Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Sự thụ động của Adam và việc đánh mất chức vụ tư tế

Trong cuốn sách, Jesus and the Old Testament Roots of the Priesthood, Dr. John Bergsma, chứng minh rằng Chúa Giêsu đã thực sự thiết lập chức vụ linh mục trong Giao Ước mới. Dr. Bergsma cho thấy chức tư tế là sợi dây chủ yếu gắn kết mạch truyện trong Kinh thánh với nhau — bắt đầu với công cuộc sáng tạo, Chúa dựng nên vũ trụ là đền thờ và Vườn Eđen là cung thánh, chia rẽ ngày đêm là các mùa phụng thờ Chúa, và con người khác biệt với mọi tạo vật vì chỉ con người biết phụng thờ Chúa; việc A-đam mất đi chức vụ tư tế vì phạm tội và quá trình lâu dài mà Chúa đã dùng để khôi phục lại chức vụ tư tế này cho con cháu của Ađam trong nhiều thế kỷ, và đỉnh điểm là Chúa Giêsu Kitô, Ađam Mới, Vua các vua, Ngôi Lời của Thiên Chúa (Ngôn sứ), Vị Thượng Tế cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha. Và chương này là về tại sao Ađam đã mất chức vụ đó.

Nhưng ai đã được đặt trong Vườn [Địa Đàng] để bảo vệ nó? Lệnh canh gác vườn đã không được giao phó cho Evà. Một người khác đã được giao phó trách nhiệm đó. Chúng ta không biết chính xác A-đam đã làm gì trong đoạn đầu của sách Sáng thế chương 3, nhưng chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng ông đã lơ đễnh đến nỗi trở nên thụ động  trong lời tường thuật của sách Sáng thế. Vì lý do nào đó, nhiều bản dịch tiếng Anh không dịch đầy đủ câu sáu, câu này trong tiếng Híp-ri đọc: “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình”. Cụm từ cuối cùng đó, thường không được dịch ra, cho thấy rõ ràng rằng A-đam đã ở bên Evà suốt thời gian nhưng đã chẳng làm gì cả. Khi Evà trao cho ông trái từ cây, Ađam không phản đối hoặc nhắc nhở Evà về lệnh truyền của Chúa. Ông chỉ lấy nó và ăn. Ông không làm bất cứ sự gì để đối mặt với con rắn.

Con rắn đòi hỏi sự hy sinh nào từ Ađam? Tôi muốn gợi ý rằng Adam cần phải hy sinh chính bản thân mình. Thiên Chúa đặt Ađam trong Vườn Địa đàng và cho phép con rắn thử thách ông. Vai trò của A-đam là chống lại con rắn đó. Dù cho thực tế là con rắn rất đáng sợ và không chút nghi ngờ, Ađam biết rằng để chống lại nó, ông cần hy sinh ngay cả mạng sống mình, Ađam phải “canh giữ” Vườn và đuổi con rắn để hoàn thành chức vụ tư tế của mình*. Tôi tin rằng Ađam được gọi để vâng lời [sứ vụ] của Chúa và sẵn sàng hiến mạng sống mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ông có thể phải chết. Ađam cần phải đồng ý hy sinh mạng sống, thân thể của chính mình để chống lại con rắn vì cô dâu của mình. Nếu ông đã làm như vậy, Chúa sẽ giúp ông. Nhưng thay vì vậy, Ađam lại tỏ ra lơ đểnh đến nỗi thụ động, thậm chí hèn nhát.

Nếu cách giải thích này đúng, thì nó mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề Kinh thánh mà đỉnh điểm là việc Đức Kitô hiến mạng sống mình vì Hiền thê của Ngài. Điều đó cũng tuân theo khuôn mẫu “hy tế của chức tư tế” của Ađam diễn ra trước khi Ađam và Evà phạm tội. Trong sách Sáng thế chương 1–2, chỉ có một điều sai trong công cuộc sáng tạo, chỉ một điều không tốt, chỉ một điều có thể được gọi, theo một nghĩa hẹp nào đó, là “xấu” vì nó là sự thiếu vắng của cái tốt. Đó là con người ở một mình: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2:18).

Ađam phải phản ứng thế nào với sự “xấu” này trong công cuộc sáng tạo? Đầu tiên, Chúa mang tất cả các loài động vật đến với ông, nhưng không một loài động vật nào có thể từ bỏ vai trò tự nhiên của nó, để “hy sinh” vị trí của nó trong hệ sinh thái, theo một cách nói, để trở thành bạn đồng hành của con người. Vì thế, Thiên Chúa đặt A-đam vào một giấc ngủ giống như cái chết, và cắt mổ xương thịt, làm ông đổ máu, để lấy đi chiếc xương sườn của Ađam mà tạo nên người phụ nữ, Evà. Nghĩa là, để sửa chữa sự vắng thiếu duy nhất trong tất cả thụ tạo trước khi Ađam và Evà sa ngã, Ađam cần phải chết đi và hy sinh thân thể của mình. Tôi muốn gợi ý rằng đây là mô hình về chức vụ tư tế của Ađam: của lễ hiến tế chính là bản thân của ông, chính “thân thể” của ông, như Thánh Phao-lô nói trong Rô-ma 12:1: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người”. Ađam đã sẵn sàng thực hiện sự hy sinh bản thân này lần đầu tiên để Evà được tạo nên; nhưng khi đòi hỏi đến lần thứ hai, ông ngã lòng về đức tin và lòng dũng cảm đang khi Evà bị đe dọa trong sách Sáng thế chương 3.

Ađam và Evà ngã gục trước cơn cám dỗ, và điều này tự nhiên dẫn đến câu hỏi, còn chức tư tế thì sao? Nhân loại sa vào tội lỗi và từ bỏ Thiên Chúa, mối tương quan với Thiên Chúa bị sứt mẻ. Ađam bị đuổi ra khỏi cung thánh của mình và có vẻ là không cũng ông có thể thực thi chức năng tư tế của mình. Chức tư tế này dường như đã bị kết thúc. Loài người sa ngã sâu hơn vào tội lỗi (Sáng Thế 4–6). Cuối cùng, Thiên Chúa đau buồn vì đã tạo ra loài người vì bạo lực tràn ngập trái đất (St 6:5–6).

Thiên Chúa quyết định giáng trận lụt để tẩy sạch trái đất và Ngài sẽ bắt đầu lại với người công chính nhất, Nô-ê, người trở thành hình tượng Ađam mới, một người cha mới, một “người đàn ông đầu tiên” mới của loài người. Nô-ê đóng tàu và đem cây cối và động vật vào thuyền (ark / hòm bia). Thuyền có ba tầng hoặc boong (6:16),  Đền Thờ sau này sẽ được xây dựng cũng kiểu ấy, không là lý do ngẫu nhiên chút nào (1 Các Vua 6:6). Ông trôi qua trận lụt. Khi nước lụt rút đi, đất khô bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước (Sáng thế 8:14), như trong quá trình sáng tạo (Sáng thế 1:9). Nô-ê đáp xuống đỉnh núi A-ra-rát (Sáng thế ký 8:4), cũng như Ê-đen đã là một ngọn núi. Khi xuống tàu, Sáng thế 8:20 mô tả hành động đầu tiên của ông: “Ông Nô-ê dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ”.

Nô-ê, với tư cách là người cha mới của toàn thể nhân loại, ở đây tiếp tục vai trò tư tế của Ađam. Ông dâng tiến của lễ, điều mà sau này trong lịch sử Israel chỉ giới hạn cho các con trai của A-ha-ron. Nô-ê đảm nhận chức tư tế đã bị đánh mất do tội tổ tông. Hãy lưu ý rằng của lễ của thầy tư tế này có liên quan đến giao ước. Trong chương tiếp theo, sau khi tác giả thánh mô tả Thiên Chúa  “ngửi mùi thơm ngon” của lễ tế của Nô-ê, chúng ta đọc: “Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này” (Sáng thế 9:8-9)

* Từ người dịch: Chúa ra lệnh cho Ađam công việc “canh giữ và chăm sóc” vườn, cũng là chức vụ mà các tư tế trong Đền thờ phải thực thi: “chăm sóc”: thi hành chức vụ này trước bàn thờ và bên trong bức màn; “canh giữ”: Ngoài ra, người nào đụng đến các công việc này đều phải chết” (Dân số 18-7)

Trích từ chương Adam’s Passivity And The End Of His Priesthood của sách Jesus and the Old Testament Roots of the Priesthood by John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét