Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- Vâng phục thánh ý Chúa

Những ai chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự sẽ không nản lòng trước những biến cố xảy ra cho mình và xem chúng như những sứ giả của Thiên Chúa mà họ yêu mến. Cách thức chúng ta chấp nhận một sự bất hạnh, rủi ro, thậm chí cả một sự nhục nhã sẽ rất khác nếu chúng ta biết ai là người gửi nó đến cho mình. Một cô bé sẽ tức giận nếu một người chạm vào chiếc áo đẹp của cô và làm bẩn nó, nhưng nếu cô nhận ra người ấy lại là diễn viên nổi tiếng, là thần tượng điện ảnh của mình thì cô sẽ vui sướng và tự hào thuật lại việc đó với các bạn bè của mình. Một cách tương tự nếu chúng ta nhận ra rằng chính Thiên Chúa đứng sau cơn bệnh, những sự kiện gây sốc và những thất vọng trong cuộc đời của mình, chúng ta sẽ đón nhận chúng với một cách thức khác hẳn.

Con Thiên Chúa được bọc trong cái tã ở Bêlem, Chúa Kitô ở trong tấm bánh nhỏ nơi Nhà Tạm, và chính Thiên Chúa cũng ẩn mình phía sau mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời của tôi. Chúng ta sống cuộc đời của mình trong sự phụ thuộc vào những thiện ích chung như không khí trong lành để thở, nước mát để uống. Thiên Chúa cũng mong ước nhận được từ chúng ta hàng ngàn hành vi nhỏ bé, những chi tiết tầm thường làm nên cuộc sống hàng ngày của chúng ta, miễn là chúng ta nhận thấy, ngay cả trong những sự kiện làm chúng ta đau buồn, “cánh tay Thiên Chúa đang vươn ra để yêu thương và chăm sóc chúng ta” và chúng ta dâng hiến chúng cho Chúa. Đây là bí quyết của việc thánh hóa; một phương pháp dễ dàng cho mọi người, cho những ai tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cho Chúa?” Vì nhiều người mong muốn làm những điều vĩ đại lớn lao cho Thiên Chúa. Họ phàn nàn rằng họ không có cơ hội để thực hiện những hành động anh hùng, những việc tông đồ. Họ sẵn sàng chịu tử đạo; nhưng khi xe buýt đầy ắp người và họ phải đứng, khi công việc bị trì hoãn, họ trở nên bực bội, cáu kỉnh cả ngày. Họ đã bỏ lỡ cơ hội để chứng tỏ tình yêu của họ đối với Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé. Chúa Giêsu nói: “Ai trung tín trong những điều nhỏ thì cũng trung tín trong những điều lớn” (Lc 16,10).

Chúa nói với linh hồn trong tiếng thì thầm, nhưng linh hồn lại chờ đợi tiếng kèn đồng, nó hụt mất mệnh lệnh của Chúa. Chúng ta muốn tự làm cây thập giá riêng cho mình, nhưng ít người đón nhận các thập giá Chúa gửi đến. Những thập giá này nằm trong việc thực hiện một cách hoàn hảo những công việc bổn phận nhỏ bé hàng ngày của chúng ta. Những công việc lớn lao mà chúng ta tưởng tượng muốn làm cho Thiên Chúa thì cuối cùng chỉ nuôi dưỡng tính kiêu ngạo và ích kỷ của chúng ta mà thôi. Mặt khác, chúng ta cần chấp nhận những thập giá trong bậc sống của mình, bởi vì chúng đến từ Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài muốn biến đổi chúng ta. Chúng ta sẽ được thánh hóa nhờ việc kiên nhẫn chịu đựng những lời càm ràm của người thân, tiếng ồn của đám trẻ con, một cơn bệnh xảy đến bất ngờ, những thất bại trong cuộc sống. Những điều này có thể trở nên cơ hội để lập công, để cầu nguyện nhiều hơn, để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã và đang kiên nhẫn chịu đựng những thất bại, những khuyết điểm và tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta khó mà chịu đựng được những khuyết điểm của người khác nếu chúng ta không nhận ra Thiên Chúa đã và đang chịu đựng những khuyết điểm của chúng ta. Người ta kể rằng: “Có một người Ả Rập đến thăm ông Abraham và người này càm ràm đủ thứ: từ thức ăn, chỗ ở, cái giường và rượu mà Abraham đã quảng đại cho anh ta. Cuối cùng, Abraham nổi giận và đuổi anh ta ra khỏi nhà. Thiên Chúa hiện ra với Abraham và nói: “Abraham, Ta đã chịu đựng người này trong suốt 40 năm, vậy tại sao người không thể chịu đựng nó chỉ trong một ngày?”

Để đón nhận bổn phận trong giây phút hiện tại vì Thiên Chúa thì chúng ta phải nghĩ đến sự vĩnh cửu. Việc đón nhận và thi hành cách hoàn hảo bổn phận “ở đây và bây giờ” để tôn vinh Thiên Chúa là một hành vi của ý chí và tình yêu đối với Thiên Chúa. Chúng ta không cần một sự hiểu biết rõ ràng về kế hoạch của Thiên Chúa để đón nhận nó. Khi thánh Phaolô được hoán cải, ngài hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúng ta có thể được sưởi ấm bằng ngọn lửa mà không cần biết các thành tố hóa học của ngọn lửa và chúng ta có thể được chữa lành nhờ uống thuốc mà không cần biết các thành phần bên trong viên thuốc. Một tâm hồn đang bị đau khổ biết vâng theo ý Chúa sẽ có một hiểu biết sâu xa về Ngài hơn cả một giáo sư thần học chỉ nghiên cứu lý thuyết mà không đem ra thực hành. Hai tên trộm bị treo trên thập giá cũng có một khủng hoảng về sợ hãi và đau khổ như nhau, một kẻ thì càm ràm và mất đi cơ hội vào Nước Trời; còn người kia đã dùng khoảnh khắc đau khổ để nên thánh. Một số tâm hồn có được sự bình an và thánh thiện từ cùng những thử thách giống nhau, những thử thách đã làm những người khác lo lắng, nổi loạn và bị suy sụp.

Thiên Chúa không thể ép buộc ý chí chúng ta, hay cưỡng bách chúng ta sử dụng những thử thách để thu về lợi ích, cả ma quỷ cũng không thể ép buộc chúng ta được. Chúng ta có ý chí tự do để quyết định đón nhận và dâng những đau khổ của mình cho Thiên Chúa Và nếu chúng ta dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm những điều lớn lao trong chúng ta. Như một cái đục trong tay nghệ sĩ tài ba Michelangelo có thể tạo ra một bức tượng tuyệt đẹp thì ý chí của chúng ta nếu thuận theo ý Chúa cũng tạo ra những điều tốt đẹp như vậy. Ý chí của chúng ta nếu cứ để buông xuôi theo tự nhiên sẽ trở nên bận rộn với đủ thứ chuyện, nhưng cuối cùng chăng làm nên điều gì cả. Còn nếu ý chí của chúng ta thuận theo ý Chúa thì sẽ trở nên hiệu quả vượt quá mọi ước mơ của chúng ta.

Câu nói được áp dụng sẽ thánh hóa mọi giây phút của chúng ta là: xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Đó là tiếng “Xin vâng” của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, đưa đến ơn cứu độ của chúng ta. Đó cũng là tiếng “Xin vâng” của Đức Maria trong ngày Truyền Tin mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể. Lời “xin vâng” đó cắt bỏ mọi dính bén của chúng ta vào những điều tầm thường quen thuộc của mình. Nó mở ra cánh buồm để đưa chúng ta đến nơi Chúa muốn. Để “ý Cha được thực hiện” thì phải chấm dứt mọi càm ràm, than trách; để mọi điều xảy đến trong mọi giây phút cuộc đời của chúng ta mang dấu ấn của thánh ý Thiên Chúa.

Có nhiều lợi ích to lớn trong việc thuận theo ý Chúa. Trước hết, chúng ta thoát khỏi quyền lực của những “tai nạn” trong cuộc sống áp đặt trên chúng ta. Những tai nạn trong cuộc sống là những điều cắt ngang cuộc sống, phá hỏng các kế họach, dự định của chúng ta, những rủi ro, bất hạnh như một cơn bệnh buộc chúng ta trì hoãn chuyến đi. Nó là một sự kiện có tính “thuốc đắng” để dành cho những người hay căng thẳng và lo âu. Một số người hay than trách rằng mình “không có một chút rảnh rỗi nào” và thế giới này là kẻ thù của họ, họ là những kẻ không may mắn. Còn những ai phó thác cho ý Thiên Chúa sẽ không càm ràm như thế. Bất cứ điều gì xảy ra họ đều đón nhận chúng. Những kẻ không có mục đích tập trung mọi sự hướng về Thiên Chúa, luôn qui hướng mọi sự về cái tôi của mình sẽ cố gắng áp đặt ý riêng của mình trên vũ trụ này và luôn thất bại.

Sự khác biệt giữa những người luôn than van rằng mình không bao giờ có lúc thảnh thơi và những người dùng mọi giây phút để cảm tạ Thiên Chúa là người sau sống trong một bầu khí của lòng mến yêu thánh ý Thiên Chúa hơn ý riêng của mình. Điều đó giống như một kẻ lang thang ngoài đường phố đau khổ hơn một đứa trẻ sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vì thế, người ta cần học biết để đặt niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, lúc ấy mọi sự xảy ra đều không gây nên phiền muộn cho họ. Thiên Chúa tỏ mình ra khác nhau đối với mọi thụ tạo. Ngài chỉ cho chúng ta thấy cách thức chuyển mọi sự thành niềm vui. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa không công bằng, nhưng nó có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho một số tâm hồn nào đó với một vài điều kiện. Ánh sáng mặt trời không thiên vị ai, nhưng nó không thể chiếu sáng trên một tấm gương dơ bẩn và một tấm gương trong sạch như nhau.(Phần 1)

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive