Từ việc khảo sát khẩu nguyện trong Kinh thánh Do Thái giáo sang cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu đã tự mình thực hành khẩu nguyện và dạy các môn đệ bắt chước gương mẫu của Ngài.
Chúa Giêsu dùng Thánh vịnh để cầu nguyện
Vào thời Chúa Giêsu, sách Thánh vịnh là “Sách Kinh” cơ bản của người Do Thái.[8] Là một người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, hẳn Chúa Giêsu đã thuộc lòng những bài hát Thánh vịnh được dùng trong các lễ hội như Lễ Vượt Qua. Người cũng sử dụng những lời của Thánh vịnh trong lời khẩu nguyện của mình. Hãy nhìn vào một ví dụ: Khi sắp sinh thìtrên thập tự giá, Chúa Giêsu kêu lên với Chúa Cha,
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. (Lu-ca 23:46)
Với những lời này, Chúa Giêsu dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha. Đây là ví dụ tối cao về việc dùng khẩu nguyện như một của lễ hiến tế. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm. Ngài cũng đã trích dẫn từ Thánh vịnh:
Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín. (Thánh vịnh31: 5)
Chúa Giêsu không chỉ thuộc lòng những lời trong Thánh vịnh 31 mà còn biến những lời này thành lời của riêng Ngài trong lời cầu nguyện cuối cùng mà Ngài đã thốt ra. Tuy nhiên, trong khi Thánh vịnh dùng từ “ĐỨC CHÚA” (tiếng Híp-ri YHWH), thì Chúa Giêsu lại dâng lời cầu nguyện của Ngài với “Cha” (tiếng Hy Lạp patēr). Một trong những khía cạnh đặc biệt nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là việc Ngài nhiều lần khăng khăng nhấn mạnh với các môn đệ là họ hãy xưng Chúa là Cha của họ.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng lời riêng của Ngài
Ngoài những lời cầu nguyện thuộc lòng, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện bằng lời của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha ở nơi công cộng, nơi mọi người có thể nghe thấy Ngài (x. Lu-ca 10:21–22; Gioan 11:41–42). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với lời cầu nguyện dài nhất được ghi lại trong các sách Phúc âm — được gọi là “Lời nguyện thượng tế” — trước sự hiện diện của các môn đồ được chọn khi ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất (x. Gioan 17:1–26). Có lẽ xúc động nhất là lời cầu nguyện trong cơn hấp hối của Ngài ở vườn Ghết-sê-ma-ni:
Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.”…Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ…. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. (Mát-thêu 26:36, 39–40, 42–44)
Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu dùng lời nói để cầu nguyện, ngay cả khi Ngài ở một mình. Rõ ràng, Đức Giêsu không cần phải làm điều này, nhưng Ngài đã chọn để làm. Cũng lưu ý rằng Chúa Giêsu thậm chí còn lặp lại lời Ngài cầu nguyện, “nói lại cùng một lời” (Mát-thêu 26:44). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện của một người, mang tính cách con người trọn vẹn. Trong cơn hấp hối ở Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giêsu nêu gương cho các môn đồ tầm quan trọng của lời cầu nguyện tự phát và kiên trì với Chúa Cha, thốt ra từ trái tim.
Chúa Giêsu dạy các môn đồ của Ngài khẩu nguyện
Cuối cùng, khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Ngài đưa ra cho họ lời để cầu nguyện, dưới hình thức của Kinh Lạy Cha:
Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lu-ca 11: 1–4)
Chúng ta sẽ xem xét kỹ càng hơn phiên bản dài của Kinh Lạy Cha sau (x. Mát-thêu 6:9–13). Lúc này, điểm chính yếu là khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, thì Ngài đã cho họ những lời nhất định để nói — lời đầu tiên trong những lời đó là “Cha”. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cầu nguyện như Ngài cầu nguyện. Khi dạy họ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cho thấy Ngài vừa là thấy dạy vừa là kiểu mẫu của việc cầu nguyện bằng lời nói.
Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre
0 nhận xét:
Đăng nhận xét