Mới tuần trước, tôi ở Tu viện St. Joseph ở Covington, LA, không xa New Orleans. Tôi đến đó với khoảng ba mươi vị tu viện trưởng của Dòng Benedictine từ khắp nước Mỹ tụ họp cho vài ngày thinh lặng và tĩnh tâm.
Trên các bức tường của nhà thờ tu viện và tòa nhà của tu viện Thánh Giuse là những bức tranh tuyệt vời do cha Gregory de Wit thực hiện. Cha Gregory de Wit, một tu sĩ tại tu viện Mont César ở Bỉ, người đã phục vụ nhiều năm tại St. Meinrad, Indiana và St. Joseph's trước khi Ngài qua đời vào năm 1978.
Tôi từ lâu đã ngưỡng mộ nghệ thuật rất riêng biệt, khác thường, là kết quả của việc suy niệm cách sâu sắc về thần học. Phần mái của nhà thờ tu viện, de Wit đã khắc họa một dãy các thiên thần có những đôi cánh tuyệt đẹp đang lơ lửng trên những hình ảnh của bảy mối tội đầu., truyền đạt một chân lý sâu sắc: đó là việc thờ phượng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta thoát khắc phục tình trạng rối loạn chức năng tâm linh của chúng ta . Nhưng điểm mới lạ trong các bức vẽ của de Wit là một tội nguy hiểm thứ tám đã được thêm vào vì cha cảm thấy nó có sức phá hoại tu viện cách nghiêm trọng — chính là nói hành nói xấu
Tất nhiên, cha ấy đã đúng về các tu viện, nhưng tôi dám nói cha cũng rất đúng về các cộng đồng trong xã hội: gia đình, trường học, nơi làm việc, giáo xứ, v.v. Nói hành nói xấu là loại thuốc độc. Bức tranh của De Wit đã như thể nói trước về huấn quyền của Đức Giáo hoàng đương thời. Việc ngồi lê đôi mách là đối tượng mà ĐTC Phanxicô đã khiển trách cách rất cụ thể. Hãy lắng nghe điều này từ một bài chia sẻ gần đây của ĐTC Phanxicô: “Hỡi các anh chị em, hãy cố gắng đừng nói hành nói xấu. Đó là một bệnh dịch tồi tệ hơn COVID. Thật là tệ hơn! Hãy nỗ lực thật nhiều. Đừng nói hành nói xấu! ” Và sợ rằng chúng ta có thể bằng cách nào đó bỏ lỡ vấn đề, ngài tiếp, "Ma quỷ chính là kẻ nói hành nói xấu tồi tệ nhất." Lời bình luận sau cùng này không chỉ là những lời hùng biện hào hùng, nhưng vì ĐTC biết rằng hai tên chính yếu trong Tân Ước cho ma quỷ là diabolos (kẻ phân tán) và Satanas (kẻ tố cáo). Tôi thật không thể nghĩ ra một mô tả tốt hơn về những gì nói hành nói xấu gây ra và nó thực chất của nó.
Cách đây không lâu, một người bạn đã gửi cho tôi một video của Dave Ramsey, một nhà tư vấn tài chính và kinh doanh trên YouTube,. Với sự kịch liệt tương tự ĐTC Phanxicô, Ramsey đã lên tiếng phản đối những lời đàm tiếu ở nơi làm việc, chỉ rõ rằng ông không có chính sách khoan nhượng đối với việc này. Ông ấy đã định nghĩa nó như sau: đó là thảo luận bất cứ điều gì tiêu cực với người không thể giải quyết vấn đề. Để làm cho mọi thứ cụ thể hơn một chút, ví dụ là một người trong tổ chức của bạn sẽ nói về các vấn đề CNTT với một đồng nghiệp không có năng lực hoặc quyền hạn để giải quyết các vấn đề này.
Hoặc ai đó là người đang nói hành nói xấu nếu cô ấy bày tỏ sự tức giận của cô về người chủ với những cấp dưới, những người hoàn toàn không thể phản ứng lại trước những lời chỉ trích của cô ấy bằng cách góp ý mang tính xây dựng.
Ramsey cung cấp một ví dụ cụ thể từ kinh nghiệm của chính ông ấy. Ông kể lại rằng ông đã có một cuộc họp với toàn bộ đội ngũ hành chính của mình, đưa ra một cách tiếp cận mới mà ông muốn họ áp dụng. Ông rời khỏi buổi họp, nhưng sau đó nhận ra rằng đã quên chìa khóa và vì vậy, ông quay trở lại. Ở đó, ông phát hiện ra có “một cuộc họp sau cuộc họp” đang diễn ra, do một nhân viên của ông, cô ta đang quay lưng lại cửa, lớn tiếng và nặng lời tố cáo ông chủ với những người khác. Không do dự, Ramsey đã gọi người phụ nữ đến văn phòng của mình và theo chính sách không khoan nhượng của mình với việc nói xấu, đã sa thải cô ta.
Xin lưu ý bạn, điều này không phải để nói rằng các vấn đề không bao giờ nảy sinh trong xã hội loài người, không phải là những phàn nàn sẽ không bao giờ được nói ra. Nhưng quả thực phải nói rằng chúng nên được thể hiện ra bằng một cách ôn hòa và theo chuỗi mệnh lệnh, một cách chính xác cho những người có thể giải quyết chúng bằng cách đóng góp xây dựng. Nếu phương pháp đó được tuân theo, thì việc nói xấu không đang xảy ra.
Tôi có thể bổ sung thêm vào cái nhìn sâu sắc của Ramsey với John Shea, một giáo viên trước đây của tôi. Nhiều năm trước, Shea đã nói với chúng tôi rằng chúng ta có thể hoàn toàn thoải mái khi chỉ trích người khác tới chính xác mức độ mà chúng ta sẵn sàng giúp người đó giải quyết vấn đề mà chúng ta đã đưa ra. Nếu chúng ta sẵn sàng giúp đỡ đến cùng, chúng ta nên chỉ trích mạnh mẽ như chúng ta ước muốn. Nếu chúng ta có thiện chí giúp đỡ ở mức độ vừa phải, thì sự phê bình của chúng ta phải được giảm thiểu đi. Nếu, như thường lệ, chúng ta không có một chút khuynh hướng nào để giúp đỡ, chúng ta nên im lặng. Đưa ra những lời phàn nàn một cách ôn hòa lên những người có trách nhiệm là điều hữu ích; hướng những lời phàn nàn đó đến những người không có trách nhiệm và thiếu thiện chí, thì chính là nói hành nói xấu — và đó là công việc của ma quỷ.
Cho phép tôi đưa ra một đề nghị thân thiện. Chúng ta đang ở thời kỳ cao điểm của Mùa Chay, mùa của sự sám hối và kỷ luật. Thay vì từ bỏ các món tráng miệng hoặc không hút thuốc lá trong Mùa Chay này, hãy từ bỏ việc ngồi lê đôi mách. Trong bốn mươi ngày, cố gắng không bình luận tiêu cực với những người không có khả năng giải quyết vấn đề. Và nếu bạn cảm thấy bạn muốn từ bỏ quyết tâm này, hãy nghĩ đến các thiên thần của de Wit bay lượn trên bạn. Hãy tin tôi đi, bạn và mọi người xung quanh sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Hello. Tôi là Cha Gregory Pine và tôi thuộc dòng Đa minh của Tỉnh dòng Thánh Giuse. Đây là Kênh Pints with Aquinas. Trong video này chúng ta sẽ nói một chút về tội trọng, đặc biệt là từ khía cạnh làm sao bạn biết bạn đã phạm tội trọng.
Có lẽ điều này thì khó để xác định vì có những điểm không rõ ràng; Có hiện hữu một đường dây mà tôi không nên bước qua? Làm sao tôi có thể xét đoán cách đúng đắn những điều về đạo đức luân lý? Những câu hỏi này đều là tuyệt vời nhưng tôi không biết chúng ta sẽ trả lời tất cả trong video ngắn này. Tuy nhiên, ít nhất chúng tôi có thể cung cấp cho bạn một số nguyên tắc để sống đời sống đạo đức của bạn cách xuất sắc hơn, dẫn tới một đời sống thánh thiện hơn. Đó là điều chúng ta muốn làm nên hãy bắt đầu.
Câu hỏi đưa đến video này được trình bày như thế này: Nhiều lần luồng tư tưởng của tôi hướng về tình dục và tôi không biết khi nào nó là tội năng khi tôi trong tiềm thức nghĩ đến những tư tưởng này. Cha có lời khuyên nào không? [người hỏi dùng sai một chữ]. Luồng tư tưởng bị dính kẹt về những điều tình dục và tôi không biết nếu tôi đã phạm tội trọng? Một câu hỏi tuyệt vời.
Có lẽ một số người không gặp khó khăn với cám dỗ cụ thể này. Có lẽ cho họ, nó là sự tức giận; có lẽ cho họ, nó giống như một kiểu lo lắng thái quá về bất cứ điều gì, nhưng ở điểm nào đó bạn cần tự đặt cho mình câu hỏi: cái đó có phải là tội không, và nếu là tội thì nó có phải là tội nghiêm trọng không?
Khi chúng ta tìm cách phân loại, bạn biết để một tội là tội trọng, nó cần có 3 yếu tố: Trước hết, đó phải là một lỗi nặng, nghĩa là nó là một vấn đề nặng và thường là lỗi phạm đến một trong những Mười điều răn.
Trong giao ước cũ, nếu phạm phải một trong Mười điều răn này thì sẽ phải chịu hình phạt là cái chết. Vì thế những lỗi phạm này đưa đến hậu quả tai hại, là những lỗi phạm đưa đến sự chết.
Trong Giao ước mới, chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các ân sủng của Ngài, chúng ta nghĩ về tội như một điều tai hại hoặc điều đem đến sự chết nhưng theo một nghĩa khác.
Trước đó, trong Cựu ước, bạn sẽ chết vì sẽ mất đi sự sống tự nhiên, bây giờ bạn bị diệt vong và đánh mất sự sống siêu nhiên. Nghĩa là tội trọng thực sự lấy mất đi khỏi bạn đời sống ân sủng. Đó là yếu tố thứ nhất: lỗi nặng
Về những việc nhỏ hơn chẳng hạn như tôi quên tắt điện sau khi mẹ tôi đã ba lần nhắc nhở tôi nhớ tắt điện để không phí năng lượng vì gia đình đang cố gắng giảm tiền điện. Nên đó là một sự việc rất rất nhỏ vì bạn quên đi lời của mẹ, bạn không vâng lời…
Nhưng nếu bạn nghĩ mẹ tôi cứ liên tục cằn nhằn về việc tôi nên tắt điện, nên tôi sẽ làm cho xe mẹ tôi nổ tung từng mảnh. Đó là một vấn đề nặng hơn... Ví dụ đó hữu ích về những vấn đề to lớn.
Kế đến, bạn phải có sự hiểu biết về hành động của mình. Nó không thể là về một việc mà bạn hoàn toàn không hiểu biết gì, hoặc một việc bạn không có chút hiểu biết theo cách không đáng bị khiển trách, và không thể là một việc bạn làm trong lúc mộng du. Những điều trên bạn có thể hiểu. Nói chung, nó là một việc bạn có sự hiểu biết, bạn hiểu về hành động bạn làm, bạn hiểu nó cách nào đó là một hành động tội lỗi; ít nhất, nó không đi ngược lại giáo luật như bạn biết lúc này.
Điểm thứ ba là là bạn đồng ý, bằng lòng với điều đó, bạn ưng thuận đi theo điều đó.
Ở đây, nó không là một hành vi mà bạn bị ép buộc, như thể ai đó thao túng, điều khiển bạn như con robot, ra lệnh: “Hãy phạm tội trọng.” Còn bạn thì phản ứng, “Không.” Kiều đó không đủ điều kiện để là tội trọng.
Nó cũng không là tội trọng khi mà bạn đang quá sợ hãi, đến nỗi bạn như mất trí khiến bạn chạy trốn hoặc làm điều gì đó hoàn toàn khác với tính cách của bạn, tình huống đó cũng không đủ điều kiện để được gọi là ưng thuận.
Vì thế: phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình. Chúng ta muốn xác định trong đời sống nội tâm của mình khi nào thì một điều là lỗi nặng, khi nào là lúc chúng ta có đầy đủ ý thức và khi nào là chúng ta ưng thuận đi theo hướng tội.
Ở đây, tôi nghĩ sẽ hữu ích nếu chúng ta suy nghĩ một hành động tiến hành như thế nào về mặt luân lý.
Thông thường, chúng ta nghĩ một lối hành động nào đó có thể là điều ta chọn lựa; rồi ở một mức độ nào đó, bạn muốn hành động đó. Chẳng hạn như bạn nghĩ thật ngầu để có thể bay lượn trên không và bạn có ý định tôi sẽ tậu cho mình bộ đồ bay, và sau đó là hàng tá các lựa chọn mà bạn thấy phù hợp nhất. Ok, tôi có thể có một bộ đồ nhảy như mấy chú sóc ấy, hoặc tôi có thể mua cho mình một chiếc tàu lượn… Rồi bạn có thể ưng chọn một trong những lựa chọn đó: tôi thực sự thích bộ đồ nhảy như mấy con sóc. Sau đó, bạn lập ra kế hoạch để thực hiện điều mình muốn, như: tôi sẽ leo lên đỉnh vách đá El Capitan với bộ đồ bay của mình, rồi tôi nhảy xuống, mà tôi cũng đã xem mấy cái video kiểu như vậy rồi, chả có gì nguy hiểm xảy ra đâu. Chắc hẳn tuyệt lắm ấy. Rồi bạn thực hiện kế hoạch đó: tôi đang rơi xuống… tôi cố gắng để giữ hai cánh tay dang ra, nhưng quả là khó khăn. Đến giai đoạn cuối cùng, bạn như thể có được cảm nghiệm dễ dàng trong việc bay… tôi thích bay như thế này. À, ở đây những gì tôi dùng không áp dụng được vì hình như tôi đang hướng về nơi rất nguy hiểm…
Vì thế, chúng ta nói về hoạt động của tâm trí dù ví dụ tôi đưa ra mô tả về hoạt động tổng hợp của tâm trí và thể lý. Khi chúng ta nói về hoạt động của tâm trí, chúng ta quan sát và thấy được những giai đoạn tiến triển nhất định và một ý tưởng bất thình lình đến với tâm trí chúng ta, hoặc gõ cửa lòng của ta.
Trong quá trình, chúng ta cách nào đó cho một ý tưởng đi vào do không ý thức, kiểu: ồ, nó là như vậy, ồ thật thú vị. Rồi có một khoảnh khắc chúng ta sẽ nắm lấy ý tưởng đó, chúng ta có ý chọn nó. Qua cách đó chúng ta mở cửa tâm hồn cho ý tưởng ấy đi vào. Rồi từ đó, chúng ta sử dụng ý tưởng hoặc nghĩ tưởng về nó cách có ý thức hoặc thao túng ý tưởng và đưa ra kế hoạch để thực hiện nó. Tôi nghĩ những bước đó là cách chúng ta suy tưởng ra phương thế, chúng ta chấp nhận những phương thế, rồi chúng ta chọn những phương thế đó. Sau đó, bạn có thể thấy mình đang bận rộn thực thi kế hoạch đưa ra trong tâm trí và cuối cùng vui thích với những kết quả của kế hoạch đó.
Ở mỗi giai đoạn, chúng ta chứng tỏ mình dấn thân trọn vẹn vào kế hoạch đó. Vì thế có sự dấn thân trong tư tưởng, có sự dấn thân yêu thích kế hoạch đó. Cho nên, đó là điều chúng ta biết, là điều chúng ta chọn. Ở mỗi giai đoạn chúng ta chứng tỏ mình tận tâm với kế hoạch đó hơn, chúng ta chứng tỏ hành động đó đánh dấu, như thể mô tả về bản thân nhiều hơn.
Tôi nghĩ không dễ để xác định khi nào là lúc bạn đã bước ra khỏi đường giới hạn bằng việc xem xét những hành vi nội tâm tinh tế. Tôi nghĩ rằng một dấu hiệu chắc chắn bạn đã phạm tội trọng là những điều chúng ta đã nói đến: một lỗi phạm nặng, điều bạn có đủ suy nghĩ cặn kẽ. Bạn phạm một tội trọng khi bạn vui thích làm nó. Vì đó là một bằng chứng cho thấy bạn đã kết thúc hành động đó hoặc bằng chứng là bạn đã theo đuổi một sự việc cho đến khi bạn đạt được đích của nó.
Nếu bạn quay trở lại những giai đoạn đó, tôi nghĩ có lẽ phần giữa, khi bạn thấy mình đang tìm cách vận dụng ý tưởng đó, suy nghĩ về nó cách có ý thức hơn, bạn đang ở ngay bên đường vạch ra giới hạn.
Thật không có cách nào mà chúng ta có thể xác định cách chính xác, chẳng hạn như nếu bạn nghĩ về nó 4 hoặc 5 giây, bạn không phạm tội trọng; nhiều hơn 5 giây, bạn đã phạm tội trọng. Thật là khó không chỉ về việc xác định [tội trọng] theo cách đó nhưng còn là vì hành động chúng ta đang xem xét có thể nghiêm trọng nhưng không quá nghiêm trọng. Chúng ta phải nhìn vào tình huống và xem mức độ khó khăn nào đã đưa đến hành động đó. Vì lý do đó, mỗi điều kiện đòi hỏi sự cân nhắc thích hợp. Vậy chúng ta phải làm gì đây?
Phản ứng của một số người đòi hỏi rõ ràng về mặt luân lý thì như kiểu xác định… kiểu như đánh giá từng trường hợp dựa trên những yếu tố riêng của nó... Lập ra một danh sách, nếu đặt trong trường hợp này thì sẽ không có tội, còn trong trường hợp khác thì lại có tội. Trong thời điểm và nơi chốn này thì có tội, còn trong thời điểm nơi chốn khác lại không; nếu bấy nhiêu giây thì… bạn hiểu ý tôi muốn nói. Nhưng tôi nghĩ điều đó thực sự không có hiệu quả cho chúng ta. Tôi nghĩ làm như vậy thì thực sự không hữu ích.
Tôi nghĩ việc hữu ích hơn là hiểu những nguyên tắc. Vì vậy để hiểu tội trọng là gì, hiểu cách phân biệt tội trọng và tội nhẹ, có một ý thức cơ bản về các giai đoạn của hành động đạo đức, suy nghĩ về các nhân đức, những sự mà sẽ huấn luyện chúng ta theo đuổi sự tốt lành và tránh xa sự dữ. Rồi tìm cách phát triển đời sống đạo đức của chúng ta theo hướng đó.
Bí tích Giải tội là nơi chúng ta cần biết những tội trọng mình đã phạm, là nơi tuyệt vời để qua đó chúng ta đón nhận ân sủng của Chúa và đón nhận động lực để luôn tiến trên con đường hoán cải. Nhưng bí tích Giải tội không đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức hoàn hảo, chính xác về mỗi lần chúng ta phạm tội trọng. Bạn có thể vào tòa giải tội và nói con không biết tội này nặng hay nhẹ, nhưng đây là bối cảnh và bạn phạm bao nhiêu lần. Như thế là đủ.
Ân sủng Chúa sẽ chữa lành vết thương tội để lại, hồi phục bạn về trạng thái trong trắng, hồi phục ơn được nhận làm con cái của Chúa và giúp bạn tăng trưởng hướng về sự tốt lành mà bạn đang phấn đấu để có được. Nên tôi sẽ nói đừng quá lo lắng về việc xem xét những sắc thái tinh tế của tội, hoặc lỗi lầm đạo đức. Thay vì vậy, hãy chọn việc thấm nhuần/ hiểu thấu những nguyên tắc mà sẽ trang bị để bạn sống đời sống đạo đức luân lý của mình theo cách mẫu mực, cách xuất sắc, cách bạn không còn cần cân nhắc tội nặng nhẹ nữa.
Như vậy có phải là chúng ta trở nên cẩu thả trong đời sống đạo đức của mình, và nói, có lẽ cái đó không sao, cái này không gì phải lo… Không, thưa không. Tôi không khuyến khích lối sống đó, tôi không khuyến khích chủ nghĩa lỏng lẻo. Đồng thời tôi cũng không khuyến khích sự cứng nhắc.
Điều tôi đang khuyến khích là một kiểu sống trân trọng, khôn ngoan, không cứ để tội lỗi ám ảnh, tội không là trọng tâm của cuộc sống nhưng là chú tâm vào Chúa, Đấng có khả năng lấy khỏi cuộc sống chúng ta những tình huống tội lỗi đó và hướng tâm trí chúng ta đến những sự trên trời, những sự đáng được chú ý hơn rất nhiều.
Vâng, trong đời sống đạo đức luân lý, sống sao để tội không có chỗ để xuất hiện đem lại nhiều kết quả hơn là nghĩ về cách để loại trừ tội lỗi. Vì nếu chúng ta cố gắng nhổ gốc rễ của tội, chúng ta sẽ bị kiệt sức. Nhưng nếu cuộc sống chúng ta không có chỗ cho tội, đó là nếu chúng ta nuôi dưỡng mối quan hệ với Chúa, để mối quan hệ ấy ngày càng chiếm hết cuộc sống của chúng ta, ngày càng xác định con người chúng ta hơn, tôi nghĩ sau nhiều năm tháng, bạn bỗng nhận ra những thứ trước đây làm chúng ta bận tâm, không còn là gì nữa vì Chúa đã đưa chúng ta vượt ra khỏi nó, vì Chúa đã nắm lấy tay chúng ta và dẫn đưa chúng ta ngày càng đi sâu vào đời sống Thiên Chúa, sự sống mà Ngài hết sức ao ước chia sẻ với chúng ta. Vì thế, cách đó không là coi thường câu hỏi, mà là đặt nó vào một bối cảnh mà nó sẽ giúp chúng ta đạt nhiều lợi ích hơn, xem xét nó cách có hiệu quả nhất. Thưa các bạn, đó là tất cả những gì tôi có ý định nói trong video này.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (4:1-13)
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Đây có phải là thử thách thật đối với Chúa Giêsu? Đây có là một cám dỗ thật cho Ngài? Tôi nghĩ nó là thật, theo cách là nơi bản tính con người của Ngài, Chúa Giêsu ao ước để tỏ lộ bản chất thật của Ngài, để được mọi người tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa – nhiều người sẽ tin nếu họ nhìn thấy Ngài bay trên không trung của Núi Đền thờ. “Rõ ràng ông này là con của Thiên Chúa, hoặc rõ ràng người này có quyền năng từ Thiên Chúa.” Thế nhưng, đó không phải là những gì họ đã nói khi Ngài bị treo trên thập giá ở đồi Canvê. Họ nói, “Nếu ông là Con Thiên Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập tự giá.” Lời này lặp lại lời cám dỗ của Sa-tan trong đoạn Kinh thánh này: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy chứng minh điều đó. Hãy chứng minh nó.”
Và Chúa Giêsu đã làm gì? Trong mỗi trường hợp cám dỗ, việc Chúa Giêsu làm là Ngài gánh chịu nơi bản thân mình những cám dỗ của Ađam và chiến thắng chúng. Trong khi Ađam sa ngã vì dục vọng của tính xác thịt, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Ađam sa ngã vì dục vọng của đôi mắt, thì Chúa Giêsu đã chiến thắng nó. Ađam bị sự kiêu ngạo khống chế, Chúa Giêsu đã khiêm nhường và vâng lời thánh ý của Cha mình. Chúa Giêsu là một Adam mới, Ngài tiêu hủy hậu quả của sự sa ngã của Ađam.
Nếu bạn có chút nghi ngờ nào về điểm này, bạn hãy nhớ rằng Luca 4:1 là phần khởi đầu của tường thuật Chúa chịu cám dỗ và nó xuất hiện ngay sau Luca 3:38, là phần cuối trong gia phả của Chúa Giêsu. Gia phả của Chúa Giêsu trong Phúc âm thánh Luca không giống với Mát-thêu. Mát-thêu bắt đầu với Áp-ra-ham và Đa-vít, sau đó mới đến Giô-sép. Gia phả của Lu-ca bắt đầu với Giô-sép và đi ngược lại đến Ađam. Cụm từ cuối cùng của gia phả, trước tường thuật về cuộc cám dỗ trong Phúc âm Lu-ca là, “Sết con A-đam và A-đam là con Thiên Chúa.”
Thánh sử Luca vừa nói với chúng ta về Ađam. Lúc này Luca nói về Chúa Giêsu đi vào sa mạc, gánh chịu ba cám dỗ, những cám dỗ của Ađam xưa và cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang vượt thắng chúng. Đó là những gì đang diễn ra qua ba cám dỗ trong sa mạc, đó là lý do tại sao chúng ta dùng bài đọc này cho Mùa Chay. Vì chúng ta thực sự đúc kết lại nơi bản thân mình những cám dỗ của Chúa Giêsu.
Cũng như Chúa Giêsu đã trải qua bốn mươi ngày bốn mươi đêm trong sa mạc, chúng ta cũng bước vào 40 ngày 40 đêm của Mùa Chay. Và trong thời gian này, chúng ta được kêu gọi làm ba điều: cầu nguyện (cách chuyên cần và sốt sắng hơn), ăn chay (các triệt để hơn), và bố thí (cách quảng đại hơn). Đây là lý do tại sao bài đọc cho Thứ Tư Lễ Tro là từ Mát-thêu chương 6. Khi anh em cầu nguyện, đừng phô trương; khi anh em ăn chay (phải là một phần của cuộc sống, chứ không là nếu/khi mà anh em ăn chay), đừng cho ai biết; và khi anh em bố thí, đừng khua chiêng đánh trống, hãy làm cách kín đáo. Mỗi một trong ba chỉ thị mà Chúa Giêsu đưa ra trong Bài Giảng Trên Núi (và trong bài đọc ngày thứ Tư Lễ Tro) được gắn liền với ba cơn cám dỗ.
Vậy tôi phải làm gì để chiến thắng dục vọng của tính xác thịt? Tôi làm cách nào để chống lại rối loạn ham muốn của mình đối với khoái cảm xác thịt? Bằng cách làm cho ao ước đó mất đi nhờ việc hãm mình ép xác của ăn chay. Điều này rất là quan trọng. Chúa Giêsu cho rằng các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay và Giáo hội kêu gọi chúng ta không chỉ ăn kiêng (kiêng thịt) trong các ngày thứ Sáu Mùa Chay, nhưng Giáo hội đọc những lời Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta ăn chay.
Hiện nay, chúng ta chỉ buộc ăn chay vào thứ Tư Lễ tro và thứ Sáu Tuần Thánh, đó là hai ngày ăn chay ràng buộc. Nhưng truyền thống của Giáo hội từ xa xưa đã là Mùa Chay là mùa ăn chay. Vì vậy, bất cứ việc kiêng ăn nào bạn làm (hoặc không làm) trong Mùa Thường niên, cần được tăng cường trong Mùa Chay; chúng ta cần phải có một cam kết sẽ ăn chay. Không phải vì thức ăn là tội lỗi, mà là vì nó ngon, vì chúng ta quá gắn bó với nó. Cho nên để gầy dựng nhân đức khỏi dính bén vào dục vọng của tính xác thịt, chúng ta ăn chay.
Cũng vậy với dục vọng của đôi mắt. Bạn có gặp khó khăn với những rối loạn ham muốn để có sở hữu không? Vậy thì hãy bố thí. Thực hiện các hành động bác ái và bố thí trong Mùa Chay - không chỉ trong dịp Lễ Giáng sinh mà cả trong Mùa Chay - để giúp gầy dựng nhân đức không bị gắn chặt vào của cải.
Và cuối cùng, cầu nguyện giúp chúng ta phát triển đức tính khiêm nhường. Bạn có kiêu căng tự phụ không? Bạn có tính ích kỷ, tự ái không? (Nếu bạn là thuộc về giống người, xin hãy nói có). Vậy thì hãy cầu nguyện. Tăng cường việc cầu nguyện của bạn, bởi vì nhờ cầu nguyện, chúng ta biết khiêm tốn hơn. Vì nếu bạn cố gắng cầu nguyện cho bất kỳ khoảng thời gian dài ngắn nào, bạn sẽ học biết cách rất nhanh chóng rằng bạn không biết cầu nguyện. Bạn có đủ năng lực để làm mọi việc khác trong cuộc sống, cho dù đó là kinh doanh hay tài chính hay bất kỳ kỹ năng nào, nhưng về cầu nguyện, bạn giống như một đứa trẻ chỉ đang lẫm chẫm bước ở phía cạn của hồ bơi.
Vì vậy, chúng ta cần phát triển sức mạnh của mình, phát triển nhân đức khiêm nhường, nhận biết rằng cầu nguyện là một món quà Chúa ban và lớn lên trong việc cầu nguyện là một ân sủng. Chúng ta cần sự hỗ trợ của Chúa để cầu nguyện.
Vì vậy, những kỷ luật tâm linh cho Mùa Chay theo truyền thống là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Trong Mùa Chay này, đừng chỉ ăn chay để giảm một vài cân hay kiêng ăn sô cô la. Chúa Giêsu không đến thế gian để chúng ta kiêng sô-cô-la bốn mươi ngày một năm. Ngài đến thế giới để giúp đỡ chúng ta, để đỉ ra cho chúng ta rằng chúng ta có thể vượt qua ba dục vọng này. Ngài đã vượt thắng nó, đã ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh để cũng chiến thắng được nó. Ngài ban cho chúng ta những kỷ luật thiết thực để có thể làm điều đó: cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Và nếu bạn sống đời tu trì, nếu bạn sống đời thánh hiến, bạn sống điều đó một cách triệt để trong cuộc sống qua ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Trích bài giảng được coi như của thánh Gio-an Kim Khẩu.
Cầu nguyện hay nói chuyện với Thiên Chúa là điều cao quý nhất. Cầu nguyện là hiệp thông, là nên một với Người. Đôi mắt sáng lên khi nhìn thấy ánh sáng, tâm hồn hướng lên Thiên Chúa cũng được rạng ngời nhờ ánh quang khôn tả của Người. Cầu nguyện không phải là một cử chỉ bên ngoài, nhưng là một hành động phát xuất tự thâm tâm. Cầu nguyện không bị giới hạn vào thời gian giờ giấc, nhưng được thực hiện không ngừng bất kể ngày đêm.
Thật vậy, không phải khi nghĩ đến cầu nguyện, ta mới vội hướng tâm hồn lên cùng Chúa; nhưng cả khi đang bận bất cứ việc gì, như chăm sóc người nghèo, hay lo những việc thiện khác, ta cũng phải có lòng khát khao và tưởng nhớ Thiên Chúa. Thế nên, như thức ăn nêm muối, việc làm của chúng ta thấm đượm tình yêu mến Thiên Chúa sẽ trở nên mặn mà trước mặt Chúa Tể càn khôn. Nhưng nếu biết dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện, thì suốt đời ta sẽ được hưởng một lợi ích lớn lao.
Cầu nguyện đem ánh sáng cho tâm hồn, giúp con người thật sự hiểu biết Thiên Chúa và nối kết Thiên Chúa với con người. Nhờ cầu nguyện, tâm hồn được nâng lên thiên giới và kết hợp với Chúa cách khăng khít tuyệt vời. Như bé thơ kêu khóc đòi mẹ, tâm hồn thèm khát sữa thần thiêng. Nhờ cầu nguyện, tâm hồn nói lên những ước vọng sâu xa của mình và được nhận những ân phúc còn lớn lao hơn cả vũ trụ hữu hình.
Cầu nguyện hiện diện trước Thiên Nhan như vị sứ giả thần thế, đem lại niềm vui cho cõi lòng và an bình cho tâm tư. Khi tôi bàn về cầu nguyện, bạn đừng tưởng là phải nói ra lời. Đó là niềm khát khao Thiên Chúa, là lòng mến yêu khôn tả, không phải bởi người phàm mà do ơn Chúa ban, như lời thánh Tông Đồ: Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.
Lời cầu nguyện như thế, Chúa ban cho người nào, thì đó quả là một kho tàng không ai lấy mất được, một thứ lương thực bởi trời làm cho tâm hồn no thoả. Ai đã nếm cảm thì lòng sẽ bừng lên niềm khao khát Thiên Chúa khôn nguôi, như ngọn lửa mãnh liệt thiêu đốt cả tâm hồn.
Để lời cầu nguyện của bạn được trọn bề hoàn hảo, bạn hãy lấy đức hiền hậu khiêm nhu mà tô điểm ngôi nhà tâm hồn, lấy cuộc đời công chính mà chiếu soi cho rực rỡ, lấy việc lành phúc đức mà tô điểm, đem đức tin và lòng cao thượng như đá quý mà dát vào tường. Trên tất cả, bạn hãy đặt cầu nguyện làm nóc để hoàn tất ngôi nhà. Và như thế, bạn chuẩn bị cho Thiên Chúa một ngôi nhà hoàn hảo. Nơi đây, bạn đón rước Thiên Chúa như trong cung điện vương giả và lộng lẫy. Ngay từ bây giờ, nhờ ơn thánh, bạn đã có chính Chúa ngự trong tâm hồn ví như pho tượng trong đền thờ.