Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- Tín thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa

Trong kế hoạch của Thiên Chúa, không có gì là ngẫu nhiên. Không bao giờ có sự va chạm của các lực lượng mù quáng, làm tổn thương chúng ta cách ngẫu nhiên. Thay vào đó, có sự gặp gỡ giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người, nếu có sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa của chúng ta thì đó là lợi ích lớn nhất, là ý nghĩa của sự kiện, mặc dù chúng ta không hiểu được nó. Mọi người đều như một đứa trẻ nằm trong vòng tay yêu thương của người mẹ hiền, một người mẹ đôi khi đưa thuốc đắng cho con. Thiên Chúa đã gửi đến những sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đứa trẻ khóc, người ích kỷ thì chống đối, nhưng người công chính thì hài lòng, bởi vì biết rằng Thiên Chúa biết rõ điều gì là tốt đẹp nhất cho tôi. Như vậy, nỗi cay đắng và sự ngọt ngào, niềm vui và nỗi buồn của mỗi giây phút là chất liệu thô của sự thánh thiện. “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).

Mọi sự việc bây giờ trở nên một huyền nhiệm, bởi vì nó chuyên chở ý muốn của Thiên Chúa. Không có gì là vô nghĩa hay buồn tẻ, mọi sự đều có thể được thánh hóa, như chiên và dê, cá và hạt lúa, cây nho và lỗ kim đều trở nên những dụ ngôn về nước Thiên Chúa. Những điều mà kẻ khôn ngoan theo kiểu thế gian chà đạp dưới chân đã trở nên quý giá như viên ngọc đối với những người công chính, vì họ thấy “sự tốt lành trong mọi sự.” Ngay cả những cay đắng của gánh nặng cuộc đời cũng biến thành niềm vui của họ, vì có những kho báu thiêng liêng nằm dưới vẻ ngoài xấu xí, thô thiển.

Ngay cả có những kẻ lừa đảo, vu khống chúng ta thì việc đó cũng có thể trở nên cơ hội để chúng ta càng kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Mọi nghịch cảnh đều có thể được chuyển thành điều tốt lành cho những ai đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Nếu xem những thử thách như xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, người ta sẽ không bao giờ ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mỗi thử thách là một cơ hội để lớn lên trong tình yêu và đức tin vào Thiên Chúa. Nếu phó thác bản thân cho tình yêu Thiên Chúa, như đứa trẻ trong tay mẹ hiền, thì chúng ta sẽ thấy mọi sự việc đều xảy ra đều nhằm điều tốt đẹp nhất cho mình dù chúng ta không hiểu được.

Mỗi người tự quyết định mình đang ra sức làm việc vì điều mình đang ước muốn phần thưởng nào. Nếu chúng ta không nhắm đến sự sống vĩnh cửu, việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ hướng đến lời ca ngợi của những người khác. Chúa Giêsu biết điều này nên Ngài nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1). Và Ngài còn nói thêm: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,32- 35).

Chúa Giêsu đã liệt kê những việc lành nhỏ bé như việc cho người là một chén nước và bảo đảm rằng chúng ta sẽ có một phần thưởng nếu chúng ta làm việc đó vì Thiên Chúa, vì yêu mến Chúa.

Giống như những điều kiện để một kẻ chạy đua trên thao trường đoạt giải thưởng, một tâm hồn muốn chạy nhanh đến ơn cứu độ đời đời cũng phải có một số điều kiện. Trước hết, phải được tái sinh nhờ bí tích Rửa tội, phải sống trong tình trạng có ơn thánh sủng để làm những việc siêu nhiên. Nhành nho phải gắn liền với cây nho mới sinh trái được. Tất cả mọi việc lành của một người phải ở trong tình trạng có ơn thánh sủng mới đáng được ơn cứu độ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguyên nhân chính của mọi công nghiệp. “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15, 10).

Kế đến, linh hồn phải tự do. Không có công nghiệp nếu người ta bị cưỡng bách để thi hành. Khi chúng ta đáp lại tác động của Thiên Chúa, sự góp phần của chúng ta là chân thực. Thiên Chúa và con người cùng cộng tác với nhau. Sau cùng, bất cứ điều gì chúng ta làm phải là một việc lành luân lý. Không có những hành vi trung tính khi người ta ở trong tình trạng có ơn sủng, mỗi hành vi hoặc là đáng thưởng hoặc không đáng thưởng.

Những hành động chúng ta làm là tốt về mặt luân lý thì mỗi nhiệm vụ hay bổn phận giống như một tấm séc để trống. Giá trị của nó sở hữu tùy thuộc vào tên người ký trên đó; công việc được thực hiện vì lợi ích của tôi hay vì Thiên Chúa. Chính động lực của công việc là điều làm cho người ta nên thánh hay không; sự thánh hóa không phụ thuộc vào nơi chốn, công việc hay hoàn cảnh. Một số người tưởng tượng rằng nếu họ ở chỗ khác, hay có nghề nghiệp khác, hay có nhiều tiền hơn, họ có thể làm cho việc của Chúa tốt đẹp hơn. Sự thật là: bất kể họ làm nghề gì, thì điều quan trọng là họ có làm theo ý Thiên Chúa hay không, có làm vì lòng mến Chúa hay không.

Chúng ta không cần tạo ra thập giá cho riêng mình, nhưng hãy đón nhận mọi điều Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta và làm cho chúng trở nên ích lợi nhất về mặt thiêng liêng cho chúng ta. Người thư ký soạn thảo văn bản, người nông dân cày trên mảnh ruộng, bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân, sinh viên miệt mài học tập, bệnh nhân chịu cảnh đau đớn trong thân xác, người mẹ chăm sóc cho con nhỏ, mỗi công việc bổn phận như thế có thể trở nên cao quí và đem lại ích lợi tâm linh nếu chúng được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, vì lòng yêu mến Chúa.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét