Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

ĐGM Robert Barron về Cầu nguyện

Lời từ video:

Hôm nay chúng ta hãy nói về một trong những điều quan trọng nhất của đời sống tâm linh, là cầu nguyện. Đây là quan sát đầu tiên của tôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ai cũng cầu nguyện, ngay cả những người vô thần cũng nói họ cầu nguyện. Có thể nói đặc điểm tiêu biểu nhất về con người là con người là loài sinh vật biết cầu nguyện.

Vậy cầu nguyện là gì? Hãy quay lại với Thánh Gioan Đamat, một nhân vật thời ban đầu đã nổi tiếng với định nghĩa về cầu nguyện: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa. Đó là một định nghĩa đẹp, nhưng có lẽ hơi thiên lệch, bởi tôi nghĩ rằng điều đó có thể khiến chúng ta cảm thấy như cầu nguyện hoàn toàn là việc của chúng ta.

Như thể chúng ta nâng tâm trí và trái tim lên với Chúa, là việc chúng ta tìm kiếm Chúa. Điều này có thể đúng với nhiều triết lý và tôn giáo khác. Nhưng tôn giáo của Kinh Thánh không chủ yếu nói về hành trình chúng ta tìm kiếm Chúa. Nó nói về hành trình Thiên Chúa đi tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, tôi muốn nói rằng, khi bạn ý thức được sự đi trước của ân sủng, bạn sẽ nhận ra cầu nguyện là việc Chúa nói với chúng ta.

Đó là lý do tại sao Cha Herbert McCabe, một nhà thần học Dòng Đa minh vĩ đại, đã nói rằng bất cứ điều gì tốt đẹp, đúng đắn và chính xác trong lời cầu nguyện của chúng ta, là Chúa Thánh Thần đang cầu nguyện trong chúng ta. Hãy nghĩ đến ngay cả lời cầu nguyện xin ơn, khi bạn cầu xin Chúa điều gì đó, lời cầu xin chân thật là Chúa Thánh Thần thúc đẩy bạn cầu xin về những gì Ngài muốn ban cho bạn. Vì vậy, Chúa luôn là Đấng khởi sự.

Hành động của cả hai phía đều quan trọng, nhưng hành động của Chúa quan trọng hơn. Nếu tôi tóm gọn, tôi sẽ nói rằng cầu nguyện là cuộc trò chuyện giữa những người bạn. Đó là tình bạn của chúng ta với Chúa được thể hiện qua cuộc trò chuyện sống động này. Dựa trên tất cả những điều đó, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý đơn giản để canh tân đời sống cầu nguyện của bạn.

Điểm thứ nhất: Hãy dành thời gian. Nhiều năm trước, Thomas Merton, một trong những nhà văn tâm linh vĩ đại của thế kỷ trước, khi được hỏi: “Tôi có thể làm gì để cải thiện đời sống cầu nguyện của mình?” Ông trả lời với cụm từ này: “Hãy để ra thời gian.” Trước khi bạn nghĩ đến cách thức hay hiểu biết thần học, Trước khi bạn nghĩ đếncách thức hay hiểu biết thần học, hãy để riêng ra thời gian HẰNG NGÀY, để đàm thoại với Chúa. Đó là bước quan trọng nhất. Điều này có thể diễn ra vào buổi sáng sớm.

Với tôi, buổi sáng là thời gian cầu nguyện tốt hơn. Tôi dành một tiếng chầu Thánh Thể ngay sau khi thức dậy. Với một số người, cuối ngày có thể là thời điểm tốt hơn, dễ cầu nguyện hơn. Có thể là lúc bạn ngồi trong xe ô tô. Tôi thường nói xe ô tô có thể là một nơi tốt để cầu , nơi bạn thường một mình ngồi trong xe. Nếu bạn đang sống ở khu vực Los Angeles hoặc bất kỳ thành phố lớn nào, bạn có thể bị kẹt xe nhiều lần, vì vậy xe ô tô giống như một phòng nhỏ của tu viện. Bạn có không gian và thời gian để cầu nguyện. Nhưng điều quan trọng là bạn dành thời gian mỗi ngày.

Điểm thứ hai: Cầu nguyện là hành động tìm điểm trọng tâm. Cuộc sống của chúng ta bận rộn, phức tạp; chúng ta bận rộn với nhiều điều khác nhau: những thất vọng, những trách nhiệm nối tiếp nhau. Nếu có điều gì đó có thể gắn kết tất cả những điều này lại với nhau, thì đó chính là trọng tâm mà mọi phức tạp này xoay quanh.

Cầu nguyện, theo nhiều cách, là để tìm thấy nơi đó. Một lần nữa, Merton nói rằng cầu nguyện là tìm đến nơi bên trong bạn, nơi mà bạn đang được Chúa tạo dựng ngay ở đây, lúc này. Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Hãy tìm điểm tĩnh lặng đó, nơi mà toàn bộ cuộc sống của bạn cần lấy làm trọng tâm – đó chính là điều xảy ra khi bạn cầu nguyện.

Kierkegaard, nhà triết học, nói rằng thánh nhân là người có cuộc sống tập trung vào một điều duy nhất; ông cũng có thể diễn đạt điều đó như sau: thánh nhân là người cầu nguyện, là người chúng ta thấy có điểm trọng tâm trong cuộc sống

Đây là chiều kích thứ ba của cầu nguyện: Cầu nguyện là chân thành nói chuyện với Chúa. Một trong những vấn đề trong đời sống tâm linh là chúng ta nói với Chúa những gì chúng ta nghĩ rằng Chúa muốn nghe. Chúng ta ẩn mình sau những ngôn từ đạo đức mà chúng ta cho là thích hợp để cầu nguyện. Tôi không hề phản đối ngôn từ đạo đức, nó có vai trò rất quan trọng. Nhưng cốt lõi của cầu nguyện, tôi nghĩ, là một sự giao tiếp rõ ràng và trung thực.

Hãy nghĩ đến một tình bạn. Nếu bạn ở bên một người bạn nhưng không bao giờ nói chuyện với họ hoặc với người phối ngẫu của bạn về những gì bạn thực sự cảm nhận, những gì bạn thực sự suy nghĩ, những gì thực sự làm bạn bận tâm, những gì thực sự trong tâm trí bạn. Tình bạn đó sẽ không đi đến đâu, đúng không? Vì vậy, với Chúa, hãy chân thành nói với Chúa về những gì đang làm bạn phiền lòng, những gì khiến bạn lo lắng, làm bạn bực bội, những gì làm bạn vui sướng. Hãy nói về những điều hỗn độn trong cuộc sống của bạn. Ai trong chúng ta cũng có những điều đó, và thường chúng ta che đậy chúng. Chúng ta không chia sẻ điều đó cách đúng đắn. Nhưng Chúa biết hết rồi, đúng không? Ngài biết mọi thứ, về mọi thứ, vậy tại sao bạn phải che giấu điều đó với Chúa? Hãy để Ngài biết về cảm giác tội lỗi của bạn, hãy để Ngài biết về tội của bạn, hãy để Ngài biết bạn đang bối rối như thế nào, v.v.

Tôi rất thích câu chuyện nổi tiếng về một người phụ nữ đã ở trong bệnh viện nhiều tháng ngày vì chồng của bà ấy sắp chết. Và bà đã trải qua nhiều tuần, nhiều  tháng rất sầu khổ cùng với chồng bà. Một ngày nọ, bà bước ra khỏi bệnh viện, đó là một bệnh viện Công giáo được dâng hiến cho Đức Mẹ. Ngoài sân có một bức tượng của Đức Mẹ, và bà đã nhặt những cục đất và ném vào bức tượng Đức Mẹ. Nhân viên an ninh định ngăn bà. Nhưng một linh mục ở đó đã nói: "Không, đừng ngăn bà ấy. Bà ấy đang cầu nguyện.” Và tôi nghĩ linh mục ấy nói rất đúng.

Đây là một người phụ nữ có đức tin. Bà đã đưa chồng mình đến bệnh viện Công giáo này. Bà là một tín hữu, và bà đang bày tỏ sự tức giận, thất vọng lớn lao của mình. Bạn nghĩ bà ấy đã làm điều gì sai trái? Hãy đọc Thánh vịnh. Các Thánh vịnh chứa đầy những lời của con người nói với Chúa về sự tức giận, thất vọng và buồn bã của họ. Vì vậy, nói chuyện một cách trung thực với Chúa, tôi nghĩ, là một cách tuyệt vời để cầu nguyện.

Điểm thứ tư và điểm có liên quan đến nó: Chăm chú lắng nghe. Cuộc trò chuyện giữa bạn và Chúa, nếu nó chỉ một chiều – bạn làm hết mọi việc, cho dù là bạn  dùng ngôn ngữ trang trọng hay bạn biểu đạt cảm xúc. Đó không thực sự một cuộc đàm thoại, đúng không?

Tôi sẽ đi đọc kinh. Tôi cũng nói vậy. Nhưng vấn đề là khi nó chỉ là một chiều, tôi là người nói với Chúa. Tôi có lắng nghe Chúa không? Tôi có nghe những gì Ngài trả lời không?

Chúa có nói trực tiếp với chúng ta không? Có. Đôi khi. Trong những trường hợp rất hiếm hoi trong đời sống của các vị thánh vĩ đại. Hãy nghĩ đến Mẹ Têrêsa, người đã từng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu, và sau đó không nghe thấy gì suốt 50 năm. Nhưng Mẹ đã nghe tiếng gọi phục vụ người nghèo, lời nâng đỡ.

Nhiều thánh cũng có những trải nghiệm này. Nhưng thông thường, Chúa nói cách gián tiếp. Có thể thông qua đoạn Kinh Thánh bạn đang đọc. Khi tôi đọc Kinh Phụng vụ, là một linh mục, tôi đọc các Thánh vịnh, đó có phải chỉ là bạn biểu đạt điều gì đó hay Chúa đang nói với bạn qua các Thánh vịnh? Tôi nghĩ đến thánh I-nha-xi-ô Loyola, người đã giúp chúng ta trở nên nhạy bén với suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta khi chúng ta suy niệm, khi chúng ta đọc Kinh Thánh. Vậy tôi cảm nhận gì khi đọc đoạn đó, và điều đó ảnh hưởng gì đến với tôi?

Tôi có đang cảm thấy sầu khổ hay có sự an ủi, theo ngôn ngữ của Thánh I-nha-xi-ô? Liệu tôi có thể qua những cảm xúc đó, nhận ra Chúa cách nào đó đang nói chuyện với tôi? Đây là một thực tập khác: Tôi có thể tưởng tượng rằng Chúa Giêsu sẽ nói gì không? Tôi biết điều này có thể gặp rắc rối, bởi vì chúng ta có thể như kiểu phóng chiếu (ý nghĩ của mình lên cho Chúa). Nhưng dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh, truyền thống và tất cả những điều đó, liệu chúng ta khi đặt câu hỏi, có thể thực sự tưởng tượng khá chính xác những gì Ngài sẽ nói với chúng ta và phản hồi với điều đó không? Đó có phải là một cách để phân định tiếng nói của Chúa không? Có rất nhiều phương pháp khác nhau mà chúng ta có thể nói đến. Nhưng khi bạn nói, bạn cũng cần lắng nghe.

Và cuối cùng, điểm có liên quan là vai trò của sự thinh lặng trong cầu nguyện. Bạn biết câu nói nổi tiếng của Mẹ Têrêsa. Khi Mẹ nói về đời sống tâm linh, Mẹ bắt đầu với sự thinh lặng. Thinh lặng dẫn đến cầu nguyện, và cầu nguyện dẫn đến đức tin, đức tin dẫn đến tình yêu, và tình yêu đến phục vụ. Tôi nghĩ Mẹ diễn đạt như vậy. Nhưng điều thú vị là đầu tiên là thinh lặng.

Chúng ta sống trong một nền văn hóa rất ồn ào, và với các thiết bị của mình, chúng ta liên tục kích thích bản thân bằng từ ngữ, giao tiếp và ý tưởng. Chúng ta luôn nói chuyện với nhau, và luôn nghe nhau nói chuyện. Liệu chúng ta có thể ngồi trong thinh lặng không? Và để dành không gian cho Chúa nói? Bạn hãy nhớ đến ngôn sứ Êlia, ông không nghe thấy Chúa trong gió, lửa, động đất và tất cả những điều tương tự. Ông nghe thấy Chúa trong tiếng thì thầm nhỏ nhẹ.

Bạn không thể nghe tiếng thì thầm nhỏ nhẹ trừ khi bạn trở nên thinh lặng. Có bao nhiêu dòng tu dựa trên sự thinh lặng? Tôi nghĩ đến một trong những khoảnh khắc thiêng liêng đáng nhớ nhất trong đời tôi, đó là khi tôi đến thăm Grand Chartreuse, ở miền nam nước Pháp, thực sự nằm ở vùng núi Alps. Đây là nơi được thành lập bởi Thánh Bruno, là nhà mẹ của dòng Carthusian, một dòng tu hoàn toàn tận hiến cho sự thinh lặng. Chúng ta không thể trở thành các đan sĩ Carthusian, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ thái độ này.

Thánh Thomas Aquinas nói rằng ý chí có hai động thái cơ bản: động thái tìm kiếm sự tốt lành ta cảm thấy mình không có. Vì vậy, chúng ta đi tìm và theo đuổi nó. Nhưng động thái thứ hai của ý chí là nó an nghỉ trong điều tốt mà nó đã có được. Khi bạn có được điều tốt, ý chí của bạn sẽ an nghỉ trong đó. Đó là một động thái thinh lặng. Đó là một động thái thưởng thức. Tôi nghĩ chúng ta giỏi trong động thái thứ nhất, chúng ta tìm kiếm tất cả những điều tốt lành. Nhưng sau khi đạt được chúng, chúng ta làm gì? Chúng ta vật vả, chúng ta tiếp tục tìm kiếm điều khác.

Thinh lặng. Thinh lặng, khi bạn có được điều tốt lành của Chúa, vui hưởng điều đó trong thinh lặng là điều quan trọng. Đó là một phần của cầu nguyện. Đó là lý do tôi đã nói đến giờ chầu Chúa ở phía trên. Tạ ơn Chúa, trong những năm gần đây, điều này đã được phục hồi. Vì là một linh mục, tôi phải cầu nguyện bằng việc đọc Kinh Phụng vụ và tôi có thể huyên thuyên đọc các lời cầu nguyện. Nhưng nếu tôi không dành thời gian, tôi không làm bước đầu tiên, đúng không? Không dành thời gian lắng nghe trong thinh lặng, thì đó chỉ là sự lặp đi lặp lại rất nhiều từ ngữ. Vì vậy, sự thinh lặng.

Tôi sẽ kết thúc với một vài gợi ý. Tôi rất yêu thích giờ chầu, vì vậy nếu bạn có thể, hãy làm điều đó. Nghĩa là dành một giờ mỗi ngày cho cầu nguyện (trong thinh lặng!), để đàm thoại với Chúa. Nếu bạn có được thời gian, hãy làm giờ chầu. Cầu nguyện trước Thánh Thể cũng đã được phục hồi trong những năm gần đây. Sau Công Đồng Vatican II đã có một thời bị bỏ quên nhưng nay đã được thực hành trở lại. Việc chầu Thánh Thể đã làm nhiều giáo xứ có lại sức sống.

Hãy dành thời gian trước Thánh Thể với năm gợi ý này trong tâm trí. Và rồi một trong những điều tôi yêu thích là Kinh Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Lời kinh chỉ có vậy thôi, nhưng được lặp đi lặp lại. Hít vào với nửa đầu, thở ra với nửa sau. Để lời cầu nguyện đó trở thành một phần nhịp điệu của chính cơ thể bạn. Tôi cầu nguyện Kinh Chúa Giêsu mỗi ngày. Nó là một phần quan trọng trong lúc suy niệm của tôi.

Lời cầu nguyện ấy không xin gì cả, không đạt được nhiều điều. Nó rất đơn giản, bình lặng, cầu nguyện tập trung (centering prayer) làm bạn quay trở lại với thinh lặng; lời cầu nguyện đó bao gồm tất cả những điều đó. Vì vậy, hãy thực hiện năm gợi ý này. Hãy đi theo bản năng thâm sâu này của trái tim bạn, bản năng đang dẫn bạn đến cầu nguyện. Hãy thực hành bản năng đó.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tiêu đề

Blog Archive

Labels

Blog Archive