Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Quyền Năng Thiên Chúa Trong Yếu Đuối Của Bạn

Thiên Chúa thích dùng người yếu.

Ai ai cũng có những yếu đuối riêng. Quả vậy, bạn có biết bao nhược điểm và bất toàn về ngoại hình, về cảm xúc, về tư chất thông minh, về đời sống tinh thần. Bạn cũng có thể gặp những hoàn cảnh ngoài tầm tay vốn làm bạn yếu nhược, chẳng hạn những giới hạn về tài chánh hoặc giao tế. Vấn đề quan trọng hơn là bạn làm gì với những điểm yếu này. Thông thường, chúng ta phủ nhận những yếu đuối của mình, chúng ta bảo thủ, bào chữa, che đậy và đau buồn vì chúng. Điều này lại cản trở Thiên Chúa sử dụng chúng theo cách Ngài muốn.

Thiên Chúa có một cái nhìn rất khác về những yếu đuối của bạn. Ngài nói, “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Cho nên, Ngài thường hành động theo những cách thế hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta mong đợi. Chúng ta nghĩ, Chúa chỉ muốn dùng sức mạnh của tôi; thế nhưng, Ngài còn sử dụng đến những yếu đuối của chúng ta nữa cho vinh quang Ngài.

Kinh Thánh nói, “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1, 27). Những yếu đuối của bạn không phải là ngẫu nhiên. Thiên Chúa cố ý cho phép chúng xảy đến trong đời bạn nhằm chứng tỏ quyền năng của Ngài ngang qua bạn.

Thiên Chúa không bao giờ bị tác động bởi sức mạnh hay sự hoàn hảo của một ai. Thực tế, Ngài bị hấp dẫn bởi những người yếu kém và những ai thừa nhận điều đó. Đức Giêsu coi việc chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của mình là thái độ của một “tâm hồn nghèo khó”. Đó là thái độ ưu tiên mà Ngài chúc phúc (Mt 5, 3).

Kinh Thánh đầy những  mẫu gương cho thấy cách thức Thiên Chúa sử dụng những con người bất toàn, bình thường để làm những việc phi thường bất chấp những yếu đuối của họ. Nếu Thiên Chúa chỉ dùng những con người hoàn hảo, không gì được thực hiện thành toàn; bởi lẽ không ai trong chúng ta không thiếu sót. Việc Thiên Chúa dùng những con người bất toàn là một khích lệ cho tất cả chúng ta.

Sự yếu đuối, hay nói như thánh Phaolô, “cái dằm đâm vào” (2Cr 12, 7) không phải là một tội, một thói xấu hay một thiếu sót của tâm tánh mà bạn có thể thay đổi, chẳng hạn như ăn quá nhiều hoặc thiếu kiên nhẫn. Một yếu đuối là bất kỳ một giới hạn nào đo mà bạn kế thừa do di truyền hoặc không có khả năng thay đổi. Đó có thể là giới hạn thể lý như khuyết tật, một căn bệnh kinh niên, kém sức khỏe, tê liệt. Đó cũng có thể là một giới hạn về cảm xúc, chẳng hạn một tổn thương tinh thần do một khủng hoảng, một kỷ niệm đau buồn, một khuyết tật của cá tính hay một tính khí di truyền nào đó. Hoặc đó cũng có thể là một giới hạn về tài năng hoặc tư chất thông minh. Không phải ai trong chúng ta cũng thông minh kiệt xuất hay tài năng lỗi lạc.

Khi nghĩ đến những giới hạn trong đời mình, bạn có thể bị cám dỗ đi đến kết luận, “Có lẽ Chúa sẽ không bao giờ dùng tôi”. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị hạn chế bởi những giới hạn của chúng ta. Qua vậy, Ngài thích đặt quyền năng cao cả của Ngài trong những bình chứa bình thường. Kinh Thánh nói, “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không từ chúng tôi” (2Cr 4, 7). Như những chiếc bình gốm thông thường, chúng ta mỏng giòn, thiếu sót và dễ vỡ. Nhưng Chúa sẽ sử dụng nếu chúng ta để Ngài hành động ngang qua yếu đuối của mình. Để được vậy, hãy bắt chước gương thánh Phaolô.

Thừa nhận những yếu đuối của bạn. Nhìn nhận những bất toàn của bạn. Đừng tiếp tục giả vờ bạn có tất cả, hãy thành thật với chính mình.

Thay vì chối bỏ hoặc tìm cách bào chữa, bạn hãy dùng thời giờ để xác định những yếu đuối riêng của mình. Bạn có thể liệt kê chúng ra thành một danh sách.

Có hai lời tuyên xưng tuyệt vời trong Tân Ước minh họa những gì chúng ta cần để có một cuộc sống lành mạnh. Trước hết là tuyên xưng của thánh Phêrô, người đã nói với Đức Giêsu, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 6). Tiếp đến là tuyên xưng của thánh Phaolô, người đã nói với đám đông vốn tôn sùng thần tượng, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn” (Cv 14, 15b). Nếu bạn muốn được Thiên Chúa sử dụng, phải biết Ngài là Đấng nào và bạn là ai. Nhiều Kitô hữu, đặc biệt giới lãnh đạo, thường quên chân lý thứ hai: Chúng ta chỉ là những con người! Nếu cần một khủng hoảng để bạn thừa nhận điều đó, Thiên Chúa sẽ không ngần ngại để nó xảy ra vì Ngài yêu thương bạn.

Trích từ Sống Theo Đúng Mục Đích của Rick Warren

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét