Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XXIII, Mùa Thường niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc. 7, 31-37)

Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

 


 

Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta giai thoại Đức Giêsu chữa lành một cách thật kỳ diệu một người bị câm điếc. Người ta mang đến cho Đức Giêsu một người bị câm điếc và người ta cầu xin Người đặt tay chữa lành anh. Nhưng trái lại, Đức Giêsu lại thực hiện trên người câm điếc này những loạt những cử chỉ: trước tiên, Người đưa anh ra một nơi xa, xa hẳn đám đông dân chúng. Trong dịp này, cũng như trong những trường hợp khác, Đức Giêsu luôn luôn hành động một cách kín đáo. Người không muốn gây ấn tượng mạnh nơi dân chúng, Người không hề tìm cho mình được lòng dân chúng, hay được thành công, nhưng Người chỉ muốn làm điều thiện, làm điều tốt lành cho mọi người. Qua thái độ này, Người dạy chúng ta rằng, điều thiện phải được thực hiện cách âm thầm, không phô trương khoác lác, “không kèn không trống”. Việc thiện phải được thực hiện trong sự thinh lặng.

Khi Đức Giêsu đã ở riêng ra một nơi, thì Người liền đặt các ngón tay của Người trong đôi tại của người câm điếc, và Người dùng nước miếng của Người xức vào lưỡi của người câm điếc. Cử chỉ này đưa chúng ta về lại biến cố Nhập Thể. Con Thiên Chúa là một con người đã đi vào trong thực thể nhân văn: Người đã làm người, chính vì thế, Người có thể hiểu được thân phận khó nhọc của một con người khác, và Người can thiệp với một cử chỉ, mà qua đó, bao hàm cả nhân tính của Người. Và đồng thời, Đức Giêsu cũng muốn làm cho chúng ta hiểu rằng, phép lạ có được là nhờ Người kết hợp với Cha của Người; và để được thế, Người ngước mắt lên trời. Đoạn Người thốt lên một tiếng thở dài, và Người đọc lời mang tính quyết định: “Effata!”, nghĩa là: “Ngươi hãy mở ra!” Và ngay lúc ấy, người câm điếc đã được chữa lành: đôi mắt của anh đã được mở ra, và lưỡi của anh đã được tháo cởi. Đối với anh, chữa lành này là một sự “mở ra” với người khác và với thế giới.

Trình thuật Phúc Âm hôm nay làm nổi bật nét đòi hỏi phải có một sự chữa lành kép. Trước tiên, chữa lành khỏi bệnh tật, và khỏi sự đau khổ về mặt thể lý, để thân xác phục hồi được sức khỏe, ngay cả khi chúng ta không đạt được một cách hoàn toàn mục đích tính này trong viễn tượng trần thế, dầu cho có nhiều nỗ lực về mặt khoa học và y học. Nhưng chúng ta cũng thấy có một vụ chữa lành thứ hai, có thể là khó khăn hơn nhiều, đó là chữa lành khỏi sự sợ hãi. Chữa lành khỏi sự sợ hãi, một sự sợ hãi làm cho chúng ta gạt ra ngoài lề xã hội bệnh nhân, gạt ra ngoài lề xã hội con người đang đau khổ, con người khuyết tật. Và có nhiều hình thức gạt ra ngoài lề xã hội như thế, thậm chí với một sự thương hại mang tính giả hiệu, hay bằng cách loại trừ vấn nạn; người ta vẫn cứ sống cấm điếc, khi đối diện với những nỗi đau khổ của những con người bị ghi dấu bởi bệnh tật, bởi những âu lo và bởi những khó khăn vất vả. Rất nhiều khi bệnh nhân và người đau khổ trở thành một vấn nạn cho chúng ta, thay vì phải trở nên dịp để chúng ta và xã hội có thể biểu lộ sự ân cần, và tình liên đới đối với những con người yếu đuối nhất.

Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta bí quyết của một phép lạ mà chúng ta cũng có thể lập lại, khi chúng ta trở nên những con người chủ chốt trong phép lạ “Effath”, những con người chủ chốt của từ ngữ này, của từ ngữ “Ngươi hãy mở ra”, mà qua đó, Đức Giêsu đã cho người câm điếc được phục hồi lại lời nói và thính giác. Ở đây muốn nói đến việc chúng ta mở rộng lòng ra với những điều cần thiết của anh chị em chúng ta đang đau khổ, và đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, bằng cách từ chối tính ích kỷ và sự khép kín con tim. Chính con tim, nghĩa là hạt nhân sâu xa của con người, mà Đức Giêsu đã đến để “mở ra”, đã đến để giải phóng, để mang lại cho chúng ta khả năng sống trọn vẹn mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người đã làm người, để cho con người vì tội lỗi đã bị câm điếc về mặt nội tâm, lại có thể lắng nghe lời Thiên Chúa, lời Tình Yêu đang nói với con tim của con người, và như thế, học biết đến phiên mình, cũng nói ngôn ngữ của tình yêu, bằng cách biểu lộ ngôn ngữ này qua những cử chỉ quảng đại và tận hiến.

Ước gì Đức Maria, Đấng đã hoàn toàn “mở rộng lòng” đón nhận tình yêu Chúa, giúp chúng ta mỗi ngày, trong đức tin, trải nghiệm được phép lạ “Effath”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét