Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Chúa nhật thứ VIII Mùa Thường niên, năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10:13-16)

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 


 

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre:

Trong câu này Chúa Giêsu nói, “Xem quả thì biết cây,” vì người tốt (và điều này thật đáng chú ý), từ kho tàng tốt trong lòng mình, sinh ra điều thiện; và kẻ ác, từ kho tàng xấu xa, sinh ra cái ác. Chúng ta hãy dừng một chút ở đây.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh kho tàng rất nhiều trong các Phúc âm. “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” Chúng ta thường có hình ảnh của một kho bạc, nơi trữ tiền. Và Chúa Giêsu dùng hình ảnh đó cho kho tàng trên trời, một kho báu của những công đức, một kho báu thiêng liêng.

Và điều thú vị về điều này là trong cả hai trường hợp, vị trí của kho tàng là trái tim. Từ kho tàng tốt của lòng mình, phát sinh hoa quả tốt. Trong ngữ cảnh này, bạn có thể đã nghe mọi người nói, “Nhìn quả, biết cây”. Thứ hoa quả cụ thể nào được nói đến trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đang tập trung vào? Chúa đang chú tâm đến lời lẽ của chúng ta, những gì chúng ta thốt ra. Vì ở phần cuối, Chúa Giêsu nói, “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.”  Nghĩa là có một kết nối trực tiếp giữa trái tim và miệng lưỡi của chúng ta.

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu nói những tính xấu và những nhân đức phát ra từ lời độc địa hoặc những lời lẽ tốt lành, việc chúng ta phạm tội qua miệng lưỡi của mình. Trong Bài giảng trên núi, điều này hợp lý vì phần sau của bài giảng nói về điều gì? Phán xét người khác, lên án người khác, chúc phúc cho những người nguyền rủa chúng ta, cầu nguyện cho những người bắt bớ chúng ta. Tất cả những điều đó là những điều chúng ta làm bằng miệng lưỡi của mình, và hãy lưu ý điều này, trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đang muốn các môn đệ hiểu họ bắt chước Ngài cách nào. Chú ý rằng Chúa Giêsu không dành trọn vẹn bài giảng này nói về tội lỗi của xác thịt (không phải những điều đó không quan trọng); nhưng trước hết, Ngài nói về những tội lỗi của miệng lưỡi, “vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Và bởi vì trong Bài giảng trên núi, Ngài đang chú tâm đến trái tim của con người, Ngài muốn biến đổi nó và việc điều đầu tiên Ngài phải làm là biến đổi miệng lưỡi chúng ta, thay đổi những gì chúng ta sẽ nói.

Một lần nữa, tôi ngay lập tức nghĩ đến điều Chúa dạy ở đây có ý nghĩa thế nào với hoàn cảnh chúng ta hôm nay với các phương tiện truyền thông xã hội, về cơ bản là một bục diễn thuyết quốc tế khổng lồ, nơi mọi người có thể truyền thông cho nhau, nói những điều mà người kia không biết, và không lo lắng về bất kỳ loại hậu quả nào xảy ra như trong cuộc trò chuyện trực tiếp với nhau. Vì thế, người ta nói ra những điều họ không nên nói, nói cách thiếu cẩn thận, họ xét đoán cách liều lĩnh.

Tôi có kinh nghiệm của riêng mình về điều này khi tôi  bước vào thế giới đó và cố gắng lèo lái trong bối cảnh đó. Đôi khi tôi rất buồn và thất vọng trước những điều mà tôi thấy các Kitô hữu phát biểu trên thế giới truyền thông. Ngay cả những người lãnh đạo trong Kitô giáo mà chúng ta kính trọng. Nhưng khi họ nói tự phát (không trong các bài diễn thuyết) trong bối cảnh truyền thông xã hội, cũng bộc lộ những phán xét và lên án mà thực sự (ít nhất là theo ý kiến ​​của tôi) cần có sự dè dặt và cẩn thận mà Chúa Giêsu dạy trong Bài giảng trên núi: không xét đoán cách cầu thả, không lên án. Và điều đó thật đáng lo ngại vì nếu Chúa Giêsu nói đúng (và Ngài luôn là đúng), “lòng có đầy, miệng mới nói ra,” thì nếu những Kitô hữu dùng lời lẽ cắn xé nhau thì trái tim chúng ta đang được đặt ở nơi đâu? Chúng ta có thực sự để Bài giảng trên núi thuần hóa bản thân chưa? Chúng ta có noi gương Thầy chúng ta khi Ngài dạy các môn đệ hãy biết mình là ai ngày càng rõ hơn, về bản thân tội lỗi của mình? Không quay qua quay lại, lo tìm cái rác trong mắt người khi chúng ta còn có cái xà trong mắt mình? Thật dễ để rất hăng say ghét tội của người khác. Ghét tội mình thì khó hơn rất nhiều. Và đó là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta làm.

Share:

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Hãy yêu thương kẻ thù

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (6:27-38)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

 


 

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre

[Trong đoạn Phúc âm này] Chúa Giêsu lấy từ đó (agapao) và Ngài nói, “Ta muốn các ngươi yêu kẻ thù của mình.” Phản ứng tức thì mà mọi người có lẽ đã có thời đó và tôi chắc chắn cả ngày nay nữa là, “Làm sao tôi có thể yêu một người đã làm tổn thương tôi? Điều đó có nghĩa là gì? Tình yêu có dáng vẻ nào?”

Yêu thương kẻ thù thì đặc biệt khó khăn đối với chúng ta, những người sống trong thời hiện đại vì trong tiếng Anh hiện đại, từ “yêu” đã được ngâm chìm trong cảm xúc; với những đam mê, với tình cảm của chúng ta với người khác. Vì vậy, khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu ai đó, ý của chúng ta là có “cảm giác tốt lành” với ai đó. Không chỉ là chúng ta muốn những điều tốt đẹp cho người đó, mà là người đó làm cho chúng ta hạnh phúc. Người đó khiến chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Chúng ta vui thích để ở trong sự hiện diện của họ, thích ở bên họ. Vì vậy, có một xu hướng nhấn mạnh vào cảm giác khi chúng ta dùng đến từ yêu - đó là chưa nói đến tình yêu / yêu thương thường được kết hợp với tình yêu lãng mạn.

Nếu tôi nói “Tôi yêu / ‘in love’ với người ấy,” thì trong xã hội hôm nay đó có nghĩa là một tình yêu lãng mạn. Nhưng làm sao bạn có thể có tình yêu lãng mạn với kẻ thù của bạn được? Đó là điều nực cười. Chúa Giêsu không sử dụng từ yêu theo cách chúng ta sử dụng nó với màu sắc đậm của của cảm xúc. Và bạn có thể nhận ra điều đó qua những lời Ngài nói. Vậy thì cách cụ thể, Ngài muốn chúng ta yêu như thế nào? Những hành động nào thể hiện tình yêu? Đó chính là điểm Ngài nhấn mạnh. Nếu bạn để ý, Ngài giải thích việc yêu thương kẻ thù có dáng vẻ nào bằng những hướng dẫn rất cụ thể.

Trước hết, “yêu kẻ thù” bao gồm những hành động tốt. Vì vậy, nếu tôi yêu kẻ thù, tôi sẽ làm điều tốt đến với người ghét tôi. Dù họ ghét tôi, tôi sẽ không làm theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng,” không lấy ác báo ác. Nếu họ làm việc ác đến với tôi, tôi hồi đáp bằng một hành động tốt. Vì vậy, cách đầu tiên chúng ta yêu kẻ thù của mình là làm điều tốt cho họ. Điều này không nói gì về cảm xúc của tôi; nhưng điểm được nhấn mạnh là những hành động của tôi.

Điều thứ hai, nếu ai đó nguyền rủa chúng ta, chúng ta phải chúc phúc cho họ. Lời chúc lành ở đây không chỉ là làm điều tốt cho ai đó, mà còn là nói điều tốt đến với ai đó. Vì vậy, bạn chúc phúc bằng miệng lưỡi, bạn hành động qua các cách khác nhau. Nếu ai đó nguyền rủa tôi, họ ước muốn những sự hại xảy đến với tôi; lời nguyền rủa có nghĩa đó. Vì vậy, chúc lành là nói ra bằng lời bạn mong muốn điều tốt lành đến cho người đó. Vì vậy, nếu ai đó nguyền rủa tôi, tôi chúc phúc cho họ. Đó là cách thứ hai để cho họ thấy rằng tôi yêu họ.

Cách thứ ba (và cách này thực sự quan trọng), “cầu nguyện cho những người lạm dụng, thóa mạ bạn.” Tôi nghĩ cách này rất quan trọng vì trong khi hai cách kia (lời chúc phúc và hành động tốt) dường như ngụ ý một lượng tương tác nhất định (và một trong những điều mà mọi người sẽ thường hỏi tôi là, “Giáo sư Pitre, làm sao tôi có thể yêu người đã làm tổn thương tôi? Tôi thậm chí không muốn thấy mặt họ.” Hoặc “Gặp họ là một điều nguy hiểm cho tôi,” hoặc bất cứ điều gì khác), tôi luôn muốn nhấn mạnh, “Ngay cả khi bạn không tiếp xúc người là kẻ thù của bạn, hoặc người ghét bạn, người làm bạn bị tổn thương, bạn luôn có thể cầu nguyện cho người ấy.” Và lời cầu nguyện của bạn là gì? Lời cầu nguyện là xin Chúa chúc lành cho người đó.

Bạn cầu xin rằng điều tốt lành sẽ được thực hiện cho kẻ muốn làm hại bạn; đó chính là “yêu kẻ thù của bạn,” cầu nguyện cho những người bắt bớ bạn. Điều này thực sự rất là phản trực giác. Bạn sẽ không cảm thấy mình tự nhiên có thể nói, “Tôi sẽ dành một giờ để cầu nguyện cho kẻ thù này, cho người tôi ghét này. Tôi sẽ lần hạt cho người đã phản bội tôi, hoặc đã lấy mất công việc của tôi, hoặc bất cứ điều gì có thể xảy ra (hoặc làm tổn thương gia đình tôi).” Vì thế, cầu nguyện là một biểu hiện của tình yêu, bởi vì agape (theo nghĩa sâu nhất của nó), agape, loại tình yêu đó “ước muốn sự tốt đẹp cho người khác”; hành động theo cách để mang lại điều tốt đẹp cho người khác. Agape chủ yếu không có gốc rễ từ cảm xúc mà là ý chí; nó bắt nguồn từ những lựa chọn mà bạn thực hiện: làm điều tốt, nói điều tốt và cầu nguyện cho kẻ thù của bạn. Đó là ba (loại) hành động cụ thể mà Chúa Giêsu đưa ra ở đây khi Ngài giải thích động từ “yêu thương.”

Không trích ra ở đây nhưng Chúa Giêsu cũng đưa ra những cách nói nhấn mạnh thật đáng chú ý: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”

Tất cả những hình ảnh của sự không kháng cự đó, ý tưởng bố thí cho mọi người… ý tôi là điều đó thật điên rồ, đúng không? Họ sẽ làm gì với tiền của tôi? Họ có thể sử dụng nó để làm điều gì đó xấu; ý tưởng cho ai đó mượn tiền mà bạn biết sẽ không trả lại. Tất cả những điều đó thoạt nhìn đều có vẻ phi lý, nhưng những gì Chúa Giêsu đang nói với chúng ta không là điều phi lý. (Chúa không dùng cách nói này, nhưng đây là cách tôi giải thích), điều đó “siêu- lý trí”. Nó tương tự như những “phúc thay” và “khốn thay.”

Những điều này có vẻ phi lý. Trong bài giảng trước, Chúa Giêsu nói, “Phúc cho ai than khóc. Phúc cho ai đói, phước cho ai nghèo.” Nhưng [đối với chúng ta] đó là những người bị nguyền rủa; đó là những người những người bị trừng phạt; đó là những người đang đau khổ. Nhưng có một nghịch lý có sẵn trong điều này, nó không đi theo cách nghĩ của chúng ta. Thật là không ai nghĩ đế; thật đáng ngạc nhiên. Nó có vẻ phi lý, nhưng đó là bởi vì nó không hoạt động theo lô-gic của thế giới này. Đó là lô-gic của Nước thiên đàng. Đó là logic của Con Thiên Chúa, Đấng đến thế gian này để bị tát vào mặt trong cuộc Khổ nạn của Ngài, và Ngài đã không đánh trả.

Chúa đến thế gian này, Đấng giàu có những đã trở thành kẻ nghèo túng vì chúng ta, để chúng ta có ơn cứu rỗi. Ngài trao ban cho mọi người, hiến mạng sống mình cho mọi người, kể cả những người mà Ngài biết sẽ từ chối Ngài và không đáp trả tình yêu của Ngài. Dù họ không nhận món quà cứu rỗi; Ngài vẫn trao ban cho họ. Đó là lôgic của nước trời; đó là lôgic của thập tự giá. Đó là điều mà Chúa Giêsu đang nói đến ở đây khi Ngài nói, “Hãy yêu kẻ thù.”

Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu dạy chúng ta về mầu nhiệm thập giá qua Các mối phúc và các lời “khốn thay.” Lúc này Ngài dạy cũng một mầu nhiệm thập giá ấy trong giới luật yêu thương kẻ thù bởi vì hành động yêu thương kẻ thù tối hậu là đồi Canvê. Thánh Phaolô nói, “Ngay khi chúng ta còn là những kẻ thù nghịch với Chúa,” Chúa yêu thương chúng ta. Và Ngài đã chứng tỏ tình yêu ấy trên đồi Canvê.

Tôi đưa ra điều này bởi vì tôi nghĩ rằng trong bối cảnh, có rất nhiều cách giải thích Luật vàng “điều gì mình muốn, hãy làm cho người”

Chúng ta thường dịch Luật vàng đó như thế nào? Theo kiểu “ăn miếng trả miếng.” Nói các khác, nó là, “Tôi không muốn bạn làm điều này với tôi, nên tôi sẽ không làm điều đó với bạn.” Hoặc “ nếu bạn làm điều đó với tôi, tôi sẽ làm điều đó lại cho bạn.” Điều đó đương nhiên là đúng, là một phần của Luật vàng, nhưng tôi nghĩ nó còn vượt xa hơn nữa.

Vì thực tình, tôi muốn Chúa bày tỏ tình yêu vô điều kiện như Ngài đã làm cho tôi trên thập giá. Và đó thực sự là điều mà Chúa Giêsu đang kêu gọi chúng ta ở đây. Đây là một tình yêu triệt để, vì vậy Luật vàng ở đây thực sự có sức đánh động. “Điều gì mình muốn, hãy làm cho người.” Nói cách khác, bạn có muốn người khác cầu nguyện cho bạn ngay cả khi bạn làm tổn thương họ không? Bạn có muốn họ làm điều tốt với bạn ngay cả khi bạn làm điều dữ đến với họ? Bạn có muốn họ chúc phúccho bạn ngay cả khi bạn nguyền rủa họ không? Nếu bạn đã từng rơi vào bất kỳ một trong những tội lỗi đó, nếu bạn chiến đấu với sự tức giận hoặc oán giận, thì bạn muốn mọi người yêu thương bạn thậm chí khi bạn hành động như thể bạn là kẻ thù với họ.

Tôi nghĩ đó là bối cảnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ở đây. Đó là một tình yêu triệt để mà Ngài kêu mời chúng ta qua Luật vàng của Ngài. Nó phản trực giác. Nó không phải là phi lý; nó siêu lý trí, bởi vì nó siêu nhiên.

Share:

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Bình an nội tâm

Không ai thực sự bất hạnh nếu hiểu được hạnh phúc là gì. Cuộc sống trở thành không chịu đựng nổi đối với những ai không biết tại sao họ lại sống. Người ta thường đồng hóa hạnh phúc với khoái lạc và đồng hóa niềm vui với sự rung động của các dây thần kinh. Những sự vật bên ngoài không đem lại bình an đích thực cho chúng ta. Càng tìm thỏa mãn và nhắm đến điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình thì người ta càng thấy điều đó bấp bênh và dễ rơi vào thất vọng.

Có hai hành trình dẫn đến hạnh phúc. Thứ nhất là rút khỏi thế giới bên ngoài, khỏi việc quá đắm chìm trong những sự vật trần thế. Hành trình thứ hai sâu xa hơn là thăng hoa những gì thấp kém trong chúng ta từ việc khăng khăng giữ cho chính mình thành việc hiến dâng cho Thiên Chúa.

Con người hiện đại từng cảm nghiệm hành trình thứ nhất, các sự vật bên ngoài trở nên nguồn khổ sở cho con người. Chiến tranh, bất an, phiền muộn và trống rỗng của cuộc sống làm con người kinh hãi đến mức họ cố gắng cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm sự thỏa mãn nơi cái tôi giới hạn của họ. Tâm hồn con người hoảng hốt với sự vật bên ngoài và tìm thỏa mãn trong việc phân tích tiềm thức với các nỗi lo âu, sợ hãi, trạng thái buồn rầu và thất vọng của mình.

Nhưng như thế là tự nhốt mình vào một nhà tù, vì người ta tự cô lập mình với cái tôi của mình. Muốn chữa trị, người ta cần phải khám phá ra tại sao con người bị cô đơn, sợ lẻ loi, vì hầu như người ta đều sợ ở một mình mà chẳng biết tại sao viễn tượng ấy làm họ sợ hãi.

Vấn đề ở đây là tìm kiếm sự bình an nội tâm đích thực.

Trước đây, người ta nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm câu trả lời cho vấn đề của họ. Họ tôn thờ khoa học, hy vọng hạnh phúc sẽ đến nhờ vào tiến bộ về chính trị hoặc lợi nhuận. Ngày nay người ta lo âu về chính mình. Họ quan tâm đến vấn đề tình dục còn hơn cả đam mê tính dục. Họ chú trọng đến thái độ tinh thần cần có đối với tính dục hơn là sự thỏa mãn thể lý cũng như việc sinh sản con cái. Giá trị, tâm thức, thái độ của họ chiếm hết toàn bộ tâm tư của họ.

Các tâm hồn ngày nay có thể gần gũi Thiên Chúa ngay khi họ cảm thấy xa cách Ngài nhất trong cơn tuyệt vọng. Vì đối với một tâm hồn trống rỗng, Thiên Chúa có thể lấp đầy. Một tâm hồn âu lo Thiên Chúa có thể mang lại sự bình an. Còn một tâm hồn ích kỷ, kiêu ngạo thì không thể đến với ân sủng được.

Con người hiện đại đã bị bẽ bàng. Những kỳ vọng về sự tiến bộ khoa học không thành tựu như họ hy vọng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết tự khiêm. Họ vẫn giam mình trong cái tôi của mình nên chẳng thấy điều gì khác nữa. Họ sẽ phải thốt lên lời cầu xin Thiên Chúa nâng họ lên khỏi bồn nước trống rỗng của cái tôi của mình. Thánh Augustinô đã cảm nghiệm điều ấy: “Lạy Chúa, hồn con còn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi nào được nghỉ an trong Chúa.” Con người hiện đại dù chưa trở về với Chúa, nhưng ít ra đã trở về với chính mình. Sau này, con người sẽ vượt qua và thăng hoa chính mình nhờ vào ân sủng của Chúa mà hiện nay con người đang tìm kiếm.

Không ai tìm kiếm điều gì mà mình biết là không hiện hữu. Ngày nay, tâm hồn thất vọng đang tìm kiếm Chúa với niềm hồi tưởng về một danh xưng mà họ đã từng biết.

Khác biệt giữa những người đã gặp được Chúa trong đức tin và những người đang tìm kiếm Ngài giống như sự khác biệt giữa người vợ đang hạnh phúc với chồng mình và cô thiếu nữ đang thao thức không hiểu mình sẽ tìm được một người chồng không, hoặc đang cố gắng quyến rũ đàn ông bằng phương cách sai lạc.

Những kẻ tìm kiếm lạc thú, danh vọng và của cải đều là đang tìm kiếm tuyệt đối. Tuy nhiên, họ vẫn nằm ở bên ngoài kinh thành vĩnh cửu.

Những người có đức tin đã đi vào nơi ở đích thực của mình trong lòng Đấng vô biên và đã tìm được “sự bình an mà thế gian này không thể trao tặng được.” Giống như người ta có thể nhìn thấy một gương mặt từ đàng xa nhưng chưa nhận ra đó là người bạn cũ, cũng thế người ta có thể ý thức được nhu cầu về Đấng vô biên và niềm ước ao có được trạng thái ngây ngất bất tận của tình yêu dù vẫn chưa nhận biết đó là Thiên Chúa.

Dù cho một tâm hồn có xấu xa mấy đi nữa thì ai cũng ý thức được sự nô lệ của mình khi mình bị khuất phục trước những lạc thú bất chính. Đó là lý do tại sao những người nghiện rượu là những kẻ nói dối. Miệng họ từ chối sự nô lệ mà chính cuộc sống của họ đang chấp nhận. Những người ấy dù không muốn chấp nhận mình đã sai lầm vẫn từ chối không chịu xác tín về chân lý của Chúa. Tuy nhiên, sự buồn bã và trống rỗng của họ cuối cùng sẽ lôi họ đến với Thiên Chúa thương xót.

Thế giới bên ngoài của chúng ta ngày nay đang gặp những khó khăn trầm trọng, nhưng thế giới nội tâm con người vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng. Sau khi ẩn núp vào tâm tư của mình, xa lánh tiếng ồn ào bên ngoài, con người sẽ được nâng cao hơn chính nó để đến với nguồn hạnh phúc đã được định cho nó.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Các Mối Phúc thật của Thánh sử Luca

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (6,17.20-26)

Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn. Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói."“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

--------

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre

Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ Do thái giáo, Ngài đang nói với những người Do Thái ở Ga-li-lê; họ biết các sách trong Torah, họ biết Luật Môise, và luật Môise nói gì? Nếu các ngươi vâng lời, các người sẽ có dư thừa của ăn, con cái đông đúc, tràn đầy niềm vui và sự bình an. Nếu các ngươi không vâng lời, thì các ngươi sẽ gặp cảnh nghèo túng, dịch bệnh, đói kém, chiến tranh và cuối cùng là lưu đày (Đnl 28).

 Với bối cảnh đó trong tâm trí, chúng ta hãy đọc Các Mối Phúc thật của Luca chương 6? “Phúc cho ai nghèo khó… Phúc cho ai đói… Phúc cho ai khóc” và “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Ở đâu? “Trên thiên đàng; vì tổ phụ của họ đã làm như vậy với các nhà tiên tri.”

Rồi Chúa Giêsu đảo ngược lại và nói, “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có… no nê… vui cười…  được mọi người ca tụng.” Nói cách khác, những người có sự bình an, những người không bị bắt bớ. Chúa Giêsu đang làm gì ở đây vậy? Tôi nghĩ điều đang xảy ra ở đây rất đáng chú ý.

Trong giao ước mới, qua lời dạy của Chúa Giêsu từ bài giảng này, các phước lành là những lời nguyền rủa. Đó là vấn nạn cho chúng ta. Chúng ta không hiểu nó theo cách này. Nói cách khác, bạn sống xây dựng kho tàng trên trời chứ không là kho tàng ở dưới trần gian này và kho tàng trên trời được xây dựng qua đau khổ, qua nghèo khó, qua sự đói ăn, qua sự khóc lóc. Và cuối cùng là sự bị ngược đãi vì Tin Mừng; bị bách hại vì Con Người.

Ngược lại, những chúc lành thuộc về trần gian thì nguy hiểm trong giao ước mới. Chúng nguy hiểm về mặt tâm linh. Chúa Giêsu đang đang nói gì ở đây? “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”; hãy nghĩ về điều Ngài nói ở một nơi khác trong Phúc âm, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có được vào nước thiên đàng.” Tại sao? “Vì kho tàng ở đâu, thì lòng các con ở đó.”

Vậy thì sự giàu có có thể lôi kéo lòng chúng ta đang hướng về trời xuống những vật chất của trái đất này. Tương tự Chúa nói tiếp, “Khốn cho các ngươi bây giờ đang được no nê”; Được ăn ngon và no có vấn đề gì chứ? Vì chúng ta có thể tự thỏa mãn với của cải trần thế và cảm thấy đầy đủ… như thể bạn không cần Chúa. Những người đang chết đói biết họ cần Chúa. Những người đói biết họ yếu đuối như thế nào và họ lệ thuộc vào Chúa như thế nào; nhưng những người giàu có và sung túc có thể rất nhanh chóng cảm thấy tự mãn.

Điều tương tự đối với những người đang vui cười lúc này. Chúa Giêsu không kết án mọi sự vui cười.  Chúa Giêsu đang nói về những người mà sự vui cười của họ được đặt trên nền tảng của sự vui mừng của trần gian, khiến họ không chú ý đến những bất công của thế giới và cũng khiến họ không chú ý đến sự tốt lành của nước trời. Chúa nói gì? “Lúc này các ngươi vui cười, nhưng các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than vì các ngươi sẽ không được vào nước trời.” Và cuối cùng, “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” Vậy thì các ngôn sứ giả cũng có mặt lúc đó. Họ được bình an, không ai bắt bớ họ, nhưng không có nghĩa là họ làm đúng theo điều Chúa muốn. Họ nói dối, họ có được sự hòa bình thông qua sự giả dối, chứ không phải nhờ ân sủng và sự bình an Chúa ban. Chúa Giêsu vì thế, đang nói về những nguy hiểm vốn có nơi của cải trần gian, những phúc lành có nguồn gốc từ của cải trần gian được gọi là “khốn thay” trong giao ước mới

Khi tôi dạy điều này cho học sinh của mình, đôi khi tôi gặp những phản ứng tiêu cực. Họ nói, “Dr. Pitre, có phải nói như vậy là đi quá trớn không? Để nói rằng trong giao ước mới, những chúc lành là những “khốn thay” và những “khốn thay” là những chúc lành.” Nếu nói như vậy là quá trớn, thì xin các bạn trả lời tại sao chúng ta có cây thánh giá ở chính giữa nhà thờ. Ơn lành đích thực đã đến thế gian cách nào? Nước trời đã đến trần gian qua cách nào? Qua cây thánh giá. Qua một người gánh lấy sự nguyền rủa. Nước trời đến qua một người nghèo khó, không có một sự gì cả, một người than khóc, bị lột sạch mọi thứ, bị bách hại: Và Ngài là người được chúc phúc hơn tất cả.

Nếu bạn nhìn vào từ Hy Lạp của bài văn đây, chúng ta lặp đi lặp lại “phúc thay,” nhưng từ Hy Lạp mà thánh sử Lu-ca sử dụng là makarios, thực ra không có nghĩa là “Phúc thay / kẻ được chúc phúc”, mà nó có nghĩa là “hạnh phúc.” Nghĩa chính xác của từ là “Người hạnh phúc.” Vậy chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự ở đâu trong giao ước mới? Đó là qua việc không gắn dính mình vào của cải trần gian, không dính bén đến những phúc của trần gian và qua việc vác thánh giá, bước theo Chúa Kitô.

Vì vậy, ngay từ đầu, trong Lu-ca chương 6 –Bài giảng trên núi – Chúa Giê-su đang rao giảng về con đường thập tự giá, nhưng dưới hình thức của các Mối Phúc thật. Các Mối Phúc thật không chỉ là những lời dạy về những thái độ chúng ta nên có, dù là nó cho chúng ta biết chúng ta cần có những thái độ nào đối với những tốt lành của trần gian.

Cùng một lúc, đây không phải là những cụm từ đơn giản, những câu hay đẹp; đây là những lời đầy năng lực, đưa đến cách mạng. Đây là những thách thức của con đường thập tự giá, và Chúa Giêsu sẽ bày tỏ thêm về con đường đó khi chúng ta tiếp tục đọc Phúc âm Thánh Lu-ca. Nếu anh em không vác thập giá của mình hằng ngày và theo tôi, anh em không phải là môn đệ của tôi. Đó là con đường thánh giá Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta.

Share:

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Đức Khiêm nhường

Nguyên nhân chính khiến người ta không có hạnh phúc là tính ích kỷ. Kẻ tự cho mình là quan trọng bằng cách khoe khoang thì người ấy cho thấy mình là loại người chẳng có giá trị gì. Tính kiêu ngạo là một nỗ lực gây ra ấn tượng về những gì thực ra chúng ta không có.

Người ta sẽ hạnh phúc hơn nếu thay vì ca ngợi cái tôi của mình thì biết đưa cái tôi ấy về số không. Lúc đó, họ sẽ gặp được sự vô biên nhờ vào tính khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận sự thật về bản thân. Một người cao 1,9 mét mà nói: “Tôi chỉ cao 1,7 mét thôi” thì chẳng khiêm nhường thật. Một nhà văn giỏi sẽ chẳng khiêm tốn gì khi nói: “Tôi là một nhà văn bất tài.” Những lời như thế chỉ nhằm mục đích từ chối để được khen ngợi nhiều hơn. Tốt hơn nên nói: “Vâng, bất cứ tài năng nào tôi có được đều là hồng ân của Chúa và tôi cảm tạ Ngài về điều đó.” Nhà càng cao thì nền móng phải càng sâu. Muốn tiến lên về mặt tâm linh thì càng phải khiêm nhường hơn nữa. Thánh Gioan nói: “Tôi phải nhỏ đi còn Ngài phải lớn lên.”

Cái ly phải rỗng thì mới được đổ đầy nước. Chỉ khi nào cái tôi nhỏ đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào hồng ân của Ngài được. Cái tôi đầy tràn thì tình yêu Chúa và tha nhân không vào được nữa.

Một người bị quỉ nhập được mang đến cho một vị ẩn sĩ. Khi vị ẩn sĩ truyền cho quỉ bỏ đi, nó hỏi ngài: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê trong ngày Chúa phán xét?” Vị ẩn sĩ trả lời: “Tôi là một trong những con dê.” Quỉ đáp lại: “Vì sự khiêm nhường của ngài, tôi xin rời khỏi người này.”

Người khiêm nhường chú tâm đến lỗi lầm của mình, chứ không để ý đến lỗi lầm của người khác. Người ấy chỉ thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp. Ngược lại người kiêu căng luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ, hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ, người khiêm nhường không phàn nàn vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế.

Người luôn kiêu ngạo về trí thông minh, về tài năng hay ảnh hưởng của mình mà chẳng bao giờ cảm tạ Chúa về những điều ấy, thì anh ta là một tên cướp. Anh ta đã nhận lấy những quà tặng của Chúa mà không nhận biết Đấng trao tặng. Những bông lúa mang nhiều hạt nhất luôn trĩu xuống thấp nhất. Người khiêm nhường không bao giờ ngã lòng, còn người kiêu ngạo thường rơi vào tuyệt vọng. Người khiêm nhường luôn có Chúa để cầu xin, còn người kiêu ngạo chỉ có cái tôi của mình, một cái tôi thường dễ bị sụp đổ.

Lời nguyện xin khiêm nhường đẹp nhất là lời kinh của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nguy nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng...”

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share: