Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Nói Chuyện Giới Tính Với Con (Và Bản Thân)

Tác giả: Simcha Fisher
Bài viết được dịch từ chương 10 trong sách The Sinner’s Guide to Natural Family Planning
Người dịch: Têrêsa Phương

Khi con tôi đến một ngưỡng tuổi nhất định, tôi bắt đầu tạo một danh sách những điều cơ bản về tình dục và các mối quan hệ, mà tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ nên dạy con họ. Nếu bạn không dạy con cái về tình dục, người khác sẽ dạy con bạn. 

Nhưng việc dạy dỗ có thể vạch trần người dạy. Đôi khi, chỉ khi chúng ta dạy con cái về tình dục, chúng ta mới nhận ra rằng cách hiểu của chúng ta có vấn đề. Nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc nói về giáo lý Hội Thánh về tình dục cho con trẻ, đây là một cơ hội để ta tự hỏi bản thân: liệu ta có thực sự tin vào giáo lý Hội Thánh không?

Nếu chúng ta có cái nhìn về tình dục theo cách hiểu của thế gian (tình dục là một quyền lợi và là một nhu cầu, nhưng tình dục cũng chẳng quan trọng lắm), hoặc là hiểu một cách tiêu cực (tình dục là xấu, là một nghĩa vụ của người vợ), thì gần như rất khó để nói về những lợi ích của điều hòa sinh sản tự nhiên (NFP) – hay là tình dục trong hôn nhân. Và sẽ rất khó để dạy con bạn những gì mà chính bạn cũng không tin.

Đây là danh sách những điều căn bản mà tôi dùng để dạy con. Bạn có tin vào những điều này không? Bạn có thể dạy con bạn những điều này – không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cách làm gương cho con không?

1. Chúng ta được tạo ra để yêu và được yêu.

Đây là lí do chúng ta tồn tại. Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta với khao khát được thể hiện tình yêu với tha nhân và tìm kiếm tình yêu cho chúng ta. Điều này không bẩn thỉu – chúng ta không bẩn thỉu. Khao khát của ta dành cho tình dục chính là khao khát dành cho tình yêu. Thiên Chúa tạo ra hôn nhân để nó là một khuôn khổ an toàn, sinh hoa trái cho tình yêu. Bên ngoài hôn nhân, mọi biểu hiện của tình dục đều không an toàn hay sinh hoa trái. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có đối xử với người vợ/chồng mình như một người sinh ra để được yêu không? Tôi có nhìn bản thân như một người sinh ra để được yêu không?)

2. Tình yêu là sự trao hiến bản thân.

Lòng thương mến và khao khát đều đi kèm với tình yêu, nhưng bản thân tình yêu chính là sự quan tâm tới sự bình an của người khác. Nếu ta yêu ai đó, ta sẽ không lôi kéo người đó làm điều gì có hại cho người đó. Cách ta thể hiện tình yêu với bạn trai/bạn gái khác với cách ta thể hiện tình yêu với chồng/vợ. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi đã học được gì về tình yêu từ khi bước vào hôn nhân? Tôi đối xử với chồng/vợ khác như thế nào so với hồi chúng tôi còn hẹn hò?)

3. Chúng ta nói với nhau bằng ngôn ngữ thân thể. 

Điều này tức là chúng ta có thể nói dối với thân xác của chúng ta. Khi ta thân mật thể xác với ai, điều này có nghĩa là ta đã nói lời thề hứa chung thủy với người đó. Nếu ta chưa sẵn sàng nói lời thề hứa này với ai, đừng thân mật với họ về mặt thể xác. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi đã hiểu về ý nghĩa của việc tôi làm chưa? Tôi đã thực sự bỏ công tìm hiểu vì sao Giáo Hội không ủng hộ một số hành vi về thân xác, kể cả giữa các cặp vợ chồng chưa?)

4. Tình dục gắn liền với sinh sản (dù đây không phải là mục đích duy nhất).

Hãy dạy con về “ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản” của tình dục. Con cái nên được học về chu kỳ của người nữ để hiểu rõ rằng hệ sinh sản được hướng tới hoạt động sinh sản. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có nhìn con cái như một rủi ro, một món đồ, hay là một quyền lợi không? Thậm chí tôi có bao giờ nghĩ về con cái không?)

5. Thế gian sẽ có những lời nói dối.

Hãy có đủ can đảm để từ chối những lời nói dối này. Các con bạn cần tự ý thức để tránh những lời nói dối mà con bạn học từ các bộ phim, internet, và phim khiêu dâm. Hãy nói với con bạn: có đủ dũng cảm để nói không. Hãy đảm bảo rằng con bạn có khả năng gánh vác trách nhiệm, vì cần rất nhiều can đảm để đi ngược dòng. Thảo luận về những cách mà phim đen gây ảnh hưởng tiêu cực lên não bộ, và dạy con về cái cách mà nó phá hủy những cuộc hôn nhân và khả năng tận hưởng tình dục. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có thấy ổn với việc xem phim đen sau khi đã kết hôn không, hay là tôi cố gắng để từ chối những lời nói dối từ bên ngoài, kể cả về tình dục sau khi kết hôn?)

6. Tình dục luôn tạo nên sự gắn kết.

Điều này luôn đúng cho dù những người quan hệ tình dục có công nhận điều này không. Những sự gắn kết này là về mặt cảm xúc, tâm lý, thiêng liêng, và cả về mặt hoóc-môn. Ta sẽ không muốn tạo nên những sự gắn kết này trước khi cưới, bởi vì lúc ta cố gắng phá vỡ sự gắn kết này, ta sẽ chịu đau đớn vô cùng. (Hãy tự hỏi bản thân: Cách tôi hành xử có nuôi dưỡng và thánh hóa gắn kết giữa tôi và người vợ/chồng của tôi không, hay nó làm yếu đi?)

7. Kể cả khi tất cả mọi người xung quanh ta đều quan hệ trước hôn nhân, ta cũng không cần phải làm điều tương tự.

Sống khiết tịnh không có nghĩa là bạn sẽ thành người người “trên trời” hay lập dị. Bạn sẽ khác biệt một chút. Có những điều tệ hơn là trở thành người khác biệt. Người Công giáo, đừng để mình bị hòa tan sau khi hòa nhập. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có so sánh đời sống tình dục của chính mình với những gì mà tôi nghĩ người khác đang làm không? Cái nhìn của tôi về tình dục có khiến tôi chấp nhận hi sinh nhiều thứ không? Tôi có dám trở nên khác biệt không?)

8. Đức khiết tịnh luôn là một điều tích cực. 

Hãy hướng cuộc thảo luận về một điều rằng: tất cả mọi người (cho dù họ độc thân hay đã kết hôn, theo tôn giáo nào, khuynh hướng tính dục ra sao) đều được gọi để sống khiết tịnh, và tất cả mọi người đều sẽ có lúc trải qua giai đoạn độc thân khiết tịnh, vì nhiều lý do khác nhau. Mỗi bậc sống sẽ có những ranh giới nhất định, và luôn đáng để sống khiết tịnh ở bậc sống ấy. Cho dù ở bất kỳ bậc sống nào, việc sống phóng túng, trụy lạc cũng không bao giờ dẫn đến hạnh phúc. (Hãy tự hỏi bản thân: Đức khiết tịnh có ý nghĩa gì cho tôi sau khi kết hôn? Tôi và vợ/chồng tôi có đồng ý với nhau về điều đó không? Chúng tôi đang cố gắng để đạt được điều gì khi sống khiết tịnh cùng nhau?)

9. Ta có thể phá hủy ý nghĩa của tình dục.

Một số người sử dụng ẩn dụ “băng dính đã được dùng để dán”. Nếu ta liên tục tạo nên sự gắn kết và rồi phá hủy sự gắn kết đó, dần dần thì “băng dính” sẽ không còn “dính” nữa. Một người nhìn nhận tình dục như một hoạt động giải trí bình thường mà không có chút ý nghĩa sâu xa hay mầu nhiệm nào, là một người có sự đổ vỡ trong lòng. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có thực sự thành thật với bản thân là tôi đã bị tổn thương về mặt tình dục không? Còn vợ/chồng tôi thì sao? Tôi có thể làm gì để tìm kiếm sự chữa lành?)

10. Tình dục đẹp đẽ và nhiệm mầu.

Thực sự đấy. Bạn có từng bao giờ có một trải nghiệm tình dục nào khiến bạn thấy kỳ cục, đáng xấu hổ, và khiến bạn cảm thấy bị rẻ rúng và tổn thương không? Đây là bởi vì: (a) tình dục mà không có tình yêu thì đem lại cảm giác thật tệ; (b) tình dục là một kỹ năng. Vậy nên nếu ta chịu sự tổn thương, cảm thấy trống rỗng sau khi quan hệ tình dục, nó không có nghĩa là tình dục là vô nghĩa – nó có nghĩa là có gì đó đang không ổn ở đây. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có cái nhìn tiêu cực về tình dục trong hôn nhân không? Nếu đời sống tình dục của tôi không ổn, tôi cần thay đổi điều gì?)

11. Tình dục trước hôn nhân gây tổn thương cả hai, kể cả khi cả hai đều có ý định kết hôn với nhau. 

Nếu ta không bao giờ học cách hãm mình trước hôn nhân, ta sẽ gặp khó khăn khi hãm mình sau hôn nhân. Hơn nữa, quan hệ tình dục trước khi đưa ra cam kết biến mối quan hệ trở nên rối rắm. Một giáo lý viên từng thể hiện một mối quan hệ lành mạnh, vững chắc bằng cách xây một mô hình kim tự tháp. Tình dục là hình chóp đáy vuông. Khi xây xong kim tự tháp và đặt tình dục vào cuối cùng (trên đỉnh kim tự tháp), mối quan hệ rất ổn. Nhưng khi tình dục là thứ đầu tiên trong mối quan hệ (khi ta đặt hình chóp đáy vuông ở đáy), cả tháp sụp đổ, mối quan hệ không ổn vì nó không có nền tảng vững chắc. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi đang làm gì để xây dựng mối quan hệ vững mạnh trước sóng gió?)

12. Tuy nhiên, nếu ta đã lầm lỡ, không quá muộn để thay đổi.

Không có gì là quá muộn. Hãy nhắc nhở con cái rằng con luôn có thể đi xưng tội (và không gây khó dễ cho con). Gia đình nên cùng nhau đi xưng tội thường xuyên. Thường xuyên nhắc nhở con rằng con có thể nói chuyện với bạn hoặc ai đó mà cả con và bạn đều tin tưởng. Hãy cho con biết rằng bạn sẽ không bao giờ bỏ rơi con, kể cả khi con khiến bạn thất vọng – và Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi con. Không bao giờ là quá trễ. Nếu con sa ngã, con vẫn còn Thiên Chúa và ba mẹ. Đừng tuyệt vọng. Quá khứ của con không định nghĩa con là ai – nhưng điều con chọn trong hiện tại sẽ định hình tương lai của con. (Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có tin rằng Thiên Chúa có thể chữa lành không? Lần cuối tôi xưng tội là khi nào? Tôi đã nói với con về bí tích Hòa giải chưa?)

Cách dạy con về hôn nhân tốt nhất chính là làm gương cho con. Ta có thể nói bất kỳ điều gì ta muốn cho con trẻ, nhưng nếu ta không sống đúng lời ta dạy, thì con cái sẽ không nghe ta. Vậy nên khi ta nghĩ về việc dạy con, hãy bắt đầu từ chính bản thân.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét