Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Để sinh nhiều hoa trái

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 15:1-8)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

 

Bằng cách sử dụng ẩn dụ về cây nho và người trồng nho, Chúa Giêsu đưa ra một số điểm nổi bật về đời sống môn đệ:

“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người [Chúa Cha] chặt đi.”

Ở đây, “hoa trái” ám chỉ hoa trái thiêng liêng, đó là sự tăng trưởng về sự thánh khiết, nhân đức và việc lành. Chúng ta không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không phát sinh ra những việc lành, bởi vì sự thánh thiện không bén rễ trong chúng ta nếu không thay đổi hành vi của mình. Chúa Giêsu đang nói rằng những ai ở trong Đức Kitô mà không chịu lớn lên trong sự thánh thiện, nhân đức và việc lành sẽ bị loại khỏi Ngài. Đây là một ý tưởng đáng sợ, nhưng cũng giống như lời Chúa Giêsu đã nói trong Bài Giảng Trên Núi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! '" (Mat 7: 21–23). Vì vậy, nguy cơ rơi vào tình trạng hâm hẩm và vô sinh về mặt thiêng liêng là có thật, và rất nguy hiểm: chúng ta phải đề phòng cho ơn cứu rỗi của mình.

“Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”.

Cắt tỉa là một quá trình cắt đứt đi và đối với cây nó chỉ là một sự gây đau đớn. Chúa Giêsu đang nói rằng những ai là môn đệ sẽ trải qua một loại tiến trình kỷ luật từ Chúa Cha để họ lớn lên trong sự thánh thiện. Quá trình kỷ luật này có thể gây đau đớn. Cành bị cắt đi, cành mà cây phải tốn công sức để lớn lên.

Đôi khi những người phục vụ Giáo Hội tích cực nhìn thấy điều này xảy ra. Các mục vụ, dự án hoặc nỗ lực mục vụ vốn được nuôi dưỡng với nhiều nỗ lực đột nhiên bị cắt đứt vì nhiều lý do, và chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, tại sao điều này lại xảy ra?” Điều này có thể dẫn đến sự chán nản, nhưng chúng ta phải xem nó như một quá trình cắt tỉa và tìm cách sinh hoa trái ở những lĩnh vực khác.

“Ai ở trong Thầy và Thầy trong người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì ngoài Thầy anh em chẳng làm gì được”.

Điều này đúng làm sao! Chỉ những gì Đức Kitô làm trong chúng ta mới tồn tại mãi mãi; những điều được thực hiện bởi ý chí và ham muốn của con người sẽ biến đi. Ở đây Thánh Gioan nói rõ điều Thánh Phaolô diễn tả là “không phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Galát 2:20). Vì lý do này, thật vô nghĩa nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi các nguồn hiệp thông như cầu nguyện, các bí tích, tôn thờ, v.v. và hy vọng cuộc sống của chúng ta vẫn còn có ý nghĩa vĩnh cửu.

Một trong những đoạn mạnh mẽ nhất trong Tông huấn về sự thánh thiện của Đức Thánh Cha Phanxicô, Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng và vui mừng), nói về nhu cầu “ở lại trong Chúa Giêsu”:

"Vì thế, tôi xin hỏi các bạn: Có những giây phút nào bạn thinh lặng đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, những lúc bạn thư thái ở với Người, và để Người nhìn ngắm bạn hay không? Bạn có để ngọn lửa của Người cháy lên trong lòng mình không? Nếu không để Người sưởi ấm bạn bằng tình yêu và sự dịu dàng của Người, bạn sẽ không có lửa, và như thế làm sao bạn có thể đốt nóng trái tim người khác bằng chứng tá và lời nói của bạn? Và nếu trước dung nhan của Đức Kitô bạn vẫn cảm thấy không thể được chữa lành và biến đổi, thì hãy bước vào Trái Tim của Chúa, bước vào những vết thương của Người, vì đó là chỗ của Lòng Chúa Xót Thương" (Số 151).

Trở lại với những lời của Tin Mừng hôm nay:

“Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Gioan 15:7).

Đó là vì nếu chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu và lời của Ngài ở lại trong chúng ta, chúng ta sẽ ước muốn điều Ngài muốn, và ý muốn của chúng ta sẽ hợp nhất với ý muốn của Ngài, đến nỗi “bất cứ điều gì chúng ta muốn” sẽ chỉ là ý muốn của Ngài, và ý muốn của Ngài sẽ luôn luôn được thực hiện. Rồi chúng ta sẽ có khả năng để phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

Vậy làm sao chúng ta biết mình đã được cứu rỗi? Chúng ta ít nhất cần có sự tin tưởng rằng chúng ta ở trong Chúa Kitô và Người ở trong chúng ta khi chúng ta thấy những dấu hiệu hữu hình của Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống chúng ta. Những dấu hiệu được đề cập trong các bài đọc: “mạnh dạn” vì Chúa Kitô, yêu thương cách chân thật và bằng việc làm cho anh chị em chúng ta trong Đức Kitô, và sinh ra “trái tốt” (thánh thiện, nhân đức, việc lành) để vinh danh Chúa Cha. Những dấu hiệu này cho chúng ta sự đảm bảo về sự cứu rỗi của mình. -- Dr. John Bergsma

Share:

Nữ Vương thiên đàng

Trong lịch sử hoàng gia của Đavít, thái hậu chứ không phải là vợ của vua, là người được ngồi bên hữu vua. “Bà Bát Se-va vào yết kiến vua Sa-lô-môn để thưa chuyện với vua giúp A-đô-ni-gia-hu. Vua đứng lên, ra đón và sấp mình chào bà ; đoạn vua ngồi trên ngai, đồng thời cũng truyền đặt một ngai cho bà thái hậu, bà ngồi bên hữu vua. (I Vua 2:19). Thái hậu, mẹ của vua, là người chứng tỏ vị vua ấy thực sự là hợp pháp, thực sự là dòng dõi vua Đavít.

Đức Maria, là Nữ Vương thiên đàng, vì Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kính trọng Mẹ như vua Salômôn kính trọng mẹ mình. Quyền cầu khẩn của Bát Se-va đến với Salômôn sẽ được vua lắng nghe (dù quyền quyết định vẫn ở với Salômôn). Lời cầu khẩn của Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu cho chúng ta rất có thế đối với Chúa Giêsu. Chính nhờ Mẹ, mà Chúa Giêsu được coi là thuộc dòng dõi vua Đavít.

Đoạn trích dưới đây nói về việc Đức Maria tuy là nữ tỳ hèn mọn, Thiên Chúa đã làm những điều cao cả nơi Mẹ.

“Khi Đức Maria tuyên dương Chúa “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Luca 1:52), trong bối cảnh ấy, Mẹ đang nói đến chính bản thân Mẹ, vì Mẹ đã nói Chúa nhìn đến “phận hèn mọn” của “nữ tỳ” của Chúa (Luca 1:48). Đức Maria là hiện thân của những kẻ nghèo khổ và thấp hèn trong Israel. Hãy lưu ý là khi Đức Maria nói Chúa truất “ngôi” kẻ thống trị, đây là ngôn ngữ hoàng gia. Vua và thái hậu ngồi trên ngôi và khi bị “truất” ngôi, phải có kẻ chiếm chỗ của họ. Cuối cùng khi Đức Maria dùng lối nói “hết mọi đời” sẽ khen tôi “diễm phúc” (Luca 1:48), nghe giống như những thứ được nói về hoàng gia trong Kinh thánh Do thái. Chẳng hạn như Thánh vịnh 45 tuyên bố danh thơm của vua sẽ được “ca ngợi bất tận muôn đời” (Thánh vịnh 45:17).

Nói tóm lại, Kinh Magnificat của Đức Maria ngụ ý rằng, dù trong mắt trần gian, Mẹ chỉ là một “nữ tỳ” hèn mọn, nhưng cả Mẹ và con của Mẹ được tôn vinh để ngự trên “ngai” của dòng dõi vua Đavít và mẹ của ông.” -- Jesus and the Jewish Roots of Mary: Unveiling the Mother of the Messiah by Dr. Brant Pitre

KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Share:

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Không có gì là tình cờ trong kế hoạch của Chúa

“Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

Trong Mùa Phục Sinh, cụm từ “tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” làm chúng ta ý thức được rằng không một sự việc nào xảy đến với Chúa Giêsu là do tình cờ. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài chỉ làm những gì Ngài đã thấy Cha Ngài làm, những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh về Ngài.

Khi các tông đồ của Chúa không nhìn thấy rằng việc Chúa Giêsu chịu chết khổ hình trên cây thập tự là một phần của kế hoạch cứu độ, họ bị hoang mang, thất vọng, bỏ Thầy và trở về với lối sống cũ như hai môn đệ trên đường Emmau. Trái tim họ có lại được nhiệt huyết và mục đích khi Chúa Giêsu giải nghĩa Kinh Thánh cho họ và cho họ thấy mọi sự đều là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh viết từ xưa.

Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy. Không có gì xảy ra do tình cờ. Khi chúng ta nhìn cuộc đời của mình qua con mắt đức tin, mọi sự có ý nghĩa. Không ai thích phải gặp những khó khăn trong cuộc sống nhưng với con mắt đức tin, chúng ta biết ơn Chúa luôn sẵn đó để giúp chúng ta.

“Đừng nói, “điều này xảy ra một cách tình cờ, trong khi điều này tự nó đến." Trong tất cả những gì hiện hữu, không có gì rối loạn, không có gì vô định, không có gì không có mục đích, không có gì là tình cờ ... Có bao nhiêu sợi tóc trên đầu bạn? Chúa không quên ngay cả một sợi. Bạn không thấy sao: không có gì, dù là một sự việc nhỏ nhất, thoát khỏi cái nhìn của Chúa?” – Thánh Basil

Lạy Chúa, xin cho con biết rằng mọi sự xảy đến cho con Chúa đều biết trước từ thuở đời đời, và đem lại lợi ích cho con. Biết như thế là đủ cho con. Xin ban thêm đức tin cho con.

Share:

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Sức mạnh của ý nghĩ

Nếu những ý nghĩ của chúng ta là những ý nghĩ tốt bụng, ôn hòa và bình thản, chỉ hướng về điều tốt, thì chúng ta cũng ảnh hưởng đến bản thân và lan tỏa hòa bình ra xung quanh chúng ta—trong gia đình của chúng ta, trong cả đất nước, ở khắp mọi nơi. Điều này đúng không chỉ ở đây trên trái đất, mà còn trong vũ trụ. Khi chúng ta làm việc theo thánh ý Chúa, chúng ta tạo ra sự hài hòa. Sự hòa hợp thần linh, hòa bình và yên tĩnh lan tỏa khắp mọi nơi. Tuy nhiên, khi chúng ta nuôi dưỡng những ý nghĩ tiêu cực, đó là một sự dữ rất lớn. Khi có điều ác trong chúng ta, chúng ta lan tỏa điều đó giữa các thành viên trong gia đình và bất cứ nơi nào chúng ta đến. Vì vậy, bạn thấy đấy, chúng ta có thể rất tốt hoặc rất xấu xa. Nếu là như vậy, thì việc chọn những ý nghĩ tốt lành là điều đương nhiên tốt hơn! Những suy nghĩ tiêu cực phá hủy sự tĩnh lặng bên trong, và rồi chúng ta không có sự bình an. – Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Bạn có để ý bạn đang suy nghĩ gì không?

Tất cả mọi sự, cả tốt và xấu, đều xuất phát từ những suy nghĩ của chúng ta. Những ý tưởng của chúng ta rồi trở thành hiện thực. Thậm chí ngày nay chúng ta có thể thấy rằng tất cả mọi tạo vật, mọi thứ tồn tại trên trái đất và trong vũ trụ, không là gì khác ngoài những điều Thiên Chúa đã nghĩ đến. Mọi sự vật được dựng nên vì Thiên Chúa nghĩ đến chúng. Con người chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa. Nhân loại đã được ban cho một món quà tuyệt vời, nhưng chúng ta hầu như không hiểu về nó. Năng lực và sự sống của Chúa ở trong chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Chúng ta cũng không hiểu rằng chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến người khác với những ý nghĩ của mình. Chúng ta có thể là người rất tốt hoặc rất xấu xa, tùy vào những ý nghĩ và ham muốn mà chúng ta nuôi dưỡng. – Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Điều làm Chúa hài lòng

Chúa hài lòng về những việc lành chúng ta làm. Công việc bác ái và mọi thứ khác mà chúng ta làm cho sự cứu rỗi của bản thân và lợi ích của những người khác và cho Giáo hội, tất cả những điều này đều làm hài lòng Chúa. Tuy nhiên, điều làm Ngài hài lòng nhất là tình yêu đơn sơ, tình yêu của trẻ thơ, luôn bám chặt vào trái tim Chúa. Đây là điều làm hài lòng Ngài nhất và là điều Ngài muốn nơi chúng ta. Đây là điều mà mọi người đều có thể dâng cho Ngài, dù giàu hay nghèo, già hay trẻ.

Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

Hai chiều kích của đức tin

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ (3:13–15, 17–19)

Hôm ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

“Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

------

Bài đọc thứ nhất hôm nay trích từ bài giảng đầu tiên của vị giáo hoàng đầu tiên, Thánh Phêrô. Bài đọc chứa đựng một khuôn mẫu mà chúng ta thấy được lặp đi lặp lại trong các bài giảng, lời khích lệ, tín điều và thông điệp của giáo hoàng mãi mãi về sau. Nó có hai phần: sự thật khách quan và phản ứng cá nhân, chủ quan của chúng ta.

Phần thứ nhất, phần khách quan, bao gồm ba sự kiện thiết yếu: sự thật về Thiên Chúa, sự thật về Chúa Kitô, và sự thật về chính chúng ta…

Đức tin có hai chiều kích này, và cả hai đều tuyệt đối cần thiết: chủ quan và khách quan, cá nhân và không có tính cá nhân.

Cá nhân chúng ta tin Đức Kitô là người thật; chúng ta yêu Ngài và tin tưởng vào Ngài. Nhưng chúng ta cũng tin vào những sự thật khách quan về Ngài: rằng Ngài là Thiên Chúa cách trọn vẹn, và Ngài cũng hoàn toàn là người, rằng Ngài đã sống, chết và phục sinh để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi cái chết và địa ngục.

Cả phần chủ quan và khách quan đều cần thiết. Nếu chúng ta chỉ tin những sự thật khách quan về Ngài mà không đích thân tin vào Ngài, tin tưởng Ngài, đặt hy vọng nơi Ngài và yêu mến Ngài, thì chúng ta chẳng hơn gì ma quỷ, kẻ cũng đủ thông minh để biết những sự thật này về Ngài nhưng không tin tưởng Ngài, không đặt niềm hy vọng hoặc yêu mến Chúa.

Chiều kích khách quan của đức tin mà không có chiều kích chủ quan cá nhân thì không đủ. Nhưng chiều kích chủ quan mà không có chiều kích khách quan thì cũng thế.

Nếu chúng ta yêu mến Ngài cách cá vị, tin cậy Ngài nhưng lại phủ nhận rằng Ngài là Thiên Chúa, thì Ngài không còn là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta nữa, bởi vì không một con người nào, dù thánh thiện và khôn ngoan đến đâu, có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi và mở của thiên đàng cho chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm điều đó. Và nếu chúng ta yêu mến Ngài nhưng phủ nhận rằng Ngài là con người, thì một lần nữa Ngài không thể là Đấng Cứu Rỗi cho bản tính nhân loại chúng ta. Nếu Ngài không vừa là Thiên Chúa vừa là người, thì Ngài không thể thu hẹp khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.

Và nếu chúng ta phủ nhận sự thật khách quan rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi, rằng chúng ta cần một trái tim mới, một cuộc phẫu thuật ghép tim, thì chúng ta sẽ không có được trái tim mới đó, bởi vì Thiên Chúa đòi hỏi sự đồng ý cho cuộc phẫu thuật trái tim thánh thiêng của Người, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu luôn kêu gọi sự tự do, sự lựa chọn tự do, không áp đặt quyền lực hay ép buộc. Vì vậy, cả sự thật khách quan lẫn phản ứng chủ quan của chúng ta về Chúa đều cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. -- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul -- Reflections for Mass Readings, Cycle A

Share:

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Chịu đựng sầu khổ

Đấng cứu rỗi linh hồn chúng ta đã không ban cho chúng ta ước muốn mãnh liệt để phục vụ Ngài mà không cùng một lúc trao ban cho chúng ta phương thế để thực thi thánh ý Ngài. Trái tim của Chúa Giêsu đo lường và điều chỉnh mọi thứ xảy ra trên thế giới để nó trở nên thuận lợi cho những ai khao khát phục vụ Ngài và không sợ hãi điều gì. Thời khắc đó chắc chắn sẽ đến, giờ mà bạn hằng mong chờ, vào ngày mà sự quan phòng của Đấng Tối Cao đã định đoạt trong sự bí mật của lòng thương xót của Ngài, rồi vô số những an ủi bí ẩn sẽ đến với bạn. Linh hồn bạn sẽ rộng mở đón nhận sự tốt lành của Chúa. Sự tốt lành đó sẽ biến tảng đá của bạn thành nước, con rắn của bạn thành cây gậy, những gai nhọn trong tim bạn thành những bông hồng, hương thơm của chúng sẽ làm tươi mát tâm hồn bạn bằng sự ngọt ngào. Vì quả thật lỗi lầm của chúng ta, khi còn ở trong tâm hồn, là những gai góc, nhưng khi chúng được phơi bày qua việc xét mình, chúng sẽ biến thành những bông hoa thơm ngát. Những ác ý của thâm tâm ta muốn giữ kín chúng trong tâm hồn mình, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ trục xuất chúng vì sự tốt lành của Ngài. – Thánh Phanxicô de Sales

Share:

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Ba nhân chứng: Nước, Máu và Thần Khí

Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật. 7 Có ba chứng nhân: 8 Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.-- 1 Gioan 5:6-8

Việc John đề cập đến “ba nhân chứng” (nước, máu và Thánh Thần) xen vào phần này như một tia sét bất thình lình đến. Tại sao Gioan dường như bước ra khỏi các chủ đề chính của mình để đề cập đến ba nhân chứng? Bối cảnh rộng lớn hơn của các câu 1–12 giúp chúng ta tìm cách giải thích: Trong phần này, Gioan quan tâm đến đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa. Ba nhân chứng có mục đích củng cố và xác nhận niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu.

Thánh Gioan mở đầu bằng lời tuyên bố về Chúa Giêsu: Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu. Rồi ngay lập tức Ngài  nói thêm, không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu.11 Thánh Gioan có ý gì khi nói “nước và máu,” và tại sao ngài lại nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã đến không chỉ bằng nước mà còn bằng máu? Bản thân thánh Gioan không đưa ra lời giải thích nào trong bản văn. Ngài nghĩ rằng những độc giả ban đầu của ngài sẽ hiểu “nhờ nước và máu” nghĩa là gì. Phần chúng ta, chúng ta phải nhìn lại Phúc âm của thánh Gioan để tìm ý nghĩa của ngài.

Nước và máu được nối kết với nhau chỉ một lần trong Tin Mừng, khi ngọn giáo của tên lính đâm vào cạnh sườn Chúa Kitô: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Gioan 19:34–35). Ở đây “máu và nước” theo một nghĩa nào đó ám chỉ cái chết của Đức Kitô và hoa quả của cái chết đó, nhưng chúng ta vẫn còn câu hỏi: “Chính xác thì nước và máu có ý nghĩa gì?”

Trước hết, máu và nước chảy ra xác nhận cái chết thực sự về thể xác của Chúa Giêsu. Thân xác Ngài bị giáo đâm xuyên qua, máu và nước chảy ra. Nhưng rõ ràng, tác giả Phúc âm nhìn thấy nhiều hơn là chỉ là sự biểu hiện cái chết về thể xác của Chúa Giêsu. Máu và nước biểu thị một điều gì đó quan trọng về cái chết của Chúa Giêsu và ý nghĩa của nó đối với chúng ta.

Điều thú vị là thứ tự của hai từ này bị đảo ngược trong thư thứ nhất của thánh Gioan. Trong Phúc Âm, tác giả Phúc Âm nói rằng ngài thấy “máu và nước” chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô, và đây có lẽ là thứ tự mà ngài thấy chúng xuất hiện. Thư của Gioan nói về "nước và máu." Tại sao lại có sự thay đổi thứ tự này? Có thể vì Gioan đang thu hút sự chú ý đến thứ tự rửa tội và cái chết của chính Chúa Kitô.12 Chúa Giêsu đã đến bằng nước qua phép rửa của Người, là Con Thiên Chúa nhập thể, theo kế hoạch của Chúa Cha (xem Gioan 1:32–34), Ngài đến bằng máu qua việc bị đóng đinh, dâng chính mình làm của lễ hy sinh lên Thiên Chúa Cha vì tội lỗi chúng ta (xin xem 1 Gioan 1:7). Hai sự kiện này lần lượt đánh dấu sự khai mạc và kết thúc sứ vụ trần thế của Chúa Giêsu. Chúa Giê-su không chỉ được Thiên Chúa Cha  xức dầu để phục vụ qua nước của phép rửa; Ngài cũng đổ máu và chết vì tội lỗi chúng ta để chúng ta được chia sẻ sự sống Thiên Chúa của Người.13

Nhưng “nước và máu” cũng chỉ ra những tác động của công việc của Chúa Kitô trong Giáo hội. Nước đổ ra từ cạnh sườn Ngài tượng trưng cho nước rửa tội và ân sủng của Thánh Thần,14 và máu đổ ra tượng trưng cho ân sủng là Mình và Máu trong Bí tích Thánh Thể.15 Nói cách khác, “nước và máu” đồng thời chỉ về công trình cứu độ của Chúa Kitô và việc chúng ta tiếp nhận công trình đó qua các bí tích rửa tội và Thánh Thể.

Sau đó, Gioan nói thêm, “Chúa Thánh Thần là Đấng làm chứng, và Chúa Thánh Thần là sự thật.” Trong Phúc âm Gioan, Chúa Thánh Thần làm chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa khi Ngài chịu phép rửa, bằng cách ngự xuống trên Đức Giêsu và ở lại với Ngài (Gioan 1:32 –33) Thánh Thần cũng là Đấng làm chứng cho Chúa Giêsu với các môn đệ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Gioan 15:26). Ngài là “Thần khí của sự thật” sẽ hướng dẫn các môn đồ đến sự thật toàn vẹn (Gioan 16:13). Trong bối cảnh này, lời chứng của Chúa Thánh Thần “bao gồm hành động qua đó sự thật của phép rửa và cái chết cuả Chúa Giêsu được đưa vào cuộc sống trong Giáo hội qua các bí tích Rửa tội và Thánh Thể.”16 Chúa Thánh Thần “làm chứng” cho chúng ta về Chúa Kitô bằng cách biểu lộ quyền năng cứu chuộc của công trình Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

[5:7–8] Có ba chứng nhân : Thần Khí, nước và máu.

Gioan tóm tắt phần này bằng cách chỉ ra lời chứng thống nhất của ba nhân chứng: “Có ba chứng nhân : Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Dưới luật Môsê, cần có hai hoặc ba nhân chứng để xác lập sự thật của một vấn đề (Đnl 19:15; xem Gioan 8:17). Đối với Gioan, đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu dựa trên ba nhân chứng cùng làm chứng về một điều: Thần Khí, nước và máu. Chúa Giêsu chịu phép rửa bằng nước có nghĩa là Người đã đến trong xác thịt vì chúng ta, Người đã hiến máu mình trên thập giá để chúng ta được tha tội và có được sự sống mới trong Người, và Người đã sai Thánh Thần đến để làm chứng về Người và để làm chứng trong chúng ta về căn tính thực sự của Ngài là Con Thiên Chúa.17 Chia sẻ ân sủng Chúa Thánh Thần, được tái sinh nhờ nước rửa tội và tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được trao ban cho ba lời chứng của chính Thiên Chúa về Chúa Giêsu rằng Người là Con Thiên Chúa, được xức dầu bằng Thánh Thần, Đấng đã đến trong xác thịt và chết để cứu rỗi chúng ta.

Suy ngẫm và áp dụng (1 Gioan 5:6–8)

 Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những gì Thánh Gioan nói về ba nhân chứng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Trong cuốn sách Chúa Giêsu thành Nazareth, ĐTC Bênêđíctô XVI xác định việc tham dự đầy đủ các bí tích là một ứng dụng quan trọng của bản văn này. ĐTC nhận xét rằng “trong việc đổ máu và nước đi đôi với nhau này, các Giáo phụ đã nhìn thấy hình ảnh của hai bí tích cơ bản – Thánh Thể và Rửa tội – phát xuất từ cạnh sườn bị đâm của Chúa”. Tại sao, ĐTC Bênêđíctô hỏi, Gioan lại nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đến không chỉ bằng nước mà còn bằng máu? “Chúng ta có thể nhận ra rằng thánh Gioan đang ám chỉ xu hướng đặt hết mọi nhấn mạnh vào phép rửa của Chúa Giêsu và  gạt Thập Giá sang một bên." Bằng cách này, Đức Bênêđictô muốn nói về "một nỗ lực nhằm tạo ra một Kitô giáo gồm những suy nghĩ và ý tưởng, tách biệt khỏi thực tế xác thịt" và khỏi thực tế của các bí tích.18 Như Chúa Giêsu đã hiến dâng Mình và Máu Người trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể với niềm tin tràn đầy.

Thánh Gioan cũng lưu ý chúng ta đến chứng tá của Thánh Thần: “Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật” (c. 6). Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta biết Chúa Giêsu và có thể tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa (1 Cr 12 :3) Nhờ sự chứng tá của Chúa Thánh Thần, chúng ta biết rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa (Rm 8:14-17). Thân xác chúng ta đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cor 6:19), và Ngài hoạt động trong chúng ta để làm cho chúng ta ngày càng giống chính Chúa Giêsu (2 Cr 3,18). Dĩ nhiên, không có sự đối lập nào giữa chứng tá của Chúa Thánh Thần và chứng tá của “nước và máu” qua đời sống bí tích. Những chứng ta này là “một” và “đồng ý với nhau”. Cuộc sống của chúng ta trong Thánh Thần phải bao gồm một đời sống bí tích trọn vẹn, và đời sống bí tích của chúng ta phải hoàn toàn sống động trong Thánh Thần.

Notes

13. The second-century heretical teacher †Cerinthus was reputed to teach that the Spirit descended upon Christ at his baptism but then fled from him before his passion and death; he denied that God’s anointed Son actually shed his blood for our sins (see Irenaeus, Against Heresies 1.26.1–2). By insisting that Jesus came “through water and blood,” John is refuting anyone who teaches that Jesus did not really shed his blood for the forgiveness of sins.
14. “Water” is linked to baptism and the gift of the Spirit in John 1:26, 31, 33; 3:5, 23; 4:7–15; 7:38.
15. “Blood” is linked to Christ’s body and blood in the Eucharist in John 6:53–56.
16. Martin, “1 John,” 1832.
17. Some commentators link the gift of the Spirit to the sacrament of confirmation (chrismation in the Eastern Church) and see in the three witnesses a reference to the three sacraments of initiation: baptism, confirmation, and the Eucharist.
18. Joseph Ratzinger (Pope Benedict XVI), Jesus of Nazareth, part 2, Holy Week: From the Entrance into Jerusalem to the Resurrection (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 225–26.

Share:

Blog Archive

Blog Archive