Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Nghiệp báo / Karma vs Kitô giáo -- tôn giáo của ân sủng

Nghiệp báo / Karma là gì? Mặc dù thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi, nó thường bị hiểu sai hoặc bị đơn giản hóa. Nhiều người trong chúng ta từng thấy các video trên mạng xã hội được gián nhãn “Nhân quả tức thì / Instant Karma”, mô tả những tình huống mà ai đó lỗi phạm, chẳng hạn như một chiếc xe vi phạm luật giao thông và ngay lập tức phải gánh chịu hậu quả như bị cảnh sát dừng xe. Những tình huống này mang tính giải trí và làm toại lòng  người xem khi sự công bằng nhanh chóng được thực hiện, nhưng chúng chỉ biểu lộ mặt bề ngoài của ý nghĩa thực sự của nhân quả / Karma trong bối cảnh nguyên bản của nó. Để hiểu sâu hơn, chúng ta hãy nghe Đức Giám mục Barron giải thích:

Các tôn giáo về luật nhân quả (Karma) rất phổ biến ở phươn Đông. Một tôn giáo dựa trên luật nhân quả có nhiều điều đáng chú ý, và đó là lý do tại sao những tôn giáo này tồn tại bền vững suốt hàng ngàn năm.

Vậy luật nhân quả là gì? Nó là một quy luật vũ trụ: những hành động tốt được thưởng và những hành động xấu bị trừng phạt. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng xảy ra ngay lập tức. Hãy nhớ đến bài hát "Instant Karma” của John Lennon, một cách chơi chữ thú vị, vì Karma có thể không ngay lập tức được áp dụng. Thông thường, nhân quả bị trì hoãn và có thể không xảy ra trong cuộc sống hiện tại, mà là ở thế giới mai sau. Nhưng nhân quả sẽ khẳng định luật của nó. Việc làm tốt được thưởng. Việc làm xấu bị trừng phạt. Như tôi đã nói, điều này thỏa mãn cảm giác công bằng của chúng ta, nó có vẻ đúng đắn và hợp lý.

Tại sao rất nhiều người Ấn Độ chấp nhận khái niệm Karma một cách dễ dàng? Câu trả lời nằm ở sức hấp dẫn của nó như một hệ thống nhân quả đơn giản và trực quan. Cốt lõi của Karma cho rằng mọi hành động đều có hậu quả tương ứng – nếu bạn làm điều sai trái, những điều không tốt sẽ xảy đến với bạn, dù là trong đời này hay đời sau.

Đối với nhiều người, khái niệm nhân quả / karma cung cấp một khuôn khổ giải thích những bất hạnh và đem lại niềm an ủi. Logic của nó rất đơn giản: “Tôi hẳn đã làm điều gì đó sai, và bây giờ tôi đang trả giá — đây là công lý.” Khi nhìn nhận những khó khăn của mình như hậu quả của hành động cá nhân, con người có thể cảm thấy rằng số phận của họ không ngẫu nhiên mà  là gắn liền với một trật tự đạo đức rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, dù hệ thống này có vẻ hợp lý, Kitô giáo có một quan điểm hoàn toàn khác. Để hiểu sự khác biệt này, chúng ta hãy nghe Đức Giám mục Barron giải thích.

Ngược lại với nhân quả, các tôn giáo của ân sủng được tìm thấy trong các tôn giáo của tổ phụ Abraham, chủ yếu ở phương Tây, đặc biệt là Kitô giáo. Các tôn giáo Kinh Thánh là tôn giáo của ân sủng.

Vậy điều gì đang diễn ra ở đây? Không phải mọi người đều lãnh nhận chính xác điều họ xứng đáng, mà đúng hơn, như Kinh Thánh nói, “mọi người đều phạm tội và thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa.” Như Thánh Phaolô đã nói, chẳng ai là người công chính cả, không một ai.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng công chính. Ngài ban cho chúng ta sự tha thứ, tình yêu và sự sống đời đời. Điều chúng ta lãnh nhận không phải là điều chúng ta đáng được nhận như trong luật nhân quả, mà là điều chúng ta không xứng đáng được lãnh nhận.

Hãy nghĩ đến câu hát nổi tiếng nhất trong bài thánh ca của Kitô giáo, mà chúng ta vẫn hát: "Amazing grace, how sweet the sound, that saved a wretch like me."

“Ân huệ kỳ diệu,
Ôi nghe thật ngọt ngào biết bao
Mà đã cứu vớt kẻ bất hạnh như tôi .”

Trong các tôn giáo nghiệp báo thuần túy, những kẻ bất hạnh không xứng đáng được cứu rỗi. Một kẻ bất lương xứng đáng với số phận khốn khổ. Thế nhưng ân sủng thì thật kỳ diệu, Ôi nghe thật ngọt ngào làm sao, ân sủng đã trao ban ơn cứu độ cho một tên bất lương như tôi.

Tôi sẽ nói thẳng thắn và rõ ràng. Tạ ơn Chúa, tôi có một tôn giáo của ân sủng, tôi dám tuyên bố điều đó. Tôi không biết về những người đang nghe, nhưng tôi không đủ sức đứng vững trước sự khắc nghiệt của việc tôi xứng đáng lãnh nhận. Bạn có hiểu ý tôi không?

Nếu chỉ thuần túy là nghiệp báo, và tôi lãnh nhận những gì tôi xứng đáng, thì thật là khổ cho tôi. Tôi vô cùng biết ơn vì có một tôn giáo của ân sủng, rằng tôi không lãnh nhận những gì tôi xứng đáng, nhưng tôi đã được ban tặng như một ân sủng – đức tin của tôi, bí tích Rửa tội, Thánh Lễ, các phép bí tích, sự mạc khải của Chúa Kitô. Tôi đã được ban tặng tất cả những điều đó.

Ân huệ kỳ diệu, ôi nghe thật ngọt ngào biết bao, mà đã cứu vớt kẻ bất hạnh như tôi”.

Và tôi sẽ làm gì với ân sủng? Tôi sẽ chia sẻ nó với người khác. Tôi trở thành một kênh chuyển ân sủng cho người khác. Tôi đã được chọn, vâng, tạ ơn Chúa. Tôi đã được chọn cho thế giới này.

Tôi nghĩ đó là logic cốt lõi của một tôn giáo của ân sủng.

Như Đức Giám Mục Barron giải thích, Kitô giáo hoàn toàn không đồng tình với khái niệm nhân quả vì hai hệ thống này hoạt động dựa trên các nguyên lý hoàn toàn khác nhau. Nghiệp báo hoạt động như một hệ thống nhân quả nghiêm ngặt, trong đó mỗi hành động—tốt hay xấu—đều dẫn đến một hệ quả tương ứng.

Trong khuôn khổ này, nếu bạn phạm phải một sai lầm, việc bạn phải chịu hậu quả là điều công bằng và chính đáng, vì nó giúp cân bằng thang công lý vũ trụ thông qua sự bù đắp. Còn Kitô giáo hoạt động dựa trên nguyên lý ân sủng và lòng thương xót, nơi tha thứ không là do ta đáng được có, không qua việc cân bằng các hành động, mà được trao ban như không bởi Thiên Chúa tình yêu.

Ngay cả khi một người phạm phải một tội nặng, Kitô giáo nhấn mạnh rằng thông qua sự ăn năn chân thành, qua việc thật lòng hối lỗi và sự đền bù, hậu quả vĩnh cửu của tội lỗi đó có thể được hoàn toàn xóa bỏ. Điều này không thể thực hiện được bằng nỗ lực con người, mà nhờ vào cái chết hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Ngài đã chịu đựng hình phạt thay cho tội lỗi của nhân loại vì tình yêu và lòng thương xót vô bờ bến.

Để làm cho sự phân biệt này dễ hiểu hơn, chúng ta hãy xem xét một phép so sánh. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ ném đá và làm vỡ cửa sổ của một người hàng xóm. Trong một hệ thống giống như nghiệp, đứa trẻ phải trả tiền cho cửa sổ bị vỡ trực tiếp. Mọi chi phí của thiệt hại hoàn toàn do đứa trẻ chịu, và nó phải chịu trách nhiệm sửa chữa tình huống. Nguyên lý ở đây là nhân quả nghiêm ngặt: hành động của đứa trẻ gây ra tổn hại, và nó phải bồi thường hoàn toàn để phục hồi sự cân bằng. Không có chỗ cho sự tha thứ hay can thiệp; công lý là hoàn toàn giao dịch.

Bây giờ, hãy tưởng tượng cùng một đứa trẻ làm vỡ cửa sổ, nhưng lần này, người hàng xóm đáp lại một cách khác. Người hàng xóm thừa nhận sai lầm và tổn thương đã gây ra nhưng tha thứ cho đứa trẻ vì tình yêu. Thay vì yêu cầu đứa trẻ trả tiền, người hàng xóm tự mình trả tiền sửa chữa. Tuy nhiên, đứa trẻ phải xin lỗi một cách chân thành và thể hiện sự sẵn sàng sửa sai, có thể bằng cách giúp làm việc nhà hoặc học cách cẩn thận hơn. Quan hệ ở đây không phải là giao dịch—mà là sự phục hồi. Nợ không được trả bằng nỗ lực của đứa trẻ mà qua sự rộng lượng và sẵn sàng hấp thụ chi phí của người hàng xóm. Vậy, để tóm tắt trong một câu: "Nghiệp là về việc nhận những gì bạn xứng đáng; Ân sủng là về việc nhận những gì bạn không xứng đáng lãnh nhận."

Hãy để tôi kết thúc với lời nói khôn ngoan của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Công lý Thiên Chúa và lòng thương xót Thiên Chúa gặp nhau trên Thập Giá. Công lý không bị bỏ rơi, nhưng lòng thương xót đi trước công lý.”

Share:

Lễ Thánh Gia Thất

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. (Huấn ca 3, 3-7)

Thật phúc cho người mà việc kính trọng cha mẹ là điều dễ dàng, vì cha mẹ họ là những người đạo đức và đáng ngưỡng mộ! Người đó thực sự được chúc phúc cả về thể xác lẫn linh hồn. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi suy niệm về những bài đọc này lại gặp khó khăn với mệnh lệnh phải kính trọng cha mẹ, bởi vì chúng ta đã từng bị tổn thương bởi họ: có lẽ chúng ta là con cái của một cuộc ly hôn hoặc đã bị cha hoặc mẹ bỏ rơi. Có lẽ chúng ta đã phải chịu đựng sự lạm dụng dưới một hình thức nào đó. Vậy chúng ta phản ứng thế nào với bài đọc này?

Mệnh lệnh này vẫn có ý nghĩa đối với chúng ta. Danh tính của chúng ta gắn bó chặt chẽ với cha mẹ đến mức thù ghét họ sẽ trở thành việc căm ghét bản thân, làm tổn thương chính chúng ta từ tận gốc rễ của con người mình. Vì lợi ích của sức khỏe tâm linh chúng ta và mối tương quan của ta với Chúa, chúng ta cần cầu xin sức mạnh thiêng liêng – mà chúng ta gọi là ân sủng – để tha thứ những tổn thương vượt quá khả năng tha thứ của chính mình, và chúng ta phải xin Chúa chỉ ra cho chúng ta những gì tốt lành, chân thật và đẹp đẽ nơi cha mẹ mình, để chúng ta có thể tập trung và suy niệm về điều đó.

Đây chẳng phải là một phần của việc yêu thương tha nhân như chính mình sao? Chúng ta cũng nhận thức được những cách mà bản thân đã phạm lỗi với con cái mình, và chúng ta cũng hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ tha thứ cho những khuyết điểm của mình và tập trung vào những đức tính tốt đẹp của chúng ta, đúng không? Chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc trong Kinh Lạy Cha vào mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có tội với chúng con,” bởi vì “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14–15).

Share:

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Chúa nói không…. vì

Tôi cầu xin Chúa lấy đi thói quen xấu của mình
Chúa nói: Không! Ta sẽ không lấy nó đi, chính con phải chọn từ bỏ nó.

Tôi cầu xin Chúa cho đứa con khuyết tật của mình được vẹn toàn
Chúa nói: Không! Linh hồn của đứa trẻ không hề khuyết tật.

Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi kiên nhẫn
Chúa nói: Không!
Kiên nhẫn con sẽ học được sau khi vượt qua những khó khăn.

Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi hạnh phúc
Chúa nói: Không!
Ta chúc phúc cho con, nhưng hạnh phúc tùy thuộc vào con.

Tôi cầu xin Chúa cất đi những khổ đau
Chúa nói: Không!
Đau khổ sẽ kéo con ra khỏi ham muốn thế gian, mang con đến gần Ta hơn!

Tôi cầu xin Chúa làm cho tôi phát triển về mặt thiêng liêng.
Chúa nói: Không!
Ta sẽ cắt tỉa để con kết quả, ra hoa.

Tôi cầu xin Chúa cho tôi được tận hưởng cuộc sống
Chúa nói: Không!
Ta đã ban cho con sự sống, để con có thể tận hưởng tất cả.

Tôi cầu xin Chúa giúp tôi có thể yêu tha nhân nhiều như Ngài đã yêu tôi
Chúa nói: À, cuối cùng rồi con cũng hiểu ra

Share:

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, năm C -- Người là Hòa bình

Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha. 5:1-4a

Đức Chúa phán thế này ::
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,:
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,:
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện:
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.:
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.:
Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en:
cho đến thời người sản phụ sinh con.:
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó:
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.:
Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,:
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người:
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,:
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.:
Chính Người sẽ đem lại hoà bình.”
:

------------

Lời tiên tri về Đấng Mêsia này, cũng như hầu hết các lời tiên tri khác, là thiết kế của Thiên Chúa có ý không làm cho nó đơn giản và rõ ràng tương tự như một dự báo thời tiết. Nó có mang theo một manh mối, giống như trong một câu chuyện trinh thám. Nó thử thách chúng ta. Chúng ta phải chủ động tìm hiểu nó. Chúng ta chỉ hoàn toàn hiểu khi lời tiên tri ấy được ứng nghiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có thể hiểu hoàn toàn Cựu Ước thông qua Tân Ước, thông qua Chúa Kitô. Chúa Kitô cho phép chúng ta đọc lịch sử Kinh Thánh ngược chiều, giải thích Cựu Ước qua Tân Ước, điều này làm cho Cựu Ước trở nên rõ ràng hơn nhiều.

Ở đây, mười điều được nói về Đấng Messiah, mười manh mối. Chúa Giêsu đã ứng nghiệm tất cả: (1) Ngài sẽ đến từ thị trấn nhỏ bé Bethlehem, (2) Ngài sẽ cai trị Israel, (3) Nguồn gốc của Ngài là từ thuở xa xưa, (4) Thiên Chúa đang chờ đợi mẹ Ngài, (5) Anh em của Ngài sẽ trở về Israel, (6) Ngài sẽ đứng lên, (7) Ngài sẽ chăn dắt đàn chiên của mình, (8) Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, (9) Sự vĩ đại của Ngài sẽ vươn tới tận cùng trái đất, và (10) Ngài sẽ là hòa bình.

Chúng ta hãy đi qua mười điểm này một cách ngắn gọn. Thực ra, có ít nhất ba trăm lời tiên tri về Đấng Mêsia trong Cựu Ước, và và hết thảy những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Không ai trong lịch sử đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri như vậy, cũng như không ai trong lịch sử đã thực hiện nhiều phép lạ vô kể, hoặc sống lại từ cõi chết, hoặc tuyên bố không chỉ là một người khôn ngoan mà là Thiên Chúa nhập thể. Chúa Giêsu là duy nhất tuyệt đối.

1) Thứ nhất, tại sao Ngài chọn Bethlehem? Trong suốt lịch sử, Thiên Chúa thực hiện những phép lạ vĩ đại nhất qua những người nghèo khổ và ở những nơi vô danh, chứ không phải qua những người giàu có hay nổi tiếng. Đức Maria cũng làm điều tương tự: tất cả những lần hiện ra của Mẹ trong suốt các thế kỷ đều ở những nơi xa xôi và với những người nghèo hoặc trẻ em. Tại sao? Một lý do là vì Thiên Chúa thấy rằng chúng ta cần học khiêm tốn. Và Thiên Chúa có thể làm việc với những người khiêm tốn, những người tin tưởng Ngài; Ngài không thể làm việc với những kẻ kiêu ngạo, những người không tin tưởng. Lý do khác là chúng ta cần học cách tôn trọng người nghèo và những người vô danh – không chỉ là thương hại và giúp đỡ họ mà còn phải tôn trọng họ. Một lý do nữa là chúng ta cần đặt lại các ưu tiên và không nên kỳ vọng quá nhiều vào những vĩ nhân được mọi người nhận biết. Chúa Giêsu đã có thể sinh ra tại Rôma, trở thành hoàng đế và cai trị thế giới. Nhưng Ngài đã làm điều ngược lại. Ngài sinh ra ở một vùng đất xa lánh; Ngài sống như một người thợ mộc vô danh suốt ba mươi năm và bị đóng đinh như một tội nhân. Như dòng nước chảy, Thiên Chúa đi đến những nơi thấp nhất.

2) Thứ hai, lời tiên tri nói Đấng Mêsia sẽ cai trị Israel có nghĩa là gì? Hầu hết người Do Thái nghĩ rằng điều đó có nghĩa là Ngài sẽ là một vị vua vĩ đại, như vua Salomôn, và một người có chiến thắng lớn về chính trị và quân sự. Nhưng Israel thực sự mà Chúa Giêsu sẽ cai trị, “dân tộc được Chúa chọn,” không phải là một thực thể chính trị, quân sự hay kinh tế. Ngai của Chúa Giêsu không phải ở trong các hành lang của Quốc hội mà là trong các hành lang trái tim của chúng ta. Đó không phải là quyền lực mà là tình yêu. Trái tim của chúng ta là ngai vàng của Ngài.

(3) Thứ ba, nguồn gốc của Ngài từ thời trước, từ thuở xa xưa có nghĩa là gì? Không chỉ vì Ngài là con của Đavít, tổ tiên dân Do thái đã 1000 ngàn năm, mà Ngài là Con của Thiên Chúa từ cõi đời đời. Ngài đã có từ “lúc khởi đầu” (Gioan 1:1). Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ. Ngôi Lời của Thiên Chúa không phải là một tập hợp các chữ cái mà là một Ngôi vị. Tên loài người của Ngài là Đức Giêsu. Tên Thiên Chúa của Ngài là Chúa Con, Con đời đời của Thiên Chúa Cha. Ngay cả khi A-đam vẫn còn sống trên trái đất ngày nay, Chúa Giêsu sẽ già hơn A-đam. Ngài cũng trẻ hơn tất cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra. (x. Tv 2:7).

(4) Thứ tư, cũng có một lời tiên tri của Đức Maria ở đây: “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời người sản phụ sinh con”. Thiên Chúa đã có thể đưa Con của Ngài xuống từ thiên đàng khi đã trưởng thành, như thể Chúa xuống trần thay vì Chúa thăng thiên; trái lại, Ngài đã chọn bắt đầu như một hợp tử, rồi một phôi thai, rồi một bào thai, rồi một em bé, rồi một cậu bé, rồi một thiếu niên, rồi một chàng trai trẻ, để thánh hóa mọi giai đoạn của cuộc sống con người. (Ngay cả cuộc sống của một thiếu niên! Những thiếu niên có thể giống như Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu đã là một thiếu niên.) Vào lúc Truyền tin, thiên thần của Chúa đã chờ đợi sự cho phép của Mary trước khi Chúa Thánh Thần một cách huyền diệu, phủ bóng trên Đức Maria và Mẹ đã thụ thai trong lòng mình Đấng Tạo Hóa của chính mình. Tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa ngay từ đầu. Chúa Giêsu là người duy nhất trong lịch sử đã chọn mẹ của mình.

(5) Thứ năm, lời tiên tri có nghĩa là gì khi nói rằng “những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en? Khi ngôn sứ Mi-kha đưa ra lời tiên tri này, ông hẳn đã hiểu rằng người Do Thái sẽ thực sự trở về Đất Hứa sau thời gian lưu đày, và điều này đã xảy ra. Nhưng đó cũng là biểu tượng của một điều gì đó lớn lao hơn: sự trở về về mặt tâm linh mà Chúa Giêsu đã đến để ban cho tất cả chúng ta: sự trở về của linh hồn chúng ta với Chúa, ngôi nhà tâm linh của chúng ta. Và khi đoạn văn gọi chúng ta là “anh em” của Người, lời tiên tri đó cũng nói rằng Chúa Giêsu sẽ biến đổi chúng ta thành con cái của Chúa và anh em của Chúa Giêsu. Trong Giáo hội sơ khai, các Kitô hữu được phép gọi Chúa là “Cha” và cầu nguyện “Kinh Lạy Cha” chỉ sau khi họ trở thành Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội. Kitô hữu không chỉ là một cái tên mới mà còn là một bản chất mới, một sự thay đổi thực sự trong chính bản thể của họ. Giờ đây, họ là một phần của gia đình Chúa, là con trai và con gái được Chúa nhận làm con nuôi, vì Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Chúa.

(6) Thứ sáu, lời tiên tri nói rằng “Người sẽ đứng lên” có lẽ ám chỉ sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Từ được sử dụng trong Kinh Tin Kính các Tông đồ để chỉ “thân xác loài người ngày sau sống lại” là anastasis, theo nghĩa đen có nghĩa là “đứng lên”. Đó là điều mà xác chết không thể làm được.

(7) Thứ bảy, lời tiên tri nói “Ngài sẽ… chăn dắt đoàn chiên của Ngài” có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu sẽ là người Mục tử tốt lành đối với chiên của Ngài: là Đấng cứu độ, người bảo vệ và chủ nhân tốt lành của đoàn chiên. Cuối cùng chính Ngài cũng sẽ là một con chiên, Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội lỗi trần gian bằng cách bị giết chết, như con chiên trong Lễ Vượt Qua. Ngài sẽ là ý nghĩa thực sự của tất cả những con chiên đã bị hy sinh trong nghi thức thờ phượng tại đền thờ, từ khi Thiên Chúa đã ban cho Môsê những chỉ dẫn chi tiết về nghi thức của hy tế cho đến khi biểu tượng này được thực hiện, được biểu lộ và được hiểu rõ trong Chúa Kitô.

(8) Và khi lời tiên tri thứ tám nói rằng “họ sẽ được an cư lạc nghiệp,” họ ở đây có nghĩa là chúng ta, bầy chiên của Ngài, dân sự của Ngài, cùng gia đình với Ngài; và “an cư lạc nghiệp” ở đây có lẽ có nghĩa là sự bất tử. Chúng ta “an cư lạc nghiệp” ngay cả khi đã chết vì Chúa Kitô đã làm như vậy. Hy vọng phục sinh của chúng ta dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô và việc chúng ta “ở trong” Ngài.

(9) Lời tiên tri thứ chín, nói rằng, “quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất,” có nghĩa là Đấng Kitô sẽ được mọi nơi trên thế giới biết đến. Lúc đầu, chỉ có một vài môn đệ, sau đó có thêm ba ngàn người nữa vào Lễ Ngũ Tuần, và ngày nay có hơn hai tỷ Kitô hữu trên thế giới. Những gì bắt đầu ở Giêrusalem đã lan đến Giuđêa, đến phần còn lại của Israel, đến Cận Đông và phía tây đến Châu Âu, rồi đến phần còn lại của thế giới. Thực tế là Châu Âu không còn là một lục địa Kitô giáo nữa là một điều bi thảm nhưng không phải là thảm họa. Không giống như hầu hết các tôn giáo khác, Kitô giáo không phải là một tôn giáo cục bộ mà là phổ quát. Hồi giáo chủ yếu giới hạn ở các nước Hồi giáo, Phật giáo ở các nước Phật giáo, Nho giáo ở Trung Quốc và Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, nhưng Kitô giáo thì có mặt trên toàn thế giới. Ngày nay, nó vừa là một tôn giáo của Châu Phi vừa là một tôn giáo của Hoa Kỳ. Kitô giáo không phải là một hệ thống chính trị hay quốc gia. Rất tiếc phải làm bạn thất vọng, nhưng Chúa Giêsu không tranh cử tổng thống.

(10) Cuối cùng, lời tiên tri nói “Ngài sẽ là sự bình an của chúng ta”. Lưu ý rằng không nói chỉ là Ngài sẽ dạy về hòa bình, hoặc thậm chí là Ngài sẽ mang lại hòa bình, mà là Ngài sẽ là hòa bình. Ngài chỉ ban cho chúng ta một món quà duy nhất: chính Ngài. Trong món quà đó có tất cả mọi món quà khác. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu là sự công chính, sự thánh hóa và sự cứu chuộc của chúng ta, không chỉ là Ngài ban những món quà đó. Thiên Chúa không giống như ông già Noel. Ông già Noel tặng rất nhiều món quà nhưng không ban chính mình. Ông không cùng sống chúng ta; ông chỉ đến và để lại quà một lần mỗi năm.

Khi tôi còn nhỏ, tôi rất muốn có một chiếc tàu đồ chơi đắt tiền cho Giáng Sinh. Bố tôi bảo tôi ngồi xuống và hỏi tôi, “Con có biết tại sao chúng ta tặng quà cho nhau vào dịp Giáng Sinh không?” Tôi trả lời, “Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu trong Giáng Sinh đầu tiên, đúng không bố?” Bố tôi rất vui. “Đúng rồi! Và tại sao Thiên Chúa làm vậy?” “Vì Ngài yêu thương chúng ta” “Đúng! Tốt lắm, con của bố. Con đã hiểu ý nghĩa Giáng Sinh rất rõ. Giờ nếu ba không đủ tiền mua cho con chiếc tàu lửa đắt tiền con muốn, con vẫn biết ba yêu thương con hết lòng, đúng không con?” Tôi nghĩ nhanh. Đây là một cái bẫy mà tôi không ngờ tới. Liệu tôi có thể bắt bố tôi làm con tin cho đến khi bố mua cho tôi chiếc tàu lửa không? Hay tôi có thể nói không để ép bố mua tàu lửa cho tôi không? Không, bố thông minh hơn tôi. Tôi không thể lừa bố được. Tôi phải nói thật. Vì vậy tôi nói, “Dạ, con biết bố luôn yêu thương con.” “Tốt lắm con trai. Lần nữa con đã nói đúng”. Tôi nghĩ thầm: “Chết rồi, mình vừa cho bố lý do để không mua tàu cho mình rồi.” Khi Giáng Sinh đến, tôi đã nhận được chiếc tàu lửa. Nhưng tôi đã nhận được thứ quý giá hơn: tôi đã học được bài học về tình yêu. Tàu lửa đồ chơi ấy đang ở trên gác mái nhà đã gỉ sét, nhưng bài học thì không bao giờ gỉ sét; nó vẫn sống mãi trong tôi.

Khi chúng ta tặng quà Giáng Sinh cho nhau, như chúng ta sẽ làm ngay khi Mùa Vọng kết thúc và bước vào Mùa Giáng Sinh, điều quan trọng là tình yêu: tình yêu là món quà của chính mình. Trong hôn nhân, món quà của mình là hoàn toàn, độc nhất, mãi mãi và vô điều kiện. (Nếu bạn không hiểu hoặc không tin vào điều này, xin đừng kết hôn cho đến khi bạn hiểu rõ điều đó.) -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, năm C: bà Êlizabeth, Kitô hữu đầu tiên

Tin Mừng hôm nay là mầu nhiệm thứ hai của Năm sự vui trong Kinh Mân Côi – Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Cuộc Thăm Viếng đã làm nên một trong những bài ca vui mừng nhất từng được hát: Kinh “Magnificat” của Đức Maria… Nhưng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta không có bài “Magnificat.” Thay vào đó, chúng ta có một phần của lời cầu nguyện được lặp đi lặp lại nhiều nhất trên thế giới – Kinh Kính Mừng.

Kinh Kính Mừng bắt đầu bằng lời chào của thiên sứ với Đức Maria trong sự kiện Truyền Tin: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà,” và tiếp nối với lời của bà Êlisabét: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ.” Người Tin Lành không nên nghi ngờ lời kinh này, bởi vì những lời này xuất phát trực tiếp từ Kinh Thánh. Làm sao có thể sai khi lặp lại những gì Kinh Thánh nói, những gì thiên thần của Thiên Chúa đã nói và những gì bà Êlisabét đã nói?

Một câu đố nhỏ cho bạn: Ai là môn đệ trẻ nhất của Chúa Giêsu? Thưa Gioan Tẩy Giả, người đã nhận biết Chúa Giêsu từ trong bụng mẹ, ngay cả trước khi ông, hay Chúa Giêsu được sinh ra.

Câu đố khác: Ai là người đầu tiên tuyên xưng tín điều Kitô giáo? Đáp án: Tín điều Kitô giáo đầu tiên, được lặp lại trong hai đoạn thư của thánh Phaolô, là công thức: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Rm 10:9; 1 Cr 12:3). Người Kitô hữu không bao giờ gọi César hay bất kỳ con người nào khác là “Chúa.” Thuật ngữ “Chúa” (kyrios trong tiếng Hy Lạp) chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.

Đây là tín điều đầu tiên vì đây là điều đầu tiên và đặc biệt nhất trong đức tin của một Kitô hữu: rằng Chúa Giêsu là Đức Chúa, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Vậy ai là người đầu tiên tuyên xưng Ngài là Chúa? Câu trả lời là: bà Êlizabeth. Bà đã nói với Đức maria, người đã mang Chúa Giêsu chưa chào đời đến với Elizabeth, “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Elizabeth là người đầu tiên gọi Chúa Giêsu là “Chúa của tôi". Nếu Kitô hữu là người tuyên xưng “Chúa Giêsu là Chúa", thì Elizabeth là Kitô hữu đầu tiên vì đã tuyên xưng điều đó. Lời của bà cũng là nền tảng Kinh thánh để chúng ta gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa". Vì đó chính xác là điều Elizabeth đã nói về Đức Mẹ.

Đây là một câu hỏi trắc nghiệm Kinh Thánh khác: Làm sao Elizabeth biết rằng người con Đức Maria cưu mang là Thiên Chúa? Làm sao Thiên Chúa có thể là một đứa trẻ trong bụng dạ một người phụ nữ? Làm sao một đứa trẻ trong bụng dạ một người phụ nữ có thể là Thiên Chúa? Đó là một việc gần như không thể tưởng tượng được, đặc biệt là đối với một người Do Thái, người hiểu rõ hơn bất kỳ người ngoại giáo đa thần nào trên khắp thế giới, về sự siêu việt và hoàn hảo của Thiên Chúa duy nhất này. Làm sao Elizabeth lại là nhà thần học Kitô giáo đầu tiên? Làm sao bà tìm ra thần học nhập thể? Kinh Thánh sẽ cho bạn câu trả lời: Bà không tìm ra. Bà đã được cho biết. Bởi ai? Bởi Thiên Chúa. Elizabeth “được đầy tràn Chúa Thánh Thần."

Câu hỏi tiếp: Tại sao bà Êlisabét nói, “Em có phúc hơn mọi người nữ”?  Đức Maria là người có nhiều ân phước nhất từng sống, dù là nam hay nữ; Mẹ là người duy nhất được Chúa chúc phúc để Mẹ được thụ thai trong lòng mẹ mình, thánh Anna, mà không mắc tội nguyên tổ. Đó là ý nghĩa của danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng Elizabeth có thể đã nói, “Em có phúc giữa tất cả những con người thuộc cả hai giới đã từng sống.” Tại sao lại giới hạn lớp này chỉ dành cho phụ nữ? Và câu trả lời thì hiển nhiên: Mẹ có phước để là một người phụ nữ -- bản năng phụ nữ của Mẹ được chúc phúc  – vì Mẹ là mẹ của Chúa. Không có người đàn ông nào là cha của Chúa, nhưng người phụ nữ này là Mẹ của Chúa! Đàn ông có thể làm nhiều việc mà phụ nữ có thể làm và phụ nữ có thể làm nhiều việc mà đàn ông có thể làm, nhưng có một điều mà không người đàn ông nào có thể làm được là trở thành một người mẹ. Chỉ có phụ nữ mới có thể trở thành một người mẹ. Đó đã là một đặc ân cao cả mà tất cả phụ nữ có được so với tất cả đàn ông. Và giờ đây Chúa đã ban thêm một đặc ân nữa cho Đức Maria: thêm vào thiên chức làm mẹ của một thụ tạo là thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trong số những con người được ưu ái này, Đức Maria là người được ưu ái nhất. Đây là chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến nhất từng được hình dung, sự tôn vinh cao nhất của nữ giới trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Một câu hỏi nữa: Làm thế nào mà John the Baptist nhận ra Chúa Giêsu từ trong bụng mẹ mình ngay cả trước khi ông hoặc Chúa Giêsu được sinh ra? Điều này có là điều có thể không? Vâng, một đứa trẻ chưa chào đời có thể nhận ra âm thanh và phản ứng với chúng, đặc biệt là với nhạc cổ điển. Có một số bằng chứng khoa học cho thấy những đứa trẻ đã quen nghe nhạc cổ điển trước khi chào đời sẽ bình tĩnh và vui vẻ hơn những đứa trẻ không quen. Vì vậy, nếu một đứa trẻ có thể nhận ra và phản ứng với Mozart, thì đứa trẻ đó càng có thể nhận ra và phản ứng với người đã phát minh và truyền cảm hứng cho Mozart, với Ngôi Lời, với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa nhập thể.

Khoa học dạy chúng ta rằng có nhiều điều đang diễn ra ở khắp mọi nơi trong vũ trụ hơn chúng ta từng nghĩ trước đây; rằng, như Hamlet đã nói với Horatio, “có nhiều thứ trên trời và dưới đất hơn những gì anh mơ ước trong triết lý của mình". Và hai ví dụ về điều đó ở đây là những gì đang diễn ra trong tử cung của hai người phụ nữ này.
Gio-an Tẩy Giả không thể nghe tiếng Chúa Giê-su, Ngài chưa thể phát ra bất kỳ âm thanh nào khi còn trong bụng mẹ. Các thai nhi có thể nghe, nhưng không thể nói. Nhưng hãy nhìn lại đoạn văn: “Khi Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Ma-ri-a, hài nhi nhảy mừng trong lòng bà.” Đó là giọng nói của Ma-ri-a mà Gio-an đã nghe. Đó là bản nhạc ngọt ngào hơn cả Mozart. Và sau đó, bản nhạc ấy tiếp tục vang lên trong bài ca “Magnificat.” Gio-an đã nghe được bản nhạc ấy.

Bạn thấy đấy, Đức Ma-ri-a đã làm điều tương tự mà Gio-an Tẩy Giả sẽ làm khi ông chào đời: chuẩn bị đường cho Chúa Giê-su, chỉ về phía Chúa Giê-su, rao giảng về Chúa Giê-su, tan biến trong Chúa Giê-su, lùi lại và để Ngài xuất hiện. Người vĩ đại nhất trong tất cả các nhà tiên tri (Chúa Giê-su đã gọi Gioan Tẩy Giả như vậy) và người phụ nữ vĩ đại nhất trong tất cả (thiên thần của Chúa đã gọi Đức Maria như vậy) đều làm cùng một điều: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại,” như Gioan đã nói (Gioan 3:30). Chính sự khiêm nhường của họ làm cho họ trở nên vĩ đại. Đó là chủ đề chính của bài “Magnificat": rằng Thiên Chúa nâng cao những người khiêm nhường và hạ thấp những kẻ kiêu căng.

Đó là điều mà Đức Ma-ri-a luôn làm, và vẫn đang làm từ trên thiên đàng. Mẹ không có niềm vui nào lớn hơn việc đáp lại lời khẩn cầu của chúng ta trong kinh Lạy Nữ Vương: “Xin cho chúng con thấy Chúa Giê-su, Con lòng Mẹ, gồm phước lạ.”

Những người theo đạo Tin lành đã không nhận ra điểm đó: rằng vai trò của Mary trong cuộc sống của chúng ta hoàn toàn trái ngược với những gì họ sợ, một người cạnh tranh với Chúa Giêsu, một trở ngại cho sự trọn vẹn tôn thờ Chúa Giêsu, một thần tượng. Toàn bộ cuộc đời và toàn bộ tình yêu của Mẹ chỉ là hướng về Giêsu. Đức Maria là một vị thánh trên các vị thánh –không phải để được đặt trên bệ cao vời vượt xa người thế, mà làmà để được noi theo trong cuộc sống của chúng ta ngay tại đây trên mặt đất. Mẹ là những gì chúng ta được tạo ra để trở thành. Khi những người Tin lành lấy Chúa Kitô làm trung tâm, Đức Maria cũng là hình mẫu hoàn hảo cho họ nữa. đừng kết hôn cho đến khi bạn hiểu rõ điều đó.) -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Thiên Chúa của tin vui

Trong Mùa Vọng, chúng ta nghe hai cuộc truyền tin bởi thiên thần Gáp-ri-en đến với ông Da-ca-ri-a và Đức Maria. Sau cuộc truyền tin, ông Da-ca-ri-a thì bị câm vì không tin vì ông hỏi: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Luca 1:18). Và Đức Maria cũng hỏi sứ thần khi nghe tin Mẹ sẽ cưu mang Đấng sẽ được gọi là Con Thiên Chúa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Luca 1:34)

Hai người cũng phải hỏi thiên thần, nghe không khác gì là cả Đức Maria cũng phân vân như ông Da-ca-ri-a. Thật là sự việc bên ngoài có thể rất giống nhau nhưng chỉ có Chúa mới biết được trái tim con người.

Nhưng nếu chúng ta để ý, thì có một vài sự khác biệt giữa câu chuyện truyền tin của ông Da-ca-ri-a và của Đức Mẹ.

Ông Da-ca-ri-a và bà Êlizabeth đã cầu nguyện rất nhiều về việc son sẻ của họ vì lời của bà Êlizabét khi bà mang thai Gioan Tẩy Giả: “Chúa thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Luca 1:25) Ông Da-ca-ri-a thông hiểu Cựu Ước và biết đến những câu chuyện thiên thần hiện ra báo tin, chẳng hạn như với mẹ của Samson. Ông già tuổi hơn, là tư tế trong đền thờ, có nhiều kinh nghiệm, chắc hẳn ông biết rõ không có gì là không thể đối với Chúa.

Còn Đức Maria, lúc đó Mẹ khoảng chừng 15 tuổi, tuy đính hôn nhưng chưa về nhà với thánh Giuse. Hơn nữa Mẹ đã hứa giữ mình đồng trinh để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, một điều mà các Kinh thánh gia thừa nhận là có những cặp vợ chồng như vậy thời đó. Mẹ tin tưởng vào Chúa nhưng đây là tin nguy hại đến cuộc sống của Mẹ. Ở Trung Đông, những cô gái có thai không có chồng, ngay cả thời nay sẽ bị trừng trị bằng cái chết vì danh dự gia đình (N. T. Wright).

Tuy nhiên, có người nói, “Có lẽ thiên thần Gabriel đã lường trước rằng việc mang thai của Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét sẽ khơi mào nhiều cuộc trò chuyện trong xã hội các thầy tư tế mà họ thường xuyên giao du. Và những nhà học giả này, như thói quen của các học giả tôn giáo, sẽ tranh luận, suy đoán, và đưa ra các giả thuyết vô bổ… và cuối cùng khiến Gia-ca-ri-a bị phân tâm. Trong khi đó, ông cần (như Mẹ Maria) giữ tất cả những điều này trong lòng.” (Elizabeth Scalia)

Dù sao đi nữa, đức tin Kitô giáo được dựa trên lý trí, chúng ta được tự do đặt câu hỏi cách lý trí tự nhiên của con người thường làm. Chúng ta chỉ cần sẵn sàng chấp nhận câu trả lời mà chúng ta cần. Một bài học nữa là án phạt của Chúa đã khiến ông Da-ca-ri-a dâng lời ca tụng, và trong Kinh Phụng vụ, lời ca tụng Chúa của ông được đọc lại mỗi buổi sáng (Luca 1:68-79). Ông Da-ca-ri-a đã có thể chúc tụng Chúa nhờ sự sửa phạt của Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu.

Share:

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Hãy vui luôn -- Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, năm C

Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ (Luca 3:16-18)

Chúa Nhật Mùa Vọng này là lần cuối cùng chúng ta tập trung sự chú ý vào Gioan Tẩy Giả (Luca 3,10-18), vị Tiền hô loan báo Chúa Giêsu sẽ đến. Trong bài đọc này, chúng ta nhìn thấy một sự chuyển hướng từ việc chỉ dạy cách sống qua lời tiên tri về Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến sau Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, Tin Mừng này có phần hơi nặng lời: “còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” dường như không phù hợp với chủ đề vui mừng đặc trưng của Chúa Nhật Gaudete. Vậy Tin Mừng này liên quan thế nào đến chủ đề vui mừng, và làm sao chúng ta có thể thực sự vui mừng trong Chúa Nhật này, bất chấp tất cả những thử thách mà chúng ta phải đối mặt cả về mặt cá nhân lẫn trong xã hội rộng lớn hơn?

Lời kêu gọi vui mừng có vẻ hơi trống rỗng. Chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều thử thách ở cả mức độ cá nhân lẫn cộng đoàn. Có những căng thẳng tài chính, vấn đề sức khỏe, áp lực công việc, những mối quan hệ không lành mạnh với các thành viên trong gia đình. Ở góc độ văn hóa, có các cuộc tấn công khủng bố lan rộng, các thất bại chính trị, đại dịch toàn cầu, căng thẳng chủng tộc, nhiều hình thức bức hại từ những điều phiền toái đến những điều gây chết người, những cuộc tranh cãi tai tiếng với những lời tố cáo công khai giữa các giám mục trong Giáo hội, những cáo buộc lạm dụng mới trong Giáo hội, sự thù địch chung đối với tôn giáo và đặc biệt là Công giáo, và nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Vậy giữa tất cả những điều này, làm sao chúng ta có thể vui mừng?

Điều lành mạnh là hãy nhắc nhở chính mình về ý nghĩa của tin tốt lành. Chúa Giêsu không đến để mang đến cho chúng ta một lối sống thượng lưu, xe hơi, con cái đông đúc, nhà cửa to đẹp. Trong Tin Mừng của Tân Ước, chúng ta không tìm thấy lời hứa hẹn như vậy bất kỳ dưới hình thức nào. Thay vào đó, ta thấy những câu như: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta” (Luca 9:23). Hoặc “Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mathêu 5:10). Hoặc “Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian truân; nhưng hãy vui mừng, Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16:33).

Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng tin tốt lành không phải là một kế hoạch để có sự thoải mái tạm thời trong cuộc sống này vì chúng ta có xu hướng nghĩ rằng đó là tin mừng. Khi nhìn quanh ta và thấy mọi sự không yên ổn ngay cả sau hai nghìn năm, chúng ta lầm tưởng rằng tin vui mừng không xảy ra.

Tin vui mừng thực sự là về sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu ngay bây giờ nhưng sẽ chỉ được thấy rõ ràng khi cuộc sống trong thế giới mai sau đến! Tin Mừng thực sự là về thiên đàng và những gì phía bên kia của ngôi mộ.

Sự thoải mái tạm thời không phải là câu trả lời cho những nhu cầu sâu thẳm nhất của chúng ta. Dù Chúa Giêsu ban cho tất cả những ai tin vào Ngài sự ổn định tài chính và chính trị suốt cuộc sống tạm thời của họ, thì điều đó cũng không làm thỏa mãn khát khao của con người, vì trái tim con người được tạo ra để khát khao sự vô tận.

Người ta đôi khi cảnh báo về việc “quá thiêng liêng, quá hướng về thiên đàng và không có ích gì cho trần gian.” Điều này không phải là lời dạy trong Kinh Thánh. Ngược lại, người ta phải có “tâm trí hướng về thiên đàng” để có thể “có ích cho trần gian,” vì chỉ những người “hướng về thiên đàng” mới có niềm vui và lòng can đảm để chịu đựng những hy sinh cần thiết để đóng góp một cách đáng kể cho “lợi ích trần gian.”

Lời mời gọi hãy vui luôn trong hai bài đọc đầu tiên và thánh vịnh không dựa trên một thực tại bên ngoài, mà dựa trên một thực tại nội tâm và vĩnh cửu: đó là Chúa Kitô đã đến và ngự trị trong trái tim chúng ta, ban cho chúng ta sự hiệp thông với Thiên Chúa ngay bây giờ và trong đời sau. Đây thực sự là tin vui mừng!

Bài Tin Mừng có thể được xem như là ứng dụng của tin mừng đó. Hãy chia sẻ cơm áo của bạn với người nghèo, Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng. Hãy hài lòng với mức lương hợp lý của mình, ông nói với các người thu thuế và lính. Đó là hành động của những người không sống cho cuộc đời này. Nếu cuộc sống này là tất cả, thì điều hợp lý là phải tích trữ thực phẩm và vật dụng, và cố gắng kiếm tiền bằng mọi cách có thể. Điều cho phép lối sống vui vẻ chia sẻ và hài lòng này là niềm tin rằng chúng ta đang tiến tới một phần thưởng vĩnh cửu khiến của cải tạm thời trở nên không đáng kể so với nó. Như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi cho rằng những đau khổ của thời gian hiện tại không xứng so với vinh quang sẽ được mặc khải cho chúng ta” (Rôma 8:18).

Chúa Nhật Gaudete này cho chúng ta cơ hội để nhắc nhở bản thân về những gì Tin Mừng thực sự là, tại sao chúng ta nên là những người có niềm vui, và làm sao để sống một lối sống hào phóng của những người không sống cho hiện tại. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Dọn sạch chướng ngại vật mở đường cho Chúa

Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri cuối cùng. Chúa Giê-su nói rằng ngài là vị tiên tri vĩ đại nhất. Tại sao Thiên Chúa lại gửi nhiều tiên tri trước Chúa Ki-tô? Để chuẩn bị con đường, con đường lịch sử cho Chúa Ki-tô, để gieo mầm cho Ngài trong lịch sử. Để cho chúng ta thấy rằng toàn bộ lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân Do Thái, là một sự chuẩn bị được sắp đặt bởi sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì không ai trong lịch sử đã làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri cách rõ ràng, cụ thể như Chúa Giê-su. Để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Mê-si-a, Đấng đã được hứa từ muôn thuở, là ý nghĩa và sự hoàn thành và tột cùng của lịch sử. Để chứng tỏ rằng lịch sử chính là câu chuyện của Ngài (history is his-story).

Sự chuẩn bị dài đằng đẵng để Chúa Giê-su đến giữa thế gian, đạt đến đỉnh điểm nơi Gioan Tẩy Giả, giống như những chiếc máy ủi dọn sạch những ngọn đồi và lấp đầy những thung lũng để chuẩn bị cho việc xây dựng một con đường mà chúng ta có thể đi trên đó. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, thánh Lu-ca trích dẫn lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-a từng chữ một: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp."

[Bạt cho thấp ở đây] có nghĩa là dọn sạch chướng ngại vật để xây dựng một con đường, con đường dẫn đến thiên đàng và con đường cứu độ, con đường này là một con người, là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã nói: "Ta là Đường." Tất cả các thầy dạy tôn giáo khác đều nói: "Ta dạy con đường; Ta dạy sự thật; Ta dạy ý nghĩa của cuộc sống." Chúa Giê-su nói: "Ta là Đường, là sự Thật và sự Sống" (Ga 14:6). Đức Phật nói: "Đừng đến với ta, hãy đến với đạo của ta, giáo lý của ta, lời dạy của ta." Chúa Giê-su nói: "Hãy đến với ta." Đức Phật nói với các đệ tử: "Các ngươi phải là những ngọn đèn cho chính mình." Chúa Giê-su nói: "Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 8:12).

Không một người sáng lập tôn giáo vĩ đại nào khác đã sống lại từ cõi chết, tự xưng là Thiên Chúa duy nhất, thực hiện hàng trăm phép lạ, hoặc đã làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri nơi chính bản thân mình như Chúa Giê-su. Có ít nhất ba trăm lời tiên tri cụ thể trong Cựu Ước mà đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su đã thực hiện một cách chính xác. Nghĩ và tin rằng tất cả những điều này xảy ra chỉ là ngẫu nhiên, chỉ là trùng hợp, chứ không phải do kế hoạch của Thiên Chúa, là điều vô lý như việc tin rằng thiết kế siêu thông minh của chiếc máy tính phức tạp nhất thế giới, chiếc máy tính siêu việt mà bạn gọi là bộ não của mình, chỉ tình cờ xảy ra mà không có sự thiết kế của Thiên Chúa.

À, tôi đã quên điều này. Có những người tin như vậy. Ngạc nhiên thay, nhiều người trong số họ dường như vẫn có vẻ sáng suốt ở những khía cạnh khác. Một số trong họ thậm chí có bằng tiến sĩ. (Bằng tiến sĩ PhD thực ra có nghĩa là “doctor of philosophy / tiến sĩ triết học,” nhưng đôi khi nó lại có nghĩa là “doctor of phoniness / tiến sĩ của sự giả dối.”) Họ chính là những người tin vào huyền thoại lớn nhất thế giới. Họ chỉ làm cho điểm mấu chốt trở thành một huyền thoại. Điểm mấu chốt chính là Chúa Giê-su. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Tiêu đề

Blog Archive

Labels

Blog Archive