Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 5:21-43)
Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 5, 21-43) trình bày hai điều kỳ diệu Đức Giêsu đã thực hiện, được mô tả gần giống như một cuộc khải hoàn tiến về sự sống.
Trước tiên, thánh sử nói về một ông Giairô nào đó, là một trong những trưởng hội đường. Ông đến gặp Đức Giêsu, và nài xin Người đến nhà ông, bởi vì đứa con gái mười hai tuổi của ông đang hấp hối. Đức Giêsu chấp nhận và cùng đi với ông, nhưng dọc đường, ông nghe tin là con gái ông đã chết. Chúng ta có thể tưởng tượng ra phản ứng của người cha này như thế nào rồi. Nhưng Đức Giêsu lại nói với ông: “Ông đừng sợ, ông chỉ cần tin” (c. 36). Khi mọi người đến nhà ông Giairô, thì Đức Giêsu đuổi mọi người đang khóc lóc ra khỏi nhà - cũng có những người phụ nữ khóc lóc gào to - và chỉ một mình Người vào trong phòng với cha mẹ em bé và ba môn đệ; đoạn, nói với người chết, Đức Giêsu phán: “Này bé gái, Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!” (c. 41). Và ngay lập tức, em bé thức dậy, như thể em tỉnh giấc từ một giấc ngủ mê say (x. c. 42).
Trong trình thuật phép lạ này, Thánh Marcô cũng chèn theo một phép lạ khác: vụ chữa lành một phụ nữ bị bệnh xuất huyết, và là người đã được chữa lành ngay tức khắc khi bà đụng đến y phục của Đức Giêsu (x. c. 27). Ở đây, chúng ta bị đánh động bởi sự kiện này là đức tin của người phụ nữ cuốn hút - tôi muốn nói là “ăn cắp” - quyền năng cứu thoát của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đức Kitô cảm thấy một sức mạnh “đang xuất ra từ con người của Người”, nên Người tìm hiểu đâu là nguyên nhân. Và khi người phụ nữ, cảm thấy xấu hổ, liền tiến tới và thú nhận tất cả những gì mình đã làm, thì Người liền nói với bà: “Này con gái của Ta, đức tin của con đã cứu con” (c. 34).
Ở đây muốn nói đến hai trình thuật được lồng khít vào nhau, với một tâm điểm duy nhất: đức tin và hai trình thuật này chỉ cho thấy Đức Giêsu như nguồn suối sự sống, như Đấng ban lại sự sống cho những ai hoàn toàn tin tưởng vào Người.
Hai nhân vật chủ chốt, nghĩa là người cha của bé gái và nữ bệnh nhân, họ không phải là những người môn đệ của Đức Giêsu, thế nhưng, họ lại được Chúa nhậm lời vì đức tin của họ. Họ có niềm tin vào con người Đức Giêsu này. Với câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng, trên con đường của Chúa, mọi người, ai ai cũng đều được đón nhận: không một ai cảm thấy mình là người không mời mà đến, hay người dính mũi vào câu chuyện người khác, hoặc nữa là người chẳng có quyền lợi gì cả.
Để có thể đi đến với con tim của Đức Giêsu, để có thể đi vào tâm hồn của Người, thì chỉ cần có một điều kiện mà thôi: đó là người ta cảm thấy mình cần được chữa lành, và cần phải tin tưởng vào Người. Tôi xin hỏi anh chị em một câu: mỗi người trong anh chị em có cảm thấy mình cần được Chúa chữa lành không? Chữa lành khỏi một điều gì đó, khỏi một tội lỗi nào đó, khỏi một vài vấn nạn nào đó? Và nếu người đó trong anh chị em cảm thấy mình cần được chữa lành, thì người đó có tin vào Đức Giêsu không? Đó chính là hai điều kiện để được chữa lành, để có thể đi vào được trong quả tim của Người: cảm thấy mình cần được chữa lành, và tin tưởng vào Người.
Đức Giêsu sẽ khám phá ra những con người cần được chữa lành này, và Người sẽ đưa họ ra khỏi tình trạng nặc danh không ai biết đến, Người sẽ giải phóng họ khỏi nỗi sợ hãi sống và và giúp họ dám làm. Người chữa lành họ bằng một cái nhìn và bằng một lời nói, và lại đặt họ bước đi sau biết bao nhiêu là đau khổ và tủi nhục. Chúng ta cũng thế, chúng ta được Chúa kêu gọi học đòi và bắt chước những lời nói này, những lời nói giải phóng, học đòi và bắt chước những cái nhìn này, những cái nhìn sẽ giúp cho những ai không còn muốn sống lại tiếp tục muốn sống.
Trong trích đoạn Phúc Âm này có chen lẫn những chủ đề đức tin và đời sống mới mà Đức Giêsu đã đến để ban tặng cho tất cả mọi người. Sau khi Chúa vào trong căn nhà nơi cô bé nằm chết, thì Người liền đuổi những ai gây ồn ào và than khóc ra khỏi nhà (x. c.40) và Người nói: “Đứa bé này không chết đâu, nó đang ngủ đấy” (c. 39).
Đức Giêsu là Chúa, và trước mặt Người, thì cái chết thể lý chỉ như một giấc ngủ: chẳng có lý do gì mà phải thất vọng cả. Có một cái chết khác mà chúng ta phải kinh, phải sợ: cái chết của con tim bị chai cứng vì điều xấu xa. Vì chưng, chúng ta phải sợ cái chết đó! Khi chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta có quả tim bị chai cứng, quả tin chai cứng, và xin hãy cho phép tôi dùng thành ngữ quả tim của một xác ướp, thì đó mới là điều chúng ta phải kinh, phải sợ. Đó là cái chết của con tim. Nhưng thậm chí cả tội lỗi, thậm chí cả con tim của một xác ướp, cũng không phải là tiếng nói cuối cùng đối với Đức Giêsu đầu, bởi vì Người đã mang lại cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Cha. Và ngay cả khi chúng ta đã rơi xuống thật sâu, thật sâu, thì giọng nói dịu dàng và mạnh mẽ của Người vẫn vang vọng đến đội tại chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!”.
Thật là tốt đẹp biết bao khi nghe được lời nói này của Đức Giêsu là Đấng đang ngỏ lời với mỗi người trong chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!” Hãy ra đi. Hãy trỗi dậy, can đảm lên, hãy trỗi dậy! Và Đức Giêsu đã ban lại sự sống cho em bé, và Người đã mang lại sự sống cho người phụ nữ được chữa lành: sự sống và đức tin sóng đối với nhau.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường đức tin, và trên con đường tình yêu cụ thể của chúng ta, đặc biệt đối với những ai đang sống trong cơn quẫn bách. Và chúng ta hãy khẩn cầu xin Mẹ Maria lấy tình mẫu tử mà cầu bàu cùng Chúa cho những người anh chị em của chúng ta đang đau khổ trong thể xác, cũng như trong tinh thần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét