Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” --Lc 21,25-28.34-36

 


 

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre cho Chúa Nhật I Mùa Vọng

Có thể bạn đã từng có trải nghiệm này - nếu bạn đã từng đọc cuộc đời của các vị thánh, bạn nhìn thấy sức mạnh tinh thần đáng kinh ngạc của họ. Không chỉ khả năng ăn chay, hay cầu nguyện nhiều giờ liên tục, thiết lập các tu viện và tu viện, đi đến tận cùng trái đất để làm người khác trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, như các hội dòng truyền giáo, mà là sức mạnh thiêng liêng nhờ sự thánh thiện của họ.

Khả năng của họ để dẫn giúp nhiều người hoán cải và lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu, xuất phát từ thực tế là họ đã một đời thực tập những việc thiêng liêng. Họ không chỉ ngồi đó thơ thẫn suy niệm; họ không ngồi không. Họ cố gắng để trưởng thành mỗi ngày một hơn trong sự thánh thiện, cầu nguyện, ăn chay, đọc lời Chúa, dạy dỗ và rao giảng.

Tôi không biết về bạn, nhưng bất cứ khi nào tôi đọc cuộc đời của các vị thánh, tôi cảm thấy tôi yếu ớt như miếng bánh bèo về khía cạnh đời sống thiêng liêng, đúng không? Có thể bạn đã có trải nghiệm này: bạn mua những video về tập thể dục, bạn xem họ và sau đó bạn cố gắng làm những gì bạn thấy họ làm nhưng bạn không làm được. Tại sao? Bởi vì bạn không đủ mạnh.

Điều này cũng đúng trong đời sống thánh thiện. Chúng ta phải thực hiện các linh thao, các việc làm tâm linh nếu chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ, nếu chúng ta muốn phát triển sức mạnh. Chúng ta không thể chỉ nghĩ rằng bởi vì chúng ta đã được rửa tội, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Không, bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành con cái của Chúa, nhưng nó không làm cho chúng ta trở thành người lớn; nó không đưa chúng ta đến tuổi trưởng thành về tâm linh. Để trở thành người lớn, chúng ta phải học hỏi, chúng ta phải trưởng thành, nhưng chúng ta cũng phải tập thể dục. Chúng ta phải tập luyện những khả năng tâm linh của mình.

Vì vậy, tôi nghĩ điều này thật đáng chú ý và thực sự quan trọng là vào đầu năm phụng vụ, Giáo hội đặt trước chúng ta lời cổ vũ hãy tăng trưởng sức mạnh của mình Cầu nguyện, cảnh thức, và chuẩn bị cho việc Chúa đến qua những linh thao. Và điều đó sẽ tạo nên một giai điệu cho Mùa Vọng… Vì vậy, nếu bạn nhìn vào Mùa Vọng, bạn sẽ nhận thấy màu sắc phụng vụ cho Mùa Vọng là màu tím. Màu tím trong phụng vụ luôn là màu của sự sám hối; mùa sám hối. Mặc dù t Mùa Vọng không phải là mùa sám hối long trọng như Mùa Chay, nhưng chính màu sắc phụng vụ cho chúng ta biết rằng đó phải là thời gian rèn luyện tinh thần mạnh mẽ hơn.

 Cho dù đó là cầu nguyện, hoặc là ăn chay, hoặc là tình thức, dành thời gian chờ đợi Chúa Kitô, đọc lời Chúa, bất cứ điều gì có thể, như lần Chuỗi Mân côi. Bất cứ việc linh thao nào bạn chọn để thực hiện, cần có sự khác biệt cho những linh thao bạn làm trong Mùa Thường niên và những linh thao bạn làm trong Mùa Vọng. Bởi vì Giáo hội đang kêu gọi chúng ta chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa Giêsu. Bao gồm việc Ngài đến với chúng ta trong Lễ Giáng Sinh, nhưng theo một nghĩa nào đó, luôn trông chờ việc Ngài đến lần thứ hai vào thời cuối cùng, việc phán xét vào thời cánh chung, để sẵn sàng cho việc đứng trước tòa phán xét.

Khi tôi nói những điều này, bạn có thể đang nghĩ, Dr. Pitre đã 2000 năm rồi, Chúa Giêsu có thể sẽ không trở lại trong năm nay, đúng không? Có thể không. Có thể Chúa không trở lại lần cuối cùng trong Mùa vọng này, nhưng bạn có thể chết trong Mùa vọng này. Sẽ có những người chết trong Mùa Vọng này, có những người sẽ đi gặp gỡ Chúa Kitô, những người sẽ đứng trước tòa phán xét của Chúa Kitô, lãnh nhận việc phán xét riêng của họ. Không ai trong chúng ta biết ngày hay giờ xảy ra cuộc phán xét riêng của mình. Vì vậy, hãy khôn ngoan. Giáo hội đã kêu mời chúng ta hàng năm hãy cầu nguyện, tỉnh thức và sẵn sàng để gặp Chúa Giêsu. Đó là những gì chúng ta sẽ làm trong suốt Mùa Vọng.

Share:

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

CHÚA GIÊSU VÀ KHẨU NGUYỆN

Từ việc khảo sát khẩu nguyện trong Kinh thánh Do Thái giáo sang cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu đã tự mình thực hành khẩu nguyện và dạy các môn đệ bắt chước gương mẫu của Ngài.

Chúa Giêsu dùng Thánh vịnh để cầu nguyện

Vào thời Chúa Giêsu, sách Thánh vịnh là “Sách Kinh” cơ bản của người Do Thái.[8] Là một người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, hẳn Chúa Giêsu đã thuộc lòng những bài hát Thánh vịnh được dùng trong các lễ hội như Lễ Vượt Qua. Người cũng sử dụng những lời của Thánh vịnh trong lời khẩu nguyện của mình. Hãy nhìn vào một ví dụ: Khi sắp sinh thìtrên thập tự giá, Chúa Giêsu kêu lên với Chúa Cha,

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. (Lu-ca 23:46)

Với những lời này, Chúa Giêsu dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha. Đây là ví dụ tối cao về việc dùng khẩu nguyện như một của lễ hiến tế. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm. Ngài cũng đã trích dẫn từ Thánh vịnh:

Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín. (Thánh vịnh31: 5)

Chúa Giêsu không chỉ thuộc lòng những lời trong Thánh vịnh 31 mà còn biến những lời này thành lời của riêng Ngài trong lời cầu nguyện cuối cùng mà Ngài đã thốt ra. Tuy nhiên, trong khi Thánh vịnh dùng từ “ĐỨC CHÚA” (tiếng Híp-ri YHWH), thì Chúa Giêsu lại dâng lời cầu nguyện của Ngài với “Cha” (tiếng Hy Lạp patēr). Một trong những khía cạnh đặc biệt nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là việc Ngài nhiều lần khăng khăng nhấn mạnh với các môn đệ là họ hãy xưng Chúa là Cha của họ.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng lời riêng của Ngài

Ngoài những lời cầu nguyện thuộc lòng, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện bằng lời của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha ở nơi công cộng, nơi mọi người có thể nghe thấy Ngài (x. Lu-ca 10:21–22; Gioan 11:41–42). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với lời cầu nguyện dài nhất được ghi lại trong các sách Phúc âm — được gọi là “Lời nguyện thượng tế” — trước sự hiện diện của các môn đồ được chọn khi ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất (x. Gioan 17:1–26). Có lẽ xúc động nhất là lời cầu nguyện trong cơn hấp hối của Ngài ở vườn Ghết-sê-ma-ni:

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.”

…Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ…. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó.  (Mát-thêu 26:36, 39–40, 42–44)

Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu dùng lời nói để cầu nguyện, ngay cả khi Ngài ở một mình. Rõ ràng, Đức Giêsu không cần phải làm điều này, nhưng Ngài đã chọn để làm. Cũng lưu ý rằng Chúa Giêsu thậm chí còn lặp lại lời Ngài cầu nguyện, “nói lại cùng một lời” (Mát-thêu 26:44). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện của một người, mang tính cách con người trọn vẹn. Trong cơn hấp hối ở Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giêsu nêu gương cho các môn đồ tầm quan trọng của lời cầu nguyện tự phát và kiên trì với Chúa Cha, thốt ra từ trái tim.

Chúa Giêsu dạy các môn đồ của Ngài khẩu nguyện

Cuối cùng, khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Ngài đưa ra cho họ lời để cầu nguyện, dưới hình thức của Kinh Lạy Cha:

Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”  Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lu-ca 11: 1–4)

Chúng ta sẽ xem xét kỹ càng hơn phiên bản dài của Kinh Lạy Cha sau (x. Mát-thêu 6:9–13). Lúc này, điểm chính yếu là khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, thì Ngài đã cho họ những lời nhất định để nói — lời đầu tiên trong những lời đó là “Cha”. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cầu nguyện như Ngài cầu nguyện. Khi dạy họ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cho thấy Ngài vừa là thấy dạy vừa là kiểu mẫu của việc cầu nguyện bằng lời nói.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Share:

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Trích từ bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày lễ Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Trích bài giảng của thánh Xê-da-ri-ô, giám mục Ác-lơ.

Anh em thân mến, hôm nay nhờ lòng khoan nhân của Đức Ki-tô, chúng ta hân hoan mừng rỡ cử hành ngày kỷ niệm khánh thành ngôi đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dân Ki-tô hữu quả có lý khi trung thành mừng kính ngày trọng đại của Mẹ Hội Thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội Thánh mà họ được tái sinh vào cuộc sống thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần đầu, chúng ta là những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lần sau, chúng ta đã được trở nên những kẻ được Người xót thương. Lần sinh thứ nhất dẫn chúng ta đến cõi chết, còn lần sinh thứ hai lại đưa chúng ta về cõi sống.

Thưa anh em, trước khi được thanh tẩy, mọi người chúng ta là miếu thờ ma quỷ, nhưng sau khi được thanh tẩy, chúng ta thành đền thờ của Đức Ki-tô. Nếu chúng ta để tâm suy nghĩ nhiều hơn về ơn cứu độ linh hồn, chúng ta sẽ biết chúng ta là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá, nhưng đặc biệt Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây lên. Vì thế, thánh Phaolô tông đồ đã nói: Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em.

Và vì khi Đức Ki-tô đến, Người trục xuất ma quỷ ra khỏi lòng chúng ta để chuẩn bị ngôi đền thờ cho chính Người trong chúng ta, nên với sự trợ giúp của Người, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, để nơi chúng ta, Người không còn phải chịu sỉ nhục vì các việc làm xấu xa của chúng ta nữa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì sỉ nhục Đức Ki-tô. Như tôi đã nói: trước khi Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, chúng ta là đền đài của ma quỷ, về sau chúng ta lại được nên ngôi nhà của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã đoái thương làm cho chúng ta trở thành ngôi nhà cho Người ngự.

Vì thế, thưa anh em, nếu chúng ta muốn hân hoan mừng ngày cung hiến đền thờ, chúng ta không được dùng những hành động xấu xa để phá huỷ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Sở dĩ tôi nói như vậy là để ai nấy có thể hiểu rằng: mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì chúng ta cũng phải chuẩn bị chính tâm hồn chúng ta như thế.

Bạn muốn thấy ngôi thánh đường sạch sẽ ư? Bạn đừng làm cho linh hồn bạn ra ô uế vì những nhơ bẩn của tội lỗi. Nếu bạn muốn ngôi thánh đường rực sáng, thì Thiên Chúa cũng muốn bạn không được để cho linh hồn ra tối tăm, nhưng lời Chúa nói phải được thực hiện: ấy là ánh sáng của các việc lành chiếu sáng trong chúng ta và như thế, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, được tôn vinh. Bạn muốn vào ngôi thánh đường kia như thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, theo lời Người đã hứa: Ta sẽ ngự giữa họ và sẽ đi đi lại lại giữa họ.

Share:

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Bài đọc 2 từ Kinh Sách cho ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

Chúng ta hãy cùng chết với Chúa Ki-tô để cùng sống với Người

Trích sách của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, về cái chết của người anh là ông Xa-ti-rô.

Chúng ta thấy chết là một mối lợi và sống là một hình phạt. Bởi đó, thánh Phao-lô nói: Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Chúa Ki-tô là gì, nếu không phải là sự chết về thể xác, là thần khí ban sự sống? Vì thế, chúng ta hãy cùng chết với Người để cùng sống với Người. Chớ gì mỗi ngày chúng ta tập làm quen và yêu mến sự chết, để nhờ sự tách biệt này, linh hồn chúng ta học cho biết đoạn tuyệt với các dục vọng thể xác, và một khi được đặt ở chốn cao siêu, nơi các ham muốn trần tục không thể tới cũng không quyến rũ được nó, linh hồn đón nhận được hình ảnh của sự chết, để khỏi phải chịu hình phạt của sự chết. Quả vậy, luật của xác thịt thì chống lại luật của tinh thần và đưa luật này vào con đường lầm lạc. Nhưng phải dùng phương thuốc nào để trị liệu? Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Chúng ta có thầy thuốc, nên hãy theo phương thuốc trị liệu của Người. Phương thuốc của chúng ta là ơn Chúa Ki-tô, và thân xác phải chết là thân xác chúng ta. Vậy, chúng ta hãy đi ra khỏi thân xác chứ đừng đi ra khỏi Chúa Ki-tô; dù chúng ta ở trong thân xác, nhưng những gì thuộc thân xác, chúng ta đừng theo, cũng đừng từ bỏ quyền lợi của tính tự nhiên, nhưng hãy dành ưu tiên cho hồng ân của Chúa.

Còn phải nói gì nữa? Nhờ cái chết của một người, thế gian được cứu chuộc. Thật thế, Đức Ki-tô đã có thể không chết, nếu Người muốn, nhưng Người nghĩ rằng không được tránh cái chết bị coi như ô nhục ấy, cũng không có cách nào tốt hơn để phục vụ chúng ta cho bằng chết. Vì thế, cái chết của Người làm cho mọi người được sống. Chúng ta được ghi dấu bằng cái chết của Người; chúng ta loan truyền Người đã chịu chết khi chúng ta cầu nguyện; chúng ta rao giảng Người đã chịu chết khi chúng ta dâng lễ. Cái chết của Người là chiến thắng, cái chết của Người là mầu nhiệm, cái chết của Người là đại lễ hằng năm cho thế giới.

Khi gương của Chúa đã cho chúng ta thấy rõ chỉ có sự chết mới tìm được sự bất tử, và chính sự chết tự chuộc lấy mình, thì chúng ta còn nói được gì về cái chết của người anh em này nữa? Vậy, không nên buồn vì phải chết, bởi chết là nguyên nhân sinh ơn cứu độ cho mọi người; không nên trốn cái chết, vì Con Thiên Chúa đã không quản ngại, cũng chẳng trốn tránh.

Trước kia, cái chết đã không thuộc về bản tính loài người, nhưng nay đã nhập vào bản tính ấy; quả vậy, Thiên Chúa đã không lập ra sự chết từ ban đầu, nhưng đã dùng nó làm phương thuốc trị liệu. Một khi, vì tội bất tuân, con người bị kết án phải vất vả triền miên, phải than van khóc lóc, thì kiếp người trở thành khốn khổ. Cần phải chấm dứt các nỗi bất hạnh, để sự chết trả lại những gì sự sống đã đánh mất. Nếu không có ơn Chúa trợ giúp, thì bất tử sẽ là gánh nặng hơn là lợi ích.

Linh hồn phải ra khỏi cuộc đời rối ren, khỏi xác đất vật hèn lăn lộn trong vũng bùn nhơ, mà hướng về hội vui thiên quốc, nơi chỉ thần thánh mới tới được. Ở đó, linh hồn phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, lời ngợi khen mà qua bài đọc sách Ngôn Sứ, chúng ta biết có những nhạc công vừa gảy đàn vừa ca hát rằng: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh! Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa? Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan. Lạy Chúa Giê-su, linh hồn cũng được tham dự hôn lễ của Ngài với hiền thê; hiền thê không còn lệ thuộc vào trần gian, nhưng kết hợp với thần khí, được rước từ đất lên trời giữa muôn ngàn tiếng reo vui: Mọi phàm nhân sẽ đến với Ngài.

Điều vua thánh Đa-vít ước ao hơn cả là được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng những điều nói trên. Cuối cùng, vua nói: Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang.

Share: