Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Cha Robert Barron (nay ĐGM) bình luận về ma quỷ

Lời từ video

Trong chương thứ sáu của Phúc âm Thánh Mác-cô, chúng ta nghe về Chúa Giêsu sai các tông đồ đi làm sứ vụ. Họ sẽ rao giảng, chữa lành và điều trước tiên Ngài bảo họ là họ sẽ có quyền hành trên quỷ dữ. Khi trở về từ sứ vụ, điều đầu tiên họ kể lại cho Ngài là nhân danh của Chúa Giêsu, họ đã xua đuổi được quỷ.

Khi tôi đã đến tuổi trưởng thành, và ngay cả trong chủng viện, nói về ma quỷ được cho là một lối nói thô sơ, mê tín dị đoan. Hoặc ở thời đó, người ta sẽ dùng cách nói văn học để biến đổi nó: nói rằng đó là một biểu tượng về sự dữ, một cách để nhân cách hóa sự dữ trong bối cảnh cá nhân hoặc của một cấu trúc xã hội.

Nhưng cách nói này không trung thực với Kinh Thánh. Kinh Thánh rất rõ về tội của cá nhân và Kinh thánh cũng nói rõ về những rối loạn chức năng của những cấu trúc tội lỗi trong xã hội. Nhưng Kinh Thánh cũng nói rất rõ về chiều kích thứ ba: một sự Ác độc ở bên dưới, là nền tảng cho hai sự dữ trên, một sự Ác độc có khả năng thâm nhập khắp nơi và nguy hiểm hơn nhiều. Đây là mức độ thực sự ác độc về mặt tâm linh. Tôi đang nói về những thiên thần sa ngã.

Mỗi tuần người Công giáo thức dậy để tham dự Thánh lễ và tuyên xưng rằng chúng ta tin vào Chúa, Đấng dựng nên thế giới hữu hình và vô hình, nghĩa là cõi của các thần khí, những tồn tại ở một mức độ cao siêu hơn.

Ma quỷ là gì? Chúng là thiên thần đã sa ngã hoặc bị tổn hại về mặt đạo đức. Cũng như có người tốt và xấu, thì cũng có thiên thần tốt và xấu. Những bạn hãy xem xét điều này. Hãy nghĩ về một kẻ độc ác bạn biết, người cũng rất thông minh, rất tài năng và có nhiều mối kết nối, đó là một nhân vật thực sự nguy hiểm phải không? Khi bạn kết hợp cái ác với rất nhiều sức mạnh khác. Một ác quỷ, một thiên thần có trí thông minh rất cao, v.v., người đã trở nên xấu xa thực sự là một nhân vật nguy hiểm.

Vậy ma quỷ có ảnh hưởng trên thế giới không và có phải đôi khi ảnh hưởng đó thì rất là trực tiếp và kinh hoàng không? Đúng vậy, hãy nói chuyện với bất cứ ai có liên quan đến việc trừ quỷ. Tôi đã nói chuyện với một số người trừ quỷ và nghe những câu chuyện phi thường. Nhưng đó không là cách quyền lực bóng tối thường hoạt động. Nó thường dùng ảnh hưởng của nó cách gián tiếp hơn qua việc gợi ý, qua những cám dỗ.

Tôi đã giới thiệu trong Catholicism Series / Những video về Đức tin Công giáo, một bức tranh tôi nghĩ là đáng sợ nhất trên thế giới, tại Thánh đường Orvieto của một họa sĩ tài ba, Luca Signorelli, cũng rất được Michelangelo ngưỡng mộ.

Trong Thánh đường đó, bạn sẽ thấy những bức tranh tường và bức tranh nổi bật nhất là bức tranh mô tả về Tên Phản Kitô. Tên Phản Kitô đang lắng nghe những gì ma quỷ thì thầm vào tai hắn, một biểu tượng cổ điển về sự cám dỗ của ma quỷ. Điều thực sự đáng chú ý là tên quỷ đặt tay của nó trong áo khoác của Tên Phản Kitô, như thể đó chính là tay của Tên Phản Kitô.

Đây là một bức tranh rất tinh tế gợi ý cách các thế lực đen tối ảnh hưởng đến chúng ta một cách gián tiếp, ám muội, để chúng ta nghĩ đó là ý nghĩ, hành vi của chính chúng ta. Ở một số khía cạnh nào đó, đó là hành vi của chúng ta; thế nhưng, thế lực của bóng tối cũng đã xâm nhập vào.

Vậy đâu là những dấu hiệu của ma quỷ? Những cách nào mà chúng ta có thể biết đó là do ma quỷ? Chúng ta hãy xem xét những biệt danh mà Kinh thánh gán cho nó? Trong tiếng Hy Lạp: διάβολος (diávolos). Tiếng Anh từ devil, tiếng Tây ban nha diablo, tiếng Pháp diable, tất cả đều xuất phát từ gốc Hy lạp; teufel trong tiếng Đức. διαβάλλειν (dia-ballein) có nghĩa là phá tung, phân lìa, phân tán. Dấu hiệu rõ ràng của ma quỷ là phân tán. Chúa là Đấng thu nhóm lại.

Khi mọi thứ kết hợp lại với nhau, khi một cộng đồng hình thành, đó là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần. Năng lực phân tán, đó là dấu hiệu của quyền lực bóng tối. Khi gia đình bị phân tán, tổ chức kinh doanh, khi các cộng đồng, các nền văn hóa bị chia rẽ, đó là sức mạnh của sự dữ. Một tên nữa biểu lộ đặc tính của ma quỷ trong Kinh thánh là satanas, từ Hy lạp dựa trên từ tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ tố cáo.

Đây là một thử nghiệm nhỏ bạn có thể làm. Hãy xem xét lương tâm và tìm xem có bao nhiêu lần trong ngày bạn buộc tội ai đó về một điều gì đó. Tôi chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên. Chúng ta làm điều đó rất nhiều lần. Đó là một trong những trò tiêu khiển chúng ta yêu thích: chỉ ngón tay, đổ lỗi, ngồi lê đôi mách, hủy hoại danh tính của ai đó. Dấu hiệu của ma quỷ là lời buộc tội. Chúa Thánh Thần thì nâng ta lên và xác nhận, khẳng định ai đó là họ đáng giá. Ma quỷ hành động với sức mạnh của kẻ tố cáo.

Đây là một biệt danh khác có liên quan đến ma quỷ tôi thấy đáng chú ý. Kinh Thánh gọi ma quỷ là Cha của sự dối trá. Thiên Chúa là sự thật. Sự trung thực về chính bản thân, về những mối tương quan của chúng ta, về gia đình; về bất cứ sự gì, sự trung thực luôn là con đường của sự sáng, con đường dẫn đến sự hoạt động trôi chảy, êm dịu -- sự trung thực.

Dấu hiệu của sự dữ là lừa dối, không là sự thật. Bạn có thể nghĩ về một lời không thật được nói về bạn và có lẽ đã tổn thương bạn cách sâu sắc. Ai đó đã nói điều không đúng về bạn, đó là một lời nói dối, nhưng nó đã làm tổn thương bạn theo cách mà vết thương đó vẫn còn mưng mủ sau nhiều thập kỷ.

Hãy nghĩ về những lần bạn đã làm tổn thương ai đó bằng một lời nói dối, việc hủy hoại danh tiếng của ai đó, hủy hoại nhân cách của ai đó bằng lời nói dối. Đó là dấu hiệu của thế lực đen tối.

Đây là biệt danh cuối cùng và cũng là biệt danh đáng sợ nhất. Đó là trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, Gioan nói ma quỷ là kẻ giết người từ thuở ban đầu. Thiên Chúa là sự sống. Việc gì nâng cao sự sống thuộc về Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao Thánh GH Gioan Phaolô II nói về nền văn hóa của sự chết. Dấu hiệu của thế lực đen tối luôn là sự gia tăng của cái chết, sự phủ nhận sự sống.

Hãy nhìn vào thế kỷ 20, thế kỷ không chút nghi ngờ là thế kỷ đẫm máu nhất. Số người bị giết vì các hệ tư tưởng, trong chiến tranh, ở thế kỷ 20 là nhiều nhất. Bạn có thể giải thích điều đó hoàn toàn qua các lý do tâm lý hoặc chính trị? Tôi nghĩ giải thích qua cách đó có vẻ đơn giản đến độ hài hước, hoàn toàn không hợp với thực tế khi nói Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, v.v… có thể đơn giản được giải thích với lý do chính trị hoặc tâm lý. Tôi nghĩ sự lan tỏa của bạo lực và sự hủy diệt của cuộc sống của thế kỷ 20 có dấu vết của Kẻ giết người từ thuở ban đầu.

Những gì chúng ta đã nói là thông tin xấu, tồi tệ. Và đây là tin mừng. Tin mừng này là trọng tâm của Kitô giáo, là Đức Kitô đã chiến thắng những quyền lực này. Ngài đã chiến thắng tội lỗi cá nhân. Ngài đã chiến thắng cấu trúc tội lỗi của xã hội. Nhưng Kinh thánh làm chứng rõ ràng cho sự thật rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng những quyền lực này.

Một đoạn tuyệt vời là trong chương 2 của thư gửi Côlôsê, Thánh Phaolô dùng một hình ảnh trong thời của ngài. Khi một vị tướng La Mã đã thắng trận, ông đưa các thủ lĩnh của dân tộc bị thua trận với ông, ông diễu hành những người này trong xiềng xích trên các đường phố để làm bẽ mặt họ. Thánh Phaolô nói Chúa Kitô qua cây thánh giá, đã làm điều đó đến với các quyền lực của bóng tối. Ngài đã xiềng xích chúng, đã công khai điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người. Chúng ta giờ đây đọc lối nói đó và không hiểu ý của Thánh Phaolô. Đó chính xác là điều Thánh Phaolô diễn tả. Điều ngài biết với tư cách là một công dân La Mã của thời đó: Đây là cách họ bêu xấu những kẻ bị đánh bại. Đây chính là điều Chúa Kitô đã làm qua sức mạnh của cây thánh giá. Nghĩa là chúng ta không cần phải bị giam giữ bởi những quyền lực này. Thông điệp này là một trong những trọng tâm của Kitô giáo. Sự dữ đã bị đánh bại và giờ đây chúng ta có thể tuyên bố chiến thắng trên quyền lực của bóng tối.

Đâu là vũ khí nếu bạn muốn dùng hình ảnh chiến thắng quân sự đó? Thánh lễ, bí tích Thánh Thể, bí tích Hòa giải (xưng tội), các bí tích, các thánh. Nói cách khác, toàn bộ những gì Giáo hội là, chúng ta có thể nhận ra đó là vũ khí chúng ta có thể sử dụng trong cuộc chiến chống lại các thế lực đen tối. Và điều đáng buồn là nhiều người Công giáo hiện nay đang tự tách lìa mình ra khỏi tất cả những vũ khí đó. Họ không nên quá ngạc nhiên khi các thế lực đen tối có thể bắt đầu ảnh hưởng đến họ.

Hoặc chúng ta có thể dùng những hình ảnh của ngành y tế để diễn tả, đặc biệt là để giải thích về việc xưng tội. Giả sử bạn có một vết cắt sâu trên tay, vết cắt mà bạn không bao giờ chăm sóc, không chữa lành, không băng bó nó, không bôi thuốc khử trùng. Nó là vết thương hở và điều sẽ xảy đến là vi trùng, vi khuẩn sẽ đi vào và bàn tay sẽ bị nhiễm trùng. Nếu bạn làm lơ về nó, thì với thời gian toàn bộ cơ thể bạn sẽ bị nhiễm trùng.

Hãy nghĩ về tội, tôi không có ý nói về tội vặt, không cố tình ở đây, tôi muốn nói về tội lặp đi lặp lại theo thói quen mà tất cả chúng ta đều có thể mắc phải như một loại vết thương hở trong tâm linh. Không được chữa trị thì điều có thể xảy ra là vi trùng và vi khuẩn của thế giới tâm linh, những quyền lực đen tối có thể sử dụng chúng để đi vào và ảnh hưởng đến bạn.

Giáo hội trao cho chúng ta phương cách để điều trị những vết thương này và phương cách đó được gọi là xưng tội. Nó là xưng thú tội lỗi; đón nhận ơn tha tội là thứ điều trị vết thương. Chúng ta có vũ khí, chúng ta có phương tiện y tế theo cách so sánh, để đối phó với những thế lực đã bị Chúa đánh bại. Nhưng chúng ta phải nắm lấy chiến thắng đó, phải lãnh nhận ơn chữa lành đó. Tôi nghĩ điều đó là một trong những trọng tâm của Kitô giáo ngay cả hôm nay. Như Chúa Giêsu đã sai các tông đồ ngày nay Chúa Giêsu vẫn sai Giáo hội ra đi cho cùng một mục đích.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét