Tại sao hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần? Và tại sao nó lại xuất hiện trên đầu của các tông đồ? Bởi vì nó mang lại cho các tông đồ khả năng nói điều không phải ý nghĩ của họ mà là ý nghĩ của Chúa, không phải bằng lưỡi của chính họ mà với những ngôn ngữ mà họ chưa bao giờ học được từ loài người. Đây là một phép lạ từ thiên đàng.
Trong thần thoại ngoại đạo Hy Lạp, Prometheus đã đánh cắp ngọn lửa trên trời để ban cho loài người, và Zeus tức giận trước hành động từ thiện này đối với con người đến mức xích Prometheus vào một tảng đá. Nhưng trong Kitô giáo, Thiên Chúa không ghen tuông mà Ngài là tình yêu, và chính Người ban cho chúng ta ngọn lửa từ trời, Chúa Thánh Thần, sự sống của chính Thiên Chúa.
...Phép lạ của Lễ Ngũ Tuần là khi mọi người đều hiểu được ngôn ngữ của nhau, đã đảo ngược sự lao xao, bép xép của Tháp Babel, nơi ngôn ngữ bị xáo trộn. Nhân loại qua sự kiêu ngạo của mình đã xây dựng một tòa tháp vĩ đại để tấn công chính bầu trời và nói rằng: “Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời.” (Sáng Thế 11:4). Nhưng nền tảng của tòa tháp đó chỉ là niềm kiêu hãnh và sự thông minh của con người, và tòa tháp đó sụp đổ khi chính ngôn ngữ đã sụp đổ thành nhiều ngôn ngữ khiến người ta không còn hiểu nhau được nữa. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã đảo ngược sự xáo trộn về ngôn ngữ và khôi phục sự hiệp nhất giữa nhân loại, như sự nếm trước về thực tại thiên đàng, nơi tất cả chúng ta sẽ hiểu nhau và nói cùng một ngôn ngữ.
Và ngôn ngữ đó sẽ là ngôn ngữ nào? Tôi nghĩ thứ gần đúng nhất với nó trên trái đất là âm nhạc, ngôn ngữ phổ quát. Có một câu chuyện cổ của người Do Thái và Kitô giáo nói rằng Chúa tạo thành thế giới qua âm nhạc. Cả C.S. Lewis, trong Biên niên sử Narnia và J.R.R. Tolkien, trong tác phẩm Silmarillion của mình, đã sử dụng truyền thống đó trong những câu chuyện về sự sáng tạo của họ.
Lễ Ngũ Tuần “đem lại hiệu quả” bởi vì nó không kiêu căng cố gắng vươn lên trời từ dưới đất, như Tháp Babel, nhưng khiêm nhường từ trời xuống đất, như Chúa Kitô—Chúa Kitô đã nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Gioan 12:24 –25).
Đức Maria hiểu rằng đó là cách của Chúa trong bài Magnificat của Mẹ. Mẹ nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng caomọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lu-ca 1:51–53). Như Chúa Kitô đã nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt. 23:12). Tình yêu cho đi bản thân và do đó cứu lấy chính mình. Tình yêu chết và tình yêu sống lại. Không có gì không tự cho đi và chết đi sẽ được phục sinh.-- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul
0 nhận xét:
Đăng nhận xét