Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

So sánh Tôn giáo: Kitô giáo và Phật giáo

Nhà thần học Công giáo vĩ đại người Đức, Romano Guardini, đã nói, trong bài suy niệm sâu sắc và chính thống sâu sắc về cuộc đời của Chúa Kitô, The Lord / Đức Chúa rằng, không có người nào trong lịch sử nhân loại từng tiến gần hơn với việc sánh ngang với tuyên bố vĩ đại của Chúa Kitô là Ngài việc biến đổi bản chất con người tận gốc rễ hơn Đức Phật (mặc dù theo một cách hoàn toàn khác). Huston Smith trong cuốn The Religions of Man / Các tôn giáo của loài người nói rằng trong lịch sử chỉ có hai người khiến mọi người kinh ngạc đến mức họ không hỏi “Ông là ai?” nhưng “Ông là gì? Người hay Thượng Đế?” Hai người đó là Đức Giêsu và Đức Phật.

Câu trả lời rõ ràng của Đức Phật cho câu hỏi này là: “Tôi là người, không phải Thiên Chúa”; Câu trả lời rõ ràng của Chúa Kitô là: “Tôi vừa là Con Người vừa là Con Thiên Chúa”. Đức Phật dạy: “Đừng nhìn vào ta, hãy nhìn vào dharma [học thuyết] của ta”; Đức Kitô nói: “Hãy đến với Ta.” Đức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp sáng ngọn đèn”; Chúa Kitô nói: “Ta là ánh sáng thế gian”. Tuy nhiên, trái ngược với ý định ban đầu của cả hai người, một số Phật tử sau này (giáo phái Tịnh độ) đã thần thánh hóa Đức Phật, và một số Kitô hữu sau này (người theo chủ nghĩa Arian và những người theo chủ nghĩa Hiện đại/ Modernists) đã tìm cách cởi bỏ niềm tin Đức Kitô là Thiên Chúa.

Trên thực tế, lời tuyên bố của Đức Phật và Chúa Kitô khác nhau đến mức chúng ta có thể tự hỏi liệu Phật giáo có nên được gọi là một tôn giáo hay không. Phật giáo không nói về Thượng Đế hay Brahman như Ấn Độ giáo, tôn giáo mà từ đó Phật giáo được phát xuất. Phật giáo cũng không nói về atman hay linh hồn. Trên thực tế, Phật giáo dạy học thuyết về an-atta, vô ngã, vô hồn - học thuyết cho rằng chúng ta được tạo thành từ ngũ uẩn (skandhas) của ý thức Vô ngã được đan kết với nhau bởi tính tất yếu nhân quả mà không có bất kỳ cơ sở thực chất, bản ngã hay linh hồn nào.

Phật giáo không phủ nhận Thiên Chúa. Phật giáo thinh lặng về Thiên Chúa. Phật giáo thuộc về thuyết bất khả tri, không phải vô thần. Nhưng Phật giáo không thinh lặng về linh hồn. Phật giáo phủ nhận tâm hồn có tầm quan trọng thực tiễn: Phật giáo dạy chúng ta đừng bị “dính mắc”, không để tâm hồn mình đi theo ham muốn, đừng có đam mê yêu thương. Thay vì agape (tình yêu tích cực) có tính cá thể, riêng biệt, có ý chí tự do, Phật giáo dạy về cảm giác từ bi phổ quát, phi cá nhân (karuna). Lòng trắc ẩn là điều chúng ta thường nghe nhiều hơn là agape ở phương Tây hiện đại.

Karunaagape hướng dẫn người môn đệ thực hiện những hành động vô cùng vị tha tương tự nhưng với tinh thần hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt này được minh họa bằng câu chuyện về một vị thánh bởi Phật giáo, chẳng hạn như Thánh Martin thành Tours, đã đưa áo choàng của mình cho một người ăn xin, thực chất là một tên cướp. Nhưng lời giải thích của nhà Phật giáo không phải là “bởi vì tôi yêu bạn” hay “bởi vì Đức Kitô yêu bạn” mà đúng hơn là “đây là điều người đã có sự giác ngộ sẽ làm, vì nếu bạn đang lạnh cóng và bạn có hai chiếc găng tay ở một tay và tay kia không đeo găng tay, thì việc đưa một chiếc găng tay cho tay kia chẳng phải là điều sáng suốt sao?”

Quan điểm của lòng bác ái đối với một Phật tử không phải là lợi ích của người nhận mà là sự giải thoát khỏi gánh nặng của bản thân của người cho. Mục đích tương tự cũng có thể đạt được mà không cần có người nhận. Chẳng hạn, hãy xem xét câu chuyện Phật giáo sau đây: Một người đàn ông chạy trốn khỏi con hổ ăn thịt người rồi chạy đến rìa một vách đá. Cách duy nhất là lối xuống. Anh ta tìm thấy một cây nho và trèo xuống; nhưng ở đó, dưới chân vách đá, có một con hổ ăn thịt người thứ hai. Sau đó, anh ta nhìn thấy hai con chuột, một đen và một trắng (yin and yang, âm và dương), đang nhai đứt cây nho phía trên anh. Ngay trước khi nó bị cắn đứt, anh nhìn thấy một quả dâu dại trên mặt vách đá. Anh ta hái và ăn nó. Nó rất là ngon! Người “chưa giác ngộ” sẽ thắc mắc mục đích là gì, hoặc tại sao anh ta không đánh lạc hướng con hổ bằng quả dâu tây. Nhưng những người “đã giác ngộ” sẽ giải thích câu chuyện ngụ ngôn như sau: Đối với con hổ, người đàn ông có mùi vị giống hệt như quả dâu tây đối với người đàn ông. Nói cách khác, người, hổ và dâu đều là một. “Ảo tưởng” về cá nhân được nhìn thấu. Không có linh hồn. Vì vậy không có sợ hãi - không sợ chết bởi vì không có ai ở đó để chết cả.

Theo Phật giáo, tính ích kỷ (ao ước ích kỷ) gây ra ảo tưởng về bản ngã. Theo phương Tây, trong xã hội thế tục cũng như tôn giáo, cái tôi là nguyên nhân và tính ích kỷ là kết quả. Agape là một hiệu ứng khác xuất phát từ cùng một nguyên nhân: lòng vị tha từ cái tôi thay vì lòng tự cao từ cái tôi. Đối với người Phật tử, agape là điều không làm thể được; không có cái tôi nào mà không có tính ích kỷ, không có bản ngã nào mà không có tính ích kỷ, bởi vì bản ngã không phải là một nguyên nhân thật để có thể nghĩ đến việc thay đổi hiệu ứng của nó. Đúng hơn, bản ngã là ảo tưởng do lòng ích kỷ gây ra.

Làm thế nào thuyết hư vô rõ ràng này, triết lý về hư vô này, có thể mang lại sự giải phóng đối với những người theo đạo Phật? Câu trả lời nằm ở chính Đức Phật: nhân cách và những biến cố trong cuộc đời của Đức Phật, đặc biệt là “sự giác ngộ vĩ đại” của Đức Phật. Như Chúa Giêsu, Đức Phật đã dạy một bài học rất sốc. Và, giống như Chúa Giêsu, Đức Phật được tin tưởng chỉ vì nhân cách của mình. “Thánh thiện từ từng đầu ngón tay” là cách Đức Phật được mô tả. Nếu bạn hoặc tôi nói những điều Đức Phật hay Chúa Giê-su đã nói, chúng ta sẽ bị cười nhạo. Có điều gì đó sâu sắc và cảm động ở đó khiến điều khó tin trở nên đáng tin cậy.

Các sự kiện trong cuộc đời của Đức Phật rất bi kịch và cung cấp manh mối cho điều này. Tuy nhiên, không phải cuộc đời hay nhân cách của Đức Phật là trọng tâm của Phật giáo; có thể có Phật giáo mà không có Đức Phật. (Tất nhiên, không thể có một Kitô giáo nếu không có Đức Kitô, ngoại trừ một người theo chủ nghĩa Hiện đại, người mà đối với họ Kitô giáo về cơ bản là Bài giảng trên núi.) Đức Phật là một danh hiệu, không phải một cái tên - cũng như danh hiệu Đức Kitô (Đấng Mêsia). Đó là tuyên bố thiết yếu của Đức Phật; vì nó có nghĩa là người đã giác ngộ hay người đã thức tỉnh. Đức Phật khẳng định tất cả chúng ta đều đang ngủ say về mặt tâm linh cho đến khi trải nghiệm sự giác ngộ hoặc thức tỉnh. Đây là câu chuyện về việc Đức Phật đã thành Phật, về việc một người thức tỉnh như thế nào.

Sinh ra là Siddhartha Gautama, con trai của một vị vua hy vọng người thừa kế của mình sẽ trở thành vị vua thành công nhất trong lịch sử Ấn Độ. Thái tử được bảo vệ trong một cung điện của những thú vui trần thế để khiến vương quyền trở nên hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Nhưng sự tò mò đã khiến thái tử lẻn vào thế giới cấm kỵ bên ngoài, nơi thái tử nhìn thấy “tứ cảnh khốn khổ”. Ba người đầu tiên là một người bệnh, một ông già và một người chết. Thái tử Tất Đạt Đa vô cùng bối rối trước những bí ẩn mới được phát hiện về bệnh tật, tuổi già và cái chết, nhưng không có giải quyết. Rồi đến cảnh tượng thứ tư: một người khổ hạnh ăn xin đã từ bỏ thế gian để tìm kiếm sự giác ngộ. Thái tử Tất Đạt Đa cũng quyết định làm như vậy.

Sau nhiều năm suy ngẫm về bí ẩn sâu sắc nhất của cuộc đời: Tại sao con người lại bất hạnh? Sau nhiều năm tra tấn thể xác để giải thoát tâm hồn, tất cả đều vô ích, Thái tử Tất Đạt Đa quyết định đi “trung đạo” giữa sự buông thả trước đó và sự tự hành hạ bản thân sau này. Sau khi ăn một bữa ăn tươm tất lần đầu tiên sau nhiều năm, ngài ngồi kiết già dưới gốc cây bồ đề thiêng liêng ở Benares và quyết tâm không đứng dậy cho đến khi được giác ngộ. Khi đứng dậy ông tuyên bố mình là Đức Phật. Thái tử Tất Đạt Đa đã vượt qua được bí ẩn lớn lao của cuộc sống.

Sự đột phá phải được trải nghiệm chứ không chỉ bằng lời nói. Phật giáo về cơ bản không phải là một học thuyết mà là một kinh nghiệm. Tuy nhiên, Đức Phật cũng diễn đạt bằng lời một tín điều (Giáo Pháp): “tứ diệu đế” tóm tắt mọi điều Ngài dạy. Bất cứ khi nào Đức Phật bị đệ tử ép phải vượt ra ngoài Tứ Diệu Đế, Ngài đều từ chối. Mọi thứ khác đều là “những câu hỏi không có xu hướng khai trí”.

Chân lý cao quý đầu tiên là tất cả cuộc sống đều là dukkha, khổ đế. Từ này có nghĩa là rời xa hoặc tách rời - một cái gì đó tương tự như tội lỗi nhưng không có chiều kích cá nhân, quan hệ: không phải một mối quan hệ tan vỡ mà là một ý thức tan vỡ. Sự tan vỡ nội tâm là “tin xấu” của Phật giáo, nó đi trước phúc âm hay “tin mừng” của Phật giáo.

Sự thật cao cả thứ hai là nguyên nhân của đau khổ là tanha, tham muốn, tham đắm, ao ước ích kỷ. Chúng ta đau khổ vì khoảng cách giữa điều chúng ta muốn và điều chúng ta có. Khoảng cách này được tạo ra bởi sự không hài lòng của chúng ta, việc chúng ta muốn có được những gì chúng ta không có hoặc muốn giữ những gì chúng ta có (ví dụ: cuộc sống, khiến chúng ta sợ chết). Như vậy dục vọng là kẻ thủ ác đối với Đức Phật, là nguyên nhân của mọi đau khổ.

Chân lý thứ hai này giải thích niềm tin vô ngã, vô hồn. Ham muốn tạo ra ảo tưởng về người khao khát xa lạ với đối tượng mong muốn, ảo tưởng về sự hai mặt. Sự giác ngộ là sự dập tắt ảo tưởng này. “Tôi muốn cái đó” tạo ra ảo tưởng về một cái “tôi” khác biệt với cái “cái đó”; và sự phân biệt này là nguyên nhân của đau khổ. Do đó, ham muốn là nhiên liệu của ngọn lửa đau khổ.

Sự thật cao cả thứ ba tất nhiên đi sau đó. Loại bỏ nguyên nhân là loại bỏ kết quả; do đó đau khổ có thể được dập tắt (niết bàn) bằng cách dập tắt nguyên nhân, là dục vọng. Loại bỏ nhiên liệu và bạn dập tắt được lửa.

Sự thật cao cả thứ tư cho bạn biết cách dập tắt ham muốn: bằng “Bát thánh đạo – con đường tám ngành cao quý” để giảm thiểu bản ngã trong mỗi lĩnh vực trong số tám lĩnh vực được xác định của cuộc sống, hướng nội và hướng ngoại (ví dụ: “chánh tư duy”, “chánh nghiệp”).

Nội dung của Tứ diệu đế đặc biệt là của Phật giáo, nhưng hình thức của nó lại mang tính phổ quát. Mọi tôn giáo, mọi triết lý thực tế, mọi liệu pháp, tinh thần hay thể chất, đều có bốn chân lý cao quý: triệu chứng, chẩn đoán, tiên lượng và đơn thuốc. Chúng lần lượt là hiệu quả xấu, nguyên nhân xấu, hiệu quả tốt và nguyên nhân tốt. Ví dụ, bốn chân lý cao quý của chủ nghĩa Platon là thói xấu, sự ngu dốt, đức hạnh và kiến thức. Bốn chân lý cao quý của chủ nghĩa Marx là xung đột giai cấp, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản và cách mạng. Bốn chân lý cao quý của Kitô giáo là cái chết, tội lỗi, Chúa Kitô và sự cứu rỗi. Thư gửi Rô-ma 6:23 tóm tắt cả bốn điều này: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết ; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.”.

Bước quan trọng nhất trong bốn bước là bước thứ hai. Bệnh nhân biết các triệu chứng của chính mình, nhưng chỉ có bác sĩ được huấn luyện mới có thể chẩn đoán được nguyên nhân tiềm ẩn của căn bệnh. Sau khi được chẩn đoán, hầu hết các bệnh đều có tiên lượng và đơn thuốc tiêu chuẩn có thể tra cứu trong sách giáo khoa y khoa. Về vấn đề quan trọng này, việc chẩn đoán vấn đề con người, Kitô giáo và Phật giáo xa nhau một trời một vực, vì Đức Phật thấy ước muốn của chúng ta quá mạnh mẽ, còn Chúa Kitô lại thấy chúng quá yếu đuối. Chúa Kitô muốn chúng ta yêu nhiều hơn chứ không ít hơn: yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trái tim. Đức Phật “giải quyết” vấn đề đau khổ bằng phương pháp an tử tinh thần: chữa khỏi căn bệnh ích kỷ và nỗi đau mà nó mang lại bằng cách giết chết bệnh nhân, bản ngã, cái tôi, linh hồn hoặc bản thể-tôi là hình ảnh của Thiên Chúa (I-image of God (I Am)) của con người.

Tuy nhiên, có lẽ mọi việc không hoàn toàn mâu thuẫn như vậy, vì dục vọng mà Đức Phật nói đến chỉ là dục vọng ích kỷ. Đức Phật không phân biệt tình yêu vị tha (agape) với tình yêu ích kỷ (eras); đơn giản là Đức Phật không biết gì về agape cả. Đức Phật biết sâu sắc và lên án ham muốn sở hữu thứ gì đó kém hơn chúng ta, như tiền bạc, tình dục hay quyền lực; nhưng Đức Phật không biết đến ước muốn được chiếm hữu bởi một thứ gì đó cao cả hơn chính chúng ta. Đức Phật biết về sự tham lam nhưng không biết đến Thiên Chúa. Và chắc chắn người phương Tây chúng ta, những người có đời sống và hệ thống kinh tế thường dựa trên lòng tham, cần phải nghe Đức Phật khi Ngài nói về những điều Ngài biết mà chúng ta đã quên. Nhưng những người theo đạo Phật còn cần được nghe điều họ chưa biết nhiều hơn nữa: tin mừng về Thiên Chúa và tình yêu của Người.

Chuyển ngữ từ Fundamentals of the Faith: Essays in Christian Apologetics

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét