Trong thời thánh sử Mác-cô viết Phúc âm của ngài, thời tiết và biển cả được người Hy lạp ở Rôma coi là các vị thần. Thần Zeus/Jupiter là thần bão và Poseidon/Neptune là thần biển. Từ góc nhìn của người ngoại giáo, ở đây Chúa Giêsu cũng đang thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vị thần chính của đền thờ cổ xưa.
Từ xa xưa, Tin Mừng này cũng đã được hiểu như một dụ ngôn về Giáo Hội. Chiếc thuyền đánh cá của Thánh Phêrô được hiểu là tượng trưng cho toàn bộ Giáo hội trong giai đoạn phát triển này: Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. “Chiếc thuyền của Thánh Phêrô” đang bị đập tan thành từng mảnh trước sức mạnh của sự dữ và sự hỗn loạn trong lịch sử, gợi lại những mối liên quan về sự dữ với biển trong văn hóa Híp-ri.
Giữa cơn giông bão này, Chúa dường như ngủ quên, nói cách khác, Thiên Chúa vắng mặt và đã quên mất số phận dân Người.
Trong những thời điểm này, chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ Chúa Giêsu không quan tâm, rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài đã chấm dứt: “Thưa Thầy, Thầy không lo chúng ta sắp chết sao?” Đó là tiếng kêu thường xuất hiện ngay cả trong thời đại của chúng ta khi các Kitô hữu trên toàn cầu đang phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau: một số bị đàn áp và đe dọa bởi Hồi giáo hiếu chiến, những người khác bị bóp nghẹt dưới các chế độ Marxist, vẫn còn những người khác bị truy đuổi khỏi cuộc sống công cộng và bị đẩy vào các góc xã hội bởi những kẻ theo chủ nghĩa tự do về tình dục và hệ tư tưởng về giới tính.
Họ muốn diệt văn hóa Kitô giáo bằng sóng thần màu tím của chủ nghĩa nhục dục. Khi những triển vọng truyền giáo và hoán cải văn hóa dường như ngày càng xa vời, và sự thù địch đối với Chúa Kitô và Giáo hội của Người ngày càng gia tăng ở mọi nơi trên thế giới, thì cá nhân Kitô hữu có thể bị cám dỗ tuyệt vọng trước sự chăm sóc của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không quan tâm sao?”
Câu trả lời của bài Tin Mừng hôm nay là thần tính của Chúa Kitô. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngay cả các yếu tố tự nhiên, vật chất và năng lượng của vũ trụ này, cũng phải tuân theo lời Ngài. Nếu Ngài để cho Giáo hội của Ngài phải chịu những trận đòn và bị đánh đập trong những cơn bão của lịch sử, thì là vì Ngài có mục đích của riêng Ngài, và có lẽ là để các môn đệ của Ngài nhận ra rõ hơn Ngài là ai. Những cơn bão và giông bão tưởng chừng như rất đe dọa và bất khả chiến bại trong lúc này thực ra có thể bị đánh bại bất cứ lúc nào chỉ bằng một lời Chúa phán.
“Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Đây là câu hỏi mà Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta trong bài Phúc âm của Thánh lễ này. Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo, dù sự việc xem có vẻ hoàn toàn trái ngược, Ngài là Chúa của vũ trụ và của lịch sử con người? Các môn đệ được ban cho một đặc ân lớn lao là được thấy quyền năng tỏ tường của Chúa Kitô bằng các giác quan của họ. Đôi khi trong lịch sử, những người khác cũng được ban cho đặc ân tương tự. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, Chúa Giêsu muốn rằng niềm tin tưởng của chúng ta vào thiên tính của Ngài vẫn là một hành vi đức tin, tuy nhiên được truyền cảm hứng và thúc đẩy bởi những lời chứng của các Tông đồ (như được ghi lại trong Tin Mừng này) và những thị nhân khác cũng như những người nhận được phép lạ trong suốt lịch sử.-- Dr. John Bergsma
0 nhận xét:
Đăng nhận xét