Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ. Khi chúng ta đối mặt với những gì bất ưng hay được xem là tiêu cực trong chính mình hay trong hoàn cảnh của mình; lúc bấy giờ, ba thái độ có thể xảy ra:
Trước hết là nổi loạn. Chẳng hạn, chúng ta không chấp nhận con người mình; chúng ta nổi loạn chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tác thành chúng ta; chống lại cuộc sống cho phép sự kiện này, sự kiện kia xảy đến; chống lại xã hội .v.v.. Quả thực, nổi loạn không phải luôn luôn tiêu cực - nó có thể là một phản ứng theo bản năng và cần thiết trong những hoàn cảnh cùng cực nào đó.
Như vậy, đó là một phản ứng lành mạnh miễn là chúng ta không đeo bám nó. Nổi loạn cũng có thể tích cực như sự từ khước một tình huống không thể chấp nhận được, một tình huống mà ai ai cũng hành động chống lại từ những động cơ chính đáng với những phương tiện hợp pháp và tương xứng. Tuy nhiên, điều chúng ta xem xét ở đây chính là: nổi loạn như là sự khước từ thực tại.
Thông thường, đó là phản ứng đầu tiên, tức thời của chúng ta trước khó khăn hay đau khổ nhưng nó không bao giờ giải quyết được điều gì. Tất cả những gì mà hình thức nổi loạn này mang lại là làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đó là nguồn cội của thất vọng, bạo lực và nổi giận. Một loại chủ nghĩa lãng mạn văn chương tự do nào đó đã bênh vực tính nổi loạn, nhưng lẽ thường bảo cho chúng ta rằng, không gì cao cả hay tích cực đã từng được xây dựng trên nổi loạn như một sự khước từ thực tại, nó chỉ làm tăng thêm và nhân rộng cái sai lầm mà nó cố giải quyết.
Nổi loạn có thể kéo theo cam chịu. Chúng ta nhìn nhận rằng, không thể thay đổi hoàn cảnh hay không thể thay đổi chính mình và rốt cuộc chúng ta cam chịu. Cam chịu có thể biểu thị một mức độ tiến triển nào đó đàng sau cuộc nổi loạn theo nghĩa nó dẫn đến một lối tiếp cận ít gay gắt và thực tế hơn. Nhưng ngần ấy thì không đủ. Nó có thể là một đức hạnh đối với các triết gia nhưng không phải là một nhân đức theo Kitô giáo vì nó không bao hàm một niềm hy vọng. Cam chịu là lời tuyên bố về sự bất lực vốn không thể tiến xa hơn. Nó có thể là một giai đoạn cần thiết nhưng nếu dừng lại ở đó thì nó vẫn vô ích.
Thái độ phải hướng tới là bằng lòng. So với cam chịu, bằng lòng dẫn đến một thái độ nội tâm hoàn toàn khác. Chúng ta nói ‘vâng’ với một thực tại mà thoạt tiên được cho là tiêu cực bởi chúng ta nhận ra một điều gì đó tích cực có thể nảy sinh từ đó.
Điều này gợi lên niềm hy vọng. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những gì làm nên chính mình bất chấp những khiếm khuyết của bản thân bởi chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương mình; chúng ta tin chắc Thiên Chúa có thể làm những điều kỳ diệu từ những thiếu sót của chúng ta. Chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những nguyên liệu thô thiển bần cùng và kém cỏi nhất của con người vì tin rằng, “Tình yêu thật mạnh mẽ trong mọi việc đến nỗi nó có thể rút ra điều lành từ mọi sự, cả điều tốt lẫn điều xấu mà nó tìm thấy trong tôi” như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thổ lộ.
Sự khác biệt tối hậu giữa cam chịu và bằng lòng là khi bằng lòng, thì dù thực tại khách quan vẫn là như nhau, thái độ tâm hồn chúng ta vẫn rất khác nhau. Có thể nói, chúng đã thai nghén các nhân đức tin, cậy, mến. Chẳng hạn, bằng lòng với những khuyết điểm thể lý của con người mình có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta như con người chúng ta. Vì thế, hành động bằng lòng chứa đựng niềm tin vào Thiên Chúa, tín cẩn Người và vì thế yêu mến Người nữa, vì tin tưởng ai cũng là một cách yêu mến người đó. Do sự hiện diện của lòng tin, cậy, mến nên sự bằng lòng đạt được giá trị, tầm mức và sinh hoa kết quả thật lớn lao. Vì ở đâu có tin, cậy, mến, thì sự mở lòng ra với ân sủng của Thiên Chúa, chấp nhận thánh ân của Người và không sớm thì muộn, những hiệu quả tích cực của ân sủng sẽ được trao ban lúc cần thiết. Ở đâu ân sủng được đón nhận, nó sẽ không bao giờ trở nên vô hiệu nhưng trái lại, luôn hiệu quả một cách phi thường. -- Jacques Philippe, Tự Do Nội Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét