Bài chú giải của Dr. Brant Pitre
Cách để hiểu bản chất của cuộc cám dỗ trong Vườn Địa đang được tìm thấy trong 1 Gioan 2:15–16:
Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian : như dục vọng của tính xác thịt,
dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của,
tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian.
Trong truyền thống Kitô giáo, việc yêu thế gian bao gồm ba khía cạnh: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của; ba mặt của dục vọng đi song song với tội ham muốn xác thịt, tham lam của cải và tính kiêu căng.
Chúng ta thấy khuôn mẫu ba mặt này hoạt động khi Evà bị cám dỗ: Người đàn bà thấy trái cây đó
(1) ăn thì ngon,
(2) trông thì đẹp mắt và
(3) đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.
“Ăn thì ngon”: đây là dục vọng của tính xác thịt.
“Trông thì đẹp mắt”: đây là sự tham lam, mong muốn có nhiều hơn nữa, sở hữu những thứ vì vẻ đẹp hoặc giá trị của chúng.
“Đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” - đây là sự kiêu ngạo vì mục đích để có được sự khôn ngoan của Evà là để mình được giống Thiên Chúa như con rắn nói, “Ông bà sẽ giống như Thiên Chúa”.
Mặc dù theo câu chuyện, Êvà là người bị cám dỗ phạm tội, nhưng truyền thống trong Kinh thánh và truyền thống hậu Kinh thánh thường quy sự sa ngã phần lớn, thậm chí phần chủ yếu, cho Ađam, vì ông đứng đó và chẳng làm gì cả. Ông được coi là “người lãnh đạo gia đình” và lẽ ra hành động cách hiểu biết hơn.
Những cám dỗ tuân theo khuôn mẫu của ba khía cạnh của dục vọng. Thứ nhất là dục vọng của tính xác thịt: “Hãy truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Chúa Giêsu chắc chắn rất đói sau bốn mươi ngày kiêng ăn. Ngài bị đau đớn về thể xác vì cơ thể đã dùng hết chất béo dự trữ và các mô cơ bắt đầu bị dùng đến để duy trì sự sống. Bánh từ lò mới ra rất hấp dẫn đối với một người đang đói. Tuy nhiên, Chúa chúng ta biết rằng việc sử dụng các quyền năng thiêng liêng của mình để tránh khỏi sự đau khổ của thân phận con người không phải là ý muốn của Chúa Cha.
Tiếp đến là thói cậy mình có của. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi… và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đây là sự cám dỗ để thực hiện một biểu diễn công khai mà sẽ đem đến danh tiếng và địa vị làm Chúa trở nên người nổi tiếng. Chúa Giêsu sẽ ngay lập tức gây chấn động toàn quốc. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết sứ vụ của Ngài là sống khiêm tốn.
Cuối cùng là dục vọng của đôi mắt. Ma quỷ chỉ cho Chúa “thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy”. Chúa Giêsu có thể có được rất nhiều chỉ với một hành động thờ phượng nhỏ thôi. Rồi hãy nghĩ đến hết những điều tốt lành mà Chúa Giêsu có thể làm khi Ngài đã là người cai trị tất cả các vương quốc trên trái đất này!
Trong mỗi trường hợp, Chúa Giêsu chống lại sự cám dỗ bằng cách trích dẫn Kinh thánh, cụ thể là Đệ Nhị Luật, “Luật của Môsê”.
Một chủ đề phụ của đoạn văn này — ngoài việc Chúa Giêsu đảo ngược ba dục vọng mà tổ tiên đầu tiên của chúng ta sa vào — là khái niệm Chúa Giêsu là Con mới của Vua Đa-vít, Ngài vĩ đại hơn cả Sa-lô-môn.
Sa-lô-môn được giao nhiệm vụ tuân giữ Luật Môsê (1 Các vua 2:1–4), luật này đưa ra ba điều cấm cụ thể mà nhà vua phải tuân theo (không được tăng số ngựa, vàng hoặc vợ; Đệ nhị luật 17:14–17). Về sau, Sa-lô-môn đã vi phạm một cách ngoạn mục ba điều cấm của Luật Môsê (xem 1 Các Vua 10:14–11:8), các vi phạm của Sa-lô-môn tương ứng với ba thứ dục vọng (dục vọng của tính xác thịt = vợ, dục vọng của con mắt = vàng , thói cậy mình có của = ngựa [tức là sức mạnh quân sự và sự kiêu ngạo]). Chúa Giêsu là người Con tốt hơn của Đa-vít, Người đã ba lần tuân giữ Luật Môsê để hủy bỏ ba lần quỵ ngã của người con đầu lòng của Đa-vít.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để chiến thắng, như Chúa Giêsu đã làm, sự ham muốn của tính xác thịt, sự ham muốn của con mắt và tính kiêu ngạo. Những người trong đời sống tu trì làm như vậy một cách triệt để, khi họ khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm là khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Khiết tịnh liên quan đến việc giết chết dục vọng của xác thịt (qua việc hãm mình ép xác). Nghèo khó tiêu diệt sự thèm khát của đôi mắt. Sự vâng lời làm chết đi tính kiêu căng—thật khó để tự kiêu khi bạn đang vâng lời người khác.
Tôi thấy lạ lùng khi những người theo đạo Tin lành không thực hành “những lời khuyên của Phúc âm”. Bất kể việc nhấn mạnh về việc đi đúng theo lời của Kinh thánh và thậm chí hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen trong một số nhóm Tin lành, gần như không có người Tin lành nào chấp nhận lời mời gọi sống không kết hôn vì Nước Trời của Chúa Giêsu theo nghĩa đen (xem Mt 19:12) hoặc về lời khuyên nghèo khó (“Hãy bán tất cả những gì anh có và đến theo tôi.” Xem Mt 19:21). Những lời này của Chúa Giêsu chỉ được các tu sĩ trong các Giáo hội xưa (Công giáo và Chính thống giáo) tuân theo một cách triệt để.
Nhưng việc hãm mình về ba khía cạnh của dục vọng không chỉ dành cho đan sĩ, nữ tu và linh mục. Tùy theo bậc sống của mình, tất cả chúng ta phải vượt qua cám dỗ. Các kỷ luật truyền thống của Mùa Chay (cầu nguyện, ăn chay, bố thí) là để giúp chúng ta trong việc này.
Ăn chay làm giảm ham muốn của tính xác thịt. Bố thí làm chết lòng tham lam của con mắt (tham lam, hám lợi). Và cầu nguyện dập tắt sự kiêu ngạo bằng cách thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa (“Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” [Mát-thêu 6:11) và làm cho ý muốn của chúng ta biết suy phục thánh ý của Chúa (“xin cho ý Cha được thể hiện” (6:10).
Chúng ta hãy hợp nhất những nỗ lực của chúng ta với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu nhờ đức tin, và hãy để Thần Khí của Người hoạt động trong chúng ta trong Mùa Chay này qua các kỷ luật Mùa Chay. -- Dr. John Bergsma