Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Bài này dịch tạm từ bài viết của Dr. John Bergsma

Ngày 1 tháng Giêng là Lễ Trọng mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Chúng ta không gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” để khẳng định Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu về mặt thiên tính, mà theo nghĩa Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, Đấng thực sự là Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô năm 431 — rất lâu trước Giáo hội bị phân chia thành Giáo hội Đông phương, Tây phương và những người theo đạo Tin lành — đã tuyên bố “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu đúng đắn về mặt thần học cho Đức Maria.

Thay vì là nguyên nhân gây chia rẽ, việc tuyên xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” cần là sự hợp nhất cho tất cả các Kitô hữu, và phân biệt đức tin Kitô giáo chân thực với những bè phái khác. Chẳng hạn như giáo phái Ario (phủ nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa) hoặc giáo phái Nestorian (Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Giêsu về phần con người chứ không là Đức Giêsu Kitô trọn vẹn).

Trong các Bài đọc cho Lễ trọng này có hai chủ đề: (1) con người của Đức Maria, và (2) Danh thánh của Chúa Giêsu. Tại sao lại Danh thánh của Chúa Giêsu? Trước Công đồng Vatican II, ngày thứ tám của Lễ Giáng sinh là lễ Danh Thánh Chúa Giêsu, không phải là lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Truyền thống đó có thể được nhìn thấy trong việc lựa chọn các bài đọc cho ngày lễ trọng này. (Lễ Danh Thánh Chúa Giêsu đã bị xóa khỏi lịch sau Công đồng Vatican II; Thánh Gioan Phaolô II đã khôi phục nó như một lễ nhớ vào ngày 3 tháng 1. Năm nay Lễ Hiển linh rơi vào ngày 3 tháng Giêng nên ngày lễ này không được cử hành.

1. Bài Đọc 1 từ sách Dân số 6: 22-27

Đức Chúa phán với ông Mô-sê : 23 “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng : Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này:
‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em !
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em !’27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

Lễ Trọng này là một trong số rất ít lần Sách Dân số được đọc vào ngày Chúa Nhật hoặc ngày lễ kính. Dưới đây là một vài điểm cơ bản về Sách Dân số:

Giữa những Kitô hữu độc giả hôm nay, Sách Dân số ít bị bỏ qua hơn một chút so với sách Lê-vi. Vì khác với sách Lêvi nó kết hợp danh sách dài các luật với một số câu chuyện kịch tính về những cuộc nổi loạn của dân Israel chống lại Thiên Chúa trong sa mạc và điểm này tạo ra điểm sở thích văn học. Cái tên “Dân số” có lẽ đã gây khó chịu cho người đọc thời nay - nó bắt nguồn từ tên Arithmoi trong bản Septuagint/ Bản dịch Bảy Mươi (hiền sĩ). “Dân số”, đề cập đến hai việc kiểm tra dân số cho thế hệ thứ nhất và thứ hai trong hoang địa, tạo nên những trụ cột cấu trúc văn học của cuốn sách trong chương 1 và 26. Tên tiếng Híp-ri là bamidbar, “Trong hoang địa”, là mô tả chính xác vị trí địa lý và tâm linh của Israel trong hầu hết các câu chuyện.

Sách Dân số có mối quan hệ văn học chặt chẽ với các sách kề đó trong Ngũ kinh Môsê. Theo nhiều cách, nó tương ứng với Sách Xuất hành. Xuất hành bắt đầu với dân đang cư ngụ ở Ai Cập (Xh 1-13), sau đó mô tả cuộc hành trình vượt qua sa mạc (Exodus 14-19), và kết thúc với việc họ đóng trại tại Sinai (20-36). Sách Dân số bắt đầu với dân Israel tại Sinai (Dân số 1-10), mô tả cuộc hành trình của họ qua sa mạc (Dân số 11-25), và kết thúc bằng việc họ cắm trại trên đồng bằng Mô-áp. Tại mỗi địa điểm, Sinai và Plains của Moab, dân Israel sẽ nhận một giao ước. Hơn nữa, có những mối liên hệ văn học chặt chẽ giữa các cuộc hành trình qua vùng hoang địa đến Sinai và phát xuất từ Sinai (Xh 14-19; Ds 11-25). Cả hai phần này đều bị chi phối bởi những câu chuyện về dân Israel “càm ràm” (Híp-ri lôn), “nổi loạn” (Híp-ri mārāh), hoặc “chiến đấu” (Híp-ri rîb) chống lại ĐỨC CHÚA và / hoặc Môise, và tường thuật về Môise ‘cần thêm sự trợ giúp để cai trị một dân tộc ngỗ ngược (Xh 18; Ds 11: 16-39), và sự cung cấp kỳ diệu của Thiên Chúa cho nhu cầu vật chất của dân chúng (Xh 15: 22-17: 7; Ds 11: 31-34; 20: 1-13). Đây là bằng chứng nghệ thuật văn chương được đúc kết cách cẩn thận: trọng tâm của bản tường thuật Sinai (Xh 20 – Dân số 10) bị bao quanh bởi hành vi phóng túng của một dân tộc lang thang trong sa mạc.

Sách Dân số cũng có mối quan hệ mật thiết với Lêvi. Nếu Lê-vi Ký thiết lập một “hiến pháp” thánh thiêng cho đời sống của dân Israel, thể hiện một trật tự hợp lý, có hệ thống, giống như một văn kiện giao ước tốt, với liệt kê của các phước lành và lời nguyền (Lêvi 26), thì sách Dân số giống như một danh sách các “sửa đổi” của “hiến pháp”, cùng với những tường thuật về hoàn cảnh lịch sử dẫn đến việc ban hành chúng. Và giống như danh sách các sửa đổi nhiều hiến pháp của tiểu bang và quốc gia, các luật có tính chất đặc biệt, tùy trường hợp, với ít mối liên hệ logic giữa các “sửa đổi” liên tiếp.

Cuối cùng, Sách Dân số “tạo tiền đề” cho Sách Đệ nhị luật, cung cấp cho chúng ta thông tin cần thiết về tình trạng địa lý và đạo đức của dân Israel khi họ đến “Đồng bằng Mô-áp đối diện với Giê-ri-cô” để chúng ta hiểu bài giảng của Môi-se và việc đổi mới giao ước. mà ông đã nói với dân Israel tại địa điểm này trong cuốn sách cuối cùng của Ngũ Kinh Môise.

Bản văn trong bài đọc đầu tiên này là Phép lành của các tư tế trong Dân số chương 6. Công thức để ban phước lành cho các tư tế bao gồm việc kêu cầu đến Danh Thiên Chúa (YHWH) ba lần trên dân Israel.

Một giải thích ngắn về Danh Thánh Chúa

Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán : “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”’  (Xh 3: 13-15).

Sự mặc khải về Danh Chúa cho Môi-se là một trong những đoạn văn có ý nghĩa thần học nhất của Cựu Ước. Bằng cách tự xưng là “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM”, Thiên Chúa phân biệt mình với các vị thần khác của các quốc gia, những vị thần “không tự hiện hữu”. Ngài thực sự là Thiên Chúa duy nhất. Hơn nữa, tên “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM” nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tồn tại trong chính Ngài; không giống như tất cả những sinh vật khác, Ngài không nhận lấy sự hiện hữu của mình từ một số nguyên nhân khác. Ngôn ngữ triết học sau này sẽ mô tả Thiên Chúa là sự hiện hữu cần thiết. Dù thiếu ngôn ngữ triết học, người xưa đã có khái niệm về sự tự mình hiện hữu: trong tôn giáo Ai Cập, thần mặt trời Amon-Rē “tự mình xuất hiện” và tất cả các sinh vật khác đều lấy sự tồn tại của mình từ thần mặt trời. Tuy nhiên, Thiên Chúa mặc khải cho Môi-se rằng chính Ngài, ĐỨC CHÚA — không phải Amon-Rē hay bất kỳ vị thần Ai Cập nào khác — là nền tảng của sự hiện hữu và là nguồn gốc của sự hiện hữu.

Từ thực sự được ban cho Israel để làm Danh Thánh Chúa được viết là YHWH, tương đương của tiếng Anh với các phụ âm tiếng Híp-ri. Nó không phải là cụm từ đầy đủ “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM” mà là một dạng cổ xưa của động từ HYH trong tiếng Híp-ri, “hiện hữu”, với nghĩa “NGÀI LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU.” Để tôn trọng điều răn thứ ba, người Do Thái sau thời kỳ lưu đày ở Babylon (khoảng 597–537 TCN) đã không còn phát âm danh thánh của Chúa nữa, mà thay vào đó là danh hiệu “Đức Chúa” bằng tiếng Híp-riadonai, bằng tiếng Hy Lạp kyrios. Vì vậy, Thiên Chúa của Israel được gọi là ho kyrios, Chúa” trong Tân Ước. Điều này làm sáng tỏ ý nghĩa của cụm từ, "Đức Giêsu là Chúa!" (Rm 10: 9; 1 Cr 12: 3).

Ngôn ngữ Hebrew được viết mà không có nguyên âm cho đến khoảng năm 700 sau Công nguyên khi các thầy thông giáo Do Thái phát triển một hệ thống viết nguyên âm. Tuy nhiên, hình thức YHWH được viết với các nguyên âm cho adonai, từ mà người Do Thái thực sự phát âm. Các dịch giả tiếng Anh của phiên bản King James không hiểu hệ thống này, và trong một số trường hợp, đã kết hợp các phụ âm trong tiếng Do Thái của YHWH (được gọi là tetragrammaton, tức là “bốn chữ cái”) với các nguyên âm tiếng Do Thái là adonai để tạo thành tên sai lầm “ Đức Giê-hô-va. ” Truyền thống Công giáo không đề cập đến Thiên Chúa bằng hình thức nhầm lẫn “Giê-hô-va” hoặc như cách phát âm cổ là “Giavê”, mà dùng “ĐỨC CHÚA” để chỉ Thiên Chúa của Israel, theo như thực hành của Chúa Giêsu và các Tông đồ. Trong hầu hết các Kinh thánh tiếng Anh, “ĐỨC CHÚA” viết in đại diện cho Đức YHWH trong văn bản tiếng Híp-ri, trong khi “Chúa” ở dạng viết thường đại diện cho từ adonai trong tiếng Híp-ri.

Khái niệm “tên” trong văn hóa Híp-ri có ý nghĩa rất lớn. “Tên” đại diện cho bản chất của một người, và việc gọi tên làm cho người đó hiện diện một cách thần bí. Vì vậy, Thiên Chúa sẽ nói về biểu hiện của sự hiện diện của Ngài trong Đền thờ với tư cách là “nơi ở của Danh thánh Ngài” ở những nơi khác nhau của Cựu Ước.

Việc cầu khẩn Danh thánh Chúa trên dân Israel thông báo sự hiện diện và thần khí của Thiên Chúa cho họ ít nhất là một cách trung gian.

Trong Do Thái giáo hậu lưu đày, Thánh Danh (YHWH) hiếm khi được phát âm, ngoại trừ vào Ngày Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur), khi thầy tư tế cả sẽ làm lễ chuộc tội cho cả dân tộc trong nơi Cực thánh, và sau đó đi ra khỏi Đền thờ để chúc lành cho những người tập họp trong các sân Đền thờ. Ở đó, vị tư tế sẽ tuyên bố lời chúc lành của sách Dân số chương 6, bao gồm cả việc xưng tụng Danh Thánh Chúa. Mỗi khi mọi người nghe Danh thánh phát âm, họ sẽ phủ phục trên mặt đất. Điều này được ghi lại trong Sirach:

Huấn ca 50:20 Bấy giờ ông Si-môn bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, và đọc lời chúc lành của Đức Chúa; như thế ông được vinh dự xướng lên Thánh Danh Người. 21Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.

Thông tin tương tự cũng được ghi lại trong Mishnah, bộ sưu tập vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên về truyền thống và giáo huấn của rápbi Do Thái đã trở thành cơ sở của hệ thống pháp luật của Do Thái giáo hiện đại. Vì vậy, trong Mishnah, trong Yoma 3: 8 và 6: 2:

Và [khi dân chúng nghe Tên có bốn chữ cái] họ trả lời theo sau [Vị Thượng tế]: “Chúc tụng Danh thánh của Vương quyền vinh hiển của Ngài cho đến muôn đời”. (M. Yoma 3: 8)

Bấy giờ, các tư tế và những người đứng trong sân, khi nghe thấy Danh thánh Chúa từ miệng của Vị Thượng tế, sẽ khụy gối, sấp mình và sấp mặt xuống, và họ nói: “Chúc tụng Danh đáng tôn vinh của Vương quyền của Ngài mãi mãi! ” (M. Yoma 6: 2)

Chúng ta đọc đoạn Kinh thánh từ Dân số trong phụng vụ ngày nay vì nhiều lý do.

Trước tiên, chúng ta tập hợp với tư cách là dân của Chúa trên khắp thế giới vào ngày hôm nay, ngày đầu tiên của năm, để cầu xin Chúa ban phước lành cho chúng ta.

Thứ hai, chúng ta tưởng niệm (trong Phúc âm) việc cắt bì và việc Hài nhi Giê-su được đặt tên. Đối với chúng ta trong Giao Ước Mới, Danh thánh Chúa tiếp tục là nguồn ân sủng và sự hiện diện thánh thiêng của Chúa, nhưng danh xưng mà chúng ta sử dụng không còn là YHWH nữa mà là “Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu là Danh thánh của Thiên Chúa, là nguồn của sự cứu rỗi. Khi Phaolô nói với các tín hữu ở Philípphê về Danh thánh Giêsu, ngài có thể nghĩ đến việc sụp lạy trong Đền thờ khi người ta nghe đến Danh thánh Chúa:

Phil. 2:10 Khi nghe Danh thánh Chúa Giê-su, mọi gối phải sụp lạy, trên trời, dưới đất và nơi âm phủ …

Phát âm tên thánh “YHWH” không là truyền thống của Kitô giáo. Chúa Giêsu và các Tông đồ đã thực hành phong tục đạo đức của người Do Thái là dùng từ “Chúa” (‘adonai, kyrios, dominus) để phát âm Danh thánh. Vì lý do này, dưới triều đại Giáo hoàng của Bênêđíctô XVI, danh xưng “Yahweh” đã bị loại bỏ khỏi các bản văn thờ phượng. Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va khăng khăng trong dùng cách phát âm  của Danh thánh ấy, mặc dù hình thức phát âm của họ là sai lầm, và trong truyền thống Kitô giáo hoặc Tân ước không có bằng chứng nào khuyến khích thực hành vậy. Đối với chúng ta, tên có sức cứu rỗi là “Giêsu”, và mặc dù việc sụp lạy khi Danh thánh Chúa Giêsu được kêu đến thì không thực tế, lòng đạo đức Công giáo quy định phải cúi đầu khi nhắc đến Thánh Danh.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Bài Đọc này có sự nối kết với Tin Mừng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria là Mẹ sinh ra Chúa Kitô (“con một người phụ nữ”) cũng như Chúa Giêsu và gia đình Người là những người Do Thái ngoan đạo, trung thành với Giao ước Cũ trong việc chịu phép cắt bì (“sống dưới Lề Luật) ”).

Bài Đọc này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta không nên quên rằng đây là điểm độc nhất vô nhị của đức tin Kitô giáo. Kitô giáo — không giống như Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Vô thần — là một tôn giáo để chúng ta được trở thành con cái của Chúa. Trong Do Thái giáo, việc làm con của Thiên Chúa mang tính ẩn dụ; trong Hồi giáo, đó là sự báng bổ. Trong các tôn giáo phương Đông, điều đó là không liên quan, bởi vì Thượng đế thực không phải là một bản thể cá vị, mà là một lực vô nhân cách hoặc bản chất vô tính làm sinh động tất cả. Chỉ riêng Kitô giáo trao ban cho chúng ta lời mời gọi để đón nhận sự gần gũi trong gia đình với Đấng Tạo hóa, đón nhận ơn gọi làm con trai con gái của Cha trên trời.

 Chúng ta cũng hãy để ý đến mối liên hệ chặt chẽ giữa ân sủng của Chúa Thánh Thần và quyền làm con Thiên Chúa. Từ quan điểm luật pháp, Giao ước mới làm cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa; từ quan điểm bản thể học, chính Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta trở thành con cái. Thánh Phaolô nói, việc Chúa Giêsu gửi Thánh Linh “vào tâm hồn chúng ta” tương đương với việc đưa “Chúa thổi hơi” vào lỗ mũi của Ađam, khiến ông trở thành “một sinh linh”. Vì vậy, chúng ta được phục hưng nhờ Chúa Thánh Linh, giống như A-đam đã được vào sự sống trong thuở ban đầu. A-đam là vua của vũ trụ, như Kinh thánh đã viết: “Hãy thống trị cá biển, chim trời và mọi sinh vật di chuyển trên đất” (Sáng thế 1:28). Từ “thống trị” (Híp-ri radah) gợi lên bối cảnh về sự quản trị của một vị vua: sau này từ ấy sẽ được sử dụng cho triều đại của Sa-lô-môn (1 Các Vua 4:24; Tv 72: 8; 110: 2; 2 Sử 8:10). Vì vậy, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành vương giả trong Chúa Kitô: như Thánh Phaolô đã nói, “không còn là nô lệ nhưng là con… cũng là người thừa kế nhờ Thiên Chúa.” Không còn là nô lệ cho sự gì? Tội lỗi, cái chết và ma quỷ. Nếu chúng ta vẫn bị điều khiển bởi các dục vọng, sợ chết và bị lung lay bởi những lời đề nghị của Satan trong cuộc sống, thì chúng ta vẫn còn là nô lệ. Nếu chúng ta thoát khỏi những điều này, thì chúng ta đang bước đi trong Thánh Linh, với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời. Đây là chủ đề trong Thư thứ nhất của Giăng, được đọc trong thánh lễ hàng ngày suốt mùa Giáng sinh.

Bài Phúc Âm từ Luca 2:16-21

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Chúng ta nhận ra một vài điều: Đức Maria “ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây không chỉ là một dấu hiệu về nơi mà Thánh Luca lấy thông tin của mình về những sự kiện này, mà còn là một mô hình của người chiêm niệm. Là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Đặc biệt là trong mùa Giáng sinh này, cho đến Lễ Chúa chịu phép rửa (13 tháng Giêng), chúng ta nên dành ra một chút thời gian để cầu nguyện trong thinh lặng, để suy niệm về những sự kiện kỳ diệu mà chúng ta đang cử hành và để những ý nghĩa này thấm sâu vào tâm hồn chúng ta.

Chúng ta thấy những người chăn chiên “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.” Điều này cũng mô tả ơn gọi của người Kitô hữu. Đặc biệt, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi chúng ta quay trở về với việc ca tụng và vui mừng vốn là đặc tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Đức tin của chúng ta là về trải nghiệm, không chỉ là một triết lý. Đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với một người. Tất cả chúng ta nên biết gặp gỡ Chúa Giêsu là gì, để “nghe và thấy” Người. Thư thứ nhất Thánh Gioan  như những người chăn cừu:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.  Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (1 Gioan 1:1-4)

 Hãy quan sát mối liên hệ trong phân đoạn này với “nhìn thấy” và “nghe thấy” và đỉnh điểm là sự công bố và niềm vui. Đây là điều mà các môn đệ của Chúa Giê-su làm: họ cảm nghiệm Chúa Giê-su và sau đó vui mừng công bố những gì họ đã gặp.

Cuối cùng, chúng ta thấy việc đặt tên Chúa Giêsu khi Ngài chịu cắt bì. Người Kitô hữu không còn thực hành phép cắt bì nữa, bởi vì bí tích Thanh Tẩy là “phép cắt bì của trái tim” mà Môi-se hứa vượt qua phép cắt bì thể xác (xem Đnl 10:16; 30: 6; Cv 2:37; Col 2: 11-12). Tuy nhiên, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, là “phép cắt bì trong lòng”, chúng ta vẫn nhận tên thánh, tên Kitô hữu của mình.

Tên được đặt cho Chúa Giê-su là từ y’shua trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sự cứu rỗi”. Trong Cựu ước, chúng ta quen thuộc hơn với cái tên dưới dạng “Giô-suê”, là một thể loại đấng Kitô quan trọng. Cũng như Môi-se không thể dẫn dân Israel vào đất hứa, nhưng Giô-suê đã làm được; vì vậy Chúa Giêsu là Giô-suê Mới của chúng ta, Đấng đưa chúng ta vào sự cứu rỗi mà Môi-se và giao ước của ông không thể dẫn chúng ta vào được.

Nay ơn cứu rỗi được tìm thấy nơi Danh Chúa Giêsu, bởi vì sự cứu rỗi có nghĩa là đi vào mối quan hệ làm con cái của Thiên Chúa Cha. Không phải là các nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại khác (Mohammed, Đức Phật, Khổng Tử, v.v.) tuyên bố có thể đưa chúng ta vào chức vụ làm con cái Thiên Chúa, nhưng không thể làm việc đó. Họ thậm chí không tuyên bố có thể làm việc đó. Đức Giêsu là Đấng duy nhất. Vì vậy, Chúa Giêsu nói, “Thầy là đường, sự thật và sự sống; không ai đến được với Cha, mà không qua Thầy.” (Gioan 14: 6). Đây không phải là vì tính kiêu căng. Chúa Giêsu là người sáng lập tôn giáo vĩ đại duy nhất trong lịch sử nhân loại tuyên bố rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể trở thành con cái của Ngài. Khái niệm làm con cái Thiên Chúa này nằm ở trọng tâm của Tin Mừng. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói đó là trọng tâm của Tin Mừng.

Trong ngày Lễ Trọng này, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người qua Chúa Giêsu, đã dọn đường cho chúng ta trở thành con cái của Người và nhận một tên mới mà Người đã đặt cho chúng ta (x. Kh 2:17). Mối quan hệ mật thiết, cá nhân này với Thiên Chúa đã được thực hiện nhờ sự hợp tác của Đức Maria, người đã trở thành Mẹ của Đấng mà Danh thánh của Ngài là Cứu độ.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét