✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 6:1-15)
Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 6, 1-15) trình bày việc Chúa hoá bánh và cá ra nhiều. Khi thấy đám đông đi theo Người gần hồ Tiberia, Đức Giêsu ngỏ lời với Phi-líp-phê và hỏi ông: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu cho ngần này người ăn?” (c. 5). Vì chưng, chỉ một chút ít tiền cỏn con mà Đức Giêsu và các tông đồ đang có được trong tay thì chẳng đủ để nuôi số người đông đảo như thế này. Thì này đây Thánh Anrê, một trong Nhóm Mười Hai dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một cậu bé trai có sẵn trong tay những gì mình có: năm cái bánh và hai con cá, nhưng dĩ nhiên - ông Anrê nói - mấy cái đó thì chẳng thấm béo gì cho đám người đông đảo như thế này (x. c. 9). Cậu bé trai này thật tốt lành biết bao, thật tốt bụng biết mấy! Thật can đảm biết chừng nào. Cậu cũng thấy đám đông và cậu thấy năm cái bánh của mình. Cậu bé đã nói: “Con có cái này: nếu nó có ích, thì con sẵn lòng cho”. Cậu bé trai này làm cho chúng ta suy nghĩ... Sự can đảm này... Các bạn trẻ là như thế đó, họ có lòng can đảm. Chúng ta phải giúp đỡ các bạn trẻ duy trì sự can đảm này. Thế nhưng, Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ cho dân chúng ngồi xuống, đoạn Người cầm lấy những chiếc bánh và những con cá này, Người tạ ơn Cha và phân phát cá và bánh (x. c. 11), và tất cả đã có thực phẩm để ăn thoải mái. Tất cả đã ăn theo như họ ước muốn.
Với trang Phúc Âm này, phụng vụ khuyến khích chúng ta đừng rời con mắt chúng ta khỏi Đức Giêsu này, Đấng mà Chúa Nhật vừa qua, trong Phúc Âm theo Thánh Marcô, khi thấy “một đám người đông đảo [..] đã chạnh lòng thương xót” (6, 34).
Cậu thiếu niên có năm cái bánh này, cậu cũng đã hiểu được sự cảm thương này, và cậu thiếu niên đã nói: “Tội nghiệp cho những con người này quá! Con, con có cái này....” Lòng trắc ẩn đã làm cho cậu bé biếu tặng những gì mình có. Vì chưng, ngày hôm nay, Thánh Gioan cũng chỉ cho chúng ta thấy Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của con người. Giai thoại xuất phát từ một sự kiện cụ thể: người ta đói bụng, và Đức Giêsu chất vấn các môn đệ của Người để họ biết cơn đói này phải được no thoả. Đó là sự kiện cụ thể.
Đức Giêsu không chỉ giới hạn trong việc cho các đám đông bánh ăn - Người đã ban tặng Lời của Người, sự an ủi của Người, ơn cứu độ của Người, và cuối cùng là sự sống của Người - nhưng dĩ nhiên, Người cũng đã làm điều đó nữa: Người đã chăm lo của ăn của thân xác. Và chúng ta là những môn đệ của Người, chúng ta không thể làm bộ làm tịch là không biết gì hết. Chỉ có khi nào chúng ta lắng tai nghe những yêu cầu đơn giản nhất của con người, và đặt mình vào những tình huống hiện sinh cụ thể của họ, thì chỉ lúc đó, người ta mới có thể nghe những điều chúng ta nói về những giá trị cao cả hơn.
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đói cơm đói bánh, đói tự do, đói công lý, đói hoà bình, và nhất là đói ân sủng thần linh của Thiên Chúa, tình yêu đó không bao giờ thiếu cả. Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục nuôi sống, vẫn còn tiếp tục hiện diện cách sống động và đầy sức an ủi, và Người làm điều đó xuyên qua con người chúng ta. Chính vì thế, Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng và tích cực, như cậu thiếu niên nhận thấy mình có năm chiếc bánh và đã nói: “Con cho Thầy những chiếc bánh này, và sau đó, là công việc của Thầy, Thầy coi Thầy sẽ làm gì nào...”. Khi đối diện với tiếng kêu đói - đủ loại “đói” - của biết bao nhiêu anh chị em chúng ta trên khắp mọi vùng đất của thế giới này, chúng ta không thể vẫn cứ là những khách bàng quan, dửng dưng và bình thản. Loan báo Đức Kitô, là bánh sự sống đời đời, đòi hỏi chúng ta phải có một cam kết liên đới quảng đại đối với những người nghèo, đối với những người yếu đuối, những người rốt cùng, những người không có một tấc sắt để bảo vệ mình. Hành động diễn tả sự gần kề và bác ái này là công việc thẩm tra tốt đẹp nhất để biết được chất lượng đức tin của chúng ta, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.
Kế đó, vào cuối trình thuật, khi tất cả mọi người đã ăn no nê, thì Đức Giêsu nói với các môn đệ thu lượm lại những thức ăn dư thừa, để không đánh mất một mẩu vụn nào cả. Và tôi muốn đề nghị với anh chị em câu nói này của Đức Giêsu: “Các con hãy thu lượm những miếng bánh còn dư để không mất đi một miếng bánh nào cả” (c. 12). Tôi nghĩ đến những con người đang đói khát, và nghĩ đến số lượng những thực phẩm dự thừa mà chúng ta đã ném đi... Ước gì mỗi người trong chúng ta nghĩ: những thực phẩm dự thừa từ bữa ăn trưa, từ bữa ăn tối, chúng đi đâu? Ở tại nhà tôi, người ta làm gì với những thực phẩm dư thừa đó? Chúng bị ném đi ư? Không. Nếu bạn có thói quen ném đồ ăn đi, thì tôi sẽ cho bạn một lời khuyên: bạn hãy nói chuyện với ông bà nội của bạn là những người đã sống sau thời hậu chiến, và bạn hãy hỏi các ngài đã làm gì với những những thực phẩm còn dư đó. Anh chị em đừng có bao giờ vứt đi những thực phẩm còn dư. Chúng ta phải tái sử dụng thực phẩm còn dư, hay cho những ai có thể ăn, cho những ai cần thực phẩm đó. Anh chị em đừng bao giờ vứt bỏ thực phẩm còn dư. Đây là một lời khuyên và cũng là một việc xét mình: anh chị em làm gì ở nhà với những thực phẩm còn dư đó?
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để cho những chương trình dành cho việc phát triển, dành cho việc cung cấp thực phẩm, dành cho việc liên đới luôn chiếm được một vị trí ưu tiên trên toàn thế giới, chứ không phải những chương trình dành cho hận thù, vũ trang và chiến tranh.
Và anh chị em đừng quên hai điều này: một bức hình, một bức ảnh và một câu nói, một câu hỏi. Bức ảnh về cậu thiếu niên can đảm mang lại một phần nhỏ nhoi mình có để nuôi một lượng lớn người. Anh chị em hãy can đảm, hãy luôn luôn can đảm. Và câu nói này là một câu hỏi, một sự tự vấn lương tâm: anh chị em làm gì nhà với thực phẩm còn dư? Xin cảm ơn anh chị em!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét