Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XVIII Mùa Thường Niên, Năm B

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an  (Gioan 6:24-35)

Khi ấy, dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có mặt ở bờ biển hồ Ga-li-lê, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.  Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”  Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.  Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”  Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”  Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”  Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?  Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,  vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”  Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”  Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

 


 

Trong những Chúa Nhật vừa qua, phụng vụ đã cho chúng thì thì hình ảnh đầy trìu mến của Đức Giêsu đi gặp gỡ các đám đồng dân chủng, và đáp ứng những nhu cầu của họ. Trong trình thuật Phục Lại lòng thay (x. Ga 6, 24-35), viễn cảnh này lại thay đời, chính đánh đồng đã được Đức Giêsu cho ăn, lại một lần nữa, bắt đầu đi tìm Người, đi gặp Người.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ muôn người ta đi tìm Người, Người còn muốn người ta biết Người nữa; Người còn muốn cho việc lên đường đi tìm kiếm Người và gặp gỡ Người vượt qua bên kia sự thoả mãn tức thời của những cái cần thiết về mặt vật chất. Đức Giêsu đã đến để mang lại cho chúng ta một cái gì nhiều hơn thế nữa, Người đã đến để mở cuộc hiện sinh của chúng ta ra đón nhận một chân trời bao la hơn, khi đem so sánh với những mối bận tâm thường nhật của cái ăn, cái mặc, của nghề nghiệp, vân vân và vân vân. Chính vì thế, khi ngỏ lời với dân chúng, Người đã buột miệng thốt lên: “Các người tìm kiếm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu chỉ, mà vì các ngươi đã được ăn bánh, và đã được ăn no nê” (c. 26). Như thế, Người cổ vũ mọi người tiến thêm một bước về phía trước, Người khuyến khích họ tự hỏi về ý nghĩa của phép lạ, chứ không chỉ tận dụng phép lạ. Vì chưng, việc hoá bánh và cá ra nhiều là dấu chỉ của đại hồng ân mà Cha đã ban cho nhân loại, đó là chính Đức Giêsu!

Đức Giêsu là “bánh sự sống” (c. 35) thật, Người không chỉ muốn làm cho thân xác chúng ta được no thỏa, mà còn muốn làm cho cả tâm hồn chúng ta được no thỏa nữa, bằng cách ban cho chúng ta của ăn thiêng liêng có thể thỏa mãn cơn đói sâu xa của chúng ta. Chính vì thế, Người mời gọi đám đông không tìm kiếm cho mình lương thực không trường tồn, mà hãy tìm kiếm thứ lương thực trường tồn cho sự sống vĩnh cửu (x. c. 27). Ở đây muốn nói đến một thứ lương thực mà Đức Giêsu ban cho chúng ta mỗi ngày: Lời Chúa, Mình Chúa, Máu Chúa. Dân chúng lắng nghe lời mời gọi của Chúa, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của lời mời gọi đó - điều này cũng vẫn rất thường xuyên xảy ra cho chúng ta như thế đó - và họ hỏi Chúa: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm những công việc của Thiên Chúa?” (c. 28).

Những ai nghe Đức Giêsu nói lại đâm ra nghĩ rằng, Người yêu cầu họ tuân giữ những chỉ thị để có được những phép lạ khác như những phép lạ hoá bánh ra nhiều vậy. Ở đây muốn nói đến một cơn cám dỗ chung của con người là muốn giảm thiểu tôn giáo vào việc chỉ thực thi lề luật, bằng cách phòng chiếu hình ảnh mối quan hệ giữa tôi tớ và ông chủ của mình lên mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa: tôi tớ phải thi hành những nhiệm vụ mà ông chủ đã giao phó cho họ, để được ông chủ tỏ lòng khoan hậu với mình. Điều này, ai ai trong chúng ta cũng biết đến. Chính vì thế, đám đông muốn Đức Giêsu nói cho họ biết mình phải làm những công việc gì để làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu lại mang đến cho họ một câu trả lời mà họ không hề mong đợi: “Công việc của Thiên Chúa, đó là các ngươi hãy tin vào Đấng Người đã sai đến” (c. 29).

Ngày hôm nay, Chúa cũng nói với chúng ta những lời như thế đó: công việc của Thiên Chúa không cốt tại việc “làm” biết bao nhiêu điều này, điều nọ, mà là “tin” vào Đấng Thiên Chúa đã sai đến. Điều này có nghĩa là niềm tin vào Đức Giêsu cho phép chúng ta thực hiện được những công việc của Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho mình sống trong mối quan hệ tình yêu và tin tưởng vào Đức Giêsu, thì chúng ta sẽ có thể hoàn thành được những việc lành phúc đức tỏa ngát mùi hương Phúc Âm, để sinh ơn ích cho anh em chúng ta, và đáp ứng những nhu cầu của họ.

Chúa mời gọi chúng ta nếu chúng ta cần phải bận tâm lo cho cái ăn, cái mặc của chúng ta, thì đừng quên hun đúc mối tương quan với Chúa, củng cố niềm tin của chúng ta vào Chúa là “bánh sự sống”, Đấng đã đến để làm cho cơn đói chân lý, cơn đói công lý, cơn đói tình yêu của chúng ta được no thoả. Vì điều này thật là quan trọng hơn.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, nhân dịp chúng ta kỷ niệm ngày cung hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả tại Rôma, là Salus Populi Romani [Ơn Cứu Thoát Cho Dân Tộc Rôma], nâng đỡ chúng ta trên con đường đức tin, và giúp chúng ta vui vẻ phó thác cho chương trình của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta.

Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XVII Mùa Thường niên, năm B

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 6:1-15)

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 


 

Bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 6, 1-15) trình bày việc Chúa hoá bánh và cá ra nhiều. Khi thấy đám đông đi theo Người gần hồ Tiberia, Đức Giêsu ngỏ lời với Phi-líp-phê và hỏi ông: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu cho ngần này người ăn?” (c. 5). Vì chưng, chỉ một chút ít tiền cỏn con mà Đức Giêsu và các tông đồ đang có được trong tay thì chẳng đủ để nuôi số người đông đảo như thế này. Thì này đây Thánh Anrê, một trong Nhóm Mười Hai dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một cậu bé trai có sẵn trong tay những gì mình có: năm cái bánh và hai con cá, nhưng dĩ nhiên - ông Anrê nói - mấy cái đó thì chẳng thấm béo gì cho đám người đông đảo như thế này (x. c. 9). Cậu bé trai này thật tốt lành biết bao, thật tốt bụng biết mấy! Thật can đảm biết chừng nào. Cậu cũng thấy đám đông và cậu thấy năm cái bánh của mình. Cậu bé đã nói: “Con có cái này: nếu nó có ích, thì con sẵn lòng cho”. Cậu bé trai này làm cho chúng ta suy nghĩ... Sự can đảm này... Các bạn trẻ là như thế đó, họ có lòng can đảm. Chúng ta phải giúp đỡ các bạn trẻ duy trì sự can đảm này. Thế nhưng, Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ cho dân chúng ngồi xuống, đoạn Người cầm lấy những chiếc bánh và những con cá này, Người tạ ơn Cha và phân phát cá và bánh (x. c. 11), và tất cả đã có thực phẩm để ăn thoải mái. Tất cả đã ăn theo như họ ước muốn.

Với trang Phúc Âm này, phụng vụ khuyến khích chúng ta đừng rời con mắt chúng ta khỏi Đức Giêsu này, Đấng mà Chúa Nhật vừa qua, trong Phúc Âm theo Thánh Marcô, khi thấy “một đám người đông đảo [..] đã chạnh lòng thương xót” (6, 34).

Cậu thiếu niên có năm cái bánh này, cậu cũng đã hiểu được sự cảm thương này, và cậu thiếu niên đã nói: “Tội nghiệp cho những con người này quá! Con, con có cái này....” Lòng trắc ẩn đã làm cho cậu bé biếu tặng những gì mình có. Vì chưng, ngày hôm nay, Thánh Gioan cũng chỉ cho chúng ta thấy Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của con người. Giai thoại xuất phát từ một sự kiện cụ thể: người ta đói bụng, và Đức Giêsu chất vấn các môn đệ của Người để họ biết cơn đói này phải được no thoả. Đó là sự kiện cụ thể.

Đức Giêsu không chỉ giới hạn trong việc cho các đám đông bánh ăn - Người đã ban tặng Lời của Người, sự an ủi của Người, ơn cứu độ của Người, và cuối cùng là sự sống của Người - nhưng dĩ nhiên, Người cũng đã làm điều đó nữa: Người đã chăm lo của ăn của thân xác. Và chúng ta là những môn đệ của Người, chúng ta không thể làm bộ làm tịch là không biết gì hết. Chỉ có khi nào chúng ta lắng tai nghe những yêu cầu đơn giản nhất của con người, và đặt mình vào những tình huống hiện sinh cụ thể của họ, thì chỉ lúc đó, người ta mới có thể nghe những điều chúng ta nói về những giá trị cao cả hơn.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đói cơm đói bánh, đói tự do, đói công lý, đói hoà bình, và nhất là đói ân sủng thần linh của Thiên Chúa, tình yêu đó không bao giờ thiếu cả. Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục nuôi sống, vẫn còn tiếp tục hiện diện cách sống động và đầy sức an ủi, và Người làm điều đó xuyên qua con người chúng ta. Chính vì thế, Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng và tích cực, như cậu thiếu niên nhận thấy mình có năm chiếc bánh và đã nói: “Con cho Thầy những chiếc bánh này, và sau đó, là công việc của Thầy, Thầy coi Thầy sẽ làm gì nào...”. Khi đối diện với tiếng kêu đói - đủ loại “đói” - của biết bao nhiêu anh chị em chúng ta trên khắp mọi vùng đất của thế giới này, chúng ta không thể vẫn cứ là những khách bàng quan, dửng dưng và bình thản. Loan báo Đức Kitô, là bánh sự sống đời đời, đòi hỏi chúng ta phải có một cam kết liên đới quảng đại đối với những người nghèo, đối với những người yếu đuối, những người rốt cùng, những người không có một tấc sắt để bảo vệ mình. Hành động diễn tả sự gần kề và bác ái này là công việc thẩm tra tốt đẹp nhất để biết được chất lượng đức tin của chúng ta, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.

Kế đó, vào cuối trình thuật, khi tất cả mọi người đã ăn no nê, thì Đức Giêsu nói với các môn đệ thu lượm lại những thức ăn dư thừa, để không đánh mất một mẩu vụn nào cả. Và tôi muốn đề nghị với anh chị em câu nói này của Đức Giêsu: “Các con hãy thu lượm những miếng bánh còn dư để không mất đi một miếng bánh nào cả” (c. 12). Tôi nghĩ đến những con người đang đói khát, và nghĩ đến số lượng những thực phẩm dự thừa mà chúng ta đã ném đi... Ước gì mỗi người trong chúng ta nghĩ: những thực phẩm dự thừa từ bữa ăn trưa, từ bữa ăn tối, chúng đi đâu? Ở tại nhà tôi, người ta làm gì với những thực phẩm dư thừa đó? Chúng bị ném đi ư? Không. Nếu bạn có thói quen ném đồ ăn đi, thì tôi sẽ cho bạn một lời khuyên: bạn hãy nói chuyện với ông bà nội của bạn là những người đã sống sau thời hậu chiến, và bạn hãy hỏi các ngài đã làm gì với những những thực phẩm còn dư đó. Anh chị em đừng có bao giờ vứt đi những thực phẩm còn dư. Chúng ta phải tái sử dụng thực phẩm còn dư, hay cho những ai có thể ăn, cho những ai cần thực phẩm đó. Anh chị em đừng bao giờ vứt bỏ thực phẩm còn dư. Đây là một lời khuyên và cũng là một việc xét mình: anh chị em làm gì ở nhà với những thực phẩm còn dư đó?

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để cho những chương trình dành cho việc phát triển, dành cho việc cung cấp thực phẩm, dành cho việc liên đới luôn chiếm được một vị trí ưu tiên trên toàn thế giới, chứ không phải những chương trình dành cho hận thù, vũ trang và chiến tranh.

Và anh chị em đừng quên hai điều này: một bức hình, một bức ảnh và một câu nói, một câu hỏi. Bức ảnh về cậu thiếu niên can đảm mang lại một phần nhỏ nhoi mình có để nuôi một lượng lớn người. Anh chị em hãy can đảm, hãy luôn luôn can đảm. Và câu nói này là một câu hỏi, một sự tự vấn lương tâm: anh chị em làm gì nhà với thực phẩm còn dư? Xin cảm ơn anh chị em! 

Share:

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XIV Mùa Thường Niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Gioan 20:24-29)

Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

 


 

Đức Giêsu đảo lộn mọi giá trị và thúc giục chúng ta xem xét lại cuộc sống cá nhân và cộng đoàn

Trang Phúc Âm hôm nay (Mc 6, 1-6) giới thiệu Đức Giêsu trở về thành Nazareth, và vào ngày Sabattum, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Từ khi Người ra đi, và từ khi Người bắt đầu rao giảng trong các thị trấn và trong các làng lân cận cho đến nay, thì Người không bao giờ lại đặt chân về quê cha đất tổ của Người nữa. Do đó, cả thành ai nấy cũng đều hiện diện để lắng nghe người con của quê hương rao giảng, mà danh tiếng là một vị thầy khôn ngoan và là một người chữa bệnh quyền năng giờ đây đã được lan truyền khắp cả miền Galiea, và qua cả bên kia miền Galilea nữa. Nhưng điều đã có thể là một thành công vang dội thì nay đã biến thành một sự loại trừ khủng khiếp, đến độ Đức Giêsu không thể nào thực hiện được nơi đây một điều kỳ diệu nào cả, ngoại trừ một vài vụ chữa lành (x. c. 5).

Thánh Sử Marcô đã tái tạo lại ngày năng động này một cách thật chi tiết: trước tiên, dân thành Nazareth lắng nghe và lòng đầy thán phục, đoạn họ phân vân tự nhủ: “điều này có thể từ đâu mà đến được nhỉ?”, sự khôn ngoan này từ đâu mà đến thế?; và cuối cùng, họ cảm thấy công phẫn, khi nhận ra trong Người chỉ là một anh chàng thợ mộc làm sườn nhà, và là người con trai của bà Maria mà họ đã từng chứng kiến lớn lên (c.C. 2-3). Chính vì thế, Đức Giêsu kết luận bằng một câu nói nay đã trở thành câu tục ngữ: “Một tiên tri chỉ bị khinh dể trong quê hương làng xóm của mình mà thôi” (c. 4).

Chúng ta tự hỏi: làm thế nào mà những người đồng hương với Đức Giêsu lại đi từ sự thán phục sang sự cứng lòng tin cho được chứ? Họ so sánh nguồn gốc thật tầm thường của Đức Giêsu với những khả năng của Người hiện nay: đây là một người thợ mộc làm sườn nhà, người này chẳng học hành gì cả, thế nhưng lại rao giảng thật tuyệt vời hơn cả những kỷ lục, và lại làm phép lạ nữa chứ. Và thay vì mở lòng đón nhận thực tế, họ lại đâm ra công phẫn. Theo những người dân thành Nazareth này, thì Thiên Chúa quá ư vĩ đại nên không thể nào hạ mình nói qua một con người quá ư tầm thường như thế được!

Đó là điều kỳ chướng của mầu nhiệm Nhập Thể: biến cố quá ư làm cho người ta bối rối của một vị Thiên Chúa làm người có thịt có xương, của một vị Thiên Chúa suy nghĩ với tâm trí của một con người, của một vị Thiên Chúa làm việc và hành động với đôi bàn tay của một con người, của một vị Thiên Chúa yêu thương với một con tim của một con người, của một vị Thiên Chúa có những nỗi khó khăn, của một vị Thiên Chúa ăn và ngủ như một người trong số chúng ta. Con Thiên Chúa đảo lộn bất cứ sơ đồ nào của con người: không phải các môn đệ đã rửa chân cho Chúa, nhưng chính Chúa lại rửa chân cho các môn đệ của mình (Ga 13, 1-20). Đây là một lý do gây nên điều kỳ chướng và cứng lòng tin, không phải chỉ ở vào thời đại đó, mà còn ở vào mỗi thời đại, và ngay cả vào ngày hôm nay của chúng ta nữa.

Việc Đức Giêsu đảo lộn khuyến khích các môn đệ của ngày hôm qua và của ngày hôm nay thực hiện một cuộc thẩm tra về mặt cá nhân và cộng đoàn. Vì chưng, ngay cả ngày hôm nay nữa, có thể là chúng ta đang nuôi những thành kiến ngăn cản chúng ta nắm bắt được thực tế. Nhưng Chúa mời gọi chúng ta có một thái độ biết lắng nghe một cách khiêm nhường và ngoan ngoãn chờ đợi, là vì ơn Chúa thường đến với chúng ta bằng nhiều cách thật đáng ngạc nhiên, và những cách thức đó không hề tương ứng với những mong mỏi đợi chờ của chúng ta.

Chẳng hạn, chúng ta hãy cùng nhau nghĩ đến Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Một người nữ tu bé nhỏ - có lẽ người ta đã không hề cho Mẹ một xu nhỏ - Mẹ đã rong ruổi khắp các con phố đi tìm những người đang hấp hối, để họ được chết một cách xứng đáng. Bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm của Mẹ, người nữ tu bé nhỏ này đã làm nên những điều kỳ diệu! Sự bé nhỏ của một người phụ nữ đã cách mạng hoá công việc bác ái của Giáo Hội. Đó là một tấm gương cho ngày hôm nay.

Thiên Chúa không hề thuận theo những thành kiến. Chúng ta phải cố gắng mở rộng con tim và tâm trí của chúng ta, để đón nhận thực tế thần linh đến gặp gỡ chúng ta. Ở đây chúng ta muốn nói đến việc chúng ta phải có đức tin: việc thiếu đức tin là một trở ngại không cho chúng ta nhận được ơn Chúa. Nhiều người đã được rửa tội sống như thể không có Đức Kitô vậy: người ta lập lại những cử chỉ và những dấu chỉ đức tin mà không hề có được một sự dính kết thực sự nào với con người Đức Giêsu và với Phúc Âm của Người cả. Mỗi Kitô hữu - tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi đào sâu sự thuộc về mang tính cơ bản này, khi chúng ta tìm cách làm chứng cho việc mình thuộc về Đức Kitô, qua một thái độ sống cố kết thật chặt chẽ, cuộc sống mà sợi dây dẫn vẫn sẽ luôn luôn là tình bác ái.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, làm cho con tim cứng cỏi của chúng ta cũng như sự thiên cận của tâm trí chúng ta được trở nên mềm mỏng, để chúng ta luôn mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận chân lý của Chúa, và đón nhận sứ mệnh của lòng tốt lành và nhân hậu của Chúa được dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai cả. 

Share: