Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Chuyển ngữ từ Feast of the Baptism (dịch để lấy ý thôi ạ)

Chúa nhật này kết thúc mùa Giáng sinh, mùa của niềm vui: Chúa Giêsu chịu phép rửa đánh dấu sự kết thúc thời thơ ấu và giai đoạn học hỏi của Ngài, và đánh dấu việc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Trong ngày Chủ nhật này, các hang đá cần được cất gói cho năm sau, nếu bạn chưa làm việc đó. Mặt khác, Chúa Nhật này đánh dấu điểm bắt đầu của Mùa Thường niên, cuộc tuần hành của ba mươi bốn Chúa Nhật bắt đầu từ tháng Giêng và kết thúc vào tháng Mười Một. Trong những ngày tháng đó chúng ta đi trên con đường làm môn đệ với Chúa Giêsu như được trình bày trong phần đầu của ba sách Phúc âm — trong năm nay, Phúc âm Thánh Mác-cô.

Bài đọc thứ nhất là từ Isaia 55: 1-11. Đây là một bài đọc dài và phức tạp, vì vậy tôi sẽ chú giải từng khúc một:

Đức Chúa phán như sau :
Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.

Đây là một lời tiên tri cực kỳ quan trọng của Isaia, một trong một số ít những lời tiên đoán của Isaia về sự ra đời của Giao ước mới. Tuy nhiên, Isaia không sử dụng thuật ngữ “Mới”, chỉ có Giê-rê-mi dùng thuật ngữ đó (Giê 31:31). Đúng hơn, thuật ngữ ưa thích của Isaia cho những gì chúng ta biết là giao ước mới là giao ước đời đời (Heb. Berît ‘ôlam). Isaia sử dụng cụm từ này để nhấn mạnh đặc tính vĩnh viễn của giao ước sắp tới, không như giao ước Môi-se tại Sinai, đã bị phá vỡ ngay lập tức và một ngày nào đó sẽ không còn cần thiết nữa.

Điều quan trọng là phải nắm bắt được dòng chảy và bối cảnh của lời tiên tri này. Nó bắt đầu với tiếng nói của Thiên Chúa mời gọi những người nghèo (tức là những người “khát” và “không có tiền”) đến một bữa ăn miễn phí (“không phải trả đồng nào”). Những ai đến dự bữa ăn này sẽ được mời vào một “giao ước đời đời,” cùng một giao ước mà Đa-vít được vui hưởng.

… Phần cuối của Isaia 55:3 thực sự có nghĩa là những người nghèo nghe tiếng Chúa và đến ăn bữa ăn không cần trả đồng nào sẽ được khai tâm để bước vào một giao ước, về bản chất thì cùng là một giao ước mà Đa-vít được tận hưởng, thường được các Kinh thánh gia gọi là "Giao ước của Đavít.” Rõ ràng lời tiên tri này mang đậm tính chất Thánh Thể — một trong những lời tiên tri về Thánh Thể quan trọng nhất trong cả Cựu Ước.

4 Này, Ta đã đặt Đa-vít làm nhân chứng cho các dân,
làm thủ lãnh chỉ huy các nước.
5 Này, ngươi sẽ chiêu tập một dân tộc ngươi không quen biết;
một dân tộc không quen biết ngươi sẽ chạy đến với ngươi,
vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
vì Đức Thánh của Ít-ra-en
đã làm cho ngươi được vinh hiển.


Chúng ta quên rằng Đa-vít không chỉ là vua của Israel, mà còn là vua của các quốc gia xung quanh (2 Sm 8:11), và đã được hứa ban quyền hành trên toàn thể trái đất (Tv 2: 1-9). Vì vậy, Isaia đang đưa ra một điểm: Cũng như Đa-vít đã từng là vua trên nhiều quốc gia, vậy các bạn nghèo đến bữa ăn miễn phí mà tôi cung cấp sẽ thấy mình đang được các dân tộc ngoại bang tìm đến, những người đến với bạn để để tìm ơn cứu rỗi. Đây là một lời tiên tri huyền bí về sứ vụ truyền bá Phúc Âm của Giáo hội. Giáo hội sẽ phục hồi vương quốc và giao ước của Đa-vít.

Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa -và Người sẽ xót thương-, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa.
Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.


Lúc này, ngôn sứ Isaia kêu gọi kẻ gian ác ăn năn để được tha thứ. Không như loài người, những kẻ thích suy nghĩ theo kiểu ăn miếng trả miếng, đền đáp công lý, cách suy nghĩ của Thiên Chúa là lòng thương xót và sự tha thứ. Sự rộng lượng tha thứ của Thiên Chúa gắn liền với cách tư tưởng siêu việt của Ngài— “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người… tư tưởng của Ta vượt xa tư tưởng các ngươi”. Nói cách khác, các ngươi chỉ có thể nghĩ về công lý và hình phạt, nhưng Ta nghĩ về lòng thương xót và sự tha thứ.

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Đây là một câu nói chung chung, đúng đắn về hiệu quả của Lời Chúa, nhưng trong bối cảnh của Thánh lễ hôm nay, nó còn có thể được hiểu theo ý nghĩa Kitô học cụ thể: Chúa Giêsu là “Lời” phát ra từ miệng Chúa Cha: Người sẽ làm theo ý Thiên Chúa. sẽ đạt được mục đích mà Người đã được gửi đến. Đó là ý tưởng đặc biệt ứng hợp cho ngày này, đánh dấu sự khởi đầu sứ mệnh của Chúa Giêsu, sự khởi đầu nỗ lực của Ngài để “đạt được mục đích” mà Ngài đã được sai đến. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đưa ra ý nghĩa liên quan đến Chúa Thánh Thần cho đoạn này: “mưa và tuyết” từ trên trời xuống để tưới trái đất và sinh hoa kết trái có thể được coi là dấu của Chúa Thánh Thần, Đấng trong bài đọc Tin Mừng của chúng ta, sẽ xuống từ trời để ban sự sống mới cho trái đất, bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng là “hoa quả đầu mùa” của cuộc tạo dựng mới (1 Cr 15:20,23).

Vì vậy, tất cả, những đặc điểm chúng ta quan sát được trong đoạn này — lời kêu gọi ăn năn sám hối, lời mời  đến tham dự bữa tiệc Thánh Thể, lời hứa rằng Lời Chúa sẽ hoàn thành mục đích của Ngài — tất cả những đặc điểm này đều hoạt động cách thích hợp trong ngày lễ hôm nay khi chúng ta bắt đầu “hành trình làm môn đệ” qua phụng vụ với Chúa Giêsu mà Mùa Thường niên tượng trưng.

Đáp ca Isaiah 12:2-3, 4bcd, 5-6

Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở : danh Người siêu việt.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đàn ca lên mừng Chúa,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
điều đó, phải cho cả địa cầu được biết.
Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.

Đây là một trong số ít những dịp mà “Thánh vịnh” không thực sự là một bài thánh vịnh, mà là một bài ca từ một phần khác của Kinh thánh… Isaiah 12 là một thánh ca đặc biệt nổi tiếng, được sử dụng nhiều trong Mùa Phục sinh. Trong cấu trúc của sách Isaia, chương 12 tạo thành một lời tán tụng tuyệt vời kết thúc phần đầu tiên của cuốn sách (Isaia 1-12), có thể hoạt động như một bản tóm tắt của hầu như hết tất cả các chủ đề chính của sách ngôn sứ Isaia. Phần này của Isaia bao gồm một số lời tiên tri về Đấng Mêssia mạnh nhất và rõ ràng nhất: Isaia 7:14; 9: 1-9; 11: 1-15. Isaia kêu gọi độc giả của mình ngợi khen Thiên Chúa sau khi nghe những lời tiên tri tuyệt vời, những điều đang chờ đợi họ trong tương lai. Đặc biệt, chúng ta lưu ý đến chủ đề “nước cứu rỗi” và việc loan báo tin mừng cho “các quốc gia” và “toàn thể trái đất”. Những chủ đề này thực sự là đặc trưng của toàn bộ sách ngôn sứ Isaia. Ngôn sứ này được coi là ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ viết (văn học) trong Do Thái giáo cổ đại, và Isaia là ngôn sứ được trích dẫn nhiều nhất trong cả Sách Cuộn Biển Chết và Tân Ước. Những người thuộc nhóm Essenes để lại cho chúng ta những Cuộn giấy nổi tiếng từ tu viện của họ trên bờ Biển Chết, họ đặc biệt yêu thích Isaia, và họ có lẽ hiểu đoạn văn về việc “rút nước từ nguồn nước cứu độ” này như một tham chiếu đến nghi lễ rửa sạch của họ trong nhiều hồ tắm thánh thiêng mà họ duy trì tại Qumran, tu viện của họ.

Ngay cả một trăm năm trước khi Chúa giáng sinh, họ đã tuyên bố rằng các nguồn nước trong cộng đồng của họ có thể truyền đạt Chúa Thánh Linh và tẩy sạch tội lỗi. Gioan Tầy giả có lẽ đã được đưa đến nơi đó để được dưỡng dục (xem Lu-ca 1:80), nhưng Gioan không hài lòng với việc “nước cứu rỗi” bị giới hạn trong vòng khép kín của những tu sĩ siêu sùng đạo này. Gioan Tẩy giả khao khát để mang thông điệp về sự ăn năn sám hối và ơn cứu rỗi đến với khán giả đông đảo hơn — ngay cả đến với “các quốc gia” hay “dân ngoại” (những từ này giống nhau trong tất cả các ngôn ngữ cổ). Điều đó có lẽ đã dẫn đến việc chia tay với cộng đồng tu viện ở Qumran, và Gioan chuyển dời một vài dặm lên Jordan đến chỗ cạn của Jericho, một tuyến đường thương mại bận rộn, nơi các thương gia và khách du lịch từ khắp nơi trên Đế quốc La Mã (và xa hơn) gặp nhau — có thể so sánh với một trung tâm sân bay lớn (Atlanta Hartfield hoặc Chicago O'Hare) ngày nay. Tại đó, Gioan đã rao giảng phép rửa như một dấu hiệu của việc sám hối và báo trước về Đấng Mêsia sắp đến, Đấng sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho loại người.  Điều này tạo tiền đề cho phần Đọc Tin Mừng của chúng ta.

Bài đọc thứ 2 của chúng ta là từ thư I Gioan 5: 1-9. Bài đọc này đặc biệt thích hợp cho Chúa Nhật hôm nay, bởi vì Chúa Nhật này đánh dấu sự kết thúc của các bài đọc gần như liên tục từ thư thứ I của thánh Gioan đánh dấu Mùa Giáng Sinh. Thật vậy, I Gioan là một bức thư có sự ngọt ngào và tinh khiết tuyệt vời, một sự chắt lọc hoàn toàn rõ ràng của Phúc Âm, là sứ điệp cứu rỗi. Giáo Hội “uống sữa” của thư thứ I của Gioan mỗi năm khi GH trở thành một đứa trẻ mới sinh về mặt thiêng liêng với Chúa Hài Đồng vào Lễ Giáng Sinh. Nhưng bây giờ chúng ta đi đến phần cuối của thời thơ ấu thiêng liêng này, và thánh Tông đồ tóm tắt các chủ đề chính của bức thư của mình. Tôi sẽ bình luận từng phần:

Anh em thân mến,
phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.

Ở đây chúng ta thấy Phúc âm của Gioan và lá thứ đầu tiên của ngài có liên quan mật thiết như thế nào. Tất nhiên, Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa là chủ đề chính của Phúc Âm (Gioan 3:16), nhưng địa vị làm con của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu. Ngài chia sẻ điều đó với hết thảy những ai “tin Đức Giêsu là Đấng Kitô." Tất cả chúng ta đều có thể trở thành “được sinh ra” giống như “Đấng duy nhất phát sinh” từ Chúa Cha. Sự “phát sinh” đó được xảy ra trong bí tích Rửa tội, là sự sinh ra trong Thánh linh của chúng ta để được làm con cái của Thiên Chúa. Trước khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta chỉ là có tiềm năng để trở thành con cái của Thiên Chúa (tiếng Latinh spe), nhưng nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta thực sự trở thành con của Thiên Chúa (tiếng Latinh re). Giáo huấn về việc làm con cái Thiên Chúa này độc nhất là giáo huấn của Kitô giáo - các tôn giáo khác bác bỏ lời dạy này, hiểu về nó khác hơn nhiều, hoặc coi nó là không quan trọng.

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.

Thư thứ nhất của thánh Gioan rất quan tâm đến việc “biết” rằng mình được cứu rỗi và có mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, vì dị giáo đã nổi lên trong thời của Thánh Gioan Tông đồ; ngài chết vào khoảng năm 96 sau Công nguyên. Làm sao chúng ta có thể “biết” được chúng ta được cứu rồi khi có nhiều thầy dạy giả đi khắp nơi rao giảng về sự cứu rỗi nghe có vẻ hấp dẫn? Gioan đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau về đức tin chân chính trong các lá thư của ngài. Đây là một tiêu chuẩn: chúng ta biết mình đang đi đúng đường khi chúng ta “yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài”. Thi hành các điều răn của Thiên Chúa là một dấu hiệu của tình yêu thương. Không có sự vâng lời mà không có tình yêu, và cũng không có tình yêu mà không có sự vâng lời. Nhiều tà giáo đã nổi lên trong suốt lịch sử Giáo hội và đã tách rời tình yêu thương khỏi sự vâng phục. Tiếng kêu la “sự cứu rỗi chỉ có thể có được bởi đức tin mà thôi” của nhóm Cải Cách, theo một số đường lối của họ, là một nỗ lực để tách lìa tình yêu ra khỏi sự vâng lời bằng cách khẳng định rằng chúng ta có thể yêu Chúa nhưng không tuân theo các điều răn của Ngài. Luôn có cả hai lạc giáo “tiến bộ” và lạc giáo “bảo thủ”. Những người theo chủ nghĩa dị giáo bảo thủ bám chặt vào điều gì đó trong quá khứ một cách không phù hợp, trong khi những người theo chủ nghĩa dị giáo tiến bộ có mục đích “vượt xa hơn” những gì đã được tin tưởng và thực hành.

Sự cám dỗ không ngừng của những tà giáo “tiến bộ” là từ bỏ các mệnh lệnh đạo đức luân lý của Chúa trong khi tuyên bố rằng mình đang ở trong một mối quan hệ loại “mới” hoặc mối quan hệ “được giải phóng” nào đó với Thiên Chúa. Những kẻ lạc giáo này không hiểu được bản chất của tình yêu và giới luật — cụ thể là luật luân lý luôn tuân theo nguyên tắc của tình yêu, rằng không thể có một điều gì đó là sai trái về mặt đạo đức mà lại có tính chất yêu thương, cũng như không thể đúng về mặt đạo đức và không mang tính chất yêu thương. Nhưng chúng ta sẽ phải để cuộc thảo luận đầy đủ hơn về điểm này cho một thời điểm thời khác.

Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?

Đây là từ phấn chấn nhất từ các lá thư của Thánh Gioan. Còn gì hùng vĩ hơn tuyên bố: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.” hoặc “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa!” Đây là những tuyên bố mà một người muốn in trên một lá cờ hoặc một chiếc áo phông như một lời thách thức và nhắc nhở mạnh mẽ đến với toàn thế giới. Những gì Gioan đang nói là đức tin dẫn chúng ta đến sự tái sinh trong Chúa - điều mà chúng ta biết diễn ra trong bí tích Rửa tội - là món quà của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, sự chết và ma quỷ - ba khía cạnh chính của “thế giới” được hiểu như toàn bộ hệ thống của thế giới chống lại Thiên Chúa. Mục tiêu của “thế giới” ngoài Thiên Chúa là loài người bị vĩnh viễn hủy diệt — do đó, tất cả những ai không chịu khuất phục thế giới và muốn gìn giữ đức tin của mình vào Đấng Kitô sẽ chiến thắng mọi thứ mà thế giới muốn chiếm được, muốn chống đối và họ sẽ thắng thế giới này. Ai có đức tin đã chiến thắng và được tham gia vào thiên quốc.

Chính Đức Giêsu Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.

Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước, và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều. Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.

Nước và máu là những dấu hiệu quan trọng trong Phúc âm Gioan. Nước luôn gắn liền với bí tích Rửa tội, và máu với bí tích Thánh Thể. Hơn nữa, Nước được kết nối với việc Đức Kitô được sinh ra giữa chúng ta, và Máu với viêc tái sinh của Ngài qua việc bị đóng đinh và phục sinh. Sự Nhập Thể (Gioan 1:14) và Sự Phục Sinh (Gioan 11:25) giống như hai cực mà Phúc Âm Gioan xoay quanh. Vì vậy, máu và nước chảy từ bên cạnh sườn Chúa Giêsu (Gioan 19:34), sự nhập thể và phục sinh của Ngài, Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, bí tích Rửa tội và Thánh Thể, cả hai đều trình bày về Chúa Thánh Thần.

“Ba nhân chứng” có thể được hiểu là hai bí tích chính: Rửa tội và Thánh Thể, và qua hai bí tích đó, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chủ đề “nhân chứng” cũng mạnh mẽ trong Phúc âm Gioan, vì Gioan miêu tả Chúa Giêsu như một công tố viên từ trời xuống để chứng minh sự tội lỗi của thế gian và làm chứng cho lẽ thật của Thiên Chúa. Khi Gioan nói, “Thiên Chúa đã làm chứng về Con Ngài,” nó nói chung về tất cả các dấu mà Thiên Chúa cung cấp để xác minh và biện chứng cho Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, đáng kể nhất là qua chính việc Ngài sống lại từ cõi chết. Tiếng nói của Thiên Chúa trong Phép Rửa cũng là một thời điểm đầy ấn tượng về việc “Thiên Chúa làm chứng cho Con Ngài”.

Bài Phúc âm hôm nay là từ Mác-cô 1:7-11:

7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán : “Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Trong cuốn sách Jesus and the Dead Sea Scrolls, tôi lập luận rằng Gioan Tẩy giả có thể đã được các tu sĩ người Essene nuôi dưỡng ở bờ tây bắc của Biển Chết, nhưng ông đã rời bỏ họ để hoàn thành sứ mệnh rao giảng tin mừng của ngôn sứ Isaia về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cho toàn thể các quốc gia. Phúc âm Mác-cô mở đầu với việc Gioan Tẩy giả đang làm điều đó, rao giảng tại đồn sông Jordan. Không giống như những người Essenes, Gioan không tuyên bố quyền năng truyền ban Chúa Thánh Linh. Ông nhận thức cách sâu sắc được những giới hạn sứ vụ của mình — phép rửa của Gioan là “bằng nước” —một thể chất và dấu hiệu bên ngoài. Nhưng Đấng sẽ đến, Người có quyền trao ban Chúa Thánh Linh. Rằng Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” là một cụm từ khá kịch tính. Đây là nhiệm vụ của một nô lệ — và nô lệ cấp thấp — đối với chủ nhân của mình. Ông chủ sẽ vào nhà và người nô lệ sẽ đến, tháo dép và rửa chân cho ông. Gioan nói: Tôi không xứng đáng làm nô lệ của Đấng sắp đến. Điều này, cùng với điểm Đấng ấy có quyền gửi Chúa Thánh Linh đến, thực sự đòi hỏi Đấng ấy là Thiên Chúa.

 “Hồi ấy,” Mác-cô nói, rằng “Đức Giêsu đã đến…” Điều này liên quan đến lời tiên tri của Gioan rằng sau ông sẽ có người đến.

Phép rửa của Gioan thực hiện trên Chúa Giêsu thì như là một Sự Sáng Tạo Mới, vì chúng ta nhìn thấy những hình ảnh về sự sáng tạo ban đầu từ sách Sáng Thế chương 1: có trời và đất và nước, và Thánh Linh ngự xuống trên mặt nước. Phép rửa của Chúa Giêsu, giống như Phép Rửa của mỗi một chúng ta, là kinh nghiệm về một cuộc Sáng Tạo Mới (xem 2 Cr 5:17). Thánh Linh trong hình ảnh một con chim hoặc chim bồ câu chỉ ngược về sách Sáng thế ký 1:3, trong đó mô tả Thánh Thần Chúa “bay lượn” (Híp-ri hithhalêk) trên mặt nước. Mác-cô cũng mô tả các tầng trời bị “xé ra”, cùng một từ được dùng để chỉ Môi-se “rẽ ra” Biển Đỏ (Xh 14:21). Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý rằng Mác-cô sử dụng thuật ngữ “xé ra”, (tiếng Hy lạp schizô) chỉ ở một nơi khác trong Tin Mừng của ngài, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Khi Chúa Giêsu tắt thở, tấm màn của Đền thờ bị “xé ra” làm đôi từ trên xuống dưới (tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa rời khỏi Đền thờ và xé tấm màn khi Thiên Chúa rời khỏi nơi đó, hoặc tấm màn che chia cách Thiên Chúa và loài người bị xé làm đôi  — cả hai cách giải thích đều phù hợp ) và vị đại đội trưởng phụ trách việc hành quyết Chúa Giêsu tuyên bố, “Ông này đúng thật là Con Thiên Chúa!”

Chúng ta có thể nhận thấy những điểm tương đồng giữa hai sự kiện này: tấm màn của Đền thờ có màu xanh lam và được trang trí bằng hình ảnh của các thiên thể giống như bầu trời, vì vậy ở cả phần đầu và phần cuối của Phúc âm này, chúng ta có cụm từ “tầng trời xé ra” và lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta cũng có cái chết ở cả hai nơi —  Bí tích Rửa tội là một nghi lễ của sự chết, trong đó người được rửa tội “chết” trong nước và được sống lại với cuộc sống mới, và rõ ràng thập tự giá là “phép rửa” của Chúa trong cái chết chuẩn bị cho sự phục sinh của Ngài. Vì vậy, ngay phần đầu của Phúc âm Mác-cô, chúng ta đã được báo trước phần kết của nó, cũng như lúc khởi đầu của đời sống Kitô hữu, bí tích Rửa tội là sự báo trước về cái chết cuối đời của chúng ta và sự sống lại trong sự sống đời đời.

Tiếng của Thiên Chúa trong cuối bài Phúc Âm tuyên bố một biến thể khác của Thánh vịnh 2:7-8

Tân vương lên tiếng : Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng : “Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.

Nhiều Kinh thánh gia cho rằng Thánh vịnh 2 là bài ca đăng quang của một hoàng gia, một bài hát cổ khi mỗi con trai mới của Đa-vít lên ngôi lần đầu tiên. Nó tuyên bố quyền thống trị Thiên Chúa trao ban cho vương triều Đa-vít và quyền thống trên toàn cõi địa cầu mà Thiên Chúa đã hứa với vương triều ấy. Đối với Thiên Chúa Cha, việc lặp lại thánh thi tại thời điểm này trong sứ vụ của Chúa Giêsu thì rất là quan trọng. Phép rửa là điểm khởi đầu cai trị vương quốc của Chúa Giêsu. Khi trở về sau cơn cám dỗ trong sa mạc, lời rao giảng của Ngài sẽ là “Hãy ăn năn sám hối  vì triều đại Thiên Chúa đã đến!” (xem Mc 1,15 trong tiếng Hy Lạp).

Nếu chúng ta nhìn vào Cựu ước, chúng ta thấy rằng có phong tục đưa vị vua mới đến suối Gihon - nơi đó ông theo nghi thức tắm rửa - và sau đó xức dầu cho ông ở đó dưới sự hướng dẫn của vị tư tế trị vì (Zadok) và nhà tiên tri trị vì ( Nathan) (xem 1 Các Vua 1: 32-40). Chúa Giêsu trải nghiệm việc rửa sạch và xức dầu theo nghi thức hoàng tộc của Ngài (bởi Thánh Linh) ngay tại sông Gio-đan dưới thời Gioan, người vừa là tư tế thông qua cha mình là Dacaria (xem Lu-ca 1: 5) vừa là vị tiên tri thời ấy.

Gioan đi đến các đồn lũy của sông Giô-đan để mang lại sự cứu rỗi cho tất cả các quốc gia, và rút cục làm phép rửa cho người được mệnh danh là “sự cứu rỗi” (xem Mt 1:21), người sẽ cai trị mọi quốc gia. Trong Thánh vịnh 2: 7, Thiên Chúa nói, “Con là con của Cha,” nhưng trong Máccô, Thiên Chúa nói, “Con là Con yêu dấu của Cha.” Thuật ngữ được yêu dấu (Hy lạp Agapetos) này gợi nhớ đến hai nhân vật trong Cựu Ước: Isaac, người ba lần trong Sáng thế ký 22 của bản Septuagint được gọi là agapetos hoặc con trai “yêu dấu” của Áp-ra-ham (xem Sáng thế ký 22 LXX). Ngoài ra, Đavít, tên riêng trong tiếng Do Thái có nghĩa là “người yêu quý”. Do đó, ngôn ngữ “con trai yêu dấu” được áp dụng cho Chúa Giêsu kết nối Chúa của chúng ta với hai người trung gian quan trọng của Cựu ước là Isaac và Đa-vít. Điều này tương tự như việc Mátthêu giới thiệu Chúa Giêsu trong Mt 1: 1 là “con của Đa-vít, con của Áp-ra-ham”. Quyền vương giả đã được hứa cho cả hai dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng 17: 6) và Đa-vít (2 Sa-mu-ên 7:12), vì vậy điều này củng cố nền tảng hoàng gia của Phép rửa. Sự kết gắn với Isaac cũng báo trước hiến tế của Đức Kitô, vì Isaac được nhớ đến nhiều nhất – Isaac đã được đặt trên gỗ của bàn thờ làm của lễ trên núi Mt. Moriah theo lệnh của tổ phụ Abraham (St 22).

Câu tiếp tục, “Cha hài lòng về Con,” có lẽ bắt nguồn từ các đặc điểm của “người tôi trung huyền bí của CHÚA” trong Isaia 42:1:

Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

Cụm từ “Cha hài lòng về Con” có lẽ ám chỉ trong tiếng Do Thái “tâm hồn tôi mến chuộng Người”. Chúng ta có thể thấy bối cảnh của Isaia 42:1 phù hợp như thế nào đối với phép Rửa, vì chúng ta đã đề cập đến “Thần Khí Ta ngự trên Người”, và sau đó là nhiệm vụ hoàng gia là mang lại “công lý cho các quốc gia”.

Vì vậy, như Máccô đã kể lại, phép rửa của Chúa Giêsu thực sự là lễ đăng quang quyền vương đế của Ngài và là sự khởi đầu của triều đại Ngài, quyền cai trị Vương quốc của Thiên Chúa.

Về mặt mục vụ, có một số cách chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ hôm nay. Ngày lễ này giúp chúng ta chấp nhận trọn vẹn hơn vương quyền của Đức Kitô trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu không bằng lòng để chỉ là Chúa của một phần cuộc sống chúng ta mà không là Chúa tể trên những phần khác của cuộc sống: có ngóc ngách nào trong cuộc sống mà chúng ta từ chối vương quyền của Chúa Giêsu và từ chối để Ngài cai trị không?

Mặt khác, chúng ta cũng nên nhớ rằng bí tích Rửa tội đặt chúng ta dưới vương quyền của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là Ngài có quyền hành trên tất cả tài sản và mọi phạm vi ảnh hưởng của chúng ta với tư cách là phó vương của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào? Tôi có dùng quyền của mình trên những hoàn cảnh, đem lại trật tự, công lý và bác ái vào những tình huống đó không? Hay tôi bị choáng ngợp bởi hoàn cảnh của mình, hoặc tệ hơn, nghiện những thứ tôi sở hữu hoặc được trao phó, đến nỗi chúng cai trị tôi? Bổn phận của người giáo dân là thánh hóa trật tự thiên thời. Chúng ta nên đưa vương của Đức Kitô (yêu thương, phục vụ, tha thứ, công bằng…) vào văn phòng, ngân hàng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc, ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta đang làm điều đó hay chúng ta nghĩ rằng công việc biến đổi xã hội bắt đầu từ một nơi khác hay là trách nhiệm của người khác?

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể phục tùng vương quyền của Đức Kitô một cách trọn vẹn hơn và thể hiện tốt hơn vương quyền của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét