Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Sự bình an không ai lấy mất được

“Con người không được tạo dựng để làm nô lệ, nhưng để làm chúa của thụ tạo”.

Chúng ta thường nghĩ khi không có kiềm chế này, hạn chế kia tôi sẽ tự do hơn. Nhiều người để thoát khỏi cảm giác của một cuộc đời chán nản vì không thoát nổi những ràng buộc của cuộc sống con người, lâm vào cảnh cuộc sống ngày càng tệ hơn do những chọn lựa sai lầm.

Là người Công giáo, chúng ta biết chuyện của các thánh, họ có thể sống trong tu viện, trong gông cùm tù đày của việc bị bách hại, nhưng vẫn có sự tự do tâm hồn. Câu chuyện của Etty Hillesum cho thấy tự do Chúa ban, bằng việc tìm thấy Thiên Chúa của sự bình an bên trong mình.

------------------

Chỉ khi mọi tự do bên ngoài của cô ngày này qua ngày khác bị lấy đi, cô mới khám phá trong mình niềm hạnh phúc và tự do nội tâm không ai có thể cướp mất được kể từ đó trở đi.

Một nhân chứng cho thời đại chúng ta, Etty Hillesum

Etty Hillesum, một thiếu nữ Do Thái chết tại Auschwitz tháng 11 năm 1943, và nhật ký của cô được xuất bản năm 1981. “Chuyện một tâm hồn” của cô mở ra ở Hà Lan vào lúc mà sự tàn sát người Do Thái của Phát xít diễn ra gay gắt nhất.

Khi Etty bắt đầu viết bài báo, thì đời sống đạo đức của cô không hề sáng sủa tí nào. Cô bị tổn thương tình cảm, không có những nguyên tắc luân lý cố định và trước đó đã có một vài tình nhân.

Tuy nhiên, cô bị thôi thúc bởi một khát khao mãnh liệt muốn biết sự thật về chính mình. Nhờ một trong những người bạn của cô, một nhà tâm lý và cũng là người Do Thái, cô khám phá (mà không công khai trở thành người Kitô hữu) một số giá trị cốt lõi của Kitô giáo như: cầu nguyện, sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng và lời Tin Mừng mời gọi cô tin tưởng phó mình cho Đấng Quan Phòng. Khi còn là tù nhân ở trại tị nạn Hà Lan trước khi bị chuyển đến Auschwitz, cô biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, can đảm chịu đựng và hy sinh cho tha nhân. Tất cả điều đó chứng tỏ thực tại đời sống thiêng liêng của cô bất chấp bóng tối bao phủ đời mình.

Thật ngạc nhiên khi đọc cách thức thiếu nữ này hiến dâng chính mình để sống những giá trị Tin Mừng mà cô khám phá dần dần. Chỉ khi mọi tự do bên ngoài của cô ngày này qua ngày khác bị lấy đi, cô mới khám phá trong mình niềm hạnh phúc và tự do nội tâm không ai có thể cướp mất được kể từ đó trở đi. Đây là một đoạn rất ý nghĩa trong kinh nghiệm thiêng liêng của cô: Sáng nay tôi đạp xe dọc theo Station Quay, tận hưởng những con đường vòng rộng lớn của bầu trời ở ven thành phố, hít thở không khí trong lành, tự do. Khắp nơi nhan nhản những biển báo ngăn chặn người Do Thái đến những con đường và vùng quê rộng mở. Nhưng phía trên những con đường chật hẹp đó vẫn còn cho chúng tôi những bầu trời vươn rộng không tỳ tích. Họ không thể làm gì chúng tôi, thật sự họ không thể. Họ có thể quấy rầy chúng tôi, họ có thể cướp đi của cải vật chất, tự do đi lại của chúng tôi, nhưng chính chúng tôi lại đánh mất những tài sản lớn nhất của bản thân bằng sự khúm núm dại dột của mình, bằng chính cảm giác mình bị tra tấn, làm nhục và đàn áp; bằng sự thù hằn của chúng tôi; bằng vẻ vênh váo che giấu nỗi sợ của mình. Dĩ nhiên chúng tôi có thể buồn và thất vọng trước những gì họ đã làm cho mình; điều đó hoàn toàn là con người và dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, tổn thương nghiêm trọng nhất vẫn là tổn thương mà chúng tôi gây ra cho chính mình. Tôi thấy cuộc sống tươi đẹp, tôi tự do. Bầu trời trong tôi bát ngát như bầu trời đang giang rộng trên đầu tôi. Tôi tin vào Chúa và tôi tin vào con người, tôi nói thế mà không bối rối. Cuộc sống thật khắc nghiệt, nhưng đó không phải là điều tồi tệ. Nếu ta bắt đầu bằng cách đề cao tầm quan trọng của mình, thì phần còn lại cũng thế. Không phải chủ nghĩa cá nhân thiếu lành mạnh tác động đến ta. Bình an đích thực sẽ chỉ đến khi mỗi cá nhân tìm thấy bình an trong chính mình; khi chúng ta đánh bại tất cả và biến nỗi thù hằn đồng loại dù họ thuộc sắc tộc nào - thậm chí thành tình yêu một ngày nào đó, dù có lẽ điều đó đòi hỏi quá nhiều.

Tuy nhiên, đó là giải pháp duy nhất. Tôi là người hạnh phúc và tôi thực sự yêu mến cuộc đời, trong năm của Chúa 1942, năm chiến tranh không biết lần thứ mấy. – Jacques Philippe, Tự Do Nội Tâm

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tiêu đề

Blog Archive

Labels

Blog Archive