Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (6:27-38)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre
[Trong đoạn Phúc âm này] Chúa Giêsu lấy từ đó (agapao) và Ngài nói, “Ta muốn các ngươi yêu kẻ thù của mình.” Phản ứng tức thì mà mọi người có lẽ đã có thời đó và tôi chắc chắn cả ngày nay nữa là, “Làm sao tôi có thể yêu một người đã làm tổn thương tôi? Điều đó có nghĩa là gì? Tình yêu có dáng vẻ nào?”
Yêu thương kẻ thù thì đặc biệt khó khăn đối với chúng ta, những người sống trong thời hiện đại vì trong tiếng Anh hiện đại, từ “yêu” đã được ngâm chìm trong cảm xúc; với những đam mê, với tình cảm của chúng ta với người khác. Vì vậy, khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu ai đó, ý của chúng ta là có “cảm giác tốt lành” với ai đó. Không chỉ là chúng ta muốn những điều tốt đẹp cho người đó, mà là người đó làm cho chúng ta hạnh phúc. Người đó khiến chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Chúng ta vui thích để ở trong sự hiện diện của họ, thích ở bên họ. Vì vậy, có một xu hướng nhấn mạnh vào cảm giác khi chúng ta dùng đến từ yêu - đó là chưa nói đến tình yêu / yêu thương thường được kết hợp với tình yêu lãng mạn.
Nếu tôi nói “Tôi yêu / ‘in love’ với người ấy,” thì trong xã hội hôm nay đó có nghĩa là một tình yêu lãng mạn. Nhưng làm sao bạn có thể có tình yêu lãng mạn với kẻ thù của bạn được? Đó là điều nực cười. Chúa Giêsu không sử dụng từ yêu theo cách chúng ta sử dụng nó với màu sắc đậm của của cảm xúc. Và bạn có thể nhận ra điều đó qua những lời Ngài nói. Vậy thì cách cụ thể, Ngài muốn chúng ta yêu như thế nào? Những hành động nào thể hiện tình yêu? Đó chính là điểm Ngài nhấn mạnh. Nếu bạn để ý, Ngài giải thích việc yêu thương kẻ thù có dáng vẻ nào bằng những hướng dẫn rất cụ thể.
Trước hết, “yêu kẻ thù” bao gồm những hành động tốt. Vì vậy, nếu tôi yêu kẻ thù, tôi sẽ làm điều tốt đến với người ghét tôi. Dù họ ghét tôi, tôi sẽ không làm theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng,” không lấy ác báo ác. Nếu họ làm việc ác đến với tôi, tôi hồi đáp bằng một hành động tốt. Vì vậy, cách đầu tiên chúng ta yêu kẻ thù của mình là làm điều tốt cho họ. Điều này không nói gì về cảm xúc của tôi; nhưng điểm được nhấn mạnh là những hành động của tôi.
Điều thứ hai, nếu ai đó nguyền rủa chúng ta, chúng ta phải chúc phúc cho họ. Lời chúc lành ở đây không chỉ là làm điều tốt cho ai đó, mà còn là nói điều tốt đến với ai đó. Vì vậy, bạn chúc phúc bằng miệng lưỡi, bạn hành động qua các cách khác nhau. Nếu ai đó nguyền rủa tôi, họ ước muốn những sự hại xảy đến với tôi; lời nguyền rủa có nghĩa đó. Vì vậy, chúc lành là nói ra bằng lời bạn mong muốn điều tốt lành đến cho người đó. Vì vậy, nếu ai đó nguyền rủa tôi, tôi chúc phúc cho họ. Đó là cách thứ hai để cho họ thấy rằng tôi yêu họ.
Cách thứ ba (và cách này thực sự quan trọng), “cầu nguyện cho những người lạm dụng, thóa mạ bạn.” Tôi nghĩ cách này rất quan trọng vì trong khi hai cách kia (lời chúc phúc và hành động tốt) dường như ngụ ý một lượng tương tác nhất định (và một trong những điều mà mọi người sẽ thường hỏi tôi là, “Giáo sư Pitre, làm sao tôi có thể yêu người đã làm tổn thương tôi? Tôi thậm chí không muốn thấy mặt họ.” Hoặc “Gặp họ là một điều nguy hiểm cho tôi,” hoặc bất cứ điều gì khác), tôi luôn muốn nhấn mạnh, “Ngay cả khi bạn không tiếp xúc người là kẻ thù của bạn, hoặc người ghét bạn, người làm bạn bị tổn thương, bạn luôn có thể cầu nguyện cho người ấy.” Và lời cầu nguyện của bạn là gì? Lời cầu nguyện là xin Chúa chúc lành cho người đó.
Bạn cầu xin rằng điều tốt lành sẽ được thực hiện cho kẻ muốn làm hại bạn; đó chính là “yêu kẻ thù của bạn,” cầu nguyện cho những người bắt bớ bạn. Điều này thực sự rất là phản trực giác. Bạn sẽ không cảm thấy mình tự nhiên có thể nói, “Tôi sẽ dành một giờ để cầu nguyện cho kẻ thù này, cho người tôi ghét này. Tôi sẽ lần hạt cho người đã phản bội tôi, hoặc đã lấy mất công việc của tôi, hoặc bất cứ điều gì có thể xảy ra (hoặc làm tổn thương gia đình tôi).” Vì thế, cầu nguyện là một biểu hiện của tình yêu, bởi vì agape (theo nghĩa sâu nhất của nó), agape, loại tình yêu đó “ước muốn sự tốt đẹp cho người khác”; hành động theo cách để mang lại điều tốt đẹp cho người khác. Agape chủ yếu không có gốc rễ từ cảm xúc mà là ý chí; nó bắt nguồn từ những lựa chọn mà bạn thực hiện: làm điều tốt, nói điều tốt và cầu nguyện cho kẻ thù của bạn. Đó là ba (loại) hành động cụ thể mà Chúa Giêsu đưa ra ở đây khi Ngài giải thích động từ “yêu thương.”
Không trích ra ở đây nhưng Chúa Giêsu cũng đưa ra những cách nói nhấn mạnh thật đáng chú ý: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”
Tất cả những hình ảnh của sự không kháng cự đó, ý tưởng bố thí cho mọi người… ý tôi là điều đó thật điên rồ, đúng không? Họ sẽ làm gì với tiền của tôi? Họ có thể sử dụng nó để làm điều gì đó xấu; ý tưởng cho ai đó mượn tiền mà bạn biết sẽ không trả lại. Tất cả những điều đó thoạt nhìn đều có vẻ phi lý, nhưng những gì Chúa Giêsu đang nói với chúng ta không là điều phi lý. (Chúa không dùng cách nói này, nhưng đây là cách tôi giải thích), điều đó “siêu- lý trí”. Nó tương tự như những “phúc thay” và “khốn thay.”
Những điều này có vẻ phi lý. Trong bài giảng trước, Chúa Giêsu nói, “Phúc cho ai than khóc. Phúc cho ai đói, phước cho ai nghèo.” Nhưng [đối với chúng ta] đó là những người bị nguyền rủa; đó là những người những người bị trừng phạt; đó là những người đang đau khổ. Nhưng có một nghịch lý có sẵn trong điều này, nó không đi theo cách nghĩ của chúng ta. Thật là không ai nghĩ đế; thật đáng ngạc nhiên. Nó có vẻ phi lý, nhưng đó là bởi vì nó không hoạt động theo lô-gic của thế giới này. Đó là lô-gic của Nước thiên đàng. Đó là logic của Con Thiên Chúa, Đấng đến thế gian này để bị tát vào mặt trong cuộc Khổ nạn của Ngài, và Ngài đã không đánh trả.
Chúa đến thế gian này, Đấng giàu có những đã trở thành kẻ nghèo túng vì chúng ta, để chúng ta có ơn cứu rỗi. Ngài trao ban cho mọi người, hiến mạng sống mình cho mọi người, kể cả những người mà Ngài biết sẽ từ chối Ngài và không đáp trả tình yêu của Ngài. Dù họ không nhận món quà cứu rỗi; Ngài vẫn trao ban cho họ. Đó là lôgic của nước trời; đó là lôgic của thập tự giá. Đó là điều mà Chúa Giêsu đang nói đến ở đây khi Ngài nói, “Hãy yêu kẻ thù.”
Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu dạy chúng ta về mầu nhiệm thập giá qua Các mối phúc và các lời “khốn thay.” Lúc này Ngài dạy cũng một mầu nhiệm thập giá ấy trong giới luật yêu thương kẻ thù bởi vì hành động yêu thương kẻ thù tối hậu là đồi Canvê. Thánh Phaolô nói, “Ngay khi chúng ta còn là những kẻ thù nghịch với Chúa,” Chúa yêu thương chúng ta. Và Ngài đã chứng tỏ tình yêu ấy trên đồi Canvê.
Tôi đưa ra điều này bởi vì tôi nghĩ rằng trong bối cảnh, có rất nhiều cách giải thích Luật vàng “điều gì mình muốn, hãy làm cho người”
Chúng ta thường dịch Luật vàng đó như thế nào? Theo kiểu “ăn miếng trả miếng.” Nói các khác, nó là, “Tôi không muốn bạn làm điều này với tôi, nên tôi sẽ không làm điều đó với bạn.” Hoặc “ nếu bạn làm điều đó với tôi, tôi sẽ làm điều đó lại cho bạn.” Điều đó đương nhiên là đúng, là một phần của Luật vàng, nhưng tôi nghĩ nó còn vượt xa hơn nữa.
Vì thực tình, tôi muốn Chúa bày tỏ tình yêu vô điều kiện như Ngài đã làm cho tôi trên thập giá. Và đó thực sự là điều mà Chúa Giêsu đang kêu gọi chúng ta ở đây. Đây là một tình yêu triệt để, vì vậy Luật vàng ở đây thực sự có sức đánh động. “Điều gì mình muốn, hãy làm cho người.” Nói cách khác, bạn có muốn người khác cầu nguyện cho bạn ngay cả khi bạn làm tổn thương họ không? Bạn có muốn họ làm điều tốt với bạn ngay cả khi bạn làm điều dữ đến với họ? Bạn có muốn họ chúc phúccho bạn ngay cả khi bạn nguyền rủa họ không? Nếu bạn đã từng rơi vào bất kỳ một trong những tội lỗi đó, nếu bạn chiến đấu với sự tức giận hoặc oán giận, thì bạn muốn mọi người yêu thương bạn thậm chí khi bạn hành động như thể bạn là kẻ thù với họ.
Tôi nghĩ đó là bối cảnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ở đây. Đó là một tình yêu triệt để mà Ngài kêu mời chúng ta qua Luật vàng của Ngài. Nó phản trực giác. Nó không phải là phi lý; nó siêu lý trí, bởi vì nó siêu nhiên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét