Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Mục đích của cuộc sống là gì?

Đó là câu hỏi một bạn trẻ đưa đến cho mình, và mình phải tìm cách để trả lời theo kiểu mà bạn đó có thể hiểu.

Bạn đã xem phim Karate Kid chưa? Chàng trai trẻ khi mới học karate, người thầy bắt anh ta lau kiếng xa, lau theo vòng tròn. Làm cả tuần mà không thấy học võ gì hết anh ta cảm thấy điều anh đang làm là vô nghĩa. Bảo học võ mà chẳng thấy học võ gì hết.

Một ví dụ khác. Để có thể được gọi là người trưởng thành có khả năng sinh nhai, mỗi một người chúng ta phải đi học tiểu học, trung học rồi đại học. Sau đại học, người ấy hy vọng mình có tìm công việc tìm miếng sinh nhai vì nay được gọi là đã trưởng thành, không cậy dựa vào bố mẹ và gia đình nữa.

Về đời sống tâm linh, Kinh thánh có câu lời lại cả thế gian mà mất phần linh hồn nào có ích chi? Vậy suy cho cùng mục đích của cuộc sống này là để được vào nước trời, thừa hưởng gia tài thiên quốc, chia sẻ vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người bạn trẻ hỏi mình câu đó, đánh giá bản thân theo tiêu chuẩn của trần Gian. Những việc tôi làm chẳng có thành tựu gì trước mắt thiên hạ, tôi không có một sự gì để nói là do tôi làm nên. Bạn ấy đang như anh chàng trai trẻ trong phim Karate Kid, không hiểu tại sao mình cứ phải lau kiếng chiếc xe theo kiểu này. Nhưng người thầy dạy của anh biết tại sao.

Cuộc sống của chúng ta là trở nên con người trưởng thành khi đứng trước ngưỡng cửa của nước trời.

Chúa sẽ cung cấp đủ những trường hợp để chúng ta điêu luyện và gầy dựng cơ bắp chân tay, tập luyện cho bản thân đức như kiên nhẫn, không nản lòng, can đảm, biết tha thứ, có niềm hy vọng vì Thầy dạy của ta rất tài ba và Ngài không quên ta dù là tích tắc.

Mục đích của cuộc sống là trở nên giống Chúa Giêsu. Và chúng ta cần nhớ cuối cuộc đời của Chúa, người đời đánh giá Ngài là một kẻ thất bại thảm thiết. Những kẻ đi ngang lắc đầu khinh miệt.Thước đo thành công của Nước Trời, điều làm các thiên thần hãnh diện về bạn rất khác với thước đo của trần gian. “Điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Luca 16:15).

Share:

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Về Kinh Magnificat: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả

Người Tin Lành thường khiển trách rằng người Công giáo quan tâm quá nhiều về Đức Maria; họ nói việc tôn kính Đức Maria lấy đi tầm quan trọng của Chúa Kitô. Nhưng nếu bạn nhìn vào tất cả những điều Đức Maria nói và làm trong Kinh thánh, bạn có thể thấy rằng lời khiển trách đó hoàn toàn trái ngược với sự thật vì chính Đức Maria buộc chúng ta phải tập trung vào Chúa Kitô. Thật vậy, đó là điều duy nhất Mẹ làm suốt cả đời mình và là điều duy nhất mà trọn vẹn con người Mẹ hướng đến là Đức Kitô. Điều này có thể được nhìn thấy trong những lời đầu tiên của Mẹ Tin Mừng ghi lại, và lời cuối cùng đã được viết xuống, cùng với hết thảy những lời Mẹ nói giữa hai điểm đó.

Lời đầu tiên được ghi lại của Mẹ là lời fiat / Xin vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38). Đó là câu trả lời của Mẹ khi thông qua thiên thần Gáp-ri-en, Chúa hỏi sự đồng ý của Mẹ để Con Chúa được sinh ra do Mẹ. Đó là lời xin vâng đầu tiên của Mẹ với Chúa Kitô.

Lời cuối cùng của Mẹ trong Kinh Thánh, lời Mẹ bảo những gia nhân tại tiệc cưới Cana, là “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2:5). Đó là mệnh lệnh duy nhất của Mẹ đối với tất cả chúng ta cho mọi thời điểm. Mệnh lệnh đó là ý nghĩa của cuộc sống. Gia nhân tại tiệc cưới đã vâng lời nên họ đã được chứng kiến phép lạ đầu tiên: nước được biến thành rượu.

Và bài Thánh Vịnh hôm nay nằm ở giữa, giữa lời đầu tiên và lời cuối cùng của Đức Maria. Nó được gọi là “Magnificat”.

Trong Kinh Magnificat, Đức Maria không nói gì về bản thân mình mà chỉ nói về Chúa Kitô.

Mẹ nói, “muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, và điều đó nghe khá ích kỷ và kiêu ngạo, cho đến khi bạn nhớ lý do Mẹ đưa ra cho câu nói đó: “Vì Ngài đã đoái đến người tớ gái hèn mọn của Ngài”.

Mẹ không tự cho rằng mình thánh thiện; Mẹ nói: “Danh Người thật chí thánh chí tôn!.”

Mẹ không nói Mẹ sẽ làm những điều tuyệt vời cho Thiên Chúa; Mẹ nói, “Đấng Toàn năng đã cho tôi biết bao điều cao cả.”

Mẹ không nói Chúa sẽ xét xử công bằng cho Mẹ nhưng là, “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Mẹ không nói Thiên Chúa chỉ ban ân sủng Ngài đến với một mình Mẹ mà thôi nhưng là, “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Thiên thần không ca tụng Mẹ là đấng có đầy nhân đức của riêng mình nhưng là Đấng đầy ân sủng. Ân sủng là một món quà được trao ban như không, không dựa trên sự xứng đáng của ai đó.

Đây là lý do tại sao người Công giáo chúng ta yêu mến và tôn vinh Đức Maria: vì Mẹ giúp chúng ta yêu mến và tôn vinh Chúa Kitô hơn bất kỳ ai khác. Càng chú ý đến Mẹ, chúng ta càng bị lôi cuốn bởi Đức Kitô. Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng yêu mến Chúa Giêsu hơn.

Không ai yêu mến Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria, và chúng ta không thể làm gì tốt hơn là đi theo bước chân của Mẹ. Không ai yêu mến Mẹ Maria hơn Chúa Giêsu, và chúng ta không thể làm gì tốt hơn là đi bắt chước Chúa Giêsu.

Nếu bạn không yêu Chúa Giêsu cho đủ – và thực sự là như vậy – thì hãy cầu xin Đức Maria giúp bạn yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn. Tôi đảm bảo với bạn Mẹ muốn làm điều đó cho bạn và không ai có thể làm điều đó tốt hơn Mẹ. Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng và Nữ Vương các Thiên Thần. Các thiên thần tuân theo mệnh lệnh của Mẹ!

Nếu bạn không yêu Mẹ Maria đủ, hãy cầu xin Chúa Giêsu giúp bạn yêu Mẹ nhiều hơn. Tôi bảo đảm với bạn rằng Chúa Giêsu muốn làm điều đó cho bạn và Ngài sẽ làm như vậy. Ngài sẽ gửi thiên thần đến giúp bạn. Đơn giản là vì họ là các thiên thần do chính Ngài sáng tạo! -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Chỉ Đấng Cứu Thế này có thể ban Thiên Chúa cho chúng ta

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 1:6-8;19-28)

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói : “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

-----

Hầu hết người Do Thái vào thời Chúa Giêsu không chấp nhận việc Chúa Giêsu tuyên bố mình là Đấng Mêsia vì hai lý do. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là lời khẳng định của Ngài về chính mình. Ngài tự khẳng định mình không chỉ là một nhà tiên tri, một nhà hiền triết hay một vị thánh mà còn là Con Thiên Chúa. Nếu điều đó không đúng, thì đó là tuyên bố báng bổ nhất một người có thể đưa ra.

Thứ hai, họ nghĩ rằng Đấng Mêsia sẽ mang đến cho dân Israel, lúc này đang ở dưới chế độ độc tài chuyên chế của La Mã; đế quốc La Mã đã cướp đi quyền lực, sự thịnh vượng, giàu có và tự do mà dân tộc này đã không được hưởng kể từ thời Đa-vít và Sa-lô-môn. Nhưng Chúa Giêsu là người phi chính trị. Ngài không làm cho người nghèo trở nên giàu có hơn. Ngài không giải thoát các tù nhân Do Thái khỏi nhà tù La Mã. Ngài đã không giải phóng Israel khỏi chế độ thuế áp bức và độc tài của La Mã. Ngài đã không trao cho Israel quyền tự do chính trị. Đối với nhiều người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, điều đó bác bỏ lời tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia. Nó như thể gọi mình là đấng cứu thế và vị cứu tinh thế mà khi bước vào Auschwitz lại không phá hủy các lò ga thiêu người.

Lời tiên tri cũng nói về Đấng Mêsia là người chữa lành người mù. Và Chúa Giêsu đã chữa lành một số người mù, nhưng đó chỉ là một số ít thôi. Ngài để lại nhiều người nữa không được chữa lành, bị mù, bịnh phung, què quặt và mọi bệnh tật khác. Ngài đã chữa lành sự mù quáng của cả thế giới về Thiên Chúa, nhưng đó không phải là điều mà hầu hết người Do Thái đang tìm kiếm. Họ nghĩ rằng họ đã có được điều đó rồi và họ đang tìm kiếm sự khôn ngoan và thành công của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Gioan 18:36).

Tại sao Chúa Giêsu đến? Có phải nó để giải quyết các vấn đề y tế của chúng ta? Có phải nó để giải quyết các vấn đề kinh tế của chúng ta? Có phải nó để giải quyết các vấn đề chính trị của chúng ta? Nếu vậy thì Chúa Giêsu là đấng cứu thế giả mạo và hoàn toàn thất bại. Chúng ta vẫn bị bệnh và chết. Chúng ta vẫn còn nghèo đói. Chúng ta vẫn có nền chính trị đầy tham nhũng, chia rẽ và hoàn toàn không hoàn hảo ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúa Giêsu đã ban cho thế giới điều gì mà trước đây nó không có?

Danh “Chúa Giêsu” có nghĩa là “Đấng Cứu Thế”; Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi điều gì? Lời tiên tri của Isaia nói rằng Đấng Mêsia sẽ cứu chúng ta khỏi sự đui mù, tù đày, nghèo đói và áp bức. Chúa Giêsu đã không làm điều đó. Vì vậy, Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia. Đúng không?

Trật lất rồi. Chúa Giêsu đã làm điều đó. Ngài đã cứu chúng ta khỏi kẻ thù, nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là người La Mã, hay thậm chí là Đức Quốc xã. Kẻ thù của chúng ta là tội lỗi của chính mình. Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi cảnh nghèo khó nhất, nghèo nàn về tâm linh.

Mẹ Têrêsa hiểu điều đó khi Mẹ nói rằng nước Mỹ không phải là một nước giàu mà là một nước nghèo, một nước nghèo khủng khiếp. Bất kỳ quốc gia nào mà cha mẹ giết chết một phần ba số con của họ trước khi chúng được sinh ra đều là một quốc gia nghèo khủng khiếp. Nghèo về mặt tâm linh là nghèo túng nhất.

Chúa Giêsu cũng đã cứu tất cả chúng ta khỏi tình trạng mù quáng tồi tệ nhất, mù quáng tâm linh, mù quáng khiến chúng ta nghĩ rằng mình là chúa của chính mình, là người đặt ra những giá trị, bản sắc và vận mệnh của chính mình, sự mù quáng khiến chúng ta tôn thờ các thần tượng, đặc biệt là những thần tượng nổi tiếng nhất. thần tượng của tất cả mọi người, của chính chúng ta và ý chí của chúng ta. Ngài chữa lành một số người mù như là dấu hiệu hay biểu tượng của sự chữa lành sâu xa hơn.

Chúa Giêsu cũng cứu chúng ta khỏi sự áp bức tồi tệ nhất từ những kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, đó là sự áp bức không phải bởi Xê-da hay thậm chí Hitler mà bởi Satan. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta sự tự do thiết yếu nhất, đó không phải là tự do chính trị mà là tự do của tâm linh, của linh hồn, tự do khỏi tội lỗi, sự chết và địa ngục, không phải tự do khỏi đảng Dân chủ và chủ nghĩa xã hội hay tự do khỏi đảng Cộng hòa và chủ nghĩa tư bản.

Chúa Giêsu cũng cứu chúng ta khỏi những căn bệnh tồi tệ nhất, những căn bệnh tàn tật nhất, đó là sự nghiện ngập những tội lỗi chúng ta hay phạm, bất kể chúng là gì, làm tê liệt tâm hồn chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bệnh tật và không chỉ phải chịu cái chết thể xác mà cả cái chết đời đời.

Vậy Chúa Giêsu đã ban cho thế giới điều gì mà trước đây nó không có? Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đưa Thiên Chúa đến cho chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu đã ban chính Ngài cho chúng ta và Ngài là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt Thiên Chúa vào tay chúng ta. “Con Người sẽ bị nộp cho kẻ có tội” (Mác-cô 14:41) – mô tả cả việc Chúa bị đóng đinh và việc chúng ta rước lễ.

Ngược lại với Thiên Chúa không phải là người La Mã hay Đức Quốc xã, hay Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, hay áp bức chính trị hay nghèo đói hay bệnh tật hay mù lòa hay tù đày hay nô lệ. Ngược lại với Thiên Chúa là tội lỗi, đó là sự áp bức về mặt tâm linh, sự nghèo nàn về mặt tâm linh, bệnh tật của tâm linh, sự mù quáng của tâm linh, sự tù đày về mặt tâm linh và tình trạng nô lệ của tâm linh. Chúa Giêsu đã đi vào trọng tâm của vấn đề. Ngài được gọi là “Chúa Giêsu” hay “Đấng Cứu Thế” vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. – Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Hãy sửa lối cho thẳng để Chúa đi: Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, Năm B

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (1,1-8)

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7 Ông rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

----- 

Mác-cô chỉ đơn giản nói Gioan “xuất hiện trong hoang địa,” và không nói gì về lai lịch của Gioan. Nhưng Luca cho chúng ta biết cha của Gioan là Da-ca-ri-a, thuộc dòng dõi tư tế và cho chúng ta biết rằng Gioan đã ở trong sa mạc trước khi ông bắt đầu sứ vụ công khai của mình (Luca 1:80). Tôi nghĩ câu nói này của Luca có nghĩa là Gioan đã được cha mẹ - hoặc các thành viên khác trong gia đình gửi đi sau khi cha mẹ ông đã qua đời - để được những người sùng đạo của phái Essenes (có ba nhóm chính trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu: Sa-đốc, Pharisêu và nhóm Essenes) nuôi dưỡng trong “đan viện” của họ bên bờ Biển Chết, trong “nơi sa mạc”. Chúng ta biết từ Josephus (lịch sử gia) rằng cộng đoàn Essene đã chấp nhận các bé trai Do Thái giáo, những người mà họ sẽ đào tạo theo niềm tin và lối sống của họ, và đây là nguồn “ơn gọi” cho họ.

Thánh Gioan rao giảng “phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Người Qumran (của nhóm Essene) làm phép rửa hàng ngày để lãnh nhận ơn tha thứ. Còn Gioan dường như cử hành phép rửa một lần như một dấu hiệu của một sự thay đổi dứt khoát trong tâm tính và lối sống.

“Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông”: điều này đòi hỏi Gioan giảng dạy ở phía tây của bờ sông Giođan, trong phạm vi đoạn sông cách dòng nước chảy vào Biển Chết khoảng mười dặm hoặc ít hơn. Hơn mười dặm về phía bắc của Biển Chết là lãnh thổ Sa-ma-ri, và người Giu-đa (sống vùng Giuđêa) và người Giê-ru-sa-lem sẽ không vào làng của người Sa-ma-ri vì bất kỳ lý do gì. Nhưng đan viện Qumran cách cửa sông Giođan vài dặm về phía nam và phía tây dọc theo bờ biển.

“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” Đây là một hành động đòi hỏi sự khiêm nhường của dân Do Thái vì nó có nghĩa là họ thú nhận họ không hoàn toàn tinh tuyền để tham dự nghi lễ và cần được tắm rửa toàn thân. Thừa nhận tội lỗi một cách công khai là một điều nhục nhã, vì thông thường người ta chỉ thú nhận với vị tư tế khi dâng lễ vật. Việc Gioan làm phép rửa cho mọi người khi họ xưng thú tội lỗi mình là hành vi của một vị tư tế, vì theo luật Mô-sê, người ô uế phải đến gặp thầy tư tế, thừa nhận tội lỗi hoặc sự ô uế của mình, và tuân theo việc nghi thức rửa sạch hoặc các nghi lễ khác mà thầy tư tế sẽ quy định. Bạn cũng hãy để ý những người kiêu căng hơn trong dân Do Thái: người Pha-ri-sêu và người Sa-đốc, Kinh thánh đã không nói họ là những người đến lãnh nhận phép rửa của Gioan.

“Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Áo lông lạc đà, dây thắt lưng là những dấu hiệu của ngôn sứ Ê-li-a (2 Vua 1:8). Gioan dường như cố tình chọn hình ảnh và tính cách của vị tiên tri tổ phụ danh tiếng lẫy lừng cho mình. Việc ăn châu chấu và mật ong rừng có vẻ nói Gioan ăn loại thức ăn không được chuẩn bị trước mà Gioan có thể tìm thấy trong môi trường. Josephus cho biết những người bị đuổi khỏi cộng đoàn Essene bị buộc phải sống cách này, bởi vì lời thề của họ khi gia nhập cộng đoàn cấm họ không bao giờ ăn thức ăn được chế biến ở nơi khác. Lỗ hổng của luật đó dường như nói có thể ăn thực phẩm chưa được chuẩn bị trước hoặc các thức ăn tìm thấy trong môi trường. Josephus vì thế, đề cập đến có những người tồn tại nhờ cỏ và vỏ cây. Đối với tôi, đây là dấu hiệu cho thấy Gioan đã bị đuổi khỏi cộng đoàn Qumran.

Điều này có thể vì nhiều lý do, nhưng điều khiến tôi ấn tượng là việc Gioan sẵn sàng rao giảng cho công chúng, ngay cả cho dân ngoại, trong khi điều này bị nghiêm cấm trong nội quy cộng đoàn. Có lẽ Gioan đã không đồng ý với việc cộng đoàn từ chối rao giảng sứ điệp chuẩn bị cho Đấng Mêsia cho toàn thể dân tộc và các quốc gia, như ngôn sứ Isaia đã nói trước.

Giống như người Essenes, Gioan trông đợi một Đấng Messia: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”. Người trong nhóm Essene mong đợi hai Đấng Mêsia, một vị thượng tế và một vị vua. Gioan chỉ nói về một “Đấng quyền thế hơn”. Có lẽ Gioan chấp nhận “minority report / báo cáo thiểu số” của người Essene rằng Men-ki-xê-đê sẽ trở lại và người sẽ vừa là thượng tế vừa là vua. Hoặc, có lẽ Gioan nghĩ mình là mêsia tư tế, chuẩn bị cho “Đấng quyền năng hơn”, Con vua Đa-vít sẽ đến mà Gioan đang làm việc chuẩn bị.

“Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Người của nhóm Qumran nghĩ rằng họ đã có Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần đến với họ qua nghi thức rửa sạch hàng ngày của họ. Gioan có vẻ không đồng ý. Có lẽ Gioan không đồng ý với cộng đoàn và đi đến kết luận rằng nhóm Qumran không có Chúa Thánh Thần, nhưng đúng hơn là Chúa Thánh Thần sẽ đến qua sứ vụ của Đấng Mêsia. Dù sao đi nữa, đó là những gì Gioan rao giảng ở đây: một đấng thiên sai sắp đến và ngài có quyền ban Chúa Thánh Thần.

Chúng ta những người nghe Tin Mừng này, chúng ta biết “Đấng quyền năng hơn” đó là ai và chúng ta đã nhận được Chúa Thánh Thần từ Người qua các bí tích? Vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy cam kết ăn năn sám hối, “sống đạo đức và thánh thiện” mỗi ngày (2 Phêrô 3:11) để có thể xuất hiện “tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an” (2 Phêrô 3:14). Thánh Gioan Tẩy giả, dù đã được tẩy sạch tội lỗi từ trong bụng mẹ, vẫn thực hành khổ hạnh để bảo vệ mình trên con đường nên thánh.

Nếu Thánh Gioan đã mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thì chúng ta có thể thực hiện một số hy sinh cá nhân, thậm chí một số việc hãm mình ép xác, trong Mùa Vọng này không? Đúng là Mùa Vọng không phải là Mùa Chay, nhưng vẫn là mùa sám hối, và ai trong chúng ta lại không cần thanh tẩy và sám hối? Chúng ta đừng giống như những người Pha-ri-sêu và Sa-đốc quá kiêu căng để thừa nhận nhu cầu sám hối, thay đổi đời sống của mình và chú ý đến lời rao giảng của Gioan!

-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Lời chứng về Kinh Mân Côi của Tammy Peterson

Lời từ video

Jordan Peterson: Vợ tôi mắc phải một thứ bệnh ung thư rất hiếm gặp, 100% không qua khỏi và người mắc căn bệnh này thường chỉ còn sống được trong vòng 10 tháng. Các bạn có thể tưởng tượng được không?

Tammy Peterson: Gia đình mẹ tôi, họ đều qua đời khá trẻ vì bệnh ung thư và các thứ bệnh khác nhau. Khi tôi nghe tin trong phòng bác sĩ với chồng tôi, chúng tôi đã bị sốc. Nhưng tôi cũng nghĩ lại về gia đình mình và việc mọi người đều đã qua đời sớm, mắc bệnh ung thư, tôi nghĩ không sao, có lẽ đây là định mệnh của tôi về mặt di truyền.

Khi về nhà, tôi kể lại cho con trai tôi nghe. Tôi không nghĩ tới phản hồi của con trai tôi. Tôi nhìn thấy sự đau buồn khủng khiếp trong mắt con trai tôi, cách nào đó nỗi đau đớn ấy phản ánh lại trong tôi tình yêu của con trai tôi dành cho tôi, và tôi nhận ra tôi không trân trọng bản thân như cách con tôi trân trọng tôi. Vì thế, tôi nghĩ cho dù mình còn sống được bao lâu, tôi muốn cống hiến hết mình để yêu thương gia đình và bạn bè và chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào đến với tôi.

Jordan Peterson: Tammy vẫn luôn khắc kỷ như vậy. Vợ tôi không phải là kiểu 'người xé việc bé ra to'. Trước thông tin về căn bệnh của mình, và cuộc phẫu thuật sau đó, cùng với hậu quả của cuộc phẫu thuật, cô ấy vẫn điềm đạm như thường lệ.

Tammy Peterson: Họ đã lấy hết bạch huyết ra; có một chỗ không lành hẳn và cơ thể tôi chứa đầy chất lỏng. Tôi sụt 13 kí lô, họ đưa tôi vào bệnh viện. Trong bệnh viện, Queenie Yu đã đến thăm tôi.

Queenie Yu: Khi biết Tammy bị bệnh, tôi đã gửi email cho cô ấy và nói tôi muốn đến thăm cô ấy nếu cô ở trong cùng thị trấn. Và cô ấy cho biết cô đang ở Bệnh viện Đa khoa Toronto. Tôi đã chuẩn bị một gói quà cho cô ấy.

Tammy Peterson: Queenie mang theo một chuỗi Mân côi đã được Đức Thánh Cha làm phép và một bức ảnh nhỏ của Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu, ảnh Đức Mẹ của người Á Châu.

Queenie Yu: Khi Tammy nhìn thấy chuỗi tràng hạt, cô ấy nói, "Ồ, đây là chuỗi tràng hạt". Tôi rất ngạc nhiên và nói, “Chị biết nó là gì à?” Cô ấy nói, "Tôi biết nhưng tôi không biết dùng nó".

Tammy Peterson: Khi tôi học cách đọc Kinh Mân côi, điều tôi chưa bao giờ làm, cô ấy đọc nửa đầu, và tôi sẽ đọc nửa cuối của mỗi kinh. Cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện của mỗi mầu nhiệm, rồi hỏi tôi muốn cầu nguyện cho điều gì, nếu tôi muốn cầu nguyện cho ai đó. Và rồi chúng tôi đọc Kinh Mân côi, và tôi kể cho cô ấy nghe câu chuyện cuộc đời mình và tôi khóc.

Cách này thực sự xoa dịu tôi. Sau đó, tôi sẽ quay trở lại phòng của mình. Chồng tôi thường ngủ trên giường đợi tôi về. Tôi đánh thức anh ấy dậy và ngồi vào giường. Chúng tôi chơi trò chơi với những tấm bài cho suốt thời gian còn lại trong ngày và điều này xảy ra hàng ngày trong 5 tuần. Queenie, bạn tôi, đến thăm tôi hằng ngày.

Jordan Peterson: Tammy dành thời gian cầu nguyện với bạn mình. Bạn có thể nghĩ vợ tôi làm gì khi cô ấy cầu nguyện. Tôi sẽ nói cô làm điều ông Gióp đã làm trong sách Gióp. Đó là tìm cách hòa giải bản thân với những cực hình đang đổ tràn trên cô ấy dù là rõ ràng không do lỗi của cô. Một trong những kết luận ông Gióp đưa ra sau những thử thách ông gánh chịu là khi địa ngục của sự đau khổ, sự đau khổ bất công xuất hiện xung quanh một người, người đó có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn nhiều bằng cách trở nên cay đắng, phẫn nộ, bội ơn và giơ cú đấm chửi rủa số phận và Thiên Chúa, và có lẽ chửi rủa bản thân nữa. Tammy đã không làm điều đó, cô đúng thật đã đối mặt với số phận sắp xảy ra của mình một cách dịu dàng; cô cố gắng làm điều đó một cách có ý thức. Việc cầu nguyện đã giúp ích cô trong nỗ lực đó.

Tammy Peterson: Tôi nghĩ khi mắc bệnh mãn tính, chỉ điều nhỏ nhất cũng có thể thực sự rất đau đớn. Vì vậy, việc cầu nguyện đã giúp tôi vượt qua những đợt chụp (scans) đau đớn. Tôi thậm chí sẽ không thực sự nhận thấy nỗi đau mà tôi đang phải chịu đựng bao lâu tôi không ngừng cầu nguyện. Bạn biết, tôi chỉ liên tục cầu nguyện, tôi không bao giờ cho phép mình lo lắng. Tôi chỉ dâng mình cho Chúa và chú tâm việc cầu nguyện, để Chúa đưa tôi đến trạng thái tôi cần đến, nơi Chúa cần tôi đến, bất cứ điều gì Ngài muốn tôi trải qua. Tôi đã quyết định rằng cuộc sống không còn tùy thuộc vào tôi nữa. Tôi nghĩ tôi đã sống cuộc sống tự quyết định đường hướng cho mình đã quá lâu rồi. Và tôi đã được trao ban gian nan này, thử thách này để tôi nhận ra điều này và tôi đã nhận thức được điều đó. Tạ ơn Thiên Chúa, đúng không?

Jordan Peterson: Vợ tôi đã không cầu nguyện để được sống, cô ấy không cầu nguyện để Chúa sẽ ban cho cô ấy một sự miễn trừ đặc biệt nào đó. Cô ấy cầu nguyện rằng cô sẽ xử sự cách phù hợp nhất có thể, trong tình huống hiện tại. Và đó là ý nghĩa của việc đặt mình vào tay Chúa. Bạn không biết mọi sự sẽ ra thế nào; có thể bạn sẽ sống, có lẽ không. Nhưng điều bạn cầu xin là bạn sẽ chấp nhận những gì cuộc sống đem tới cho bạn theo cách tốt nhất có thể, bất kể điều đó là gì.

Mục tiêu đó thực sự rất khó để đạt được và thật là đáng sợ nếu bạn được gọi để làm điều đó. Tuy nhiên hết thảy những lối đi khác chỉ khiến cuộc sống vốn đã khó khăn rồi lại càng khó khăn hơn.

Queenie đã giúp đỡ Tammy theo ba chiều kích. Thứ nhất là, cô như một người dẫn đường đến với đức tin Công giáo truyền thống; thứ hai, cô làm tròn bổn phận của một người bạn và còn làm nhiều hơn thế nữa; và cuối cùng, cô cũng là người dạy Tammy cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và cũng cầu nguyện với Tammy, cách nào đó như một người thầy với người học trò.

Điều đó đã thay đổi Tammy như thế nào? Vợ tôi có khả năng đối mặt với định mệnh là cái chết với sự điềm tĩnh hơn; cô ấy cũng biết coi trọng bản thân mình hơn, không phải theo nghĩa tự mãn, tự nâng mình lên cao hơn những người khác nhưng theo nghĩa bạn nên dành cho chính mình tình yêu mà bạn dành cho ai đó bạn quan tâm. Vợ tôi đã khá hơn nhiều về điều đó.

Cả hai điều trên vẫn tiếp tục tăng triển. Chắc chắn đó là kết quả của việc cầu nguyện. Vì vợ tôi cầu nguyện khoảng một giờ mỗi ngày vào buổi sáng; việc cầu nguyện giúp cô chuẩn bị mình cho ngày sống, vì hoa quả của cầu nguyện phải là vậy, là giúp cô đối mặt với những đòi hỏi của ngày sống với một tâm trí tốt nhất có thể. Tâm trí tốt nhất có thể có là lòng cởi mở, lòng biết ơn như trẻ thơ; đó là một trạng thái rất khó đạt được nhưng là điều đáng giá để cố gắng.

Tammy Peterson: Khi tôi ở trong bệnh viện, họ cố gắng tìm chỗ rỉ trong ruột nhưng họ không tìm thấy nó và họ đã tìm thấy một người ở tiểu bang Pennsylvania là bác sĩ X quang can thiệp.

Trước khi đi, Queenie nói, “Ồ, chị muốn được cha ban phép lành trước khi chị đi không?” Tôi đồng ý và cha Eric đã đến căn hộ của tôi, ban phép lành cho tôi và cha khuyên tôi nên cầu nguyện với lòng biết ơn; cha cũng đưa cho tôi quyển Tuần cửu nhật dành cho người bệnh, đó là 9 ngày cầu nguyện.

Queenie Yu: Cha Eric đưa cho cô một chiếc áo Đức Bà, giải thích Tuần cửu nhật dành cho người bệnh nhờ lời cầu bầu của Thánh José Maria. Cha giải thích cho Tammy cách cầu nguyện.

Tammy Peterson: Tôi mang Tuần cửu nhật với tôi. Ngày đầu tiên tôi gặp bác sĩ phẫu thuật, ông ấy đã xét nghiệm tôi. Ngày hôm sau tôi thức dậy và ông ấy nói rằng ông ấy không thể tìm thấy chỗ rỉ; đó là ngày cầu nguyện thứ hai và họ đang chuẩn bị tôi để phẫu thuật lần nữa.

Lần này họ sẽ mổ tôi ra và xem xét. Nhưng bạch huyết là một mạng nhện, làm sao ai có thể tìm thấy thứ gì trong đó. Tôi thật không thể nghĩ ai đó nghĩ họ có thể tìm thấy nó. Nhưng bác sĩ nói ông có thể tìm được nó.

Và họ nói, cách duy nhất để ta biết liệu ta được lành bệnh hay không, là nếu ta ăn thứ gì đó có chất béo trong đó thì ta sẽ nhìn thấy nhờ cái túi, vì bạch huyết thực sự hấp thụ chất béo. Đó là ngày thứ tư của Tuần cửu nhật và tôi nghĩ tôi nên ăn một ít chất béo vì dù sao thì ngày mai tôi cũng sẽ đi phẫu thuật.

Tôi đã ăn trọn một quả trứng, và tôi nhìn vào cái túi nghĩ, "Tôi chẳng thấy gì, nhưng tôi không biết...”. Sáng hôm sau tôi đang ăn sáng thì bác sĩ thực tập bước ra cùng với y tá trưởng. Họ trông rất nghiêm túc và họ nói tôi nên thử ăn thêm, thử nghiệm với thức ăn. Tôi nói ồ tôi đã làm điều đó tối qua. Họ nói, Được rồi, hãy xem cái túi. Tôi nhấc cái túi lên và cái túi trong suốt. "Ồ nếu không có vẩn đục trong túi, thì cái lỗ đó nó đã tự lành." Và đây là ngày thứ năm của Tuần cửu nhật. Nhưng đó không chỉ là ngày thứ năm của việc cầu nguyện Tuần cửu nhật.

Đầu năm đó, lần đầu tiên tôi bắt đầu nhận ra rằng mình sẽ không sớm khỏi bệnh, chồng tôi thực sự rất buồn. Tôi nói, "Này anh, em sẽ được khỏe hơn vào ngày kỷ niệm của chúng ta". Ngày 19 tháng 8 là ngày kỷ niệm chúng tôi thành hôn.

Jordan Peterson: Thật ra thì rất khó để biết rõ lý do vì chúng tôi có những bác sĩ phẫu thuật xuất sắc, sự can thiệp của bác sĩ X quang có thể đã kích thích các mô đã bị tổn thương đủ mức, để tạo điều kiện chữa lành. Đó là lời giải thích đơn giản nhất. Nhưng thực tại là nó đã xảy ra vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới của chúng tôi, và đó là điều Tammy đã nói sẽ xảy ra nhiều tháng trước, khi cô ấy không cách nào biết được điều đó, hoặc thậm chí không có lý do gì để nghĩ như vậy. Tôi không biết nghĩ gì về sự này. Nhưng tôi rất vui mừng về điều này. Và cô ấy, theo như chúng tôi biết, là người duy nhất từng sống sót sau căn bệnh ung thư này. Sự việc là như vậy.

Tammy Peterson: Sự việc đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi bắt đầu cầu nguyện bằng Kinh Mân côi. Càng làm theo những gì Chúa muốn bạn làm theo, thì mọi thứ càng đòi hỏi mạo hiểm và thách thức hơn. Tôi chấp nhận làm những điều mà trước đây tôi chưa bao giờ chấp nhận. Sự việc đó đã thay đổi cuộc sống tôi rất nhiều.

Bây giờ, khi chúng tôi đi lưu diễn, chồng tôi mời tôi lên mở màn cho anh ấy; đây thật là điều không thể tin được là tôi bước lên sân khấu với đám đông 5.000, 6.000, Tôi cầu xin lòng can đảm và sức mạnh trước khi bước ra sân khấu. Tôi chuẩn bị những gì mình muốn phát biểu suốt cả ngày; tôi nghĩ về những gì tôi sẽ nói nhưng tôi không mang bất kỳ tờ giấy nào lên sân khấu.

Vào năm 2017, khi tôi đi lưu diễn cùng chồng tôi, tôi đã ngồi nghe bài diễn thuyết của anh ấy, 250 bài diễn thuyết. Tôi không thực sự lắng nghe chồng tôi. Tôi ngồi ở hàng ghế khán giả nên tôi lắng nghe như mọi người khác đang lắng nghe và học hỏi từ những gì anh ấy nói. Tôi đoc Kinh Mân côi. Việc lần chuỗi Mân côi, cùng với tất cả việc học tập, làm phong phú thêm những gì tôi đã học được từ Kinh Mân Côi.

Vì vậy, khoảnh khắc thay đổi khi tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần tràn ngập trong tôi, là sự tích lũy của tất cả những năm tháng lần chuỗi Mân Côi, của việc học hỏi ngày càng nhiều hơn về những câu chuyện trong Kinh thánh, về việc có một gia đình, và trở thành người có trách nhiệm. Mọi thứ tôi học được, đã đưa tôi đến gần hơn…

Jordan Peterson: Có thể điều cô ấy đã khám phá ra, đặc biệt là kết quả của việc chuyển theo hướng Công giáo, là cô ấy đã khám phá ra sự đồng nhất giữa Chúa Kitô và sự thật. Người ta không hiểu điều đó nghĩa là gì, nhưng có rất nhiều điều là thật mà người ta không hiểu.

Tammy Peterson: Cầu nguyện là một thực hành, đức tin là một thực hành, chuỗi tràng hạt là một thực hành, tại sao chúng là việc thực hành là bởi vì bạn sẽ trải qua những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống, và không có gì có thể tồn tại ngoại trừ những điều bạn thực hành. Khi cuộc sống và mọi thứ đều bị xóa sạch, điều duy nhất bạn sẽ tìm thấy trong đống tro tàn là những điều bạn đã thực hành. Vậy hãy quyết định xem thực hành của bạn sẽ là gì.

Được rồi. Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Share:

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Không một hành vi nào trong các hành vi nhỏ nhặt đó là vô ích

Tình yêu của Thiên Chúa ban cho ơn sủng có giá trị gấp ngàn lần so với giá trị hành vi của con người.

Nếu bạn dâng lên Ngài lễ vật nhỏ nhặt nhất, Ngài sẽ hoàn trả cho bạn bằng vàng.  Nếu bạn có ý định đi tới Đức Chúa Cha, Ngài sẽ bước ra gặp bạn.  Nếu bạn chỉ nói một lời, dù ngắn gọn và chưa đầy đủ cảm xúc: 'Hãy tiếp nhận tôi, hãy thương xót tôi' - thì Ngài sẽ ôm lấy cổ bạn mà hôn.  Đó là cái mà tình yêu của Đức Chúa Cha trên trời dành cho chúng ta dù chúng ta bất xứng.  Và đơn giản là vì tình yêu ấy, Ngài sướng vui theo với mỗi cử chỉ của chúng ta hướng tới sự cứu rỗi, dù đó chỉ là cử chỉ nhỏ nhặt nhất.

Đối với chúng ta thì nó giống như thế này: vinh quang của Thiên Chúa càng ở đó nhiều chừng nào thì càng sinh ích cho chúng ta nhiều chừng nấy.  Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện trong chốc lát rồi ý nghĩ mình lại lang bang; hoặc nếu chúng ta chỉ làm một hành vi tốt lành nhỏ nhặt - thí dụ: đọc một lời kinh, làm năm mười cử chỉ tôn kính, hoặc khát khao chân thành, hoặc gọi tên Đức Giêsu, hoặc để tâm tới ý tưởng ngay lành nào đó, hoặc khởi sự một bài đọc tinh thần nào đó, hoặc kiêng cử một thức ăn nào đó, hoặc làm thinh trước một sỉ nhục - thì đối với chúng ta, có vẻ hết thảy những cái đó không đủ để cứu rỗi mình hoặc không phải là một hành động sinh hoa kết quả.

“‘Không có loại nào là không tốt - tuy nó có vẻ hình như không quan trọng - mà sẽ bị vị thẩm phán công chính ấy xem thường.  Nếu từng chi tiết của tội lỗi chúng ta sẽ bị dò xét, tới độ chúng ta sẽ phải trả lời về từng lời nói, từng khát vọng và từng ý nguyện của mình, thì các hành vi nhỏ nhoi tốt lành của ta sẽ được để ý đến từng chi tiết, và như thế, các hành vi nhỏ nhoi đó được liệt kê vào công trạng của chúng ta trước vị thẩm phán chan chứa yêu thương ấy.’” -- Chuyện Người Hành Hương / Way of The Pilgrim

Share:

Blog Archive

Blog Archive