Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Chúa nhật thứ VIII Mùa Thường niên, năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10:13-16)

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 


 

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre:

Trong câu này Chúa Giêsu nói, “Xem quả thì biết cây,” vì người tốt (và điều này thật đáng chú ý), từ kho tàng tốt trong lòng mình, sinh ra điều thiện; và kẻ ác, từ kho tàng xấu xa, sinh ra cái ác. Chúng ta hãy dừng một chút ở đây.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh kho tàng rất nhiều trong các Phúc âm. “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” Chúng ta thường có hình ảnh của một kho bạc, nơi trữ tiền. Và Chúa Giêsu dùng hình ảnh đó cho kho tàng trên trời, một kho báu của những công đức, một kho báu thiêng liêng.

Và điều thú vị về điều này là trong cả hai trường hợp, vị trí của kho tàng là trái tim. Từ kho tàng tốt của lòng mình, phát sinh hoa quả tốt. Trong ngữ cảnh này, bạn có thể đã nghe mọi người nói, “Nhìn quả, biết cây”. Thứ hoa quả cụ thể nào được nói đến trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đang tập trung vào? Chúa đang chú tâm đến lời lẽ của chúng ta, những gì chúng ta thốt ra. Vì ở phần cuối, Chúa Giêsu nói, “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.”  Nghĩa là có một kết nối trực tiếp giữa trái tim và miệng lưỡi của chúng ta.

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu nói những tính xấu và những nhân đức phát ra từ lời độc địa hoặc những lời lẽ tốt lành, việc chúng ta phạm tội qua miệng lưỡi của mình. Trong Bài giảng trên núi, điều này hợp lý vì phần sau của bài giảng nói về điều gì? Phán xét người khác, lên án người khác, chúc phúc cho những người nguyền rủa chúng ta, cầu nguyện cho những người bắt bớ chúng ta. Tất cả những điều đó là những điều chúng ta làm bằng miệng lưỡi của mình, và hãy lưu ý điều này, trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đang muốn các môn đệ hiểu họ bắt chước Ngài cách nào. Chú ý rằng Chúa Giêsu không dành trọn vẹn bài giảng này nói về tội lỗi của xác thịt (không phải những điều đó không quan trọng); nhưng trước hết, Ngài nói về những tội lỗi của miệng lưỡi, “vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Và bởi vì trong Bài giảng trên núi, Ngài đang chú tâm đến trái tim của con người, Ngài muốn biến đổi nó và việc điều đầu tiên Ngài phải làm là biến đổi miệng lưỡi chúng ta, thay đổi những gì chúng ta sẽ nói.

Một lần nữa, tôi ngay lập tức nghĩ đến điều Chúa dạy ở đây có ý nghĩa thế nào với hoàn cảnh chúng ta hôm nay với các phương tiện truyền thông xã hội, về cơ bản là một bục diễn thuyết quốc tế khổng lồ, nơi mọi người có thể truyền thông cho nhau, nói những điều mà người kia không biết, và không lo lắng về bất kỳ loại hậu quả nào xảy ra như trong cuộc trò chuyện trực tiếp với nhau. Vì thế, người ta nói ra những điều họ không nên nói, nói cách thiếu cẩn thận, họ xét đoán cách liều lĩnh.

Tôi có kinh nghiệm của riêng mình về điều này khi tôi  bước vào thế giới đó và cố gắng lèo lái trong bối cảnh đó. Đôi khi tôi rất buồn và thất vọng trước những điều mà tôi thấy các Kitô hữu phát biểu trên thế giới truyền thông. Ngay cả những người lãnh đạo trong Kitô giáo mà chúng ta kính trọng. Nhưng khi họ nói tự phát (không trong các bài diễn thuyết) trong bối cảnh truyền thông xã hội, cũng bộc lộ những phán xét và lên án mà thực sự (ít nhất là theo ý kiến ​​của tôi) cần có sự dè dặt và cẩn thận mà Chúa Giêsu dạy trong Bài giảng trên núi: không xét đoán cách cầu thả, không lên án. Và điều đó thật đáng lo ngại vì nếu Chúa Giêsu nói đúng (và Ngài luôn là đúng), “lòng có đầy, miệng mới nói ra,” thì nếu những Kitô hữu dùng lời lẽ cắn xé nhau thì trái tim chúng ta đang được đặt ở nơi đâu? Chúng ta có thực sự để Bài giảng trên núi thuần hóa bản thân chưa? Chúng ta có noi gương Thầy chúng ta khi Ngài dạy các môn đệ hãy biết mình là ai ngày càng rõ hơn, về bản thân tội lỗi của mình? Không quay qua quay lại, lo tìm cái rác trong mắt người khi chúng ta còn có cái xà trong mắt mình? Thật dễ để rất hăng say ghét tội của người khác. Ghét tội mình thì khó hơn rất nhiều. Và đó là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta làm.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét