Một trong những đóng góp quan trọng của ngôn sứ Giêrêmia đối với lịch sử cứu độ và thần học Kitô giáo chính là bản thân ông, ông là hình bóng của Đức Kitô hơn bất kỳ ngôn sứ nào khác. Tiểu sử cá nhân đóng vai trò rất nhỏ trong sách ngôn sứ Isaia, nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong sách ngôn sứ Giêrêmia. Theo nhiều cách, Giêrêmia hòa nhập vào sứ vụ ngôn sứ của mình, đến mức không chỉ lời nói mà cả những trải nghiệm trong cuộc đời ông đều trở thành “lời tiên tri.”
Quả thật, truyền thống ghi nhớ Giêrêmia như vị ngôn sứ chịu đau khổ tiêu biểu, và không ít học giả cho rằng “Người Tôi Trung Đau Khổ” trong phần thứ hai của sách Isaia được mô phỏng theo Giêrêmia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Giêrêmia là ngôn sứ đầu tiên mà những người đương thời của Đức Giêsu so sánh với Ngài:
“Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ.” (Mt 16,13–14)
Những điểm tương đồng thì rất nhiều:
(1) Được chọn từ trong lòng mẹ (Gr 1,5; Lc 1,31)
(2) Được chọn để bị từ chối và đối đầu với dân mình (Gr 1,18–19; Lc 2,34–35)
(3) Được gọi sống đời độc thân (Gr 16,1–4; Mt 19,10–12)
(4) Được ví như chiên bị đem đi giết (Gr 11,19; Ga 1,29.36)
(5) Bị phản bội bởi những người thân cận (Gr 12,6; Ga 13,18.38, v.v.)
(6) Giảng dạy chống lại Đền Thờ và tiên báo sự hủy diệt của nó (Gr 26,2–6; Mc 11,15–19; 13,1–2)
(7) Bị các thượng tế chống đối và bách hại vì thông điệp của mình (Gr 20,1–3; 26,7–9; Mc 11,18)
(8) Bị kết án tử (Gr 26,8–9; Mc 14,57–58)
(9) Bị xét xử bởi một quan tòa do dự, phần nào cảm thông nhưng nhát đảm (Gr 37,16–38,28; Ga 18,28–19,16)
(10) Bị ném xuống hầm và được kéo lên khỏi đó (Gr 37,16–21; Ga 19,40–20,18).
… Cả Giêrêmia lẫn Đức Giêsu đều phù hợp với hình mẫu “Người Tôi Trung Đau Khổ” của Đức Chúa trong sách Isaia (x. Is 52,13–53,12), dù cuối cùng Giêrêmia không phải là nhân vật vương giả như Người Tôi Trung. Tuy nhiên, ký ức và phụng vụ của Giáo Hội vẫn tôn vinh Giêrêmia như một hình bóng của vị ngôn sứ chịu đau khổ, được hiện thực hóa hoàn toàn nơi Đức Giêsu thành Nadarét.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối liền mạchvới bài đọc tuần trước, khi Đức Giêsu gặp phải phản ứng chống đối mạnh mẽ từ chính dân làng của Ngài, giống như Giêrêmia đã từng gặp (x. Gr 11,18–23, khi những người cùng làng âm mưu giết ông). Họ đặc biệt phẫn nộ khi Đức Giêsu trích dẫn những ví dụ từ Cựu Ước, trong đó các ngôn sứ vĩ đại của Israel không chữa lành người Israel nhưng lại chữa lành và ban phúc lành cho dân ngoại: người phụ nữ xứ Sidon tại Xarépta, tướng quân Naaman người Syria.
Dân làng Nadarét là những người Israel tốt. Thực tế, nhà Kinh Thánh và khảo cổ học Biển Đức, linh mục Bargil Pixner, cho rằng họ phần lớn là hậu duệ của hoàng tộc Đavít. Dù thế nào đi nữa, họ cảm thấy mình là dân đặc tuyển. Họ có một quyền lợi đặc biệt đối với Thiên Chúa. Phúc lành của Thiên Chúa là dành cho họ, chứ không phải cho dân ngoại tội lỗi!
Họ đã quên rằng lý do Thiên Chúa chọn Abraham, tổ phụ của dân Israel, là để ông và dòng dõi ông mang phúc lành đến cho mọi gia đình trên mặt đất (x. St 12,3). Họ quên rằng các ngôn sứ vĩ đại đã tiên báo ơn cứu độ cho cả dân ngoại, như trong đoạn văn nổi tiếng này của Isaia:
Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”(Is 49,5–6).
Một lần nữa, chúng ta thấy chủ đề về “ngôn sứ được hình thành từ trong lòng mẹ” mang ơn cứu độ đến cho muôn dân… Thiên Chúa biết mỗi chúng ta từ khi còn trong dạ mẹ và đã hoạch định cho mỗi người một sứ mạng và mục đích trong cuộc đời.
Các bài đọc Chúa Nhật này kêu gọi chúng ta đối diện với bách hại bằng lòng can đảm, vì bách hại là dấu chỉ của ngôn sứ đích thực. Những ai chia sẻ vai trò ngôn sứ của Đức Kitô qua Bí tích Thánh Tẩy không thể mong tránh khỏi bách hại trong cuộc đời này.
Đồng thời, chúng ta không được để lòng mình rơi vào hận thù, cay đắng hay tự cho mình là công chính. Không như dân làng Nadarét, chúng ta phải thực hành tình yêu và nhớ rằng Tin Mừng là dành cho tất cả mọi người, chứ không phải tài sản riêng của chúng ta.
Ngôn sứ lên tiếng chống lại bất công, đúng vậy—nhưng với hy vọng rằng mọi người sẽ hoán cải và được cứu độ bằng cách bước vào tình yêu của Thiên Chúa. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C
0 nhận xét:
Đăng nhận xét