Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Ra-pha-en và Gáp-ri-en
Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, về Tin Mừng.
Nên biết rằng “thiên sứ” là danh từ chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính, bởi các thánh thiên thần ở trên trời bao giờ cũng là thiên thần, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là “thiên sứ”. Các vị ấy chỉ là “thiên sứ” khi được sai đi loan báo một điều gì thôi. Các vị loan báo điều nhỏ thì gọi là “thiên sứ”, còn vị nào loan báo điều lớn thì gọi là “tổng lãnh thiên sứ”.
Quả thế, không phải bất cứ “thiên sứ” nào cũng được sai đến với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, mà phải là tổng lãnh thiên sứ Gáp-ri-en, vì một thiên sứ cao cả đến loan báo một việc hệ trọng thì thật là chính đáng. Người ta cũng biết đến một số vị nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó. Trong thành thánh trên trời, nơi tri thức đạt tới mức hoàn hảo nhờ ơn hưởng kiến Thiên Chúa toàn năng thì không cần có tên riêng, vì đâu phải không có tên mà ngôi vị các ngài không được biết đến. Nhưng chỉ khi nào đến với chúng ta để thi hành một tác vụ, thì ở giữa chúng ta các ngài mới mang tên gọi liên quan đến tác vụ đó. Vì thế, Mi-ca-en có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa”, Gáp-ri-en có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa” và Ra-pha-en có nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”.
Mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Mi-ca-en được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Bởi vậy, vì kiêu ngạo, kẻ cựu thù kia đã muốn nên giống Thiên Chúa, khi dám nói : “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa... ta sẽ nên như Đấng Tối Cao.” Trong ngày tận thế, lúc còn được thi thố sức mạnh của mình, trước khi chịu khổ hình đời đời kiếp kiếp, nó sẽ giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en, như lời thánh Gio-an nói: Có cuộc giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en.
Cũng thế, thiên sứ Gáp-ri-en mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Ma-ri-a làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến.
Như đã nói, thiên sứ Ra-pha-en cũng được giải nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”, vì khi người chạm tới đôi mắt của ông Tô-bi-a như làm công việc chữa bệnh, thì người xua tan bóng tối là sự mù loà. Vậy, gọi đấng được sai đến để chữa lành là “linh dược của Thiên Chúa”, thì thật là đích đáng.
“Việc Chúa Giêsu dạy về hai điểm cùng đích của cuộc cuộc sống con người sau cái chết - thiên đàng hoặc hỏa ngục, niềm vui vĩnh cửu của việc được kết hợp với Chúa hoặc sự sầu khổ của việc bị mãi mãi tách lìa khỏi Chúa Ngài - đã được liên tục khẳng định trong suốt truyền thống của Giáo hội. Tuy nhiên, nó thường bị các Kitô hữu ngày nay phủ nhận hoặc nhìn vào nó với một thái độ hoàn toàn nghi ngờ.
… Chân lý mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho chúng ta là chúng ta tự chọn số phận của mình. Với mỗi quyết định và hành động trong cuộc đời của mỗi một người, chúng ta tự định hướng thiên đường hoặc địa ngục cho mình, và vào lúc chết chúng ta lãnh nhận điều mà đã thực sự trở thành lựa chọn của chúng ta. C.S. Lewis đã diễn đạt điều đó rất hay: “Cuối cùng thì chỉ có hai loại người: những người nói với Thiên Chúa, “Xin cho ý Chúa được thể hiện”, và những người mà Chúa cuối cùng sẽ nói với họ, “Theo như ý người muốn”. Tất cả những người trong địa ngục đã chọn nơi đó. Không có sự tự lựa chọn, thì không thể có Địa ngục.” Nhưng Chúa không ngừng mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận lòng thương xót vô biên của Ngài, ngay cả vào lúc một người đang bước qua ngưỡng cửa vào cõi đời đời.” –Mary Healy, The Gospel of Mark
Từ Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo
“Hội Thánh dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình “lửa đời đời”. Vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc hằng khao khát, nên cực hình chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa.” –GLCG 1035
“Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục. Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Đấng "không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải" (2 Pr 3,9) : “Đây là lễ vật của chúng con là tôi tớ Cha và cũng là lễ vật của toàn thể gia đình Cha nữa, cúi xin Cha vui lòng chấp nhận. Xin an bài cho chúng con ở đời này được hưởng bình an của Cha. Xin cứu chúng con khỏi án phạt đời đời và thâu nhận chúng con vào số những người được Cha tuyển chọn” (Sách lễ Rô-ma, lễ qui Rô-ma 88). –GLCG 1037
Để ngăn ngừa trẻ em đi vào con đường sai lầm, bạn có đề nghị nào cho các bậc cha mẹ về phương cách dạy các em một hiểu biết lành mạnh về tình dục theo cái nhìn của Kinh thánh?
- Yeah, chúng tôi sẽ cần đến rất nhiều cuộc đối thoại về điểm này đặc biệt là khi các em lớn tuổi hơn. Khi các em còn trẻ tuổi hơn, chúng ta muốn nói tích cực về hôn nhân và sex vì hôn nhân và sex nối kết với nhau, thuộc về nhau.
Trong thời buổi này, chúng ta muốn nói về giới nam và giới nữ, thật tốt và thật tuyệt vời khi là một người con trai, thật tuyệt vời khi là một người con gái. Về con trai và con gái thì giống nhau và cũng khác nhau.
Một điều gia đình chúng tôi đã làm ở bàn ăn khi con cái chúng tôi còn rất bé… Tôi nhớ vào một đêm tôi hỏi, Có điều gì thật tuyệt vời nơi bố mà mẹ không có? Và điều gì tuyệt vời về mẹ mà bố không có? Chằng hạn chúng nó sẽ nói về râu xồm xòa của tôi và chúng tôi đi tiếp từ đó.
Một đứa con của tôi nói, “Con thích râu cứng của bố vì con thích chà mặt con vào mặt bố.” Và đứa khác nói, “Con không thích râu cứng cà vào da con và làm con đau.” Nhưng râu cứng của tôi là gì? Điều đó đang nói về Thiên Chúa như thế nào? Có một khía cạnh nào đó của Chúa thì cứng rắn hơn? Có một sức mạnh muốn tung con lên cao rồi bắt được con?
Còn mẹ thì sao? Và rồi chúng tôi có thể nói về việc mẹ cho con bú, sự mềm mại của mẹ chúng. Vợ tôi là một người lãnh đạo tuyệt vời nên chúng tôi có những lĩnh vực hoạt độngtrùng nhau theo ranh giới của khuôn mẫu giới tính.
Nhưng chúng tôi chỉ muốn thúc đẩy con trẻ của mình có sự sáng tạo và suy tư về việc làm con trai hoặc con gái là điều tuyệt diệu thế nào.
Khi con cái lớn hơn, chúng ta phải có những cuộc đối thoại thành thật, minh bạch về thực tại chúng ta đang sống; điều này chúng tôi cũng nói đến khi chúng nó còn nhỏ hơn. Nhưng trong gia đình chúng tôi, những cuộc đối thoại rất thường xảy ra khi coi phim, nghe nhạc, xem truyền hình.
Chúng tôi tìm để nhận ra đâu là những giả tạo và điều gì là thật, và khi sự thật bị trộn lẫn với sự giả dối. Tôi nói cho bạn biết, có những lúc tôi tức giận về những gì chúng tôi nhìn thấy. Trên truyền thông, họ chiếu những thứ mà tôi không thấy là tốt đẹp. Tôi cho bạn một ví dụ và đây là một ví dụ không vui cho tôi.
Đó là cuộc đối thoại gây cấn khi đang xem một chương trình chúng tôi ưa thích. Rồi có một cặp tuổi teen, cô gái có bầu và quyết định phá thai. Họ đi đến Viện Planned Parenthood, Planned Parenthood do Hollywood trình bày. Tôi phải thành thật nói rằng cảnh ấy được trình bày cách tuyệt vời.
Trong phòng chờ, có nhạc, có những cuộc nói chuyện… có nhạc nền và cận cảnh khuôn mặt của những đứa bé. Trên bàn của những người làm việc ở đó.... Tôi không biết điều tôi thấy có thực sự là vậy trong các viện khám của Planned Parenthood, nhưng trên bàn của phòng đợi này… tôi không chắc chắn về dòng chữ nhưng có những lời nói như, “Chúng tôi ở đây phục vụ bạn bất kể sự gì xảy ra.”
Tôi thậm chí không để ý lắm, tất cả những gì tôi thấy là họ làm cho nơi này như thể là một môi trường xinh đẹp. Tôi bấm nút để dừng ở cảnh đó, và nói, “Các con này, cái tổ chức này là một tổ chức xấu (phá thai, bán bộ phận của thai nhi). Điều họ đang diễn là một điều bịa đặt. Các con không thể tin vào cảnh này.” Câu nói đó của tôi đưa đến đủ loại phản ứng từ con cái của tôi.
Con tôi nói cho tôi biết về những cuộc nói chuyện tại trường. Con cái chúng tôi cảm thấy bị che mắt và nói, Bố mẹ không nói cho chúng con biết những điều tốt lành Planned Parenthood làm. Tôi phản ứng, “Tốt lành? Sự tốt lành nào?” Và con cái chúng tôi chia sẻ những gì chúng nghe từ bạn bè của chúng.
Tôi thì như thể, Ok, hít sâu vào… tôi cảm thấy như tôi đang thua trận, Tôi thầm thì, Chúa ơi, chúng nó đã nhiễm độc con cái của con, con phải làm gì đây? Và như thể Chúa Thánh Thần cho tôi nhìn lên tivi và nhìn thấy cảnh, có một hàng chữ có ý nói, “Chúng tôi đón nhận các bạn bất kể sự gì.” Tôi nhận ra dù đúng hay sai, sự thật hay giả dối đối với thực tại, bóp méo hay không, con cái của tôi đang nghe thấy những thông tin từ cảnh này.
Cảnh ấy chạm đến trái tim chúng nó, về điều chúng nó khát khao là có được một nơi mà chúng nó cảm thấy được chấp nhận ngay cả khi chúng nó đã sai phạm, nơi chúng nó có thể đến khi chúng nó đang gặp vấn đề rất rất phức tạp. Tôi không muốn chúng nó đi đến nhờ vả Planned Parenthood. Tôi muốn chúng nó đến với tôi.
Đó là những đối thoại khó khăn mà chúng ta cần tham gia vào với con cái của chúng ta. Chúng ta cần lắng nghe, đón nhận và đưa ra lời chỉ dạy như tôi nhận ra vẻ đẹp đang được trình bày trên tivi, chúng ta cần phân tích, cần nhổ cỏ lùng ra khỏi điểm này vì tôi nghĩ đó không phải là sự thật trọn vẹn. Tôi cùng gặp những khó khăn với con cái của tôi, bạn viết sách với tôi cũng gặp khó khăn cùng với con cái của mình.
Đây là những đối thoại khó khăn, đây là lĩnh vực chuyên môn phức tạp nhưng tôi không chút nào muốn trốn tránh. Và những cuộc đối thoại đó, dù là xảy ra trong ngôi nhà của chúng tôi, hay xảy ra ở phòng ký túc xá ở đại học khi chúng nó phải rời khỏi nhà, tôi muốn những đối thoại đó xảy ra tại nhà vì ít nhất chúng tôi có thể cùng tham gia trao đổi ý kiến với con cái.
Đó là một vài ý kiến của tôi. Dĩ nhiên, tôi có thể nói nhiều hơn.
- Đó là những điểm tuyệt vời. Bạn cần hiện diện ở đó với con cái để xem phim để những cuộc đối thoại này có thể xảy ra. Có mặt ở đó và chúng nó có thể sờ khuôn mặt của bạn. Thật nực cười khi bạn nói đến điểm đó. Trong gia đình tôi cũng vậy.
Đứa con gái 8 tuổi của tôi thích mỗi khi tôi cạo râu bóng bẩy, trái lại đứa con trai 6 tuổi, Joseph nói nó thích khi mặt của tôi có gai râu. Hai đứa tranh cãi qua lại nên bây giờ điều tôi bắt đầu làm là tôi cạo sạch sẽ nửa khuôn mặt và khuôn mặt bên kia chưa cạo khoảng hai ngày. Mấy đứa con ưa thích điều đó. Khi đứa con gái đến hôn tôi, nó nói ồ tuyệt quá. Rồi khi Joseph đến để hôn tôi, nó thích gai râu.
Điều đó thật vui. Tôi định nói lên điều đó để chọc anh là anh nên cạo chỉ nửa khuôn mặt. Nhưng tôi nghĩ tôi chỉ nói đùa thôi, nhưng anh lại làm thật.
Tôi đã làm điều đó tháng trước. Con tôi rất thích điều đó nên tôi chỉ cạo nửa bên và chúng nó vô cùng vui thích. Nhưng điều anh nói về Planned Parenthood, đúng thực là đập vào con mắt bạn: Chúng tôi ở đây là cho bạn. Chúng tôi chỉ muốn hỗ trợ bạn.
Tuần vừa rồi tôi được phước đi đến mái ấm ở Phoenix và chứng kiến những điều tuyệt diệu tại nơi đó dành cho những người mẹ trẻ, giúp đỡ họ.
Những người làm nơi đó kể cho tôi về một người mẹ đã đến đó gần đây, cô đi đến Planned Parenthood nói, “Tôi đang có thai và đã mất chu kỳ vài lần rồi. Tôi muốn được siêu âm.” Họ trả lời, “Không, không, chúng ta không cần làm việc đó. Chúng tôi không làm việc như vậy. Bạn chỉ cần 3 ngày, chúng tôi sẽ cho bạn những viên thuốc, blah blah…”
Và khi họ từ chối việc siêu âm, cô ấy biết có sự gì đó rất sai. Cô ấy rời nơi đó đi xuống nơi mái ấm này và họ trả lời, “Chúng tôi sẽ siêu âm cho chị”. Và cô ấy có bầu đã 18 tuần. Khi cô thấy hình ảnh của đứa bé cô ấy khóc nức nở và biết mình như thể đã ở trong miệng con chó sói. Nghĩ tới việc cô suýt chút xíu là tiêu hủy mạng sống đó làm cô kinh hoàng.
Khi tôi đến nơi đó, họ có một nhà nguyện xinh đẹp và trong nhà nguyện, họ có tấm hình của Đức Mẹ, đang cưu mang Chúa Giêsu. Tấm hình có vẻ rách nát và không có vẻ đẹp đẽ. Họ nói, “Bạn có biết câu chuyện của tấm hình này không? Trước đây Planned Parenthood đã bị đóng cửa trên cùng con đường này. Khi họ dọn dẹp nơi đó, khi họ đập phá họ tìm thấy dưới những tấm lót sàn nhà của phòng mổ phá thai, tấm hình này, đang úp ngược lại.
Đó là tấm hình Đức Mẹ Guađalupê, dưới những tấm lót sàn nhà, nơi mà việc phá thai được tiến hành. Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy, chúng tôi không biết liệu có phải người công nhân xây dựng như thể muốn cắm chất nổ dưới phòng phá thai để khi quả bom thiêng liêng này nổ tung, phá tan nơi đó. Và thực sự nơi đó đã đóng cửa. Hoặc ai đó trong ngành công nghiệp phá thai muốn cười nhạo món quà sự sống và mầu nhiệm nhập thể.
Nhưng điều này làm bạn lạnh cả xương sống về bản chất quỷ dữ của việc này. Vậy mà họ muốn tạo nên cái nhìn rằng, “Chúng tôi đây để phục vụ bạn và cho bản có khả năng chọn lựa để lập kế hoạch cho việc làm cha mẹ của bạn.Thực sự ra việc làm cha mẹ không hề là điều họ muốn giúp đỡ bạn lập kế hoạch.
Nhưng quay trở về với trọng tâm: bạn cần hiện diện, ở đó với con cái bạn trên ghế sa lông, xem điều chúng nó xem. Không gì có thể thay thế việc đó được.
Chúng ta có thể thiết lập thiết bị ngăn ngừa nhưng nếu bạn không có ở đó, không chỉ là có một thời gian chất lượng, nhưng là số thời gian cần có để chỉ ở đó với con cái. Tôi nghĩ bạn sẽ đồng ý đó là điều quan trọng số 1 mà những đứa trẻ cần.
- Đúng vậy. Tôi có nói trước đây, công nghệ thông tin là một phần của vấn đề. Không phải công nghệ chỉ là tệ hại. Tôi không có ý đó. Chúng ta không thể có video này nếu không nhờ công nghệ của ngày hôm nay.
Nhưng giải pháp của vấn đề là về tương quan vì sự khao khát là về tương quan. Sex nơi cốt lõi của nó là về tương quan. Có một sự gì đó đã được kết cấu trong con cái chúng ta và trong chúng ta và điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể làm với con cái là về mối tương quan.
Có rất nhiều điều trong lĩnh vực này và đó là một trong những lý do chúng tôi viết cuốn sách. Chúng tôi muốn cha mẹ tự tin trong việc có những đối thoại đó. Chúng tôi muốn cha mẹ cảm thấy họ có thể nối kết với con cái họ.
Trong quá khứ, đã có những tài liệu khác nhau, chỉ rằng bạn hãy đọc cho con cái nghe, tỏ bày điều này cho con cái.
Tôi đã luôn làm việc với người lớn và mỗi một người trong họ, gặp khó khăn với tổn thương tình dục, khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện về cuộc đời của họ, họ bày tỏ rằng họ biết họ đã ao ước để có sự nối kết với cha mẹ của họ. Họ ước gì bố họ đã không làm như vậy, họ ước là mẹ họ đã nói… hoặc bố họ đã nói… hoặc đã không nói…
Một phần tại sao chúng tôi viết cuốn sách này là vì chúng tôi tin chắc chắn rằng con cái của bạn không cần chúng tôi. Con cái của bạn cần bạn và chúng tôi chỉ muốn giúp bạn có mặt ở đó với con cái của bạn với phương cách có lẽ tuyệt vời hơn so với khả năng của bạn lúc này.
Trước khi chúng ta kết thúc, làm sao người ta có thể liên lạc với anh, tìm được cuốn sách Treading Boldly Through a Pornographic World, và cách để biết nhiều hơn về công việc mục vụ và những công việc khác của anh.
- Cám ơn anh, Jason. Bạn có thể xem trước về cuốn sách tại TreadingBoldbly.com, bạn có thể mua ở amazon hoặc những tiệm sách Kitô giáo, hoặc ở bất cứ nơi nào bạn mua sách. Và bạn có thể tìm biết về công việc của chúng tôi tại RegenerationMinistries.org. Mong rằng mọi người tìm đến.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc. 7, 31-37)
Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta giai thoại Đức Giêsu chữa lành một cách thật kỳ diệu một người bị câm điếc. Người ta mang đến cho Đức Giêsu một người bị câm điếc và người ta cầu xin Người đặt tay chữa lành anh. Nhưng trái lại, Đức Giêsu lại thực hiện trên người câm điếc này những loạt những cử chỉ: trước tiên, Người đưa anh ra một nơi xa, xa hẳn đám đông dân chúng. Trong dịp này, cũng như trong những trường hợp khác, Đức Giêsu luôn luôn hành động một cách kín đáo. Người không muốn gây ấn tượng mạnh nơi dân chúng, Người không hề tìm cho mình được lòng dân chúng, hay được thành công, nhưng Người chỉ muốn làm điều thiện, làm điều tốt lành cho mọi người. Qua thái độ này, Người dạy chúng ta rằng, điều thiện phải được thực hiện cách âm thầm, không phô trương khoác lác, “không kèn không trống”. Việc thiện phải được thực hiện trong sự thinh lặng.
Khi Đức Giêsu đã ở riêng ra một nơi, thì Người liền đặt các ngón tay của Người trong đôi tại của người câm điếc, và Người dùng nước miếng của Người xức vào lưỡi của người câm điếc. Cử chỉ này đưa chúng ta về lại biến cố Nhập Thể. Con Thiên Chúa là một con người đã đi vào trong thực thể nhân văn: Người đã làm người, chính vì thế, Người có thể hiểu được thân phận khó nhọc của một con người khác, và Người can thiệp với một cử chỉ, mà qua đó, bao hàm cả nhân tính của Người. Và đồng thời, Đức Giêsu cũng muốn làm cho chúng ta hiểu rằng, phép lạ có được là nhờ Người kết hợp với Cha của Người; và để được thế, Người ngước mắt lên trời. Đoạn Người thốt lên một tiếng thở dài, và Người đọc lời mang tính quyết định: “Effata!”, nghĩa là: “Ngươi hãy mở ra!” Và ngay lúc ấy, người câm điếc đã được chữa lành: đôi mắt của anh đã được mở ra, và lưỡi của anh đã được tháo cởi. Đối với anh, chữa lành này là một sự “mở ra” với người khác và với thế giới.
Trình thuật Phúc Âm hôm nay làm nổi bật nét đòi hỏi phải có một sự chữa lành kép. Trước tiên, chữa lành khỏi bệnh tật, và khỏi sự đau khổ về mặt thể lý, để thân xác phục hồi được sức khỏe, ngay cả khi chúng ta không đạt được một cách hoàn toàn mục đích tính này trong viễn tượng trần thế, dầu cho có nhiều nỗ lực về mặt khoa học và y học. Nhưng chúng ta cũng thấy có một vụ chữa lành thứ hai, có thể là khó khăn hơn nhiều, đó là chữa lành khỏi sự sợ hãi. Chữa lành khỏi sự sợ hãi, một sự sợ hãi làm cho chúng ta gạt ra ngoài lề xã hội bệnh nhân, gạt ra ngoài lề xã hội con người đang đau khổ, con người khuyết tật. Và có nhiều hình thức gạt ra ngoài lề xã hội như thế, thậm chí với một sự thương hại mang tính giả hiệu, hay bằng cách loại trừ vấn nạn; người ta vẫn cứ sống cấm điếc, khi đối diện với những nỗi đau khổ của những con người bị ghi dấu bởi bệnh tật, bởi những âu lo và bởi những khó khăn vất vả. Rất nhiều khi bệnh nhân và người đau khổ trở thành một vấn nạn cho chúng ta, thay vì phải trở nên dịp để chúng ta và xã hội có thể biểu lộ sự ân cần, và tình liên đới đối với những con người yếu đuối nhất.
Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta bí quyết của một phép lạ mà chúng ta cũng có thể lập lại, khi chúng ta trở nên những con người chủ chốt trong phép lạ “Effath”, những con người chủ chốt của từ ngữ này, của từ ngữ “Ngươi hãy mở ra”, mà qua đó, Đức Giêsu đã cho người câm điếc được phục hồi lại lời nói và thính giác. Ở đây muốn nói đến việc chúng ta mở rộng lòng ra với những điều cần thiết của anh chị em chúng ta đang đau khổ, và đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, bằng cách từ chối tính ích kỷ và sự khép kín con tim. Chính con tim, nghĩa là hạt nhân sâu xa của con người, mà Đức Giêsu đã đến để “mở ra”, đã đến để giải phóng, để mang lại cho chúng ta khả năng sống trọn vẹn mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người đã làm người, để cho con người vì tội lỗi đã bị câm điếc về mặt nội tâm, lại có thể lắng nghe lời Thiên Chúa, lời Tình Yêu đang nói với con tim của con người, và như thế, học biết đến phiên mình, cũng nói ngôn ngữ của tình yêu, bằng cách biểu lộ ngôn ngữ này qua những cử chỉ quảng đại và tận hiến.
Ước gì Đức Maria, Đấng đã hoàn toàn “mở rộng lòng” đón nhận tình yêu Chúa, giúp chúng ta mỗi ngày, trong đức tin, trải nghiệm được phép lạ “Effath”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.