Kho tàng sức mạnh tâm linh lớn nhất chưa được khai thác trong Công giáo là giáo dân. Chính qua giáo dân mà Giáo Hội đi vào thế giới. Nam giới và nữ giới là nơi gặp gỡ giữa người Công giáo và người không Công giáo. Họ là cầu nối giữa thiêng liêng và trần tục, giữa tôn giáo và thế tục. Giáo dân thực hiện ơn gọi Công giáo của mình trong thế giới. Khi họ đến nhà thờ, họ đón nhận sự sống, sự thật và ân sủng, nhưng họ lãnh nhận chúng để phục vụ Chúa giữa lòng thế giới. Trong thế giới này, chân lý, ân sủng và đời sống Công giáo của họ gặp gỡ với những người có thể thiếu chúng hoặc không có đầy đủ sự phong phú của đức tin Công giáo. Ơn gọi của người Kitô hữu Công giáo là để vinh quang Chúa được thể hiện qua những biểu hiện thông thường của cuộc sống.
Có hai nguy cơ. Một là giáo dân Công giáo có thể hình thành một loại “ghetto, nhóm đặc biệt,” nghĩ rằng các hoạt động tôn giáo của họ chỉ giới hạn trong nhà thờ, tuân thủ các Điều răn. Cũng có thể có những người Công giáo tụ tập với nhau trong một kiểu “lều tuyết”, hoàn toàn tách biệt đức tin ra khỏi hành động. Mặt khác, sự cực đoan sẽ là trở nên quá thế tục, đến mức đức tin không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống thế tục của họ.
Hệ quả của việc tách biệt tôn giáo và thế giới là văn hóa đã được giải phóng khỏi Đức Kitô và trở thành văn hoá của sự dữ. Nếu giáo dân muốn có hiệu quả, họ phải ý thức rằng họ là thành viên của dân Chúa; họ thuộc về cộng đồng thờ phượng. Họ phải am hiểu về thần học. Như thánh Phêrô đã nói, họ phải có khả năng đưa ra lý do cho niềm tin của mình (1Pt 3:15). Họ phải giao tiếp với thế giới như những người Công giáo. Họ tham gia vào thế giới. Như John Donne đã nói rất hay:
"Không ai là một hòn đảo, hoàn toàn tách biệt; mỗi người là một phần của đại lục, một phần của đại gia đình; nếu một cục đất bị cuốn đi bởi biển, châu Âu trở nên thiếu thốn, như thể một mũi đất bị cuốn đi, cũng như thể một người bạn của bạn hay trong gia đình bạn bị mất; cái chết của một người làm giảm bớt tôi, vì tôi tham gia vào nhân loại. Và vì thế, đừng bao giờ hỏi chuông rung vì ai; nó rung cho bạn." (MEDITATION 17, Devotions upon Emergent Occasions)
Không ai có thể chu toàn ơn gọi Kitô hữu Công giáo của mình hoặc đạt được bất kỳ sự toàn vẹn cá nhân nào trong thế giới hiện đại nếu họ không quen thuộc với máy tính, biết đến những khu ổ chuột, hiểu biết về việc phân biệt chủng tộc, về các vấn đề thế giới, với mọi thứ. Chính giáo dân đứng ở điểm giao nhau giữa Phúc Âm và thế giới. Như cây Thập giá đứng ở giao điểm giữa các nền văn hóa và nền văn minh của Athens, Jerusalem và Rome, giáo dân vượt qua tất cả các biên giới, và họ làm điều này nhân danh Đức Kitô. Khi chúng ta thấy giáo dân đến nhà thờ vào Chủ nhật, chúng ta hỏi họ, Liệu họ có thực sự yêu thương nhau không? Họ có là một yếu tố trong cộng đồng thống nhất không? Họ đến đây chỉ để hoàn thành nghĩa vụ, tránh một tội trọng thay vì làm mạnh mẽ sự sống mà họ cần làm lan toả? Họ có đang tìm kiếm sự thánh hóa chỉ cho bản thân, quên rằng Chúa Giêsu đã nói, “Vì họ mà Con thánh hóa chính mình" (Ga 17:19)? Liệu họ ngoài thói quen hàng tuần đi nhà thờ, chẳng khác gì những người chung quanh họ trong cuộc sống? Khi người khác nhìn vào nhóm tín hữu này, liệu họ có nói: “Tôi cần nên giống như họ; tôi cần có tình yêu, sự thật và bình an mà những người này đang chiếm hữu”. Nhưng thường thì ngược lại.
Giáo dân sẽ phải nhận thức rằng Chúa Giêsu của chúng ta đã bị đóng đinh không phải trong một nhà thờ giữa hai ngọn nến, mà là giữa thế giới, trên một con đường, trong một đống rác của thị trấn, tại giao lộ nơi có ba thứ tiếng được ghi trên Thập giá. Đúng, đó là tiếng Híp-ri, Latin và Hy Lạp, nhưng chúng có thể là tiếng Việt, Anh hoặc tiếng Tàu. Điều đó không quan trọng. Chúa Giêsu đã đặt mình ở trung tâm của thế giới, giữa những vũng bùn, những tên trộm, lính và những người đánh bạc. Ngài ở đó để mở rộng sự tha thứ cho họ. Đây là ơn gọi của giáo dân: ra ngoài thế giới và làm cho Đức Kitô được biết đến. -- ĐTGM Fulton Sheen, Your Life Is Worth Living
0 nhận xét:
Đăng nhận xét