Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện

Từ Kinh Sách của thứ tư, Tuần 11 Mùa Thường Niên

Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha.

Tiếp đến là lời nguyện: Xin làm cho triều đại Cha mau đến. Chúng ta xin cho triều đại của Thiên Chúa mau trở thành hiện thực cho chúng ta, cũng như xin cho danh Người hiển thánh nơi chúng ta. Vì có bao giờ Thiên Chúa lại không hiển trị đâu? Hay cái vẫn đã có nơi Người và không khi nào chấm dứt lại phải có lúc bắt đầu ư? Chúng ta xin cho triều đại của chúng ta mau đến, triều đại mà Thiên Chúa đã hứa ban và Đức Ki-tô đã chịu thương khó và đổ máu ra để dành lại cho chúng ta. Như vậy, chúng ta đã sống thân phận tôi đòi nơi trần thế trước, thì về sau, đến thời Đức Ki-tô thống trị, chúng ta cũng sẽ được hiển trị như chính Người đã hứa: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

Nhưng, anh em thân mến, cũng có thể chính Đức Ki-tô là triều đại của Thiên Chúa. Ngày ngày chúng ta mong cho triều đại ấy mau đến, chúng ta muốn cho triều đại ấy sớm trở thành hiện thực cho chúng ta. Bởi chưng, nếu chính Người là sự sống lại -vì trong Người chúng ta được sống lại-, thì cũng có thể hiểu chính Người là triều đại của Thiên Chúa -, vì trong Người chúng ta sẽ được cai trị. Chúng ta cầu xin cho triều đại của Thiên Chúa mau đến là phải. Đó là triều đại thiên quốc, vì cũng có một triều đại thế gian. Nhưng ai đã từ khước đời này, người đó vượt xa mọi danh giá và quyền cai trị trên đời này.

Rồi chúng ta đọc thêm: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều Người muốn, nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Bởi chưng ai dám ngăn cản không cho Thiên Chúa hành động như Người muốn? Nhưng vì ma quỷ ngăn cản không cho tâm hồn và hành vi của chúng ta tuân phục Thiên Chúa trong mọi sự, nên chúng ta mới cầu xin khẩn nguyện cho ý của Thiên Chúa thể hiện nơi chúng ta. Nhưng muốn cho ý Thiên Chúa được thể hiện nơi chúng ta, thì lại cần có ý của Người, tức là cần có sức mạnh và sự chở che của Người, vì không ai mạnh mẽ tự sức mình, nhưng người ta chỉ được an toàn nhờ lượng khoan dung và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau cùng, chính Chúa cũng đã cho thấy Người phải mang lấy thân phận hèn yếu của con người khi thưa lên: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng rồi, để nêu gương cho các môn đệ đừng làm theo ý mình, mà theo ý Thiên Chúa, Người nói thêm: Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Thánh ý Thiên Chúa chính là những gì Đức Ki-tô đã làm và đã dạy: ăn ở khiêm tốn, giữ vững đức tin, nói năng thận trọng, hành động công chính, làm việc từ thiện, sống có kỷ cương; không hề làm hại ai, nhưng kiên nhẫn chịu đựng khi người khác làm hại mình; sống hoà thuận với anh em; yêu mến Chúa hết lòng: yêu mến Người vì Người là Cha, kính sợ Người vì Người là Thiên Chúa; không lấy gì làm hơn Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô đã không lấy gì làm hơn chúng ta; không chi có thể tách chúng ta khỏi lòng mến của Người, can đảm trung kiên đứng kề bên thập giá Người; khi phải chiến đấu vì danh Người và vì vinh dự của Người, lời lẽ sẽ tỏ ra một mực kiên quyết tuyên nhận Người. Khi bị tra tấn thì tỏ ra đầy lòng tin tưởng mà xông vào cuộc chiến; và khi chịu chết thì đầy lòng kiên nhẫn để được lãnh triều thiên ân thưởng. Làm như thế là muốn nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô. Làm như thế là chu toàn thánh ý Chúa Cha.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét