguyện, hỏi hỏi Kinh Thánh giúp chúng ta đặt mình dưới sự lãnh đạo của Chúa Giêsu, quyền năng của Ngài bảo vệ chúng ta khỏi những tấn công của kẻ thù. Chúa có thừa đủ quyền năng để dùng mọi sự, ngay cả những vấp ngã, những chướng ngại vật trên đường đời để huấn luyện, làm chúng ta “thành tay võ nghệ cao cường” (Tv 144:1).

“Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Titô 2:11-12).

Share:

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa -- Chúa Giêsu chịu phép rửa, Năm C

“Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa." (Luca 3:16)

Bí tích Rửa tội luôn đi kèm với đức tin, luôn bao hàm đức tin, và luôn giả định có đức tin—hoặc là đức tin của người lớn muốn trở thành Công giáo đang được rửa tội, hoặc là đức tin của cha mẹ và Giáo Hội trong trường hợp rửa tội cho trẻ sơ sinh. Tin Mừng theo Thánh Gioan nói rằng khi chúng ta “tin” thì chúng ta “đón nhận” (xem Gioan 1:12–16). Khi chúng ta mở cửa, Thiên Chúa đến. Thiên Chúa đến thực sự, chứ không chỉ là biểu tượng.

Đây không chỉ là một lối sống mới, hoặc một bộ lý tưởng hay nguyên tắc mới; đây là một sự sống mới, một kiểu sống mới. Nó giống như Pinocchio biến từ một con rối gỗ thành một sinh vật sống, hoặc như con cóc biến thành hoàng tử khi công chúa hôn nó. Nhiều câu chuyện cổ tích được viết có biểu tượng Kitô giáo.

Câu chuyện về Pinocchio chính xác hơn câu chuyện hoàng tử cóc, vì khi con cóc được hôn, nó không còn là cóc nữa, nhưng khi Pinocchio trở nên sống động, cậu ta vẫn là một cái đầu làm bằng gỗ, và cậu ta chọn những người bạn sai lầm và học cách nói dối, khiến mũi cậu dài hơn sau mỗi lần nói dối. Đó chính là chúng ta.

Chúng ta có sự sống của Chúa, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, nhưng chúng ta sống như những người không biết đến sự sống mới. Chúng ta có hai sự sống trong mình: tự nhiên và siêu nhiên, thuộc về con người và thuộc về Thiên Chúa, tạm thời và vĩnh cửu, xác thịt và thần khí. Thánh Phaolô gọi chúng là “con người cũ” và “con người mới” (Ê-phê-sô 4:22–24).

Con người cũ đến từ A-đam thứ nhất, con người mới đến từ Đức Kitô, A-đam mới. Đó là ý của Thánh Phaolô khi ngài nói rằng “xác thịt có những ham muốn chống lại Thần Khí, và Thần Khí chống lại xác thịt” (Ga-lát 5:17). Xác thịt và thần khí không có nghĩa là thân xác và linh hồn. Chúng có nghĩa là con người cũ, con người tội lỗi mà chúng ta nhận từ A-đam và con người mới được cứu chuộc mà chúng ta lãnh nhận từ Đức Kitô.

…Không giống như lửa vật chất, lửa của Thánh Thần chỉ đốt cháy những điều xấu. Càng đến gần ngọn lửa thông thường, bạn càng bị hủy hoại, nhưng càng đến gần ngọn lửa thánh thiêng liêng, bạn càng sống mãnh liệt hơn. Ngọn lửa này càng làm bạn cảm thấy bị đốt cháy bạn khi bạn càng xa rời nó.

Lửa là biểu tượng tự nhiên cho đam mê và cường độ. “Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu,” thư gửi người Do Thái nói (Híp-ri 12:29). Thiên Chúa không phải là một ông già ngủ gật; Ngài là một người Cha yêu thương và do đó Ngài có quyền đòi hỏi. Ngài dễ được chúng ta làm hài lòng nhưng khó thỏa mãn. Chúng ta không thoải mái khi gặp Ngài; đối với chúng ta Ngài không là người chán ngắt, không nửa nóng nữa lạnh. Ngài là ngọn núi lửa của tình yêu. Ngài không yêu rồi lại hết yêu như chúng ta, vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa không thể yêu đậm sâu hơn nữa cũng như mặt trời không thể sáng hơn hay biển không thể ướt hơn.

Càng để ngọn lửa này cháy trong tâm hồn mình, để nó thiêu đốt mọi sự ích kỷ tìm thoải mái của mình, cuộc sống của bạn sẽ càng được biến đổi. Hãy hỏi bất kỳ vị thánh nào.

Tình yêu là ngọn lửa sống động. So với những ham muốn của chúng ta, tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn rất nhiều. Tình yêu của Chúa đối với những ham muốn của con người thì  như mặt trời đối với que diêm. Nó giống như ánh sáng laser cắt xuyên qua thép cứng nhất. Bất cứ khi nào bạn cầu nguyện, bạn đang chịu phẫu thuật laser trên linh hồn mình. Cầu nguyện là phòng mổ của Chúa. Ngài đang chờ sự đồng ý của bạn để thực hiện ca mổ. Và bạn có thể tin tưởng bác sĩ này vì đôi tay cầm dao mổ có lỗ đinh trên đó. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Cảnh tỉnh nhưng không cần sợ hãi

Hôm nọ đọc được câu này trong bài đọc của Thánh lễ: Ai phạm tội, KẺ ẤY LÀ NGƯỜI CỦA MA QUỶ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu. Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của ma quỷ (1 Gioan 3:8).

Đọc xong, nghĩ con là kẻ tội lỗi, có những lần con đã là con cái của ma quỷ. Nhưng mình không thích chút nào việc bị liệt kê là “người của ma quỷ”. Chẳng lẽ con đường đi theo Chúa bấp bênh quá sức vậy? Hễ chút là sa hỏa ngục và Thiên Chúa sao mà “dữ” quá vậy?

Phúc âm thánh Gioan có câu: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Gioan 10:28), nghĩa là người Kitô hữu có thể tin tưởng để bình an đi theo Chúa.

Còn nữa, Giáo hội cũng dạy chỉ tội trọng mới cắt đứt chúng ta hoàn toàn khỏi ân sủng và Chúa nhân từ sẽ tha hết mọi tội chúng ta thực lòng ăn năn. Tìm cách để khỏi bứt rứt, mình tìm chú giải (đáng tin cậy của Công giáo) xem họ nói gì thì tìm thấy đoạn này:

“Ngược lại với sự công chính, ai phạm tội thuộc về ma quỷ, vì ma quỷ đã phạm tội từ lúc ban đầu. Một lần nữa, bản dịch ESV, “Whoever makes a practice of sinning is of the devil” diễn đạt chính xác hơn thì hiện tại tiếp diễn của động từ và chỉ ra khuynh hướng phạm tội liên tục mà Gioan dường như đang nghĩ đến.”

Thấy bản dịch này được cho là chính xác hơn, mình đi tìm định nghĩa của cụm từ “makes a practice” và tìm thấy nó là “to do something regularly or habitually”. Từ đó mình tìm dịch lại câu ấy thành: “Ai thực hành trong cuộc sống việc phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ” hoặc có thể dịch “Ai thường hằng cứ thế mà phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ”.

Vấn đề là đúng thực ma quỷ không dễ thả kẻ nào rơi vào cạm bẫy của nó vì nó rất thù ghét con người. Nó sẽ tìm mọi cách để kẻ dù đã được Chúa tha tội qua việc sám hối, qua việc đi xưng tội, đã được cứu, nhưng vẫn còn những vết thương trong ta, nó sẽ dùng để ta không thể vững bước. Nhưng mà chẳng lẽ con đường cứu chuộc quá là khó khăn vậy sao?

Thánh Phaolô có nói: “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao ? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (1 Cô-rin-tô 6:9).

Thế nhưng không ai bỗng một hôm gọi người nào đó là kẻ dâm đãng trừ khi người đó sống một cuộc đời dâm đãng, không chút hối hận. Đa số chúng ta nếu phạm một trong những tội này, sẽ hối hận và xin lòng thương xót Chúa, cho chúng ta cơ hội để thực lòng sám hối để thay đổi cuộc sống.

Và còn có những câu Kinh Thánh dưới đây để bổ sung cho những câu trên:

Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa (1 Gioan 4:14-15).

Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô (Gioan 17:2-3).

Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rôma 10:9).

Nhìn lại ta thấy Chúa thật nghiêm túc, nếu không nói là nghiêm khắc. Hoặc Chúa như một người cha rất dễ mủi lòng với đứa con biết nũng nịu của mình. Nhìn vào lịch sử của các thánh, mình sẽ chọn hình ảnh Thiên Chúa là Cha rất mực yêu thương con mình.

Có những người đã nghĩ Chúa rất nghiêm khắc, nhưng họ không là những người gần gũi với Chúa. Có những người nghĩ Chúa là Cha nhân từ và mình nhận ra họ là những thánh lớn trong Giáo hội.

Là người Kitô hữu, mình sẽ chọn sống tin tưởng vào Chúa, phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa và sống gần gũi với Chúa. Chúa sẽ nghiêm khắc với những ai muốn Ngài nghiêm khắc. Nhưng tận căn, Chúa là Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một, để dù yếu đuối, tệ hại đến đâu, mình sẽ học từ tên trộm lành và nói, “Lạy Ngài, xin nhớ đến con, khi Ngài vào Nước của Ngài”. Mình sẽ luôn tập nhẫm, “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Và mình tin lời Kinh Thánh nói là thật: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rôma 10:9) vì Thiên Chúa sẽ không để bất cứ ai Ngài dựng nên vì yêu phải hư mất. Không ai cướp được tôi khỏi tay Chúa tôi.

Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

ĐGM Robert Barron về Cầu nguyện

Lời từ video:

Hôm nay chúng ta hãy nói về một trong những điều quan trọng nhất của đời sống tâm linh, là cầu nguyện. Đây là quan sát đầu tiên của tôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ai cũng cầu nguyện, ngay cả những người vô thần cũng nói họ cầu nguyện. Có thể nói đặc điểm tiêu biểu nhất về con người là con người là loài sinh vật biết cầu nguyện.

Vậy cầu nguyện là gì? Hãy quay lại với Thánh Gioan Đamat, một nhân vật thời ban đầu đã nổi tiếng với định nghĩa về cầu nguyện: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa. Đó là một định nghĩa đẹp, nhưng có lẽ hơi thiên lệch, bởi tôi nghĩ rằng điều đó có thể khiến chúng ta cảm thấy như cầu nguyện hoàn toàn là việc của chúng ta.

Như thể chúng ta nâng tâm trí và trái tim lên với Chúa, là việc chúng ta tìm kiếm Chúa. Điều này có thể đúng với nhiều triết lý và tôn giáo khác. Nhưng tôn giáo của Kinh Thánh không chủ yếu nói về hành trình chúng ta tìm kiếm Chúa. Nó nói về hành trình Thiên Chúa đi tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, tôi muốn nói rằng, khi bạn ý thức được sự đi trước của ân sủng, bạn sẽ nhận ra cầu nguyện là việc Chúa nói với chúng ta.

Đó là lý do tại sao Cha Herbert McCabe, một nhà thần học Dòng Đa minh vĩ đại, đã nói rằng bất cứ điều gì tốt đẹp, đúng đắn và chính xác trong lời cầu nguyện của chúng ta, là Chúa Thánh Thần đang cầu nguyện trong chúng ta. Hãy nghĩ đến ngay cả lời cầu nguyện xin ơn, khi bạn cầu xin Chúa điều gì đó, lời cầu xin chân thật là Chúa Thánh Thần thúc đẩy bạn cầu xin về những gì Ngài muốn ban cho bạn. Vì vậy, Chúa luôn là Đấng khởi sự.

Hành động của cả hai phía đều quan trọng, nhưng hành động của Chúa quan trọng hơn. Nếu tôi tóm gọn, tôi sẽ nói rằng cầu nguyện là cuộc trò chuyện giữa những người bạn. Đó là tình bạn của chúng ta với Chúa được thể hiện qua cuộc trò chuyện sống động này. Dựa trên tất cả những điều đó, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý đơn giản để canh tân đời sống cầu nguyện của bạn.

Điểm thứ nhất: Hãy dành thời gian. Nhiều năm trước, Thomas Merton, một trong những nhà văn tâm linh vĩ đại của thế kỷ trước, khi được hỏi: “Tôi có thể làm gì để cải thiện đời sống cầu nguyện của mình?” Ông trả lời với cụm từ này: “Hãy để ra thời gian.” Trước khi bạn nghĩ đến cách thức hay hiểu biết thần học, Trước khi bạn nghĩ đếncách thức hay hiểu biết thần học, hãy để riêng ra thời gian HẰNG NGÀY, để đàm thoại với Chúa. Đó là bước quan trọng nhất. Điều này có thể diễn ra vào buổi sáng sớm.

Với tôi, buổi sáng là thời gian cầu nguyện tốt hơn. Tôi dành một tiếng chầu Thánh Thể ngay sau khi thức dậy. Với một số người, cuối ngày có thể là thời điểm tốt hơn, dễ cầu nguyện hơn. Có thể là lúc bạn ngồi trong xe ô tô. Tôi thường nói xe ô tô có thể là một nơi tốt để cầu , nơi bạn thường một mình ngồi trong xe. Nếu bạn đang sống ở khu vực Los Angeles hoặc bất kỳ thành phố lớn nào, bạn có thể bị kẹt xe nhiều lần, vì vậy xe ô tô giống như một phòng nhỏ của tu viện. Bạn có không gian và thời gian để cầu nguyện. Nhưng điều quan trọng là bạn dành thời gian mỗi ngày.

Điểm thứ hai: Cầu nguyện là hành động tìm điểm trọng tâm. Cuộc sống của chúng ta bận rộn, phức tạp; chúng ta bận rộn với nhiều điều khác nhau: những thất vọng, những trách nhiệm nối tiếp nhau. Nếu có điều gì đó có thể gắn kết tất cả những điều này lại với nhau, thì đó chính là trọng tâm mà mọi phức tạp này xoay quanh.

Cầu nguyện, theo nhiều cách, là để tìm thấy nơi đó. Một lần nữa, Merton nói rằng cầu nguyện là tìm đến nơi bên trong bạn, nơi mà bạn đang được Chúa tạo dựng ngay ở đây, lúc này. Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Hãy tìm điểm tĩnh lặng đó, nơi mà toàn bộ cuộc sống của bạn cần lấy làm trọng tâm – đó chính là điều xảy ra khi bạn cầu nguyện.

Kierkegaard, nhà triết học, nói rằng thánh nhân là người có cuộc sống tập trung vào một điều duy nhất; ông cũng có thể diễn đạt điều đó như sau: thánh nhân là người cầu nguyện, là người chúng ta thấy có điểm trọng tâm trong cuộc sống

Đây là chiều kích thứ ba của cầu nguyện: Cầu nguyện là chân thành nói chuyện với Chúa. Một trong những vấn đề trong đời sống tâm linh là chúng ta nói với Chúa những gì chúng ta nghĩ rằng Chúa muốn nghe. Chúng ta ẩn mình sau những ngôn từ đạo đức mà chúng ta cho là thích hợp để cầu nguyện. Tôi không hề phản đối ngôn từ đạo đức, nó có vai trò rất quan trọng. Nhưng cốt lõi của cầu nguyện, tôi nghĩ, là một sự giao tiếp rõ ràng và trung thực.

Hãy nghĩ đến một tình bạn. Nếu bạn ở bên một người bạn nhưng không bao giờ nói chuyện với họ hoặc với người phối ngẫu của bạn về những gì bạn thực sự cảm nhận, những gì bạn thực sự suy nghĩ, những gì thực sự làm bạn bận tâm, những gì thực sự trong tâm trí bạn. Tình bạn đó sẽ không đi đến đâu, đúng không? Vì vậy, với Chúa, hãy chân thành nói với Chúa về những gì đang làm bạn phiền lòng, những gì khiến bạn lo lắng, làm bạn bực bội, những gì làm bạn vui sướng. Hãy nói về những điều hỗn độn trong cuộc sống của bạn. Ai trong chúng ta cũng có những điều đó, và thường chúng ta che đậy chúng. Chúng ta không chia sẻ điều đó cách đúng đắn. Nhưng Chúa biết hết rồi, đúng không? Ngài biết mọi thứ, về mọi thứ, vậy tại sao bạn phải che giấu điều đó với Chúa? Hãy để Ngài biết về cảm giác tội lỗi của bạn, hãy để Ngài biết về tội của bạn, hãy để Ngài biết bạn đang bối rối như thế nào, v.v.

Tôi rất thích câu chuyện nổi tiếng về một người phụ nữ đã ở trong bệnh viện nhiều tháng ngày vì chồng của bà ấy sắp chết. Và bà đã trải qua nhiều tuần, nhiều  tháng rất sầu khổ cùng với chồng bà. Một ngày nọ, bà bước ra khỏi bệnh viện, đó là một bệnh viện Công giáo được dâng hiến cho Đức Mẹ. Ngoài sân có một bức tượng của Đức Mẹ, và bà đã nhặt những cục đất và ném vào bức tượng Đức Mẹ. Nhân viên an ninh định ngăn bà. Nhưng một linh mục ở đó đã nói: "Không, đừng ngăn bà ấy. Bà ấy đang cầu nguyện.” Và tôi nghĩ linh mục ấy nói rất đúng.

Đây là một người phụ nữ có đức tin. Bà đã đưa chồng mình đến bệnh viện Công giáo này. Bà là một tín hữu, và bà đang bày tỏ sự tức giận, thất vọng lớn lao của mình. Bạn nghĩ bà ấy đã làm điều gì sai trái? Hãy đọc Thánh vịnh. Các Thánh vịnh chứa đầy những lời của con người nói với Chúa về sự tức giận, thất vọng và buồn bã của họ. Vì vậy, nói chuyện một cách trung thực với Chúa, tôi nghĩ, là một cách tuyệt vời để cầu nguyện.

Điểm thứ tư và điểm có liên quan đến nó: Chăm chú lắng nghe. Cuộc trò chuyện giữa bạn và Chúa, nếu nó chỉ một chiều – bạn làm hết mọi việc, cho dù là bạn  dùng ngôn ngữ trang trọng hay bạn biểu đạt cảm xúc. Đó không thực sự một cuộc đàm thoại, đúng không?

Tôi sẽ đi đọc kinh. Tôi cũng nói vậy. Nhưng vấn đề là khi nó chỉ là một chiều, tôi là người nói với Chúa. Tôi có lắng nghe Chúa không? Tôi có nghe những gì Ngài trả lời không?

Chúa có nói trực tiếp với chúng ta không? Có. Đôi khi. Trong những trường hợp rất hiếm hoi trong đời sống của các vị thánh vĩ đại. Hãy nghĩ đến Mẹ Têrêsa, người đã từng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu, và sau đó không nghe thấy gì suốt 50 năm. Nhưng Mẹ đã nghe tiếng gọi phục vụ người nghèo, lời nâng đỡ.

Nhiều thánh cũng có những trải nghiệm này. Nhưng thông thường, Chúa nói cách gián tiếp. Có thể thông qua đoạn Kinh Thánh bạn đang đọc. Khi tôi đọc Kinh Phụng vụ, là một linh mục, tôi đọc các Thánh vịnh, đó có phải chỉ là bạn biểu đạt điều gì đó hay Chúa đang nói với bạn qua các Thánh vịnh? Tôi nghĩ đến thánh I-nha-xi-ô Loyola, người đã giúp chúng ta trở nên nhạy bén với suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta khi chúng ta suy niệm, khi chúng ta đọc Kinh Thánh. Vậy tôi cảm nhận gì khi đọc đoạn đó, và điều đó ảnh hưởng gì đến với tôi?

Tôi có đang cảm thấy sầu khổ hay có sự an ủi, theo ngôn ngữ của Thánh I-nha-xi-ô? Liệu tôi có thể qua những cảm xúc đó, nhận ra Chúa cách nào đó đang nói chuyện với tôi? Đây là một thực tập khác: Tôi có thể tưởng tượng rằng Chúa Giêsu sẽ nói gì không? Tôi biết điều này có thể gặp rắc rối, bởi vì chúng ta có thể như kiểu phóng chiếu (ý nghĩ của mình lên cho Chúa). Nhưng dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh, truyền thống và tất cả những điều đó, liệu chúng ta khi đặt câu hỏi, có thể thực sự tưởng tượng khá chính xác những gì Ngài sẽ nói với chúng ta và phản hồi với điều đó không? Đó có phải là một cách để phân định tiếng nói của Chúa không? Có rất nhiều phương pháp khác nhau mà chúng ta có thể nói đến. Nhưng khi bạn nói, bạn cũng cần lắng nghe.

Và cuối cùng, điểm có liên quan là vai trò của sự thinh lặng trong cầu nguyện. Bạn biết câu nói nổi tiếng của Mẹ Têrêsa. Khi Mẹ nói về đời sống tâm linh, Mẹ bắt đầu với sự thinh lặng. Thinh lặng dẫn đến cầu nguyện, và cầu nguyện dẫn đến đức tin, đức tin dẫn đến tình yêu, và tình yêu đến phục vụ. Tôi nghĩ Mẹ diễn đạt như vậy. Nhưng điều thú vị là đầu tiên là thinh lặng.

Chúng ta sống trong một nền văn hóa rất ồn ào, và với các thiết bị của mình, chúng ta liên tục kích thích bản thân bằng từ ngữ, giao tiếp và ý tưởng. Chúng ta luôn nói chuyện với nhau, và luôn nghe nhau nói chuyện. Liệu chúng ta có thể ngồi trong thinh lặng không? Và để dành không gian cho Chúa nói? Bạn hãy nhớ đến ngôn sứ Êlia, ông không nghe thấy Chúa trong gió, lửa, động đất và tất cả những điều tương tự. Ông nghe thấy Chúa trong tiếng thì thầm nhỏ nhẹ.

Bạn không thể nghe tiếng thì thầm nhỏ nhẹ trừ khi bạn trở nên thinh lặng. Có bao nhiêu dòng tu dựa trên sự thinh lặng? Tôi nghĩ đến một trong những khoảnh khắc thiêng liêng đáng nhớ nhất trong đời tôi, đó là khi tôi đến thăm Grand Chartreuse, ở miền nam nước Pháp, thực sự nằm ở vùng núi Alps. Đây là nơi được thành lập bởi Thánh Bruno, là nhà mẹ của dòng Carthusian, một dòng tu hoàn toàn tận hiến cho sự thinh lặng. Chúng ta không thể trở thành các đan sĩ Carthusian, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ thái độ này.

Thánh Thomas Aquinas nói rằng ý chí có hai động thái cơ bản: động thái tìm kiếm sự tốt lành ta cảm thấy mình không có. Vì vậy, chúng ta đi tìm và theo đuổi nó. Nhưng động thái thứ hai của ý chí là nó an nghỉ trong điều tốt mà nó đã có được. Khi bạn có được điều tốt, ý chí của bạn sẽ an nghỉ trong đó. Đó là một động thái thinh lặng. Đó là một động thái thưởng thức. Tôi nghĩ chúng ta giỏi trong động thái thứ nhất, chúng ta tìm kiếm tất cả những điều tốt lành. Nhưng sau khi đạt được chúng, chúng ta làm gì? Chúng ta vật vả, chúng ta tiếp tục tìm kiếm điều khác.

Thinh lặng. Thinh lặng, khi bạn có được điều tốt lành của Chúa, vui hưởng điều đó trong thinh lặng là điều quan trọng. Đó là một phần của cầu nguyện. Đó là lý do tôi đã nói đến giờ chầu Chúa ở phía trên. Tạ ơn Chúa, trong những năm gần đây, điều này đã được phục hồi. Vì là một linh mục, tôi phải cầu nguyện bằng việc đọc Kinh Phụng vụ và tôi có thể huyên thuyên đọc các lời cầu nguyện. Nhưng nếu tôi không dành thời gian, tôi không làm bước đầu tiên, đúng không? Không dành thời gian lắng nghe trong thinh lặng, thì đó chỉ là sự lặp đi lặp lại rất nhiều từ ngữ. Vì vậy, sự thinh lặng.

Tôi sẽ kết thúc với một vài gợi ý. Tôi rất yêu thích giờ chầu, vì vậy nếu bạn có thể, hãy làm điều đó. Nghĩa là dành một giờ mỗi ngày cho cầu nguyện (trong thinh lặng!), để đàm thoại với Chúa. Nếu bạn có được thời gian, hãy làm giờ chầu. Cầu nguyện trước Thánh Thể cũng đã được phục hồi trong những năm gần đây. Sau Công Đồng Vatican II đã có một thời bị bỏ quên nhưng nay đã được thực hành trở lại. Việc chầu Thánh Thể đã làm nhiều giáo xứ có lại sức sống.

Hãy dành thời gian trước Thánh Thể với năm gợi ý này trong tâm trí. Và rồi một trong những điều tôi yêu thích là Kinh Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Lời kinh chỉ có vậy thôi, nhưng được lặp đi lặp lại. Hít vào với nửa đầu, thở ra với nửa sau. Để lời cầu nguyện đó trở thành một phần nhịp điệu của chính cơ thể bạn. Tôi cầu nguyện Kinh Chúa Giêsu mỗi ngày. Nó là một phần quan trọng trong lúc suy niệm của tôi.

Lời cầu nguyện ấy không xin gì cả, không đạt được nhiều điều. Nó rất đơn giản, bình lặng, cầu nguyện tập trung (centering prayer) làm bạn quay trở lại với thinh lặng; lời cầu nguyện đó bao gồm tất cả những điều đó. Vì vậy, hãy thực hiện năm gợi ý này. Hãy đi theo bản năng thâm sâu này của trái tim bạn, bản năng đang dẫn bạn đến cầu nguyện. Hãy thực hành bản năng đó.

Share:

Tiêu đề

Blog Archive

Labels

Blog Archive