Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Điều răn của Chúa thánh hóa lòng người

Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
“Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mác-cô 7:14-15; 21-23)

------------

Người ta thường nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để làm cho mọi thứ dễ dàng hơn và nới lỏng các luật lệ đạo đức mà những người Pharisêu tuân thủ một cách cứng nhắc. Vì vậy, những người Pharisêu đã trở thành hình ảnh của những người bảo thủ tôn giáo đáng ghét, những người nghĩ rằng thực sự có đúng và sai, và chúng không thay đổi theo thời gian.

Sự thật thì phức tạp hơn một chút. Trong Phúc âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy về bản chất của Luật pháp Chúa. Không phải là Luật pháp Chúa không khắt khe hay Luật pháp của Chúa thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, Luật pháp Chúa không chủ yếu bao gồm những điều nên làm và không nên làm về bên ngoài, mặc dù điều đó có thể quan trọng. Về cơ bản, đó là quy tắc của tâm hồn, một kim chỉ nam cho nội tâm của chúng ta, sau đó phản ánh nội tâm đó qua hành động của mình.

Chúa Giêsu muốn kêu gọi những người Pharisêu—và chúng ta—trở lại từ tập trung vào việc tuân thủ bề mặt đến tập trung vào cốt lõi của luật pháp, đó là hướng đi đúng đắn của tâm hồn.

Trên thực tế, tập trung vào việc tuân thủ bất cứ luật nào ở vẻ bên ngoài không phải là cám dỗ của thời đại chúng ta. Cám dỗ thời đại chúng ta là không quan tâm đến vẻ bề ngoài hoặc ngay cả không quan tâm đến thực tại bên trong.

Trong Cựu Ước, có nhiều thứ có thể làm ô uế một người để họ có thể tham dự nghi lễ: tiếp xúc với người chết, với phân, với động vật không sạch (không ăn được), v.v. Đây là một phương pháp sư phạm mà Chúa dùng để dạy dân Israel liên kết hành vi sai trái về mặt đạo đức với cái chết, sự mục nát và những điều ghê tởm. Thực vậy, hành vi sai trái (tội lỗi) thực sự dẫn đến chết chóc, hư nát và ghê tởm.

Tuy nhiên, mục đích của luật là dạy chúng ta có hướng sống đúng đắn cho tâm hồn. Suy cho cùng, chính hành động bên trong của tâm hồn (những gì từ bên trong, từ lòng người) chứ không phải những gì xảy ra với cơ thể, về mặt thể lý “làm ô uế” con người hoặc làm ai đó “ô uế” trước mắt Chúa.

Chúng ta hãy xem xét về những tội “xuất phát từ lòng người” mà Chúa Giêsu dạy (Mác-cô 7:21) vì điều này đáng để ý tới:

  • hoi dialogueismoi hoi kakoi, “những suy nghĩ xấu xa” hoặc “những cân nhắc xấu xa”: một thuật ngữ rất chung chung.
  • porneiai, “loạn luân”: thuật ngữ chung cho bất kỳ hành vi tình dục bất hợp pháp nào, nghĩa là bất kỳ hành vi ngoài hôn nhân, bao gồm nhưng không giới hạn ở tưởng tượng tình dục, thủ dâm, gian dâm (quan hệ tình dục giữa hai người chưa kết hôn), ngoại tình, mại dâm (trả tiền cho các hành vi tình dục), dâm ô, v.v.
  • klopai, “trộm cắp”: từ có cùng với từ “kleptomaniac / tật cắp vặt”.
  • phonoi, “giết người”: cố ý giết người vô tội.
  • moicheiai, “ngoại tình”: cụ thể là một người đàn ông quan hệ tình dục với một người phụ nữ đã kết hôn với một người đàn ông khác.
  • pleonexiai, “tham lam, hám lợi”: “một ham muốn mãnh liệt, muốn ngày càng có nhiều của cải vật chất hoặc sở hữu nhiều thứ hơn những người khác, bất kể nhu cầu.”31
  • poneriai, “sự ác”: một thuật ngữ chung, liên quan đến thuật ngữ chỉ Ác quỷ, ‘o poneros, “Kẻ Ác”.
  • dolos, “lừa dối, gian trá, dối trá”.
  • aselgeia, “vô thần”: sống mà không cầu nguyện, thờ phượng hay nghĩ đến Chúa, sống theo cách Chúa hiện hữu hay không, không quan trọng.
  • ophthalmos poneros, “con mắt độc ác”: có lẽ có nghĩa lòng tham trong bối cảnh này, tức là nhìn vào của cải của người khác với ý định xấu.
  • blasphemia, “báng bổ”: một lời công kích bằng lời nói vào danh tiếng hoặc phẩm giá của một người, dù là người hay Thiên Chúa.
  • huperephania, “kiêu hãnh, ngạo mạn, ngạo mạn”: phô trương sự tự cao tự đại.
  • aphrosune, “ngu ngốc”: gần với “không suy nghĩ, thiếu suy nghĩ, vô tâm”.

Tất cả những hành vi từ bên trong này là những gì khiến một người xa cách Chúa và khiến họ trở nên “không sạch”, “bị làm ô uế” hoặc “xúc phạm” đối với Chúa. Việc loại bỏ những hành vi bên trong này – và những hành vi bên ngoài có nguồn gốc từ chúng! – ra khỏi cuộc sống của chúng ta, thì quan trọng hơn là tuân theo các phong tục văn hóa lâu đời.

Tuy nhiên, chỉ một chút suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rõ rằng việc loại bỏ những thứ như suy nghĩ xấu xa, lòng kiêu hãnh và lòng tham lam khỏi tâm hồn chúng ta không phải là điều dễ dàng hơn mà là khó khăn hơn việc nhớ rửa tay trước khi ăn. Các quy định về sự sạch sẽ bên ngoài dễ tuân theo hơn nhiều so với sự trong sạch của tâm hồn.

Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để hạ thấp luật đạo đức và cho phép mọi người làm bất cứ điều gì họ muốn, miễn là họ tin vào Người. Chúa khá là rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của tội và xác định rõ nguồn gốc của nó: trái tim con người. Thế thì còn có hy vọng nào cho chúng ta không? Có chứ! Bởi vì Chúa cũng là bác sĩ tim mạch xuất chúng. Như Thánh Phaolô sau này sẽ giải thích: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần qua bí tích Rửa tội, chúng ta có sức mạnh siêu nhiên trong mình, cho phép chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa (mà Môsê đã xác định là trọng tâm của luật pháp) và người lân cận. Tình yêu Thiên Chúa đổ tràn thanh tẩy trái tim chúng ta khỏi mười hai loại “tư tưởng xấu xa” khác nhau mà Chúa Giêsu đã liệt kê trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Như tác giả của sách Híp-ri đã nói, ám chỉ đến Bí tích Rửa tội: “vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm” (Híp-ri 10:22).

Nếu chúng ta đã làm dơ bẩn bản thân sau Bí tích Rửa tội, thì có “bí tích Rửa tội thứ hai” nơi tòa giải tội, mà chúng ta có thể lãnh nhận trong tuần này.

Trong Thánh lễ này và trong tuần tới, chúng ta hãy cố gắng “khiêm tốn đón nhận lời” của Chúa đã đến với chúng ta trong Thánh lễ này. Chúng ta hãy xét mình về mười hai kakoi dialogueismoi mà Chúa Giêsu đã liệt kê. Chúng ta hãy dành thời gian cầu nguyện để xin Chúa khơi dậy Thần Khí trong chúng ta để tình yêu, chứ không phải sự dữ làm ô uế, sẽ tuôn chảy ra từ trái tim chúng ta. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Chồng là đầu của vợ: lãnh đạo và quyền bính trong hôn nhân

Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. (Êphêsô 5:21-23;25;32)

--------

Thánh Phaolô ở đây dạy rằng có một trật tự về quyền bính trong hôn nhân và người chồng là “đầu của vợ”, nghĩa là chồng là người lãnh đạo hôn nhân và gia đình của hôn nhân đó; người vợ phải tôn trọng vai trò lãnh đạo của người chồng và chiều ý vai trò đó.

Tất nhiên, lời này xúc phạm đến tai người nghe trong bối cảnh chính trị và xã hội hiện đại, vốn thậm chí không thể thừa nhận là có những khác biệt về thể lý giữa nam và nữ, càng không thể có nhận ra có những khác biệt về tâm linh, những vai trò khác nhau trong xã hội hoặc những vai trò khác nhau trong hôn nhân.

Lý do chủ yếu khiến chúng ta chống lại việc đón nhận lời dạy này của thánh Phaolô như mặc khải của Chúa là vì chúng ta chưa thanh luyện quan niệm của mình về sự thực thi quyền bính. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một cách cụ thể về điều này trong Bữa Tiệc Ly. Những gì Ngài nói, trước hết áp dụng cho chức vụ tông đồ của họ, được duy trì bởi những người kế vị họ là các giám mục, nhưng nó cũng áp dụng cho mọi tình huống lãnh đạo trong Giáo hội, kể cả trong gia đình:

Đức Giêsu bảo các ông : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lu-ca 22:25–26).

Ở đây, Chúa Giêsu dạy rằng các chức vụ quyền bính trong Nước Chúa – được nhìn thấy rõ ràng và cụ thể trong Giáo hội Chiến Đấu – luôn luôn và duy nhất là các chức vụ phục vụ, thực thi vì lợi ích của những người được dẫn dắt. Hơn nữa, người lãnh đạo hoặc người có thẩm quyền phải là gương mẫu của sự khiêm tốn và phục vụ. Ngày nay, điều này thường được gọi là “lãnh đạo phục vụ / công bộc của dân”. Điều đó không có nghĩa là người lãnh đạo không có quyền hành và chỉ là tấm thảm cho mọi người bước lên. Đúng hơn, nó có nghĩa là người lãnh đạo hoặc người có thẩm quyền phải luôn thực thi quyền lãnh đạo đó vì lợi ích của những người được giao phó cho mình.

Việc một người lãnh đạo trong Giáo hội sử dụng quyền lãnh đạo của mình cho những mục đích ích kỷ luôn là một tội. Tôi xin nhắc lại: Dùng quyền hành để tư lợi luôn là tội. Những vụ bê bối giữa các giáo sĩ, giám mục và thậm chí cả các hồng y đã gây nên đổ vỡ trong Giáo hội và chúng ta đã chứng kiến rõ những sự này. Chúng cho chúng ta thấy ví dụ kinh điển về việc lạm dụng quyền lực vì ích kỷ. Đây là một việc làm của ma quỷ, thậm chí là của Satan. Tôi không hề thiếu nghiêm túc hay khoa trương khi sử dụng những thuật ngữ đó; tôi nói điều này với suy luận thần học kỹ càng của tôi. Trọng tâm cuộc nổi loạn của Satan chống lại Thiên Chúa, là việc hắn từ chối sử dụng quyền lực hắn lãnh nhận với tư cách là người đứng đầu các tổng lãnh thiên thần để phục vụ nhân loại thấp hèn.

Theo logic của Sa-tan, sự phục vụ phải đi từ cấp dưới đến người lãnh đạo, từ “kém hơn” đến “lớn hơn”. Làm những gì Thiên Chúa đã làm là hoàn toàn trái ngược với ý thức của Satan về phẩm giá của hắn, trở nên người phàm, làm một hài nhi và phó thác bản thân cho loài người chăm sóc với tất cả những giới hạn của thụ tạo. Vì vậy, khái niệm về quyền lực nhằm mang lại lợi ích cho người lãnh đạo về bản chất mang tính chất của Satan: đó là quan điểm của Satan về quyền lực và cách hắn điều hành cách quỷ quái theo “chế độ cấp dưới” của nó.

Nếu chúng ta đưa điều này vào mối quan hệ hôn nhân, Thánh Phaolô nhìn nhận người chồng là đầu của người vợ. Nhưng trong phần còn lại của đoạn văn này, ngài tiếp tục thanh luyện và xác định lại ý nghĩa của việc thực hiện quyền làm chủ trong hôn nhân và gia đình. Thánh Phaolô nói, vai trò này đòi hỏi người chồng phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng yêu thương Hiền thê của mình là Giáo hội, cho đến chết. Không thể tưởng tượng được rằng Chúa Kitô lại là vị lang quân ngược đãi Giáo hội, hoặc Ngài sẽ sử dụng quyền lực của mình đối với Giáo hội để đạt được một số thú vui cá nhân gây thiệt hại cho Hiền thê của mình. Nếu điều đó là không thể tưởng tượng được trong mối liên kết giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người, thì điều đó cũng không thể tưởng tượng được trong hôn nhân Kitô giáo.

Một phần của nam tính là học cách lãnh đạo, và tự bản chất, khả năng lãnh đạo là hy sinh bản thân. Rõ ràng là hầu hết phụ nữ, với tư cách là người phối ngẫu, ai cũng muốn một người mà họ có thể tôn trọng và ngưỡng mộ, và đặc biệt là người mà họ có thể tin tưởng và người mà họ có thể tin tưởng trao phó bản thân mà không cần phải sợ hãi. Điều này là cần thiết, bởi vì con người là linh hồn có thân xác, việc sinh con là một quá trình tế nhị và gian khổ khiến người mẹ và con rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, đôi khi chỉ còn lại người chồng chu cấp, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng tổ ấm gia đình. Chúng ta biết về điều này cách sâu sắc trong bản thân của mình, đó là lý do tại sao chúng ta phản ứng cách tích cực với những biểu tượng của Thánh Gia, với Hài Nhi Giêsu được bao bọc trong vòng tay của mẹ Ngài, nhưng sau đó là mẹ và con được bao bọc trong vòng tay của Thánh Giuse. Chúng ta nhìn và nói: vâng, đây là cách diễn tả đúng đắn về nam tính và nữ tính, về mầu nhiệm bổ sung cho nhau trong việc phục vụ Sự Sống và Ơn Cứu Rỗi.

Trở lại với lời giảng dạy của Thánh Phaolô về hôn nhân, chúng ta có thể kết luận rằng không có cách giải thích đúng đắn nào về đoạn văn này có thể dẫn tới một dạng biện minh nào đó về “sự ưu việt của đàn ông” hay tự coi mình là trên hết, bởi vì ngay khi người ta nghĩ theo những đường lối đó, người ta đang bước trên con đường theo logic lãnh đạo của Satan. Có thể cho rằng, ở đây Thánh Phaolô giao nhiệm vụ khó khăn hơn cho người chồng, vì vâng phục người khác thì dễ hơn là đáp ứng những đòi hỏi của tình yêu hy sinh bản thân phù hợp với Chúa Kitô, theo hình ảnh Người hiến thân cho Giáo hội.

Thánh Phaolô kết thúc suy tư này bằng cách gọi hôn nhân là một “mầu nhiệm” cao cả, trong tiếng Latinh là sacramentum hay bí tích. Thật trớ trêu là, với tư cách là một người theo đạo Tin lành cam kết thực hiện sola scriptura (chỉ Kinh Thánh mà thôi), tôi đã từng phủ nhận rằng hôn nhân là một bí tích - vì đó là bí tích duy nhất trong số các bí tích được nêu tên rõ ràng như vậy trong scriptura / Kinh Thánh. Nhưng rõ ràng Thánh Phaolô đã đúng khi gọi nó là một mầu nhiệm và một bí tích, và đúng hơn chúng ta thường nhận ra, bởi vì hôn nhân là một biểu tượng đa nghĩa chứa đựng toàn bộ mầu nhiệm cứu độ bên trong nó. Trong sự kết hợp của hai ngôi vị mà tình yêu của họ được thể hiện trong ngôi vị thứ ba, chúng ta thấy gần như đây là sự nhập thể của chính Chúa Ba Ngôi. Và nơi tình yêu quên mình của người chồng làm cho người vợ được phong phú với nhiều hoa quả, chúng ta thấy hình ảnh ơn cứu độ của Chúa Kitô được thực hiện qua cuộc Khổ nạn của Ngài. Và điều này chỉ là bề ngoài, đó là lý do tại sao thiên đàng, trạng thái hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa trong thời sau hết, được miêu tả trong Khải Huyền chương 20–22 như một tiệc cưới. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

Thiên thần của Chúa xích Satan (Khải huyền 20:1-2)

Bạn đã từng thấy những meme cho thấy Chúa Giêsu và Satan như những tay đô vật cơ bắp đang đấu tay đôi chưa? Mình rất không thích ảnh đó. Về mặt nghệ thuật, nó không đẹp. Về mặt triết lý, nó nói về một thế giới nhị nguyên: thần tốt thần xấu mãi tranh đấu xem ai thắng. Về mặt thần học...? Đó là lý do mình dịch hai bài: bài một của Công giáo, bài dưới của một tác giả Tin lành; họ có khả năng giải thích rõ ràng hơn mình.

---------

Toàn năng, không từ để diễn tả, và không thể đưa ra làm meme được

Chuyển ngữ từ Omnipotent, ineffable, unmeme-able

Bạn đã từng thấy những meme cho thấy Chúa Giêsu và Satan như những tay đô vật cơ bắp đang đấu tay đôi chưa? Đôi khi mọi người chia sẻ nó một cách nghiêm túc, đôi khi như một trò đùa, nhưng dù sao đi nữa, nó khá phổ biến. Cả hai bên đang bị cuốn vào một cuộc chiến căng thẳng, bắp tay căng phồng, tĩnh mạch nổi lên, mồ hôi chảy xuống khuôn mặt khi họ đấu tranh để giành lợi thế.

Ngay cả khi chúng ta chia sẻ hình ảnh này để mỉa mai sự dữ, chúng ta rất dễ vô tình chấp nhận ý tưởng rằng trận chiến tâm linh giống như vậy: Chúa đối đầu với ma quỷ, hai thế lực ngang sức nhau, đối lập nhau trong trận đấu quyết liệt. Ngay cả những người Công giáo, dù đã học giáo lý, cũng đôi khi rơi vào suy nghĩ kiểu âm-dương, tưởng tượng vũ trụ như một chiến trường nơi hai thế lực to lớn, trừu tượng luôn bị giữ trong sự căng thẳng vĩnh cửu.

Điều này thực ra là một tà thuyết, hoặc là một phần của nhiều tà thuyết phổ biến khác, bao gồm thuyết nhị nguyên (Manichaeism) và một số hình thức của thuyết ngộ đạo (gnosticism). Chúng ta hãy gọi nó là “vũ trụ luận nhị nguyên”. Dù gọi nó là gì đi nữa, nó là thứ vớ vẩn. Bạn đã quá đề cao Satan và hiểu quá ít về Chúa.

 

Thiên thần của Chúa xích Satan (Khải huyền 20:1-2)

Chuyển ngữ từ God Has Satan on a Leash

Internet tràn ngập các meme. Một số thì hài hước, số khác thì thiếu tế nhị. Và cũng có những meme thần học. Nhiều cái khá chính xác; tuy nhiên, có một số thực sự rất tệ. Bạn có thể đã thấy một meme nổi bật và gây khó chịu. Chúa Giêsu và Satan đang đấu vật tay - chúng ta không chỉ không biết ai đang chiếm ưu thế! Mà sự vĩnh hằng như đang trong sự cân bằng; giống như một quả bóng đang giữa không trung.

Tôi đã thấy nhiều meme thần học tồi tệ trong đời mình nhưng không có gì vượt qua cái đó, và một số khác tương tự như meme đó. Nó bộc ra cái ý niệm sai lầm rằng, cách nào đó, Chúa đang chiến đấu với Satan; cách nào đó, Satan mạnh ngang Chúa và hai bên đang trong một trận kéo co dài và dường như không ai chiếm ưu thế.

Không chỉ những meme này sai, mà còn là phạm thượng (dù vô tình) theo hai cách. Thứ nhất, nó giả định rằng Satan mạnh như Chúa. Thứ hai, nó phớt lờ những gì Kinh Thánh rõ ràng dạy về mối quan hệ giữa Chúa và Satan.

Mặc dù Kinh Thánh nói về Satan như là “kẻ cai trị thế gian” (Ga. 12:31) và “hoàng tử của quyền lực không trung” (Eph. 2:2), hắn không ngang bằng với Chúa. Satan chắc chắn không phải là toàn năng - hắn cũng không phải là toàn trí hay có mặt khắp nơi. Hắn không giống như Chúa.

… Satan thông minh, nhưng không biết mọi thứ. Hắn xảo quyệt, nhưng không phải là tốt. Không có cuộc đấu vật tay thần thánh; Chúa Giêsu đã đánh bại Satan khi Ngài sống lại! Ở cấp độ cơ bản nhất, không có trận đấu cay cú nào về việc ai là Đấng Tối Cao. Chúa là Đấng Tối Cao trên Satan - câu chuyện kết thúc.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta phải hiểu một điều quan trọng: Chúa có Satan trong sự kiểm soát của Ngài. Nói cách khác, Satan chỉ có thể làm những gì Chúa cho phép hắn làm. Hắn bị hạn chế bởi quyền tể trị và cai trị của Chúa. [Nó không thể nhích một ngón tay nếu Chúa không cho phép] (* câu nói này không trong bài viết nhưng là của Cha Carlos Martin, linh mục trừ quỷ).

Hãy nghĩ đến Gióp. Chúa cho phép Satan gần như hủy diệt toàn bộ cuộc sống của Gióp nhưng đảm bảo rằng mạng sống của ông được giữ lại. Satan đã lấy đi tài sản, con cái và sức khỏe của Gióp (Gióp 1:13-21; 3). Đoạn văn này không nói rằng Satan đã thắng Chúa trong cuộc chiến đó. Không phải như thể Satan chiếm ưu thế trên Chúa. Chúa cho phép Satan hành hạ Gióp - nhưng hắn chỉ có thể đi xa đến mức Chúa cho phép. Satan bị giới hạn bởi những gì Chúa định đoạt trước đó.

… Chúng ta không nên đánh giá thấp Satan đến mức nghĩ rằng hắn không có ảnh hưởng. Đồng thời, chúng ta không nên đánh giá quá cao Satan đến mức nghĩ rằng hắn mạnh ngang với Đấng Toàn Năng. Satan có quyền lực, nhưng chỉ trong giới hạn mà Chúa cho phép. Hắn có ảnh hưởng, nhưng nó chỉ có giới hạn.

Chúng ta phải nhớ rằng, mặc dù Chúa đã cho phép Satan phá hủy cuộc đời của Gióp, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn vào phản ứng của Gióp. Đó là phản ứng của đức tin, của hy vọng, của lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự tốt lành và quyền tể trị của Chúa.

Share: