Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Nước tôi không thuộc về thế gian này -- Lễ Chúa Kitô Vua

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (18:33-27)

Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” 34 Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

------

Đoạn Phúc âm này là lời nhắc nhở tuyệt vời cho chúng ta về bản chất của nước Chúa và vương quyền của Người. Vương quốc này không thuộc về thế gian này.

Điều đó không có nghĩa là Vương quốc này không ở trong thế gian này. Vương quốc của Chúa Kitô hoạt động mạnh mẽ trong thế gian này. Biểu hiện hữu hình của Vương quốc này là Giáo hội Công giáo. Chúng ta có thể mô tả nhiều đặc điểm bên ngoài của Giáo hội Công giáo: với hơn một tỷ thành viên và hai nghìn năm lịch sử, đây vừa là tổ chức lớn nhất vừa là lâu đời nhất thế giới. Trái ngược với vẻ bề ngoài, Giáo hội Công giáo vẫn là động lực chính thúc đẩy nền văn hóa thế giới. Các thể chế và khái niệm thế giới mà mọi người coi là hiển nhiên, như bệnh viện, trường đại học và “nhân quyền”, hoàn toàn xuất phát từ di sản văn hóa của Giáo hội Công giáo, ngay cả khi nguồn gốc của chúng đã bị chúng ta quên lãng. Ngay cả lực lượng chính trị thống trị thời đại chúng ta—chủ nghĩa tự do xã hội phương Tây, với áp lực suy nghĩ chính trị theo khuôn khổ phong trào, “chống phân biệt đối xử” và các chương trình phúc lợi do chính phủ tài trợ không thể duy trì được, cũng có nguồn gốc từ Công giáo. Về cơ bản, giờ đây nó là tổ chức từ thiện Công giáo bị tách biệt khỏi đạo đức Công giáo.

Chúng ta có thể nói về những biểu hiện hữu hình của vương quyền của Chúa Kitô và ảnh hưởng của vương quốc này trên thế giới, nhưng điều này sẽ làm chúng ta chia trí khỏi trọng tâm.

Trọng tâm của vương quyền Chúa Kitô không thuộc về thế giới này. Nó thuộc về thế giới bên kia.

Là người Công giáo, chúng ta phân biệt Giáo hội Chiến thắng (các thánh trên thiên đàng) với Giáo hội Chiến đấu (tất cả chúng ta đang đấu tranh ở đây dưới thế gian). Trái tim của Giáo hội và Vương quốc thì với Giáo hội Chiến thắng, “Giê-ru-sa-lem thượng giới... mẹ chúng ta.” (Gal 4:26), nơi chúng ta được gắn kết  bằng đức tin và các bí tích. -- Dr. John Bergsma

Share:

Một ý nghĩa của Danh hiệu "Con Người" -- Lễ Chúa Kitô Vua

Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en (7:13-14)

Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một ;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

Là người Kitô hữu, chúng ta đọc văn đoạn Kinh thánh này và nhận ra mặc khải của Chúa trong Kinh Thánh là sự mặc khải dần dần. Nghĩa là, khi sự mặc khải trong Kinh thánh đi đến điểm nói cách rõ ràng về việc Ngôi Hai nhập thể, thì các lẽ thật của đức tin bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Trong Đa-ni-ên 7, một văn bản Cựu Ước, chúng ta đã có một khải tượng ban đầu về ít nhất hai Ngôi vị của Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha và Chúa Con.

Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu dùng danh hiệu “Con Người” để nói về chính mình. Khi Chúa Giê-su dùng danh hiệu đó cho chính mình, tôi tin rằng Người đang nghĩ đến hai đoạn trong Cựu Ước, cụ thể là Đa-ni-en chương 7, nơi “Con Người” lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị” trong thời cánh chung, trong cuộc phán xét cuối cùng, và Thánh vịnh 8, nói về  Con Người được tạo nên “chẳng thua kém thần linh là mấy / một chút” (Tv 8:6) hoặc “trong một thời gian ngắn, kém hơn Thiên Chúa” nhưng sau đó Thiên Chúa “đặt muôn loài muôn sự dưới chân” Con Người (Tv 8:7). Người nghĩ rằng danh hiệu “Con Người” của Chúa Giêsu ám chỉ đến sự hữu hạn hoặc bản tính con người của Người. Nhưng thực ra, danh hiệu đó ám chỉ đến vai trò cánh chung của Người với tư cách là Vua và vị Thẩm phán. Điều này trở nên rõ ràng nhất trong phiên tòa xét xử cuối cùng của Chúa Giêsu, khi Philatô trực tiếp hỏi Người, liệu Người có phải là Đấng Kitô không:

“Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” 63” (Mc. 14:61–62)

Tại thời điểm đầy kịch tính này trong sứ vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu nhắc đến đoạn Kinh thánh từ Đanien để xác định danh tính của Người và chỉ ra vai trò của Người với tư cách là Thẩm phán trong thời cánh chung, thời sau hết.-- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Bà goá nghèo hèn nhưng khôn ngoan -- CN 31 TN

Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” Bà trả lời : “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Ê-li-a nói với bà : “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà… Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói ; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán (1 Vua 17:10-16).

 

Cũng như Ê-li-a gặp bà goá thành Xa-rép-ta, Chúa Giêsu gặp bà goá nơi thùng bỏ tiền dâng cúng ở Đền thờ. Cuộc gặp gỡ này không phải tình cờ mà là có mục đích; Ê-li-a là sứ giả của ân sủng Chúa.

Ê-li-a thử thách đức tin của bà goá bằng cách yêu cầu bà chuẩn bị phần lương thực cuối cùng mà bà đã định dành cho mình và con trai. Qua yêu cầu đó, Ê-li-a nhấn mạnh rằng nhu cầu lớn nhất của bà không phải là lương thực vật chất mà là lương thực của niềm tin và hy vọng cho sự sống của linh hồn. Sự vâng phục đầy đức tin của bà đã đem đến phép lạ mà bà cần.

Tương tự, Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đặt lòng yêu mến Chúa lên trên những nhu cầu thế gian, vì Người biết rằng cơn đói sâu thẳm nhất của chúng ta là về mặt linh hồn. Lời kêu gọi này được thể hiện qua các thánh tử đạo, những người đã từ bỏ mọi thứ vì Chúa Kitô, thể hiện niềm tin rằng giá trị thật sự nằm ở những gì không thể mất đi — niềm tin, hy vọng và tình yêu dành cho Chúa. Như thánh tử đạo Jim Elliot đã nói, “Người khôn ngoan cho đi những gì mình không thể giữ để nhận lấy điều mình không thể mất.”

Đức tin vào Thiên Chúa là một thử thách và thường được củng cố qua các thử thách. Sự thử thách của Chúa giúp chúng ta nhìn vượt ra khỏi bản thân để tin cậy vào sự tốt lành của Người, học cách nhìn nhận mọi sự trong cuộc sống qua tình yêu và sự khôn ngoan của Người. Đức tin cho phép chúng ta cảm nhận sự hiện diện và lòng trắc ẩn của Chúa, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Lòng trung tín của Thiên Chúa có nghĩa là Người thường ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta cầu xin và luôn cung cấp những gì chúng ta thực sự cần, ngay cả khi có vẻ như Người đang giữ lại điều đó.

Thật vậy, chúng ta có thể nói trọn vẹn cuộc sống thì như bí tích Thánh Thể, nơi mà đằng sau những vẻ bề ngoài là sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Đức tin giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện trấn an của Chúa trong cuộc sống, ngay cả giữa những khó khăn, Ngài nói với chúng ta: “Chính Ta đây. Đừng sợ.” Bằng cách nuôi dưỡng thói quen đức tin này, chúng ta chuẩn bị để nghe được tiếng nói an ủi đó, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. -- Dr. Peter Kreeft

Share:

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Không ai yêu con hơn Ngài, lạy Chúa

Chúa là Đấng duy nhất mang lấy những gánh nặng và âu lo của chúng ta, tất cả những bệnh tật và lo lắng của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngài có thể gánh chịu mọi thứ, vì Ngài là Đấng Toàn Năng.

Chúng ta phải qua lời cầu nguyện dâng lên Chúa tất cả những bệnh tật của chúng ta và của những người lân cận. Cầu nguyện là cho việc đó. Chúng ta phải trở nên một với Chúa và không được lo lắng về ngày mai, như Ngài đã phán: Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mat 6:34).

Chúa dạy chúng ta không lo lắng về ngày mai. Nhưng chúng ta lại làm điều đó: chúng ta không chỉ lo lắng về ngày mai mà còn xa hơn thế nữa, và điều này làm cho cuộc sống chúng ta rất căng thẳng. Chúng ta là những sinh vật có lý trí, được tạo ra để gánh chịu sự căng thẳng của một ngày. Thế mà chúng ta tự vác lấy gánh nặng hơn vậy, và do đó chúng ta đau khổ. Chúng ta không vâng lời Chúa khi Ngài bảo chúng ta đừng lo lắng về ăn gì uống gì và những sự bận tâm của thế gian này. Nhưng chúng ta tạo ra gánh nặng cho cơ thể và tâm hồn mình. Thức ăn và đồ uống làm cho cơ thể cực nhọc hơn khi chúng ta ăn và uống nhiều hơn mức cần thiết. Cơ thể chúng ta phải lao khổ chỉ để tiêu hóa tất cả những thức ăn đó và vì vậy chúng mệt nhọc. Rồi nếu chúng ta lại gánh thêm những gánh nặng bằng những ý tưởng của mình, thì sự căng thẳng sẽ tăng lên gấp bội và sự đau khổ của chúng ta cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn cầu nguyện.

Chúa không cần lời cầu nguyện của chúng ta — trái lại, chúng ta cần cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta thực sự đang nói chuyện với Ngài cũng giống như chúng ta nói chuyện với nhau. Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Không có người thân hay bạn bè nào ở trên trần gian này hiểu chúng ta và yêu thương chúng ta như Chúa. Tình yêu của Ngài không môi miệng nào có thể diễn tả được; chúng ta cũng không thể hiểu và tưởng tượng được tình yêu ấy như thế nào. Chúng ta còn quá nhỏ bé để hiểu được chiều sâu của tình yêu Chúa. Lòng thương xót của Chúa không thể so sánh được với sự gì ta biết để có thể hiểu được. Ngài trao ban chính Ngài cho chúng ta không chút lưỡng lự. Ngay cả điều này, chúng ta cũng không thể hiểu được dù chỉ là bước đơn giản ban đầu!
-- Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica
Share:

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Tâm trí của bạn trở nên nặng nề bởi vì bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những người xung quanh

Tâm trí của bạn trở nên nặng nề bởi vì bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những người xung quanh. Hãy cầu nguyện với Chúa để Ngài giúp bạn gỡ bỏ gánh nặng này. Đây là những suy nghĩ của người khác, khác biệt với suy nghĩ của bạn. Họ có kế hoạch của họ, và kế hoạch đó là tấn công bạn bằng chính suy nghĩ của họ. Thay vì buông bỏ, bạn đã tự để mình trở thành một phần trong kế hoạch của họ, và tất nhiên, bạn sẽ phải chịu đựng. Nếu bạn đã phớt lờ cuộc tấn công, bạn sẽ giữ được sự bình yên trong tâm hồn. Dù họ có thể nghĩ hoặc nói bất cứ điều gì về bạn, bạn vẫn sẽ giữ được sự bình tĩnh và thanh thản. Sớm thôi, mọi cơn giận dữ của họ sẽ dịu xuống, như một quả bóng bay xì hơi, bởi những suy nghĩ thuần khiết và bình yên đến từ bạn. Nếu bạn như vậy, bình tĩnh và tràn đầy yêu thương, nếu mọi suy nghĩ của bạn đều là những suy nghĩ tốt lành và nhân từ, họ sẽ ngừng chiến đấu chống lại bạn trong suy nghĩ của họ và sẽ không còn đe dọa bạn nữa. Nhưng nếu bạn đòi mắt đền mắt, đó chính là chiến tranh. Ở đâu có chiến tranh, ở đó không thể có hòa bình. Làm sao có thể có hòa bình trên chiến trường, khi mọi người đều phải cảnh giác để chặn trước cuộc tấn công bất ngờ từ kẻ thù? -- Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Chỉ cần ta muốn yêu Chúa bằng cả con tim, Chúa sẽ làm phần của Ngài -- CN 30 TN

Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6:4-6).

Bạn có nhận ra đây không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là một điều răn. Đó là lời của Chúa đến với chúng ta, cũng như là lời của chúng ta gửi đến Chúa. Cầu nguyện cơ bản là một cuộc đối thoại hai chiều với Thiên Chúa, và cuộc đối thoại là sự trao đổi, chứ không phải là độc thoại. Lời tôn vinh, cảm tạ, đền tội và khẩn cầu của chúng ta bay lên đến Chúa; và sự mặc khải, các điều răn và ân sủng của Chúa đến với chúng ta.

Xung quanh lời cầu nguyện này, Mô-sê sử dụng năm động từ ở thể mệnh lệnh cho các điều răn. Thứ nhất, “kính sợ” Chúa. Thứ hai, “tuân giữ” các điều răn của Ngài. Thứ ba, cẩn thận / lo đem chúng ra “thực hành”. Thứ tư, “yêu thương” Chúa của bạn bằng cả trái tim. Thứ năm, “ghi lòng tạc dạ” những lời này. Hãy cùng xem xét các động từ này một cách cẩn thận.

Đầu tiên là kính sợ, vì sự kính sợ phải đến trước. Nỗi sợ Thiên Chúa không phải là nỗi sợ nô lệ, như nỗi sợ của kẻ nô lệ đối với một chủ nhân tàn nhẫn, mà là nỗi sợ của một người con yêu thương và trung thành, sợ làm buồn lòng người cha yêu dấu của mình. Đôi khi người ta nói rằng nỗi sợ này có nghĩa là “tôn trọng,” nhưng nó còn hơn thế nữa. Đó là sự tôn kính. Đó là thờ phượng. Đó là tôn thờ. Đó là phản ứng mà chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng được lãnh nhận. Thái độ này là nguồn gốc tâm lý và bản chất của mọi tôn giáo. Gần như một từ đồng nghĩa với nỗi sợ Thiên Chúa này là đức tin, tin vào sự hoàn thiện của Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, thúc đẩy lời cầu nguyện cốt lõi của mọi tôn giáo chân chính: “Xin cho ý Cha được thực hiện.”

Và “ý Cha được thực hiện” chính là điều răn thứ hai: vâng lời. Đức tin không chỉ là một quan điểm; không chỉ là tin trong tâm trí; đức tin là lòng trung thành của ý chí. Đức tin là một lựa chọn, một hành động, một việc làm. Chương 11 của sách Híp-ri là danh sách những vĩ nhân đức tin thời Cựu Ước, và nó xác định đức tin của mỗi người qua những hành động vâng lời của họ. Nó cho chúng ta biết đức tin của họ đã làm gì.

Thứ ba, sự vâng lời này phải được thực hiện một cách cẩn thận, có nghĩa là có sự “cần thận / lo toan.” Cẩn thận ở đây không có nghĩa là “kén chọn” hoặc “sợ hãi,” mà có nghĩa là đam mê tích cực, chú ý và yêu thương. “Anh ấy thực sự quan tâm đến tôi” nghĩa là “anh ấy đặt tôi lên hàng đầu.” Khi chúng ta muốn nói, “Bạn nên thực sự quan tâm đến điều này,” chúng ta nói, “Đó là vấn đề sống còn.” Thiên Chúa thực sự là vấn đề sống chết đối với chúng ta, của đời sống vĩnh viễn [mà cuộc sống này chỉ là như một cái chớp mắt].

Thứ tư, điều răn trọng tâm là “yêu mến” Chúa hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Điều đó có nghĩa là đặt Chúa lên trên tất cả, không chỉ là thêm Ngài vào cuộc sống như lớp kem phủ lên bánh mà là để Ngài trở thành cả chiếc bánh, là Chúa của toàn bộ cuộc sống, để cho Thiên Chúa là Chúa của đời bạn. Bạn có thể nghĩ rằng điều này là không thể trừ khi bạn là một vị thánh; nhưng Thiên Chúa không yêu cầu điều gì là không thể làm được. Chọn để làm điều đó, cố gắng làm điều đó, muốn làm điều đó, quyết tâm làm điều đó, chính là đã làm được.

Cuối cùng, Mô-sê nói rằng “ghi lòng tạc dạ.” Điều đó có nghĩa là gì? Trong tiếng Híp-ri, điều này có nghĩa là, “Những lời này sẽ ở trên trái tim bạn,” hoặc “trong trái tim bạn.” Bởi vì chúng ta yêu Chúa bằng trái tim, chúng ta yêu những lời này bằng trái tim. Chúng ta có thể không thực hiện được điều răn yêu mến Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta không thể không yêu mến điều răn đó. Chúng ta có thể chưa yêu Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta có thể ít nhất là muốn yêu Ngài bằng cả trái tim, và nếu chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ dần dần biến đổi trái tim chúng ta thành điều mà chúng ta mong muốn.

Nếu chúng ta thậm chí không muốn yêu Chúa bằng cả trái tim, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết Chúa. Chúa là Đấng đáng yêu nhất vì Chúa là tình yêu, và tình yêu luôn muốn chia sẻ chính mình, và Chúa không mong muốn gì hơn là ban cho chúng ta niềm vui trên thiên đàng, một niềm vui chỉ có được khi chúng ta biết yêu thương. -- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul: Reflections on Mass Readings, Year B

Share:

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho con

“Ba-ti-mê” có nghĩa là “con trai của Ti-mê.” Tên Timaeus là một tên tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa “danh dự” hoặc “đáng kính”... Từ “Bar,” ngược lại, là một từ Do Thái-Aramaic mang nghĩa là “con trai.” Những tên khác có cấu trúc tương tự bao gồm “Barnabas” và “Barabbas.” Vì vậy, Bar-timaeus là một người Do Thái có cha mang tên Hy Lạp. Chính cấu trúc của cái tên đã cho thấy sự lưu đày của dân Israel giữa các dân tộc khác, nơi họ đã lấy những tên ngoại quốc từ các nền văn hóa mà họ bị phân tán.

Ba-ti-mê bị mù, giống như “những người mù và què” (Giêrêmia 31:8) trong số những người bị lưu đày của Israel được nhắc đến trong bài đọc một (Gr 31:7-9). Anh kêu tên Chúa Giêsu dưới danh xưng “Con vua Đavít.” Con vua Đavít là vị vua sẽ cai trị lần nữa mười hai chi tộc của dân Chúa. Ba-ti-mê, một người con và là nạn nhân của sự lưu đày và những tai họa mà Israel đã phải gánh chịu, kêu đến Con vua Đavít để được phục hồi.

Đám đông muốn làm im lặng người ăn xin mù này, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng. Chúa Giêsu chú ý đến anh và gọi anh đến. “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Ba-ti-mê không ngần ngại nói: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

Có phải đó cũng là điều mà tất cả chúng ta mong muốn? Chúng ta muốn “thấy.” Chúng ta muốn nhận thức mọi thứ như chúng thực sự là, có thể thấy mọi thứ như Chúa nhìn thấy chúng.

Tôi nhớ đến một lời cầu nguyện mà Thánh Josemaría Escrivá từng cầu nguyện trong nhiều năm khi còn trẻ, Domine, ut videam! “Lạy Chúa, xin cho con được thấy!” Thánh Josemaría biết rằng ngài được Chúa gọi, nhưng không thấy rõ Chúa đang kêu gọi mình về điều gì. Vì vậy, ngài đã cầu nguyện cho sự sáng suốt về tinh thần, qua lời của Ba-ti-mê. Nhiều người trong chúng ta cũng cần làm như vậy.

Chúa Giêsu đáp lời Ba-ti-mê: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Và Ba-ti-mê nhìn thấy được! Nhưng anh không trở về con của mình. Anh theo Chúa Giêsu trên con đường của Chúa. Đó là điều thật đáng chú ý. Ba-ti-mê không chỉ muốn đôi mắt mình được chữa lành. Anh muốn trở thành một phần của vương quốc Israel mà Con của Đavít đang phục hồi, bắt đầu với Mười Hai Tông đồ, những tổ phụ mới của dân Israel Mới. Anh muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một thành viên của Giáo Hội.

Chúng ta đọc câu chuyện này và tập trung vào việc Ba-ti-mê nhận lại thị giác của mình. Tuy nhiên, có một bài học khác về “thị giác” trong câu chuyện này. Đám đông nhìn Ba-ti-mê và chỉ thấy một người ăn xin mù lòa, một con người “vô giá trị” không đáng làm phiền đến Ráp-bi bận rộn từ Nazareth. Nhưng Chúa Giêsu nhìn Ba-ti-mê và thấy một người con đích thực của Israel, một nạn nhân của tội lỗi của dân tộc mình và một thế giới sa ngã. Ngài cảm thông với người đàn ông này, khôi phục thị giác cho anh và cũng chào đón anh vào Israel mới mà Ngài đang hình thành xung quanh mình: Giáo Hội."

"Chúa Nhật này, chúng ta đến Thánh lễ với nhu cầu được phục hồi tầm nhìn của mình. Tội lỗi, nỗi buồn và những áp lực của cuộc sống làm mờ tầm nhìn của chúng ta, khiến chúng ta không thể nhìn thấy mọi thứ như chúng là. Chúng ta cầu nguyện cùng Ba-ti-mê và Thánh Josemaría, Domine, ut videam! ‘Lạy Chúa, xin cho con được thấy!’ Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy ơn gọi của mình, thấy điều Chúa muốn chúng con làm, và thấy ở mỗi con người một giá trị đáng được yêu thương, để không ai trở nên vô hình hay bị bỏ quên trong mắt chúng con.” -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Blog Archive

Blog Archive