Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. (Êphêsô 5:21-23;25;32)
--------
Thánh Phaolô ở đây dạy rằng có một trật tự về quyền bính trong hôn nhân và người chồng là “đầu của vợ”, nghĩa là chồng là người lãnh đạo hôn nhân và gia đình của hôn nhân đó; người vợ phải tôn trọng vai trò lãnh đạo của người chồng và chiều ý vai trò đó.
Tất nhiên, lời này xúc phạm đến tai người nghe trong bối cảnh chính trị và xã hội hiện đại, vốn thậm chí không thể thừa nhận là có những khác biệt về thể lý giữa nam và nữ, càng không thể có nhận ra có những khác biệt về tâm linh, những vai trò khác nhau trong xã hội hoặc những vai trò khác nhau trong hôn nhân.
Lý do chủ yếu khiến chúng ta chống lại việc đón nhận lời dạy này của thánh Phaolô như mặc khải của Chúa là vì chúng ta chưa thanh luyện quan niệm của mình về sự thực thi quyền bính. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một cách cụ thể về điều này trong Bữa Tiệc Ly. Những gì Ngài nói, trước hết áp dụng cho chức vụ tông đồ của họ, được duy trì bởi những người kế vị họ là các giám mục, nhưng nó cũng áp dụng cho mọi tình huống lãnh đạo trong Giáo hội, kể cả trong gia đình:
Đức Giêsu bảo các ông : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lu-ca 22:25–26).
Ở đây, Chúa Giêsu dạy rằng các chức vụ quyền bính trong Nước Chúa – được nhìn thấy rõ ràng và cụ thể trong Giáo hội Chiến Đấu – luôn luôn và duy nhất là các chức vụ phục vụ, thực thi vì lợi ích của những người được dẫn dắt. Hơn nữa, người lãnh đạo hoặc người có thẩm quyền phải là gương mẫu của sự khiêm tốn và phục vụ. Ngày nay, điều này thường được gọi là “lãnh đạo phục vụ / công bộc của dân”. Điều đó không có nghĩa là người lãnh đạo không có quyền hành và chỉ là tấm thảm cho mọi người bước lên. Đúng hơn, nó có nghĩa là người lãnh đạo hoặc người có thẩm quyền phải luôn thực thi quyền lãnh đạo đó vì lợi ích của những người được giao phó cho mình.
Việc một người lãnh đạo trong Giáo hội sử dụng quyền lãnh đạo của mình cho những mục đích ích kỷ luôn là một tội. Tôi xin nhắc lại: Dùng quyền hành để tư lợi luôn là tội. Những vụ bê bối giữa các giáo sĩ, giám mục và thậm chí cả các hồng y đã gây nên đổ vỡ trong Giáo hội và chúng ta đã chứng kiến rõ những sự này. Chúng cho chúng ta thấy ví dụ kinh điển về việc lạm dụng quyền lực vì ích kỷ. Đây là một việc làm của ma quỷ, thậm chí là của Satan. Tôi không hề thiếu nghiêm túc hay khoa trương khi sử dụng những thuật ngữ đó; tôi nói điều này với suy luận thần học kỹ càng của tôi. Trọng tâm cuộc nổi loạn của Satan chống lại Thiên Chúa, là việc hắn từ chối sử dụng quyền lực hắn lãnh nhận với tư cách là người đứng đầu các tổng lãnh thiên thần để phục vụ nhân loại thấp hèn.
Theo logic của Sa-tan, sự phục vụ phải đi từ cấp dưới đến người lãnh đạo, từ “kém hơn” đến “lớn hơn”. Làm những gì Thiên Chúa đã làm là hoàn toàn trái ngược với ý thức của Satan về phẩm giá của hắn, trở nên người phàm, làm một hài nhi và phó thác bản thân cho loài người chăm sóc với tất cả những giới hạn của thụ tạo. Vì vậy, khái niệm về quyền lực nhằm mang lại lợi ích cho người lãnh đạo về bản chất mang tính chất của Satan: đó là quan điểm của Satan về quyền lực và cách hắn điều hành cách quỷ quái theo “chế độ cấp dưới” của nó.
Nếu chúng ta đưa điều này vào mối quan hệ hôn nhân, Thánh Phaolô nhìn nhận người chồng là đầu của người vợ. Nhưng trong phần còn lại của đoạn văn này, ngài tiếp tục thanh luyện và xác định lại ý nghĩa của việc thực hiện quyền làm chủ trong hôn nhân và gia đình. Thánh Phaolô nói, vai trò này đòi hỏi người chồng phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng yêu thương Hiền thê của mình là Giáo hội, cho đến chết. Không thể tưởng tượng được rằng Chúa Kitô lại là vị lang quân ngược đãi Giáo hội, hoặc Ngài sẽ sử dụng quyền lực của mình đối với Giáo hội để đạt được một số thú vui cá nhân gây thiệt hại cho Hiền thê của mình. Nếu điều đó là không thể tưởng tượng được trong mối liên kết giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người, thì điều đó cũng không thể tưởng tượng được trong hôn nhân Kitô giáo.
Một phần của nam tính là học cách lãnh đạo, và tự bản chất, khả năng lãnh đạo là hy sinh bản thân. Rõ ràng là hầu hết phụ nữ, với tư cách là người phối ngẫu, ai cũng muốn một người mà họ có thể tôn trọng và ngưỡng mộ, và đặc biệt là người mà họ có thể tin tưởng và người mà họ có thể tin tưởng trao phó bản thân mà không cần phải sợ hãi. Điều này là cần thiết, bởi vì con người là linh hồn có thân xác, việc sinh con là một quá trình tế nhị và gian khổ khiến người mẹ và con rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, đôi khi chỉ còn lại người chồng chu cấp, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng tổ ấm gia đình. Chúng ta biết về điều này cách sâu sắc trong bản thân của mình, đó là lý do tại sao chúng ta phản ứng cách tích cực với những biểu tượng của Thánh Gia, với Hài Nhi Giêsu được bao bọc trong vòng tay của mẹ Ngài, nhưng sau đó là mẹ và con được bao bọc trong vòng tay của Thánh Giuse. Chúng ta nhìn và nói: vâng, đây là cách diễn tả đúng đắn về nam tính và nữ tính, về mầu nhiệm bổ sung cho nhau trong việc phục vụ Sự Sống và Ơn Cứu Rỗi.
Trở lại với lời giảng dạy của Thánh Phaolô về hôn nhân, chúng ta có thể kết luận rằng không có cách giải thích đúng đắn nào về đoạn văn này có thể dẫn tới một dạng biện minh nào đó về “sự ưu việt của đàn ông” hay tự coi mình là trên hết, bởi vì ngay khi người ta nghĩ theo những đường lối đó, người ta đang bước trên con đường theo logic lãnh đạo của Satan. Có thể cho rằng, ở đây Thánh Phaolô giao nhiệm vụ khó khăn hơn cho người chồng, vì vâng phục người khác thì dễ hơn là đáp ứng những đòi hỏi của tình yêu hy sinh bản thân phù hợp với Chúa Kitô, theo hình ảnh Người hiến thân cho Giáo hội.
Thánh Phaolô kết thúc suy tư này bằng cách gọi hôn nhân là một “mầu nhiệm” cao cả, trong tiếng Latinh là sacramentum hay bí tích. Thật trớ trêu là, với tư cách là một người theo đạo Tin lành cam kết thực hiện sola scriptura (chỉ Kinh Thánh mà thôi), tôi đã từng phủ nhận rằng hôn nhân là một bí tích - vì đó là bí tích duy nhất trong số các bí tích được nêu tên rõ ràng như vậy trong scriptura / Kinh Thánh. Nhưng rõ ràng Thánh Phaolô đã đúng khi gọi nó là một mầu nhiệm và một bí tích, và đúng hơn chúng ta thường nhận ra, bởi vì hôn nhân là một biểu tượng đa nghĩa chứa đựng toàn bộ mầu nhiệm cứu độ bên trong nó. Trong sự kết hợp của hai ngôi vị mà tình yêu của họ được thể hiện trong ngôi vị thứ ba, chúng ta thấy gần như đây là sự nhập thể của chính Chúa Ba Ngôi. Và nơi tình yêu quên mình của người chồng làm cho người vợ được phong phú với nhiều hoa quả, chúng ta thấy hình ảnh ơn cứu độ của Chúa Kitô được thực hiện qua cuộc Khổ nạn của Ngài. Và điều này chỉ là bề ngoài, đó là lý do tại sao thiên đàng, trạng thái hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa trong thời sau hết, được miêu tả trong Khải Huyền chương 20–22 như một tiệc cưới. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B
0 nhận xét:
Đăng nhận xét