Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt -- Chúa Nhật thứ XIII, Mùa Thường niên, năm B

Bài trích sách Khôn ngoan (Khôn ngoan 1,13-15 ; 2,23-24)

Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu.

Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử. Phải, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.

-----

“Chúa không tạo ra cái chết.” Đây là một ý tưởng cấp tiến, mang tính cách mạng. Không có tôn giáo nào khác trên thế giới, không có triết học nào khác trên thế giới đưa ra ý tưởng này - chỉ có Do Thái giáo và Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo và tôn thờ Thiên Chúa của người Do Thái, Thiên Chúa mà Chúa Giêsu gọi là Cha của Ngài.

Những người đa thần ngoại giáo, những người tin vào nhiều vị thần, luôn bao gồm các vị thần của cái chết, bóng tối và sự hủy diệt cũng như các vị thần của sự sống, ánh sáng và tình yêu.

Các tôn giáo thần bí phương Đông như Ấn Độ giáo và Phật giáo dạy rằng không ai có thể biết về đấng tối cao hoặc thậm chí không tồn tại, như trong Phật giáo; hoặc rằng đấng ấy không thể đứng về phía nào; hoặc rằng ngài có mặt tối cũng như mặt sáng, như trong Ấn Độ giáo, nơi Brahman thể hiện mình trong Shiva, thần hủy diệt và Vishnu, thần sáng tạo hoặc bảo tồn và không có sự khác biệt.

Trong chủ nghĩa nhân văn thế tục, và cũng là tôn giáo của nền văn minh phương Tây hiện đại, Thiên Chúa hoặc không tồn tại hoặc “không hề phán xét ai”, không có ý chí, không đứng về phía nào, không ban hành các điều răn. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì chỉ có vũ trụ, vũ trụ không đứng về phía nào; nó mang lại cho chúng ta sự sống và cái chết như nhau. Điều tương tự cũng đúng với một Thiên Chúa không hề phán xét, không ban hành luật lệ và điều răn nghiêm khắc, dung thứ mọi thứ, cái chết cũng như sự sống, điều ác cũng như điều tốt. Thiên Chúa của chủ nghĩa nhân văn thế tục chắc chắn không phải là đấng “ủng hộ sự sống”.

Thiên Chúa thật là Thiên Chúa của sự sống chứ không phải của cái chết. “Thiên Chúa”, vị thần được tạo dựng theo hình ảnh của chúng ta là thần của sự chết cũng như sự sống, nhưng Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh Ngài là Thiên Chúa của sự sống chứ không phải sự chết. Ngài là Đấng Tạo Hóa của mọi sinh vật chứ không phải là người hủy diệt mọi sinh vật. Ngài ban sự sống; Ngài không hủy diệt nó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải phát sinh sự sống, chứ không hủy diệt nó.

Thiên Chúa không phải là kẻ giết người; đó là lý do tại sao chúng ta không được giết người. Thiên Chúa ủng hộ sự sống, chứ không ủng hộ phá thai (not pro-choice). Chính chúng ta là kẻ đã chọn cái chết. Chúa không chấp nhận sự lựa chọn đó. Chúa không phải là người ủng hộ việc chọn phá thai (God is not pro-choice). Thiên Chúa không trung lập. Thiên Chúa chiến đấu với chúng ta, cho chúng ta, chống lại kẻ thù của chúng ta: tội lỗi và sự chết. Chúa Kitô đến với chúng ta như một chiến sĩ để chiến thắng tội lỗi và cái chết cho chúng ta, bằng cách thay thế chúng ta, bằng cách chết cho chúng ta và sống lại cho chúng ta.

“Chúa không tạo ra cái chết.” Nhưng chẳng phải cái chết đã được xây dựng trong vũ trụ mà Chúa đã tạo ra sao? Mọi sinh vật đều chết: thực vật, động vật và con người. Ngay cả những thứ vô sinh cũng có ngày kết thúc: đá trở thành cát sau hàng triệu năm gió và sóng, và sau hàng tỷ năm, ngay cả các ngôi sao và thiên hà cũng chết.

Đúng, nhưng cái chết của con người khác với tất cả những cái chết khác. Chúa đã không làm nên nó. Ngài đã dựng nên con người để sống đời đời. Cái chết là hậu quả của sự sa ngã của con người, không phải là hậu quả của sự sáng tạo của Thiên Chúa. Cái chết là do ma quỷ phát minh ra, không phải của Chúa, và tổ tiên của chúng ta đã bị lôi kéo bởi ma quỷ, kẻ đã phát minh ra nghề lâu đời nhất thế giới, nghề quảng cáo. “Thấy quả táo này không? Bạn cần quả táo này. Nó rẻ. Nó chỉ khiến bạn phải trả giá bằng linh hồn mà thôi.” Đoạn sách Khôn Ngoan hôm nay nói: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.”.

Thánh Phaolô nói rằng “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6:23). Cái chết là hậu quả của tội lỗi, không phải do sự lựa chọn mà là do nó tất yếu phải như vậy. Nó không giống như việc cha mẹ quyết định trừng phạt một đứa trẻ vì một hành vi sai trái. Không phải là “Nếu con ăn cái bánh quy có đường đó thì con không thể ăn kem” mà là “Nếu con ăn cái bánh quy có đường đó, con sẽ bị đau bụng”.

Tại sao cái chết thể xác là hậu quả tất yếu của tội lỗi? Bởi vì tội lỗi là cái chết về mặt tâm linh, thể xác và tâm linh không phải là hai thứ riêng biệt mà là hai chiều kích của một thứ - đó là chính chúng ta. Cơ thể chúng ta đi theo tâm hồn chúng ta; cơ thể là một với linh hồn; nó không phải là một thứ riêng biệt và độc lập. Khi linh hồn chúng ta sa vào tội lỗi, thân xác chúng ta rơi xuống mức độ của loài thú vật, rơi từ sự bất tử xuống cõi sẽ phải chết, bởi vì linh hồn chúng ta xa rời Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch duy nhất của sự bất tử.

Một khi linh hồn chúng ta tuyên bố độc lập khỏi Chúa bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự sa ngã, sự sống của Chúa không còn tuôn chảy vô tận vào tâm hồn, vào thể xác chúng ta nữa. Khi chúng ta rút phích cắm ra, nguồn điện của Chúa không còn bật các thiết bị của chúng ta nữa.

Chúa không tạo ra cái chết. Cái chết là kẻ thù của chúng ta và Thiên Chúa không phải là kẻ thù của chúng ta. Khi người chúng ta yêu thương qua đời, chúng ta không nên nói rằng Chúa đã đem người ấy đi khỏi chúng ta mà là cái chết đã mang người đó đi. Nhưng chúng ta nên nói thêm rằng Thiên Chúa đã cất đi cái chết. Hành động của Thiên Chúa luôn ủng hộ sự sống. Ma quỷ đã phát minh ra cái chết, và chúng ta đã mua sản phẩm của ma quỷ, nhưng Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi nó: khỏi cái chết tâm linh là tội lỗi, và khỏi cái chết thể xác là hậu quả tất yếu của tội lỗi, và khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả cuối cùng của nó. Nói cách khác, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi cả ba kẻ thù, tội lỗi, sự chết và địa ngục.

Nhưng cái chết về thể xác không phải là điều tự nhiên đối với chúng ta và chúng ta không nên chấp nhận nó như một điều tự nhiên sao? Không, nó không phải là điều tự nhiên đối với con người, không phải là một phần trong kế hoạch của Chúa. Và chúng ta không thể chấp nhận nó. Sâu thẳm trong trái tim, tất cả chúng ta đều mong muốn một điều gì đó hơn thế nữa. Chúng ta muốn thiên đàng. Không có con vật nào mơ về thiên đàng. Không có con vật nào có tôn giáo hoặc có mối quan hệ với Chúa. Chỉ có con người mới thưa với Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài, nên lòng chúng ta mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Nhưng cái chết bây giờ đã nằm trong cơ thể chúng ta, trong gen của chúng ta, trong bản thể chúng ta. Liệu chúng ta phải chấp nhận nó, bởi vì chúng ta phải chấp nhận con người thật của chính mình sao? Không, chúng ta không cần phải chấp nhận con người của mình lúc này và chúng ta không nên làm như vậy. Chúng ta cũng là những tội nhân ngu ngốc, ích kỷ, nông cạn: chúng ta nên chấp nhận điều đó hay nên chống lại nó?

Một cách tự nhiên, chúng ta ghét cái chết. Trừ khi chúng ta có nước thay vì máu trong tim và trong huyết quản, chúng ta phải chiến đấu với cái chết, cả trong chính mình và trong người khác; chúng ta không được đầu hàng cái chết; và khi chết, chúng ta phải đầu phục không phải cái chết mà là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chiến thắng cái chết cho chúng ta và là Đấng hứa cho chúng ta sự sống bất tử với Ngài mãi mãi trên thiên đàng.

Chúng ta đừng nghe theo những lời tiên tri giả, những nhà tâm lý học thế tục của chúng ta và chỉ “chấp nhận con người thật của chúng ta”. Hãy có trái tim; chúng ta hãy hy vọng; chúng ta hãy ước mong thiên đàng! – Peter Kreeft, Food For The Soul, Cycle B

Share:

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

"Anh em vẫn chưa có lòng tin sao" -- Chúa Nhật thứ XXII Mùa Thường niên, năm B

Trong thời thánh sử Mác-cô viết Phúc âm của ngài, thời tiết và biển cả được người Hy lạp ở Rôma coi là các vị thần. Thần Zeus/Jupiter là thần bão và Poseidon/Neptune là thần biển. Từ góc nhìn của người ngoại giáo, ở đây Chúa Giêsu cũng đang thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vị thần chính của đền thờ cổ xưa.

Từ xa xưa, Tin Mừng này cũng đã được hiểu như một dụ ngôn về Giáo Hội. Chiếc thuyền đánh cá của Thánh Phêrô được hiểu là tượng trưng cho toàn bộ Giáo hội trong giai đoạn phát triển này: Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. “Chiếc thuyền của Thánh Phêrô” đang bị đập tan thành từng mảnh trước sức mạnh của sự dữ và sự hỗn loạn trong lịch sử, gợi lại những mối liên quan về sự dữ với biển trong văn hóa Híp-ri.

Giữa cơn giông bão này, Chúa dường như ngủ quên, nói cách khác, Thiên Chúa vắng mặt và đã quên mất số phận dân Người.

Trong những thời điểm này, chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ Chúa Giêsu không quan tâm, rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài đã chấm dứt: “Thưa Thầy, Thầy không lo chúng ta sắp chết sao?” Đó là tiếng kêu thường xuất hiện ngay cả trong thời đại của chúng ta khi các Kitô hữu trên toàn cầu đang phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau: một số bị đàn áp và đe dọa bởi Hồi giáo hiếu chiến, những người khác bị bóp nghẹt dưới các chế độ Marxist, vẫn còn những người khác bị truy đuổi khỏi cuộc sống công cộng và bị đẩy vào các góc xã hội bởi những kẻ theo chủ nghĩa tự do về tình dục và hệ tư tưởng về giới tính.

Họ muốn diệt văn hóa Kitô giáo bằng sóng thần màu tím của chủ nghĩa nhục dục. Khi những triển vọng truyền giáo và hoán cải văn hóa dường như ngày càng xa vời, và sự thù địch đối với Chúa Kitô và Giáo hội của Người ngày càng gia tăng ở mọi nơi trên thế giới, thì cá nhân Kitô hữu có thể bị cám dỗ tuyệt vọng trước sự chăm sóc của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không quan tâm sao?”

Câu trả lời của bài Tin Mừng hôm nay là thần tính của Chúa Kitô. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngay cả các yếu tố tự nhiên, vật chất và năng lượng của vũ trụ này, cũng phải tuân theo lời Ngài. Nếu Ngài để cho Giáo hội của Ngài phải chịu những trận đòn và bị đánh đập trong những cơn bão của lịch sử, thì là vì Ngài có mục đích của riêng Ngài, và có lẽ là để các môn đệ của Ngài nhận ra rõ hơn Ngài là ai. Những cơn bão và giông bão tưởng chừng như rất đe dọa và bất khả chiến bại trong lúc này thực ra có thể bị đánh bại bất cứ lúc nào chỉ bằng một lời Chúa phán.

“Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Đây là câu hỏi mà Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta trong bài Phúc âm của Thánh lễ này. Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo, dù sự việc xem có vẻ hoàn toàn trái ngược, Ngài là Chúa của vũ trụ và của lịch sử con người? Các môn đệ được ban cho một đặc ân lớn lao là được thấy quyền năng tỏ tường của Chúa Kitô bằng các giác quan của họ. Đôi khi trong lịch sử, những người khác cũng được ban cho đặc ân tương tự. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, Chúa Giêsu muốn rằng niềm tin tưởng của chúng ta vào thiên tính của Ngài vẫn là một hành vi đức tin, tuy nhiên được truyền cảm hứng và thúc đẩy bởi những lời chứng của các Tông đồ (như được ghi lại trong Tin Mừng này) và những thị nhân khác cũng như những người nhận được phép lạ trong suốt lịch sử.-- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Bài đọc 1 của Chúa Nhật XI Mùa Thường Niên, năm B: Lời Chúa sẽ luôn được thực hiện

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Êdêkien 17:22-24)

Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau :
Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót,
Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non ;
chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi.
Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết trái
thành một cây hương bá huy hoàng.
Muông chim đến nương mình bên nó,
và ẩn thân dưới bóng lá cành.
Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng
sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.
Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp,
Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo
và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.

--------

Bài đọc này cung cấp nền tảng quan trọng để hiểu dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ” (Mc 4:26-34)). Êdêkien là ngôn sứ vào thời điểm Vương quốc Đa-vít sắp kết thúc (phần đầu của những năm 500 trước Công nguyên). Con vua Đavít chỉ còn lại chi tộc Giu-đa phía nam để cai trị. Miền Bắc Israel đã bị Assyria lưu đày vào năm 722 trước Công nguyên, và Babylon đã đuổi nhiều người Giuđêa, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, bao gồm cả các vị tư tế cấp cao và chính nhà vua. Trong một vài năm nữa (tức là năm 587 trước Công nguyên), Giêrusalem và Đền thờ của nó sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Trong thời gian đau buồn này của lịch sử dân Chúa, Êdêkien nói một lời tiên tri đầy hy vọng: Chúa sẽ bảo tồn triều đại Đa-vít, và triều đại ấy sẽ lại phát triển.

“Cây hương” trong dụ ngôn này là Vương quốc Israel, nơi “chót vót” là Nhà của vương giả Đavít, và “một chồi non” là người thừa kế, Con của Đavít. Thiên Chúa hứa sẽ “trồng” “chồi” này lên “núi cao của Ít-ra-en” (Giêrusalem), và người thừa kế sẽ phát triển trở lại, trở thành một vương quốc cho toàn thể nhân loại. Ngôn sứ dường như lạc quan một cách vô vọng và lạc loài trước những sự kiện lịch sử vào thời của ông. Vùng Cận Đông cổ đại đã chứng kiến nhiều quốc gia bị tiêu diệt và lưu đày cũng như nhiều triều đại hoàng gia bị tiêu diệt. Chưa bao giờ người ta biết đến việc một hoàng gia bị truất ngôi, bị lưu đày và sau đó được tái lập. Làm thế nào mà một người con trai của Nhà David lại có thể trỗi dậy một lần nữa, người có thể thành lập một đế chế cho toàn thế giới? Những nhà chính trị có đầu óc thực tế vào thời Êdêkien chắc hẳn đã nghĩ Êdêkien là một nhà thơ và là một kẻ cuồng tín tôn giáo đến mức nói sảng (xem Êdêkien 33:31–32).

Share:

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Tội, sự trần trụi của con người và protoevangelium, Tin Mừng của ơn cứu độ

Thiên Chúa không bỏ rơi Ađam khi Ađam phạm tội nhưng Ngài chủ động tìm kiếm con người khi họ trốn tránh Chúa. Chúng ta phải luôn nhớ rằng không phải chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa mà là Thiên Chúa đi tìm kiếm chúng ta. Những người trong chúng ta “tìm được Chúa” nhận ra cuộc hành trình của chúng ta đã được Chúa sắp đặt từ lâu.

Tội lỗi của một người bày tỏ sự trần truồng của người ấy. Sự trần truồng ở đây tượng trưng cho sự dễ bị tổn thương. Vì vậy, tội không trao quyền cho chúng ta nhưng bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta khi không có Chúa. Quả của Cây Biết Thiện và Ác hứa hẹn kiến thức và sức mạnh thần thánh - vì kiến thức được coi là sức mạnh trong thế giới cổ đại. Nhưng thay vì trở nên toàn tri và toàn năng, con người chỉ khám phá ra sự nhỏ bé của mình trong vũ trụ một khi Chúa bị loại ra khỏi vũ trụ đó. Mô hình này lặp đi lặp lại: vào thế kỷ 20, con người đã phát triển kiến thức và sức mạnh để làm chủ hạt nguyên tử, đơn vị cơ bản của vật chất; nhưng không làm cho nhân loại trở nên toàn năng, nó chỉ bộc lộ sự “trần trụi” của chúng ta - giờ đây chúng ta có thể làm nổ tung chính mình bất cứ lúc nào. Vì vậy, một nền văn hóa sợ hãi đã hình thành - một nền văn hóa của Chiến tranh Lạnh trong thời gian tôi lớn lên, không ai cảm thấy an toàn ở bất cứ đâu, bởi vì không có nơi nào để người ta có thể chạy trốn khỏi mối đe dọa từ quả bom.

Kiêu ngạo, thần Promethean cố gắng đánh cắp kiến thức từ Thượng Để chỉ gặp phản tác dụng trên thực tế. Chúa chúng ta không phải là một ông chủ keo kiệt cố gắng giữ lại những điều tốt đẹp từ chúng ta; Ngài là một người Cha luôn mong muốn chia sẻ kiến thức của Ngài với chúng ta nếu chúng ta sống như con cái Ngài. Satan làm chúng ta nghĩ chúng ta cần đánh cắp những thứ mà chúng ta chắc chắn sẽ được thừa hưởng nếu chúng ta chỉ đơn giản sống như con cái Chúa. Tại sao chúng ta phải trộm cướp đi tài sản mà chính ta sẽ thừa kế, sẽ lãnh nhận?

Để trả lời những câu hỏi để ông nhìn vào bản thân của Chúa, Adam trả lời cách tuyệt vời bằng cách đổ lỗi cho người khác trừ chính mình. “Người đàn bà” – Ađam trả lời, đổ lỗi cho vợ mình – “Ngài cho ở với con” – nghĩa là cuối cùng thì đó là lỗi cho Chúa vì đã cho Ađam một cô dâu! – “Người đàn bà đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Xuyên suốt sách Sáng thế 3, điều Ađam thiếu thốn là khả năng lãnh đạo về đạo đức luân lý và sự chấp nhận trách nhiệm về đời sống tâm linh của Ađam. Ađam đã được bổ nhiệm làm tư tế trong vườn Eđen và vườn đó cũng là đền thờ. Ông được trao nhiệm vụ “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15, tiếng Do Thái 'abadshamar), thuật ngữ chỉ về việc cử hành phụng vụ và bảo vệ sự tinh tuyền của cung thánh. Adam đã thất bại trong việc bảo vệ cung thánh khỏi con rắn và sau đó đầu hàng trước những lời đề nghị của con rắn với vợ mình. Từ góc độ này, chính sự hèn nhát, lười biếng và không hoàn thành nghĩa vụ tư tế và là chồng của mình đã dẫn đến sự sa ngã.

Ít ra câu trả lời của Evà cũng thẳng thắn và ít lảng tránh hơn câu trả lời của Adam: “Con rắn đã lừa tôi và tôi đã ăn”. Thưa bà Evà, chúng con hiểu lời của bà. Tất cả chúng con cũng bị lừa khi phạm tội.

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi,
và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Không rõ chúng ta nên áp dụng văn bản này trực tiếp như thế nào vào sinh lý và hành vi của loài rắn; và đó không hề là vấn đề mà Thánh Truyền từng quan tâm. Ngay từ thời xa xưa, Con Rắn đã được hiểu là một biểu hiện hoặc bản ngã thay thế của Satan, và lời nguyền được thốt ra ở đây là sự kết án Satan phải cư trú ở những “nơi thấp” trong vũ trụ, tức là những nơi xa nhất khỏi sự hiện diện của Chúa.

Câu cuối cùng trong bài đọc một của chúng ta, sách Sáng thế 3:15, Thánh Truyền gọi đó là “protoevangelium”, Tin Mừng đầu tiên, bởi vì nó là biển hiện đầu tiên trong Kinh thánh về hình thức mà Ơn Cứu Độ của chúng ta sẽ diễn ra. Người ta cũng có thể coi đó là lời tiên tri đầu tiên về Đấng Mêsia. Bản dịch cho quần chúng của chúng ta có lẽ tốt hơn nếu dịch tiếng Do Thái theo nghĩa đen hơn, như sau (bản dịch của tôi):

I will put enmity between you and the woman,
Between your seed and hers,
He will crush your head,
And you shall crush his heel.

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi (seed/con cháu số ít) và của bà;
Người nam ấy sẽ đạp dập đầu mi,
và mi sẽ làm giập gót nó.”

Thuật ngữ “hạt giống/seed ” có nhiều nghĩa khác nhau trong Kinh thánh—ở đây nó có nghĩa là “con cháu”, nhưng ý tưởng về “dòng dõi người phụ nữ” là một ý tưởng không bình thường vào thời cổ đại, bởi vì “hạt giống” liên quan đến nam giới và phụ nữ được coi là thụ động trong quá trình sinh sản. Tuy nhiên, đoạn văn của chúng ta nói về “dòng dõi” người phụ nữ sẽ đạp nát đầu con rắn. Từ tiếng Do Thái được sử dụng ở đây cho “đạp dập/crush” là shûph, và tôi thích cách dịch truyền thống được hỗ trợ bởi bản dịch Vulgate này – Tôi không chắc tại sao các dịch giả hiện đại lại sử dụng “làm thâm tím/bruise” hoặc “đánh vào/strike at” cho động từ này. Nó chỉ xuất hiện ở ba nơi trong Kinh thánh tiếng Do Thái: Sáng thế 3:15, Thánh vịnh 139:11 và Gióp 9:17. Bản dịch “nghiền nát” có tác dụng trong bối cảnh của cả ba đoạn văn, nhưng “đánh bầm dập” hoặc “đánh vào” sẽ không có tác dụng trong Thi Thiên 139:11 hoặc Gióp 9:17.

Thánh Jerome nổi tiếng là đã dịch “Bà ấy sẽ đạp dập đầu mi”. Nguồn gốc của bản dịch này nằm ở chỗ sự khác biệt giữa đại từ “He” (tiếng Do Thái, hû') và “She” (tiếng Do Thái, hî') chỉ nằm ở chữ yod và chữ waw – đây là hai chữ nhỏ nhất các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái và chỉ khác nhau ở độ dài của phần giảm dần. Thường không thể phân biệt được yod với waw trong các bản thảo cổ. Rõ ràng là văn bản tiếng Do Thái mà Thánh Jerome có trước mặt ngài là “Bà”. Vì vậy, truyền thống về Đức Maria là người đã đạp nát đầu con rắn. Tuy nhiên, những bản viết tay tiếng Do Thái tốt nhất đưa ra lý do mạnh mẽ để nghi ngờ rằng “He” là ý nghĩa chủ ý của thánh sử. Có phải điều này có nghĩa là Đức Maria không phải là người đạp nát đầu con rắn? Không. Chỉ là Mẹ đạp dập đầu nó qua người Con trai của Mẹ. Trong ý tưởng về “con cháu của người phụ nữ”, tôi thấy một sự ám chỉ huyền diệu về người con được sinh ra bởi người nữ đồng trinh. Chúa Giêsu là người đàn ông duy nhất trong lịch sử thực sự là “dòng dõi của người phụ nữ”, vì không có hạt giống đàn ông nào liên quan đến việc thụ thai của Người. Ngài là con cháu của Evà, đến từ chỉ người phụ nữ, Evà Mới và Ngài sẽ “đạp dập đầu con rắn” cho Mẹ.
- Dr. John Bergsma, The Word of The Lord: Reflections on The Sunday Mass Readings, Year B

Share: