Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa -- Chúa Giêsu chịu phép rửa, Năm C

“Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa." (Luca 3:16)

Bí tích Rửa tội luôn đi kèm với đức tin, luôn bao hàm đức tin, và luôn giả định có đức tin—hoặc là đức tin của người lớn muốn trở thành Công giáo đang được rửa tội, hoặc là đức tin của cha mẹ và Giáo Hội trong trường hợp rửa tội cho trẻ sơ sinh. Tin Mừng theo Thánh Gioan nói rằng khi chúng ta “tin” thì chúng ta “đón nhận” (xem Gioan 1:12–16). Khi chúng ta mở cửa, Thiên Chúa đến. Thiên Chúa đến thực sự, chứ không chỉ là biểu tượng.

Đây không chỉ là một lối sống mới, hoặc một bộ lý tưởng hay nguyên tắc mới; đây là một sự sống mới, một kiểu sống mới. Nó giống như Pinocchio biến từ một con rối gỗ thành một sinh vật sống, hoặc như con cóc biến thành hoàng tử khi công chúa hôn nó. Nhiều câu chuyện cổ tích được viết có biểu tượng Kitô giáo.

Câu chuyện về Pinocchio chính xác hơn câu chuyện hoàng tử cóc, vì khi con cóc được hôn, nó không còn là cóc nữa, nhưng khi Pinocchio trở nên sống động, cậu ta vẫn là một cái đầu làm bằng gỗ, và cậu ta chọn những người bạn sai lầm và học cách nói dối, khiến mũi cậu dài hơn sau mỗi lần nói dối. Đó chính là chúng ta.

Chúng ta có sự sống của Chúa, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, nhưng chúng ta sống như những người không biết đến sự sống mới. Chúng ta có hai sự sống trong mình: tự nhiên và siêu nhiên, thuộc về con người và thuộc về Thiên Chúa, tạm thời và vĩnh cửu, xác thịt và thần khí. Thánh Phaolô gọi chúng là “con người cũ” và “con người mới” (Ê-phê-sô 4:22–24).

Con người cũ đến từ A-đam thứ nhất, con người mới đến từ Đức Kitô, A-đam mới. Đó là ý của Thánh Phaolô khi ngài nói rằng “xác thịt có những ham muốn chống lại Thần Khí, và Thần Khí chống lại xác thịt” (Ga-lát 5:17). Xác thịt và thần khí không có nghĩa là thân xác và linh hồn. Chúng có nghĩa là con người cũ, con người tội lỗi mà chúng ta nhận từ A-đam và con người mới được cứu chuộc mà chúng ta lãnh nhận từ Đức Kitô.

…Không giống như lửa vật chất, lửa của Thánh Thần chỉ đốt cháy những điều xấu. Càng đến gần ngọn lửa thông thường, bạn càng bị hủy hoại, nhưng càng đến gần ngọn lửa thánh thiêng liêng, bạn càng sống mãnh liệt hơn. Ngọn lửa này càng làm bạn cảm thấy bị đốt cháy bạn khi bạn càng xa rời nó.

Lửa là biểu tượng tự nhiên cho đam mê và cường độ. “Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu,” thư gửi người Do Thái nói (Híp-ri 12:29). Thiên Chúa không phải là một ông già ngủ gật; Ngài là một người Cha yêu thương và do đó Ngài có quyền đòi hỏi. Ngài dễ được chúng ta làm hài lòng nhưng khó thỏa mãn. Chúng ta không thoải mái khi gặp Ngài; đối với chúng ta Ngài không là người chán ngắt, không nửa nóng nữa lạnh. Ngài là ngọn núi lửa của tình yêu. Ngài không yêu rồi lại hết yêu như chúng ta, vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa không thể yêu đậm sâu hơn nữa cũng như mặt trời không thể sáng hơn hay biển không thể ướt hơn.

Càng để ngọn lửa này cháy trong tâm hồn mình, để nó thiêu đốt mọi sự ích kỷ tìm thoải mái của mình, cuộc sống của bạn sẽ càng được biến đổi. Hãy hỏi bất kỳ vị thánh nào.

Tình yêu là ngọn lửa sống động. So với những ham muốn của chúng ta, tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn rất nhiều. Tình yêu của Chúa đối với những ham muốn của con người thì  như mặt trời đối với que diêm. Nó giống như ánh sáng laser cắt xuyên qua thép cứng nhất. Bất cứ khi nào bạn cầu nguyện, bạn đang chịu phẫu thuật laser trên linh hồn mình. Cầu nguyện là phòng mổ của Chúa. Ngài đang chờ sự đồng ý của bạn để thực hiện ca mổ. Và bạn có thể tin tưởng bác sĩ này vì đôi tay cầm dao mổ có lỗ đinh trên đó. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tiêu đề

Blog Archive

Labels

Blog Archive