Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Lòng thương xót của Chúa qua lịch sử cứu độ

Bài đọc 2 của Kinh Sách cho thứ Năm, Tuần II Mùa Vọng

Trích bài giảng của thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục.

Khi thấy thế gian chìm ngập trong sợ hãi, Thiên Chúa không ngừng hành động. Người lấy tình thương mà kêu gọi, lấy ân sủng mà thúc giục, lấy đức ái mà giữ gìn, và lấy sự dịu dàng mà ấp ủ.

Đó là lý do khiến Người phải dùng đến hình phạt Hồng Thuỷ mà tẩy rửa mặt đất đã hoá ra khô cằn vì bao điều xấu xa. Người kêu gọi ông Nô-ê làm tổ phụ một thế giới mới, dùng lời lẽ ân cần để khích lệ ông, lấy tình thân để gây cho ông niềm tin tưởng, lấy tình phụ tử mà giáo dục ông về những biến cố hiện tại và ban ân sủng để thúc đẩy ông chấp nhận những thử thách sắp xảy đến. Người đã không truyền lệnh nhưng đã đem vận mệnh của toàn thế giới vào một con tàu và như thế đã cho ông được tham dự vào công việc của Người, để tình thương thân hữu xoá bỏ nỗi lo sợ của phận tôi đòi, để những gì được cứu vớt nhờ công lao chung, sẽ được bảo tồn nhờ một tình yêu chung.

Đó cũng là lý do khiến Người kêu gọi ông Áp-ra-ham từ giữa dân ngoại, thêm cho tên ông một vần, đặt ông làm tổ phụ những người tin. Người đồng hành với ông, bảo vệ ông giữa đám dân xa lạ, tăng thêm của cải cho ông. Người giúp ông thắng trận vẻ vang, hứa cho ông muôn phúc lành, cứu ông khỏi sỉ nhục, cho ông được vinh dự tiếp đón Người, khiến ông phải kinh ngạc vì được một người con nối dõi trong khi ông chẳng còn hy vọng. Khi được bấy nhiêu ân huệ, được tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa vỗ về như vậy, ông học được điều này là yêu mến Thiên Chúa, chứ không phải sợ hãi, thờ phượng Người vì yêu mến, chứ không phải vì khiếp sợ.

Đó cũng là lý do khiến Người dùng các chiêm bao để khích lệ ông Gia-cóp, đang lúc ông trốn chạy. Người thách ông vật lộn, đang khi ông trên đường về quê ; Người ôm chặt lấy ông, quật ông ngã xuống. Nhờ vậy, ông yêu mến người cha đã vật lộn với mình, mà không hề sợ hãi.

Đó cũng là lý do khiến Người dùng tiếng mẹ đẻ của ông Mô-sê kêu gọi ông, trò chuyện thân mật với ông như cha con, mời ông trở nên anh hùng giải phóng dân tộc mình.

Nhưng nhờ các sự kiện vừa nhắc tới, trong đó ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đốt cháy lòng người, niềm say mê yêu mến Thiên Chúa tràn ngập mọi tình cảm của con người, nên những ai mang vết thương lòng đều mong ước được nhìn xem Thiên Chúa nhãn tiền.

Thiên Chúa mà cả thế gian không chứa nổi, làm sao cái nhìn giới hạn của con người lại có thể chứa được ? Tình yêu đòi hỏi, nhưng không suy tính xem mình sẽ ra sao, mình phải thế nào hay có thể làm được gì. Tình yêu không xét đoán, không lý luận cũng không so đo. Tình yêu không viện cớ không thể làm được để tự an ủi, không viện cớ khó khăn để tự chữa lấy mình.

Tình yêu nếu không được thoả mãn, sẽ làm cho người đang yêu héo hắt. Vì thế, tình yêu đi tới nơi được dẫn đến, chứ không phải tới nơi cần đến. Tình yêu làm nảy sinh ước muốn, nó như lửa cháy bừng, lao mình vào những điều quá giới hạn. Và còn phải nói thêm gì nữa ?

Tình yêu không thể không nhìn thấy điều mình yêu. Bởi thế, tất cả các thánh đều cho rằng những điều mình đã đạt được, vẫn còn quá ít, nếu không được nhìn thấy Chúa.

Vì vậy, tình yêu khát khao được nhìn ngắm Thiên Chúa, dù không có lý, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đạo đức.

Đó cũng là lý do khiến ông Mô-sê dám thưa : Nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con thấy tôn nhan Ngài.

Đó cũng là lý do tác giả thánh vịnh nói : Xin Ngài toả ánh Tôn Nhan rạng ngời. Sau cùng, đó cũng là lý do khiến dân ngoại tạo ra các tượng thần: họ muốn nhìn thấy tận mắt điều họ thờ, theo cái nhìn lệch lạc của họ.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét