Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2:1-5).
Gioan là người duy nhất trong bốn Thánh sử ghi lại câu chuyện này, có lẽ vì thánh Gioan là người đã đưa Đức Maria về nhà mình sau khi Chúa Giêsu nói với Gioan từ cây thánh giá: “Này là Mẹ của con,” và với Đức Maria, “Này là con Bà.” Đây hẳn là một trong những câu chuyện yêu thích của Đức Maria.
Câu chuyện bắt đầu trong một lễ cưới. Tiệc cưới thường kéo dài bảy ngày trong nền văn hóa đó. Họ coi trọng cả hôn nhân và việc ăn mừng hôn nhân hơn chúng ta rất nhiều. Đức Maria có mặt ở đó nhưng không có thánh Giuse, điều đó có nghĩa là thánh Giuse đã qua đời trong khoảng thời gian mười tám năm giữa đám cưới này, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình, ở tuổi ba mươi, và lần cuối cùng chúng ta nghe về thánh Giuse là khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi và ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem ba ngày.
Việc hết rượu là một sự bẽ mặt khủng khiếp cho chú rể của một buổi lễ cưới. Đức Maria đã đến với Chúa Giêsu bày tỏ cho Ngài vấn đề này – điều đó có nghĩa là Mẹ phải biết khả năng làm phép lạ của Ngài. Nhưng Ngài vẫn chưa làm bất kỳ phép lạ nào trước công chúng, vì Ngài chưa có ý định bắt đầu sứ vụ công khai của mình.
Điều này tự nó là một sự thật đáng chú ý và đầy ý nghĩa: rằng Chúa Giêsu đã trì hoãn ba năm dài sứ vụ công khai của mình cho đến khi Ngài ba mươi tuổi. Ngài đã dành gấp mười lần thời gian để chuẩn bị cho công việc của mình trước khi thực hiện nó. Bất kỳ họa sĩ nào cũng hiểu điều đó… Những năm tháng lặng lẽ trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng quan trọng như những năm tháng thực thi sứ vụ công khai mà chúng ta biết đến.
Lời thỉnh cầu của Đức Maria với Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề gây xấu hổ của việc hết rượu là một ví dụ hoàn hảo về sự khéo léo của phụ nữ. Mẹ không bảo Chúa Giêsu phải làm gì. Mẹ không tranh luận, không cầu xin. Mẹ không quấy rầy hoặc làm phiền Chúa Giêsu, không làm Ngài cảm thấy mắc lỗi. Mẹ chỉ đơn giản nói với Ngài sự thật: “Họ hết rượu rồi.” Lời cầu nguyện ấy biểu lộ đức tin lớn lao. Mẹ không thêm gì vào sự thật mà chỉ đơn giản là họ đã hết rượu vì Mẹ biết rõ Chúa Giêsu. Mẹ biết lòng trắc ẩn của Ngài. Mẹ chắc hẳn đã trao cho Chúa Giêsu ánh mắt thông hiểu Chúa sẽ làm gì, hơn cả triệu lời nói…
Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu thử thách đức tin của Mẹ. Về cơ bản, Ngài nói: Điều đó có thể là vấn đề của Mẹ, nhưng không phải của con. Mẹ không nghĩ đó là câu trả lời cuối cùng của Chúa Giêsu. Mẹ biết Chúa quá rõ để nghĩ như thế. Phản ứng của Mẹ không phải là quay lại tranh luận với Chúa Giêsu mà chỉ đơn giản cho rằng câu trả lời cuối cùng của Ngài sẽ trái ngược với những gì Ngài đã nói với Mẹ; rằng Ngài sẽ thực sự coi đây là vấn đề của Ngài, không chỉ của Mẹ. Ngài sẽ coi đó là vấn đề của Ngài chính xác vì nó là vấn đề của Mẹ. Ngài cũng biết điều đó. Ngài biết Mẹ quá rõ để biết Mẹ mình biết Ngài đến mức nào. Không ai trong toàn vũ trụ biết Chúa Giêsu rõ hơn Mẹ của Ngài.
Thực tế là Chúa Giêsu thay đổi kế hoạch bắt đầu sứ vụ công khai của mình vì sự can thiệp nhẹ nhàng của Mẹ. Sự cầu bầu của Mẹ phải đem lại cho chúng ta lòng tin tưởng lớn lao vào sức mạnh cầu nguyện của Mẹ. Mẹ Maria có thể thay đổi suy nghĩ của Chúa Giêsu! Nếu Chúa Giêsu nói không với lời cầu nguyện của bạn, hãy đến với Mẹ Maria. Ngài không thể nói không với Mẹ! Ngài là Chúa của vũ trụ, nhưng Mẹ là Mẹ của Chúa của vũ trụ. Ngài là Đầu của Giáo Hội, là Thân thể của Ngài, và Mẹ Maria tượng trưng cho Giáo Hội; nhưng Mẹ là cái cổ có thể xoay được Đầu.
Điều tiếp theo Đức Maria nói không phải là với Chúa Giêsu. Mẹ biết rằng Mẹ không cần nói thêm lời nào với Chúa Giêsu. Mẹ biết rằng Mẹ không cần cố gắng thay đổi ý định của Ngài. Mẹ cần thay đổi suy nghĩ của những người phục vụ bữa tiệc. Vì vậy, Mẹ đưa ra cho họ điều răn tốt nhất mà bất cứ ai từng đưa ra cho người khác, lời khuyên rất tốt nhất trên thế giới, lời khuyên tóm tắt và chứa đựng tất cả mọi thứ trong cuộc sống của một người Kitô hữu, trong một câu ngắn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Đó là những lời cuối cùng của Mẹ được ghi lại. Gioan ghi lại chúng vì thánh sử biết rằng chúng không chỉ dành cho những người phục vụ tại bữa tiệc mà còn là cho tất cả Kitô hữu, cho toàn thể Giáo Hội và mọi cá nhân trong đó cho đến ngày tận thế. Đó là lời khuyên duy nhất mà không ai có thể sai lầm khi làm theo. Nó là ý nghĩa toàn bộ của cuộc sống, và đó là bí quyết để trở thành một vị thánh: đơn giản là tuân theo điều răn này, hãy nói với Thiên Chúa làm người, “Xin cho ý Chúa được thực hiện,” với tất cả trái tim, linh hồn, tâm trí và sức mạnh của bạn.
Và kết quả là phép lạ đầu tiên trong nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, biến nước thành rượu… [Phép lạ] mời gọi chúng ta đặt tất cả đức tin vào Chúa Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa, và “với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mat. 19:26).
Qua tất cả các phép lạ, Chúa Giêsu làm điều gì đó dường như bất khả thi, như biến nước thành rượu. Bằng cách nào đó, chúng xoay chuyển tình thế, biến điều tồi tệ thành tốt hơn, biến điều đã là trở thành tương lai, biến trống rỗng thành đầy đủ, biến không đủ thành đủ.
Và không chỉ là đủ: như người quản tiệc ngạc nhiên nói với chàng rể, “Anh đã giữ rượu ngon cho đến bây giờ.” Chúa không chỉ khôi phục lại tình hình đã mất; Ngài làm cho nó tốt hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa cũng làm điều đó với chúng ta. Ngài giữ những điều tốt nhất cho đến cuối cùng. Khi bạn ra khỏi đời này, bạn sẽ thấy điều gì đó đẹp đẽ vô hạn hơn bất cứ điều gì bạn từng thấy trước đây, điều mà không ai có thể diễn tả thành lời, điều mà Thánh Phaolô mô tả bằng những lời này: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cor. 2:9–10). -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét